Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) – ông Hoàng Minh Sơn cho hay khu vực nào kiểm soát được dịch ở cấp độ 1, 2 có thể tổ chức dạy trực tiếp, nhưng triển khai cụ thể thế nào phụ thuộc vào đặc điểm, trách nhiệm của chính quyền địa phương.

hoc sinh do than nhiet
Học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) đang đo thân nhiệt trước khi vào lớp, tháng 3/2021. (Ảnh minh họa: hanoi.gov.vn)

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021 diễn ra chiều ngày 6/11, câu hỏi khi nào học sinh đi học trở lại, đặc biệt là với các vùng công bố dịch cấp độ 1, 2 được đặt ra.

Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết theo Công văn 4726 ngày 15/10, Bộ GD-ĐT đã UBND các tỉnh thành căn cứ phân loại đánh giá cấp độ dịch theo địa phương để quyết định việc dạy trực tiếp hay không.

“Khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại học tập, ví dụ dịch ở cấp độ 1, 2 có thể tổ chức dạy trực tiếp cho học sinh. Nhưng việc triển khai cụ thể thế nào phụ thuộc đặc điểm, trách nhiệm của chính quyền địa phương”, ông Sơn nói.

Như ngày 31/10, UBND TP Hà Nội có văn bản dự kiến cho học sinh đi học tại các khu vực có cấp độ dịch 1, 2, tuy nhiên, đến ngày 6/11 lại có văn bản mới tạm dừng việc đó, chỉ cho học sinh ở huyện Ba Vì đi học trở lại, chứng tỏ diễn biến tình hình dịch bệnh còn phức tạp – ông Sơn lấy ví dụ.

Hiện tại có 21 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp, có 18 địa phương kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến qua truyền hình, 24 địa phương vẫn học trực tuyến qua truyền hình, theo ông Sơn.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho hay trong tuần tới (tức tuần từ ngày 8-14/11), Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế dự kiến tổ chức Hội nghị trực tuyến để các Sở GD-ĐT, Sở Y tế, các quận, huyện để trao đổi về giải pháp phòng ngừa dịch ở các cơ sở giáo dục khi dạy học trực tiếp, từ đó có hướng dẫn các địa phương.

Ngoài ra, hai bộ này sẽ sớm ban hành bổ sung Sổ tay Y tế phòng chống COVID-19 trong các trường học, tổ chức tập huấn kỹ năng trên cả nước “để mỗi giáo viên đều có thể là cán bộ y tế trường học”, ông Sơn công bố.

Về việc tiêm vắc-xin cho học sinh, ông Sơn cho biết việc này nằm trong kế hoạch của Bộ Y tế, các địa phương, còn Bộ GD-ĐT có đề nghị các địa phương sớm có phương án tiêm cho các học sinh lứa tuổi 12-18 để có các yếu tố phòng dịch tốt hơn cho học sinh đến trường.

Ba ngày trước, ngày 3/11, tại cuộc họp bàn về việc phòng ngừa dịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay không thể đợi tiêm hết vắc-xin hoặc hết ca nhiễm trong cộng đồng mới cho trẻ đi học trở lại.

Xác định không thể “Zero COVID-19” trong trường học, ông Đam cho hay hai ngành y tế và giáo dục phải chuẩn bị các quy định để phòng ngừa dịch, cách xử lý khi có ca nhiễm.

“Đi học phải an toàn, kiểm soát được dịch, bảo vệ được sức khỏe cho các cháu và cộng đồng. Điều đó không có nghĩa tuyệt đối không có học sinh mắc COVID-19. Do đó, ngành giáo dục, y tế phải hướng dẫn rất chi tiết về các quy định phòng, chống dịch trong lớp học, khi ra chơi, phương án xử lý khi có ca mắc trong trường học…”, ông Đam nói.

Theo Công văn 4726 ngày 15/10 của Bộ GD-ĐT , cấp độ dịch được xác định theo quy mô cấp phường/xã, cấp quận/huyện, cấp tỉnh/thành phố. Nguyên tắc là “khu vực nào kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường”, áp dụng đối với cả giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Vùng dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (vùng xanh, vàng) sẽ tổ chức dạy học trực tiếp.

Vùng dịch ở cấp độ 3 (vùng cam) sẽ tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Các địa phương sẽ quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp; với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12, bảo đảm giãn cách.

Đối với vùng dịch ở cấp độ 4 (vùng đỏ), dạy học sẽ tổ chức theo các cách trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học….

Minh Sơn

Xem thêm:

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu “cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất” sau “zero COVID-19”