Từ ngày 1/4/2022, giờ làm thêm mỗi tháng của người lao động tại Việt Nam sẽ nâng từ 40 giờ lên tối đa 60 giờ, khống chế 300 giờ mỗi năm, với điều kiện người sử dụng lao động có nhu cầu và người lao động đồng ý.

noi tran gio lam them
Công nhân tại một công trường ở TP.HCM, tháng 12/2021. (Ảnh minh họa: CravenA/Shutterstock)

Quy định trên vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam thông qua vào chiều 23/3 (tỷ lệ 100%), tại Nghị quyết về số giờ làm thêm của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/4/2022 (riêng quy định về số giờ làm thêm trong một năm từ ngày 1/1/2022), đến hết ngày 31/12/2022.

Năm trường hợp không áp dụng tăng giờ làm thêm gồm:

  1. Người lao động từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi;
  2. Người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
  3. Người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
  4. Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng xa, biên giới, hải đảo;
  5. Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Mặc tỷ lệ biểu quyết công bố là 100% tán thành, có 2 quan điểm trái chiều, tương ứng với 2 phương án nới trần giờ làm thêm mỗi tháng đối với người lao động giữa phía Chính phủ, đại diện doanh nghiệp và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án 1 là nâng trần thời gian làm thêm trong một tháng từ tối đa 40 giờ lên tối đa 72 giờ (gấp 1,8 lần) theo đề xuất của Chính phủ, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ủng hộ.

Phương án 2, cho rằng việc nâng trần thời gian làm thêm lên mức không quá 72 giờ là quá cao, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đưa ra. Ý kiến đề xuất là nâng trần thời gian làm thêm từ tối đa 40 giờ mỗi tháng lên tối đa 60 giờ mỗi tháng (gấp 1,5 lần).

Ủng hộ phương án 1, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay một số doanh nghiệp thỏa thuận trực tiếp với người lao động để tăng giờ làm thêm do sức ép đơn hàng. Việc doanh nghiệp vẫn “ngấm ngầm” thỏa thuận trực tiếp với người lao động khiến quyền lợi của người lao động không được bảo đảm, khi tiền lương làm thêm giờ vào ngày thường ít nhất bằng 150%, ngày nghỉ hàng tuần ít nhất bằng 200%, ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300% – theo ông Dung.

Cùng đề nghị nâng trần lên tối đa 72 giờ mỗi tháng, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra lý do vì số công nhân mắc COVID-19 cao, trong 23 ngày đầu tháng 3 có hơn 4 triệu ngày công bị mất do công nhân nhiễm COVID-19. Ông Công nói việc tăng trần làm thêm không phải là ưu đãi cho doanh nghiệp mà là ứng phó với COVID-19, vì trách nhiệm khôi phục và phát triển kinh tế.

Phương án này cuối cùng không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua với các lý do như công nhân bị ảnh hưởng sức khỏe do hậu COVID-19; quyền tăng giờ làm thêm là của Quốc hội, Thường vụ chỉ được ủy quyền “nên phải thận trọng”…

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói doanh nghiệp muốn tăng năng suất thì phải cải tiến kỹ thuật. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nói dịch thì sức ép đối với việc gia đình, chăm lo con cái cũng lớn và giờ làm thêm tăng lên 60 giờ mỗi tháng cũng chỉ là tình thế trong thời gian dịch COVID-19.

Điều 106 Bộ luật Lao Động năm 2012 quy định khi được người lao động đồng ý, số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày. Trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần, tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm.

Trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, giờ làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm.

Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

Theo Thông tư số 18/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 do Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2022, giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày và giờ làm thêm của người lao động như sau: không quá 12 giờ một ngày; không quá 72 giờ một tuần; không quá 40 giờ một tháng; tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.

Người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục) hằng tuần. Đối với những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 04 ngày nghỉ cho người lao động.

Nguyễn Minh