Chính phủ Việt Nam yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan liên quan làm việc, trao đổi với Campuchia để mua cát, sỏi phục vụ thi công các dự án đường bộ cao tốc.

viet nam tinh nhap cat tu campuchia de lam cao toc
Chính phủ Việt Nam yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan liên quan làm việc, trao đổi với Campuchia để mua cát, sỏi phục vụ thi công các dự án đường bộ cao tốc. (Ảnh: Aerial-motion/shutterstock)

Báo Vnexpress hồi tháng 10/2023 dẫn thống kê cho biết lượng cát đổ về từ thượng nguồn Mekong vào Việt Nam qua sông Tiền (Tân Châu, An Giang và Hồng Ngự, Đồng Tháp) và sông Hậu (Châu Đốc, An Giang) ước tính 2-4 triệu m3, thấp hơn nhiều so với ước tính trước đây là 6,8-7 triệu tấn.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát làm vật liệu san lấp hiện nay ở ĐBSCL rất lớn, nguồn cung tại chỗ hạn chế khiến nhiều tuyến cao tốc trọng điểm nguy cơ chậm tiến độ. Đơn cử, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 110 km cần 18,1 triệu m3 cát nhưng mới được cung ứng gần 1,5 triệu m3 (8%) khiến công trình chậm tiến độ 3 tháng.

Báo Lao Động hồi tháng 2/2024 dẫn lời ông Đặng Hoàng Vĩnh, Giám đốc Quản lý dự án, Ban điều hành cao tốc, thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ (chủ đầu tư), cho hay từ lúc khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (ngày 17/6/2023), đến thời điểm hiện tại, dự án thành phần 2 đoạn qua Cần Thơ vẫn chưa có một hạt cát nào được cung ứng tới công trường.

Do không có nguyên vật liệu cát san lấp nền đường, thời gian qua các nhà thầu chỉ làm cầu, dọn dẹp mặt bằng, cào bóc đất hữu cơ…

Theo ông Vĩnh, dự án thành phần 2 đoạn qua Cần Thơ cần khoảng 7 triệu m3 cát. Trong đó, tỉnh An Giang đã cam kết cấp một mỏ cát khoảng 2,3 triệu m3, dự kiến trong quý I/2024 sẽ có cát cho dự án thành phần 2.

Hơn 4 triệu m3 cát vẫn bị thiếu, ông Vĩnh cho rằng, đến nay vẫn chưa có nguồn.

Còn theo thống kê từ UBND TP.HCM cho thấy nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án khoảng 9,2 triệu m3, trong khi nguồn cung về vật liệu cát có nguy cơ thiếu hụt, chưa xác định được đầy đủ nguồn cung cấp.

Trong năm nay, vành đai 3 cần khoảng 7 triệu m3 cát phục vụ thi công, riêng TP.HCM cần khoảng 4,7 triệu m3 và sẽ rơi vào giai đoạn từ quý 2 – quý 4.

Trước tình hình thiếu cát xây cao tốc, Chính phủ Việt Nam vừa giao Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Ngoại Giao họp khẩn với phía Campuchia về phương án nhập cảng cát làm vật liệu xây dựng một số dự án đường và cao tốc tại TP.HCM, cũng như tại ĐBSCL.

Trước đó, tháng 10/2023, Công ty CP Tập đoàn TNT đã gửi Thủ tướng đề xuất nhập khẩu cát từ Campuchia làm vật liệu san lấp cho các dự án cao tốc tại ĐBSCL.

Tập đoàn TNT cho biết doanh nghiệp được Campuchia cấp phép khai thác cát trên dòng Mekong trữ lượng lớn nhất với hàng trăm triệu m3, mỗi ngày nhập 30.000 – 50.000 m3 cho các mục đích. Do vậy, doanh nghiệp cam kết đáp ứng đủ nhu cầu của các dự án cao tốc ở ĐBSCL về số lượng, chất lượng và giá cả.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, vận tải cũng như nguồn tín dụng để có thể nhập khẩu cát từ Campuchia với số lượng lớn, đáp ứng kịp thời nhu cầu các công trình.

Minh Long