Từ 0h ngày 23/8, shipper giao hàng bị cấm hoạt động tại TP Thủ Đức và các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, huyện Hóc Môn. Tại các quận huyện còn lại, shipper chỉ được hoạt động nội khu vực và phải có dấu hiệu nhận diện riêng. 

phong toa vung xanh tphcm 00
Một rào phong tỏa “vùng xanh” dựng bằng gỗ vụn, ràng kéo dây trong một khu phố tại TP.HCM, chiều 21/8/2021. (Ảnh: Người dân cung cấp)

Thông tin được công bố tại cuộc họp báo chiều 21/8, do trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP – ông Phan Nguyễn Như Khuê chủ trì và phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM – ông Phạm Đức Hải phụ trách phát ngôn, truyền thông trong nước đưa tin.

Theo công bố, từ 0h ngày 23/8 đến ngày 6/9, lực lượng giao hàng bằng công nghệ (shipper) sẽ phải dừng hoạt động tại TP Thủ Đức, và các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, huyện Hóc Môn.

Tại các quận, huyện còn lại, shipper chỉ hoạt động trong quận, huyện, không chạy khác quận, huyện và có dấu hiệu nhận diện riêng.

Những người được cấp giấy đi đường, gồm: Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; xử lý hạ tầng kỹ thuật. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị (không quá 10% trên tổng số). Các trường hợp đặc biệt khác do Thủ trưởng các cơ quan tự chịu trách nhiệm cấp giấy và có báo cáo cho Công an TP.

Các cơ quan cấp giấy đi đường phải thông báo số lượng và ký hiệu về Công an TP để kiểm tra, giám sát. Các ngành có đồng phục ngành và công nhân thực hiện các dịch vụ công ích phải mặc đồng phục của ngành. Công chức, viên chức và các nhóm lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch khác phải mặc áo nhận diện do TP cấp.

Trong khi ông Khuê cho rằng “sáng nay mật độ lưu thông đông hơn bình thường, tiến độ giãn cách hết sức lo lắng”, nên cần báo tin sớm để “dân hiểu”, thì ông Hải khẳng định “TP.HCM không thực hiện phong tỏa trong 2 tuần tới”.

Theo ông Hải, lâu nay lực lượng công an, quân đội, lực lượng y tế đã có, đã được trung ương tăng cường, lần này tiếp tục tăng cường thêm chứ không có nghĩa “thấy đưa quân đội vào nhiều là có gì đó”, Tuổi Trẻ dẫn tin từ họp báo.

Ông Hải cho biết người dân ở “vùng xanh”, “vùng vàng” và có điều kiện sẽ được tự đi chợ 1 lần/tuần. Những người dân khó khăn sẽ nhận được gói hỗ trợ và được Tổ công tác đặc biệt phát thực phẩm miễn phí.

Tại “vùng cam” và “vùng đỏ”, TP cũng sẽ cung ứng theo 2 nhóm. Người dân có điều kiện chưa cần sự giúp đỡ thì không đi ra ngoài, tổ công tác sẽ đi chợ giúp và người dân trả tiền. Nhóm người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ.

Trước câu hỏi: Người dân có nhu cầu mua hàng hóa hoặc cần hỗ trợ thì gọi ai? – ông Hải nói việc đầu tiên là gọi tổ trưởng, tổ phó khu phố, ấp mình đang sống; sau đó tổ trưởng, tổ phó khu phố, ấp sẽ giúp gọi cho chủ tịch phường để hỗ trợ.

Trường hợp người dân khó khăn thì gọi 1022, tiếp tục ấn số 2…

Đáng lưu ý, thông tin hướng dẫn trên đang gây khó hiểu với thông tin do Trung tâm báo chí TP.HCM chiều 21/8 đăng tải.

Cổng thông tin này cho hay Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Nguyễn Thành Phong ngày 20/8 đã ký Văn bản số 2789/BCĐ-VX, trong đó từ 0h ngày 23/8 (hoặc có thể sớm hơn), các cơ quan, đơn vị cần xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức , người lao động của cơ quan , đơn vị mình khi tham gia lưu thông (giao Công an TP hỗ trợ thực hiện).

Lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch và giải quyết các công việc khẩn cấp có thể áp dụng “3 tại chỗ” hoặc theo phân công luân phiên (giao Sở Nội vụ hỗ trợ thực hiện).

Sở Công Thương sẽ phối hợp với Công an TP quản lý hoạt động của shipper trong việc phân phối hàng hóa đến các hộ dân. Chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức nghiên cứu, thực hiện các biện pháp để người dân đi chợ 1 lần/tuần (đối với “vùng xanh”).

TP này sẽ xét nghiệm toàn bộ các hộ dân trong “ vùng đỏ ” bằng phương thức test nhanh, mẫu gộp.

Bổ sung xét nghiệm các nhóm sau: nhân viên siêu thị, lái xe vận chuyển hàng hóa, nhân viên cửa hàng thuốc tây, nhân viên công ty môi trường đô thị, công ty dịch vụ công ích thu gom rác (lái xe, thu gom rác), lực lượng trực các chốt, lực lượng hỗ trợ phòng, chống dịch, nhân viên tại các cửa hàng xăng dầu (7 ngày/lần).

Tại các khu vực có nhiều F0, TP yêu cầu thành lập thêm 400 trạm y tế lưu động (thành phần gồm 1 bác sĩ, 2 y tá, điều dưỡng, 4 tình nguyện viên Thanh niên xung phong, Thành đoàn). Mỗi trạm được trang bị các túi thuốc, 3-5 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ test nhanh… Chuẩn bị 100.000 túi thuốc điều trị FO tại nhà. Các việc này do Sở Y tế hướng dẫn, thực hiện.

Nguyễn Quân