Từ một học sinh giỏi, dưới áp lực và kỳ vọng của bố mẹ, P.V.H. (18 tuổi) dần khép mình, mất hứng thú rồi dần bỏ bê việc học, chơi điện tử thâu đêm và muốn tự sát. Chứng rối loạn trầm cảm của cậu học sinh đã sang giai đoạn nặng, khi tỷ lệ chuyển đổi từ ý tưởng tự sát sang nỗ lực tự sát lên tới 86,1% ở thanh thiếu niên.

tram cam tuoi hoc duong loi canh bao tu mot nam sinh truong chuyen
ThS.BSNT Lê Công Thiện – Trưởng Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần tại buổi hội thảo. (Ảnh: bachmai.gov.vn)

Những con số và trường hợp cảnh báo đáng chú ý về nguy cơ trầm cảm ở trẻ em, thanh thiếu niên vừa được các bác sĩ chia sẻ tại hội thảo “Trầm cảm học đường” diễn ra tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, chiều 11/10.

Theo con số thống kê được đưa ra tại hội thảo, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ em hàng năm là 0,3 – 7,8% ở trẻ em dưới 13 tuổi, 1 – 2% ở tuổi 13 và từ 3 – 7% ở tuổi 15. Các quốc gia có thu nhập thấp hơn hoặc trung bình có tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên cao hơn so với các quốc gia có thu nhập cao hơn.

Với tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ em nói trên, dưới 1% ở trẻ dưới 12 tuổi có các kế hoạch và nỗ lực tự sát. Tỷ lệ này tăng dần đến 15 tuổi, sau đó chậm hơn cho đến 17 tuổi.

Đáng chú ý, tỷ lệ chuyển đổi từ ý tưởng tự sát sang kế hoạch tự sát ở các thanh thiếu niên là 63,1% và tỷ lệ chuyển đổi từ từ ý tưởng tự sát sang nỗ lực tự sát lên tới 86,1%; những điều này thường xảy ra trong năm đầu tiên sau khi bắt đầu nảy sinh các ý tưởng tự sát.

ThS.BSNT Lê Công Thiện – Trưởng phòng tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần cho hay tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh.

“Trẻ em ở độ tuổi này có khả năng nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng (xung đột gia đình, chỉ trích, không đạt thành tích trong học tập) và thể hiện lòng tự trọng thấp, mặc cảm quá mức” – bác sĩ cho hay.

Bác sĩ Thiện cho hay trầm cảm ở tuổi học đường ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em.

Câu chuyện cảnh tỉnh: Nam sinh dần rơi vào trầm cảm dưới áp lực kỳ vọng

ThS.BSNT Đỗ Thùy Dung – Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần đưa ra dẫn chứng về trường hợp bệnh nhân P.V.H (18 tuổi) – một học sinh trường chuyên bị rối loạn trầm cảm, khi được thăm khám đã sang giai đoạn nặng, có ý tưởng tự sát.

Em H. được nhập viện vào cuối tháng 6 vừa qua với lý do buồn chán, muốn chết. Người thân cho biết bệnh nhân là con thứ 2 trong gia đình, có tính cách hiền lành, trầm tính, ít nói, ít chia sẻ.

Bệnh nhân sống cùng bố mẹ. Bố bệnh nhân là người nghiêm khắc, nóng tính, ít nói, luôn kỳ vọng rất nhiều vào các con, luôn mong muốn con phải học thật giỏi, thi được điểm cao. Người mẹ có tính cách dễ chịu hơn nhưng cũng ưa thành tích, luôn mong con đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Anh trai đi làm ở Hà Nội, thi thoảng về nhà chơi.

Theo chia sẻ của bệnh nhân với bác sĩ điều trị, trên lớp H. có ít bạn, chỉ tập trung vào học, về nhà không đi chơi, không tập thể dục, thời gian rảnh đọc sách, học bài.

Suốt các năm học tiểu học và THCS, H. luôn là học sinh giỏi và có niềm đam mê với môn tiếng Anh nên dành nhiều thời gian và đầu tư cho môn học này. Sau khi thi đỗ một trường THPT chuyên của tỉnh, H. được thầy cô chọn vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi tiếng Anh. Từ đây, bố mẹ luôn hối thúc H. học tiếng Anh với định hướng cần phải đạt chứng chỉ IELTS để dễ dàng vào đại học. Điều này khiến H. cảm thấy bị áp lực và dần dần chán nản, ghét cả môn học yêu thích.

Một thời gian sau, H. xin ra đội tuyển vì cảm thấy không còn hứng thú trong việc học. Điều này khiến bố mẹ buồn và hay mắng H., thường xuyên nhắc lại việc bỏ thi này. Dù vẫn cố gắng duy trì việc học các môn học, áp lực từ gia đình khiến H. dần mất hứng thú, chán nản bi quan, không có định hướng cho tương lai.

Khoảng 2 tháng trước khi đến bệnh viện khám, H. cảm thấy chán nản tất cả mọi thứ, không muốn học, trên lớp hay ngủ gục trên bàn, không đi chơi, không tham gia các hoạt động với lớp, về nhà thường xuyên ở trên phòng không ra ngoài, thường hay cáu kỉnh, khó chịu với mọi người xung quanh. Người nhà cho biết, H. ngủ ít, thường xuyên chơi điện tử tới 2-3h sáng và không học bài.

Do ăn uống kém, chán ăn nên H. sút cân nhanh. Lúc này, bố mẹ phải nhờ người cô ruột tới nhà nói chuyện cùng và đưa bệnh nhân đi khám. H. có chia sẻ với cô rằng chỉ muốn chết để kết thúc cuộc đời, cảm thấy cuộc sống không còn thú vị.

Tại bệnh viện, H. được chẩn đoán giai đoạn trầm cảm nặng có ý tưởng tự sát và được chỉ định nhập viện nhưng gia đình chưa thu xếp được người chăm sóc, bệnh nhân được kê đơn thuốc ngoại trú với sự theo dõi sát của gia đình.

Sau khi hết thuốc, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện, bệnh nhân không đi học, không nói chuyện với bố mẹ, sử dụng điện thoại nhiều, không chịu hoạt động, thường xuyên ở một mình trong phòng không ra ngoài, tiếp tục ý nghĩ tự sát.

Lúc này H. buộc phải nhập viện điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe tâm thần. Sau 2 tuần điều trị tích cực, H. tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vui vẻ, không còn suy nghĩ tiêu cực, nói chuyện với mọi người xung quanh nhiều hơn. Điều đáng mừng là H. cải thiện mối quan hệ với bố mẹ và có định hướng cho tương lai rõ ràng hơn. Tháng 7 vừa qua, H. xuất viện về nhà duy trì thuốc và tái khám theo hẹn, và vừa được tuyển thẳng vào một trường đại học ở Hà Nội.

Làm sao để biết trẻ đang bị “trầm cảm học đường”?

 Theo bác sĩ Thiện, việc phát hiện ra những biểu hiện ban đầu của trầm cảm học đường rất quan trọng, để từ đó có thể giúp “kéo” trẻ ra khỏi trầm cảm.

“Vậy ai là người phát hiện trầm cảm học đường?” – Các thành viên trong gia đình được xác định là người quan trọng nhất, đặc biệt là cha mẹ cần dành thời gian cho con hằng ngày để theo dõi diễn biến tâm lý con. Sau đó là thầy cô giáo, cán bộ lớp, đoàn trường, cán bộ y tế, tâm lý trường học, bạn bè.

Bác sĩ Thiện nhấn mạnh tương tác gia đình có vai trò quan trọng đối với sự khởi phát triệu chứng trầm cảm. Phong cách giáo dục của cha mẹ đã được xác định là yếu tố chính trong sự điều chỉnh về mặt tâm lý ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Hành vi của cha mẹ được nghiên cứu trên 2 góc độ: sự ấm áp và kiểm soát. Sự ấm áp có liên quan đến những khía cạnh như sự gắn bó, bày tỏ tình cảm, sự tôn trọng và quan tâm tích cực của cha/mẹ hoặc người chăm sóc chính. Trầm cảm ở trẻ em có liên quan đến nhận thức của chúng về việc được chấp nhận hoặc bị từ chối bởi người chăm sóc.

Theo đó, sự khởi phát trầm cảm ở trẻ em không chỉ từ những biến cố lớn (như sự mất mát người thân yêu, cha mẹ ly hôn, chứng kiến tự sát) mà những sự kiện căng thẳng nhỏ trong đời sống (bỏ học, bố mẹ mất việc, gia đình mâu thuẫn, khó khăn tài chính trong gia đình, người thân ốm) cũng có thể gây nên các triệu chứng của trầm cảm.

Ngoài ra, theo bác sĩ Thiện, ở từng độ tuổi, trẻ sẽ có những biểu hiện trầm cảm khác nhau. Đối với trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi có những biểu hiện như: khóc lóc, bướng bỉnh, cãi lời, hành vi gây hấn; buồn bã, bơ phờ, thiếu động lực, mất quan tâm, thu mình; lo lắng, ban đầu suy nghĩ về sự mệt mỏi của cuộc sống…

Đối với trẻ nhóm tuổi từ 11 tuổi đến 19 tuổi, triệu chứng là thờ ơ, tuyệt vọng, tức giận, cảm xúc không thích hợp, từ chối, thu mình; bơ phờ và thiếu động lực, mất quan tâm, tư duy và vận động chậm chạp, các vấn đề về hiệu suất/thành tích, suy giảm nhận thức.

Trẻ có thể ít chú ý hơn đến ngoại hình và nhạy cảm hơn với sự từ chối của bạn bè và trong các mối quan hệ lãng mạn; lo âu, chán ghét, thiếu tự tin, tự trách bản thân, nghiền ngẫm, lo sợ tương lai; hành vi tiêu cực hoặc chống đối xã hội; sử dụng rượu hoặc các chất bất hợp pháp, nguy cơ sử dụng chất cao như thuốc lá điện tử, cần sa… và tự sát.

Bác sĩ Thiện cho biết thêm trên thế giới, tỷ lệ toan tự sát ở trẻ em và vị thành niên ước tính 3-4%. Các nghiên cứu trước đây cho thấy hành vi tự sát và ý tưởng tự sát phổ biến hơn đáng kể ở trẻ gái (10-35%), nhưng tỷ lệ tự sát thành công ở trẻ trai cao gấp 3 lần trẻ gái. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang có xu hướng cân bằng ở 2 giới.

Sơn Nguyên