56 ca bệnh đậu mùa khỉ có độ tuổi từ 18-49, hầu hết là nam chiếm 92,9% (có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam chiếm 78,6%).

viet nam co 56 ca dau mua khi co gan 93 la nam gioi
56 ca bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam có độ tuổi từ 18-49. (Ảnh minh họa: Viacheslav Lopatin/shutterstock)

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến ngày 31/10, Việt Nam ghi nhận 56 trường hợp nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ, bao gồm 2 ca nhập cảnh vào năm 2022.

Đặc biệt từ đầu tháng 7/2023 đến nay, Việt Nam liên tục ghi nhận các trường hợp ca bệnh.

Các trường hợp bệnh đã được ghi nhận tại 7 tỉnh/thành phố: TP.HCM (46), Lâm Đồng (2), Long An (2), Bình Dương (1), Đồng Nai (1), Tây Ninh (1), Cần Thơ (1), trong đó 01 trường hợp tử vong tại TP.HCM.

Các ca bệnh có độ tuổi trung bình là 32 (từ 18-49 tuổi), hầu hết là nam chiếm 92,9%. Trong đó, có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam chiếm 78,6%; dị tính chiếm 8,9%.

Có khoảng 63% những trường hợp bệnh đang nhiễm HIV, 46% trường hợp mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.

“Đây là dịch bệnh mới ghi nhận tại Việt Nam. Mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng nên trong thời gian tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới, đặc biệt tại các thành phố lớn khác ngoài TP.HCM”, Cục Y tế nêu.

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh, sự kiện tại cộng đồng, các cửa khẩu và lồng ghép hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Việc giám sát nhằm phát hiện ca bệnh kịp thời để tư vấn, chăm sóc, điều trị.

Khi phát hiện ca bệnh, các địa phương cần quản lý bệnh nhân và người tiếp xúc để không lây nhiễm thêm và lây lan ra cộng đồng. Người bệnh và bạn tình được tư vấn xét nghiệm HIV, trường hợp nghi ngờ mắc bệnh được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur hoặc Vệ sinh dịch tễ khu vực. Người dân được khuyến cáo đến viện khám hoặc thông báo cơ quan y tế khi có dấu hiệu bệnh.

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn… Bệnh có thể lây lan từ việc xử lý thịt rừng, vết cắn hoặc vết xước của động vật, chất tiết dịch cơ thể, vật nhiễm bẩn hoặc tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây lo ngại trên toàn cầu, dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất vào ngày 11/5/2023. Trước đó, ngày 23/7/2022, cơ quan tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Minh Long