Năm 2023, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức cao, với tỷ số giới tính khi sinh (SRB) là 112 bé trai trên 100 bé gái. Tỷ số này ở mức sinh học thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái.

thua nam thieu nu
Một bé gái miền cao nhận quà từ thiện Tết Trung thu, Khánh Hòa, ngày 30/9/2023. (Ảnh: Ho Vo Thanh Truong/Shutterstock)

Con số trên được đưa ra tại báo cáo Tình hình dân số, lao động và việc làm quý IV và cả năm 2023 do Tổng cục Thống kê đăng ngày 29/12/2023.

Năm 2022, tỷ số này là 113,7 bé trai trên 100 bé gái, được Tổng Cục Dân số đánh giá là “nghiêm trọng”. Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vào năm 2021 là khoảng 111,5 bé trai trên 100 bé gái, vẫn ở mức rất cao. Năm 2020, tỷ lệ giới tính khi sinh là 112,1 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có dấu hiệu tăng chậm lại trong những năm gần đây và dự báo sẽ giảm trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, khoảng cách cần rút ngắn còn khá dài so với mục tiêu “tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống” vào năm 2030. Tại thời điểm mục tiêu được đặt ra, năm 2017, Tổng cục Dân số xác định mỗi năm tiếp theo phải giảm 0,4 điểm phần trăm mới đạt được tỷ số trên (8 năm trước mỗi năm chỉ giảm được 0,1 điểm phần trăm).

Hiện tổng tỷ suất sinh (TFR) năm 2023 của Việt Nam ước tính là 1,96 con/phụ nữ. Mức sinh có xu hướng giảm nhẹ trong những năm gần đây và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

TFR của Việt Nam thấp hơn TFR trung bình của các nước Đông Nam Á (2,0 con/phụ nữ) và thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực. Chỉ số này của Việt Nam chỉ cao hơn 4 quốc gia trong khu vực là Brunei (1,9 con/phụ nữ), Philippines (1,9 con/phụ nữ), Thái Lan (1,1 con/phụ nữ) và Singapore (1,0 con/phụ nữ).

Việt Nam vào năm 2034 sẽ thừa 1,5 triệu nam giới trưởng thành

Số liệu của Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phản ánh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn.

Xét ở phạm vi 6 vùng kinh tế – xã hội, năm 2006, Việt Nam có 3/6 vùng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đến năm 2021, cả 6/6 vùng đã bị mất cân bằng giới tính khi sinh ở cả thành thị và nông thôn.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đặc biệt cao ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (114,1), tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (110,6). Đặc biệt có 6 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh rất cao trên 120 bé trai/100 bé gái như: Bắc Giang (126,8/100), Hà Nam (125,3/100), Hưng Yên (123,6/100), Sơn La (121,8/100), Hòa Bình (121,8/100), Bà Rịa – Vũng Tàu (121,1/100).

Việt Nam có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên (110/100), tức là các cặp vợ chồng đã nghĩ đến lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu. Đáng lưu ý, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình hình kinh tế khá giả. Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh trong nhóm nghèo nhất là 108,2 so với 112,9 ở nhóm giàu nhất.

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) năm 2020 từng đưa ra dự báo nếu không giảm mức chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh, Việt Nam vào năm 2034 sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trưởng thành (từ 15-49 tuổi). Con số này có thể tiếp tục tăng lên đến gần 2,5 triệu người vào năm 2059 (tương ứng với 9,5% dân số nam) nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao.

Trong khi đó, Tổng cục Dân số bi quan hơn khi dự kiến Việt Nam sẽ có 1,5 triệu nam giới dư thừa vào năm 2034 và có thể lên tới 4,3 triệu vào năm 2050 nếu không giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Theo báo cáo của UNFPA năm 2022, Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Còn Tổng cục Thống kê cho hay 0,4% phụ nữ trong độ tuổi 15-49 đang có chồng thực hiện việc nạo/phá thai và hút điều hòa kinh nguyệt (tỷ lệ này vào năm 2003 lên tới 1,7%), gây hệ lụy nghiệm trọng đối với sức khỏe và tính mạng của thai phụ.

Áp lực sinh con trai gây nên các vấn đề về tâm lý, gia tăng căng thẳng đối với phụ nữ, đặc biệt là khi người phụ nữ đó là con dâu trưởng hay có chồng là “độc đinh”. Việc không sinh được con trai có thể là nguyên nhân dẫn đến việc người chồng ngoại tình hay đối xử tệ bạc với vợ, làm gia tăng các vụ ly hôn.

Thiếu phụ nữ tạo áp lực kết hôn sớm với trẻ em gái, gây nên các hệ quả xã hội bất ổn như bạo lực, bóc lột tình dục, gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác.

Nam giới trẻ tuổi được dự báo sẽ bị dư thừa so với nữ do tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ, khiến nhóm này có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn để lập gia đình với người khác giới.

Sơn Nguyên