Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM – bà Tô Thị Bích Châu mới đây nêu một phần của thực trạng “hành chính hóa” khi các thiết bị y tế của nước ngoài đã qua sử dụng, còn đảm bảo chất lượng được viện trợ cho Việt Nam, song phải trả lại dù các bệnh viện rất thiếu.

benh vien da chien dieu tri covid binh duong
Phòng chỉ huy của ICU, nơi tập trung bệnh nhân nặng nhất bệnh viện, tại một bệnh viện dã chiến ở Bình Dương, tháng 8/2021. (Ảnh: BS Quan Thế Dân/Facebook)

Tại buổi giám sát của đoàn ĐBQH TP.HCM về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động của dịch COVID-19 hôm 23/9, Chủ tịch Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, bà Tô Thị Bích Châu cho biết có nhiều bất cập trong quá trình nhận viện trợ của các tổ chức, cá nhân từ nước ngoài về dẫn đến bỏ lỡ cơ hội.

Dẫn ví dụ, bà Châu cho biết có nhiều cá nhân, tổ chức đã vận động máy móc, trang thiết bị y tế qua sử dụng ở nước ngoài về Việt Nam, trong đó có máy móc Mỹ mới sản xuất, về cảm nhận cá nhân thì thấy còn tốt vì Mỹ mới sản xuất và mới qua đợt dịch bệnh xong.

Bà Châu cho hay trước đây, thiết bị y tế đã qua sử dụng không cho nhập về dù là hàng từ thiện. Sau đó, Chính phủ đã “gỡ vướng” bằng văn bản đồng ý cho nhập về. Tuy nhiên, sau đó những lô thiết bị này đều bị trả lại vì phía Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể.

“Việc này ngành y tế, ngành hải quan biết rất rõ nhưng không ai giúp được. Chính phủ đã đồng ý nhưng ngành y tế có quan điểm ra sao thì không có trả lời nên dẫn đến kết quả đau lòng là hàng về tới Việt Nam rồi phải tái xuất trở lại vì không ai hướng dẫn, không ai trả lời. Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã có văn bản tiếp nhận, phân phối, chỉ chờ một văn bản của Bộ Y tế đồng ý, giao cho Sở Y tế TP.HCM thẩm định thì phân bổ liền”, bà Châu nói, truyền thông trong nước dẫn tin.

Bà Châu nói thêm vừa qua một tổ chức Hàn Quốc cho TP.HCM 20 chiếc xe cứu thương được sản xuất từ năm 2015 nhưng theo quy định thì chỉ nhận được xe sản xuất từ năm 2019 nên đành phải từ chối tiếp nhận dù TP vẫn còn thiếu xe cứu thương.

“Các bệnh viện ngày đêm trông chờ thiết bị nhưng phải trả về nơi xuất, đó là điều đau lòng”, bà Châu nói, đề nghị Sở Y tế báo cáo cụ thể hơn để Đoàn ĐBQH TP.HCM kiến nghị Chính phủ tháo gỡ.

Một tháng trước, tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM vào chiều 24/8, giới chức TP.HCM thừa nhận thiếu thiết bị y tế đã trở thành vấn đề.

Trong bối cảnh khoảng 33.000 bệnh nhân đang được tiếp nhận điều trị tại các trung tâm hồi sức cấp cứu tại TP, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thừa nhận áp lực về điều trị rất lớn, trong đó có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế.

Mặc dù vậy, thực tế này được giảm nhẹ theo cách nói của ông Hưng: “Áp lực điều trị cho những bệnh nhân này lên ngành y tế rất lớn, tuy nhiên chúng ta cũng được sự chi viện của Trung ương và Bộ Y tế cho đến giờ này đảm bảo được công tác điều trị cho bệnh nhân ở tầng 2 và tầng 3, tiếp tục mở rộng ở tầng 1… Đến nay, một số nơi còn thiếu một số trang thiết bị nào đó nhưng về cơ bản đã đáp ứng được công tác điều trị bệnh nhân”. 

Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại TP-HCM – ông Phạm Đức Hải cho rằng thiếu thiết bị y tế là sự “trăn trở” của nhiều người, và TP đã “hết sức trách nhiệm”:

“Vấn đề thiếu trang thiết bị là sự trăn trở, lo lắng, bức xúc của không phải cá nhân nào đó mà của rất nhiều người. Thành phố cũng đã thấy, cũng trăn trở, lo lắng về công việc như thế. Chúng ta nhìn lại năm 2020, khi chúng ta có một bệnh nhân người Anh, có vài người nhưng tập trung rất nhiều y bác sĩ cho công tác điều trị. Bây giờ đâu phải là một vài nữa. Do vậy đứng trước sự tăng lượng F0 như thế, thành phố đã hết sức trách nhiệm” – ông Hải nói.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

“Chờ” Bộ Y tế trả lời, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị TP cơ chế thu phí điều trị COVID-19 cho BV tư nhân