22 đường ở trung tâm TP.HCM dự kiến được tổ chức thành phố đi bộ trong 3 năm tới. Phạm vi tổ chức các phố đi bộ này xoay quanh tuyến Metro số 1 (dự kiến vận hành thương mại từ cuối năm sau).

pho di bo nguyen hue
Khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Sở GTVT TP.HCM vừa gửi UBND TP tờ trình đề án phố đi bộ khu vực trung tâm TP.

Theo đó, từ nay đến năm 2023, phố đi bộ được mở ở vòng xoay Công trường Quốc Tế, đường Phạm Ngọc Thạch, Công Xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Đồng Khởi (từ đường Nguyễn Du đến Lê Lợi), Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Các tuyến trên sẽ cấm các loại xe qua lại trong thời gian tổ chức phố đi bộ.

Đối với đường Nguyễn An Ninh, Lưu Văn Lang, sẽ ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe đi lại.

Tiếp đến, từ năm 2023 – 2024, thành phố mở rộng phạm vi phố đi bộ vào ngày cuối tuần trên đường Đồng Khởi (từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng), Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Công trường Lam Sơn (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Nguyễn Thiệp (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Mạc Thị Bưởi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Ngô Đức Kế (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi).

Các tuyến như đường Đông Du (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Mạc Thị Bưởi (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế (Đồng Khởi đến Công trường Mê Linh), Phan Văn Đạt, Tôn Đức Thắng (từ Nguyễn Huệ đến Công trường Mê Linh) sẽ ưu tiên đi bộ, hạn chế xe qua lại.

Từ năm 2024 – 2025, thành phố mở rộng phạm vi tuyến phố đi bộ vào các ngày cuối tuần gồm: đường Hàm Nghi (từ Tôn Đức Thắng đến vòng xoay Quách Thị Trang).

Đối với đường Tôn Thất Đạm (từ Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách sẽ ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe.

Như vậy, phạm vi tổ chức các phố đi bộ này xoay quanh tuyến metro số 1 (dự kiến vận hành thương mại từ cuối năm sau).

Theo giới chức thành phố, việc mở rộng các phố đi bộ giúp giảm xe cá nhân vào nội đô, phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ ở khu trung tâm – nơi có nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa…

Với đề án trên, tài khoản duongnhd90jp cho rằng “người đi xe máy của 22 đường chuyển thành đi bộ sẽ ùa về các con đường khác gây tắc nghẽn khủng khiếp hơn. Giải pháp để phát triển du lịch này không ổn, cần tính lại”.

AnhTuan Nguyen: “Mở đường, chống ngập, thêm mảng xanh cho các tuyến đường là những việc cần làm hiện tại, khi thành phố thông thoáng mát mẻ thì đâu cũng là phố đi bộ, người dân sẽ không còn ngại khi đi bộ ra đường nữa”.

Saigonese: “Chừng nào còn chưa quản lý được bán hàng rong, lái xe lên vỉa hè, đậu xe lấn chiếm lòng lề đường thì dù xây nhiều quảng trường lớn vẫn không giúp bộ mặt đô thị văn minh lên được!”.

Pham: “Mở thêm 22 phố đi bộ ở trung tâm thành phố là ý kiến hay cho không gian xanh và giảm ùn tắc khắp nơi. Nhưng cần hiện đại hóa và tiêu chuẩn hóa xe xích lô điện, xe taxi, xe buýt điện không gây tiếng ồn để tạo đủ thuận tiện và tiện nghi cho du khách và dân nội thành. Các hàng quán cũng không nên có nhân viên bước xuống lòng đường mời kéo du khách ghé cửa tiệm mình tạo ra một khung cảnh tồi tệ và hỗn loạn thiếu văn minh, trật tự”.

Paul Ho: “Mở phố đi bộ thì phải kèm theo rất nhiều dịch vụ nữa, mà không thấy nói tới, như gửi xe ở đâu (cả xe ô tô và xe máy), không thấy kèm dự án nhà giữ xe, nó sẽ gây ùn tắc giao thông ở những tuyến đường bắt đầu vào khu đi bộ.

Phố đi bộ phải kèm theo những tiện ích dịch vụ như ẩm thực, mua sắm… vẫn không thấy nói tới.

Điển hình, như phố đi bộ Nguyễn Huệ, dịch vụ ở đây không có gì; công viên bến Bạch Đằng (có quan cảnh đẹp để trải bộ) thì lại không có bãi giữ xe, nếu gửi xe quanh khu Nguyễn Huệ thì không có chỗ qua đường dành cho người đi bộ, muốn băng qua đường Tôn Đức Thắng là một trải nghiệm cảm giác mạnh dành cho mọi người…”

TP.HCM hiện có hai phố đi bộ cấp thành phố là Nguyễn Huệ (hoạt động năm 2015) và Bùi Viện (hoạt động năm 2017).

Năm 2020, quận 10 đầu tư 2,5 tỷ đồng tổ chức phố đi bộ ẩm thực, mua sắm theo mô hình kinh tế đêm trước chợ Nguyễn Tri Phương.

Năm ngoái, quận 3 đề xuất mở phố đi bộ ở khu vực Hồ Con Rùa, song phạm vi các tuyến đường trùng với nghiên cứu nên Sở GTVT đã gộp vào đề án trên.

Minh Long