Vụ “thi thể trong bê tông”: Sau một năm với nhiều thông tin bỏ ngỏ, 4 bị can bị truy tố
- Xuân Tường
- •
Cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương truy tố 4 bị can trong vụ án “thi thể trong bê tông” tại Bình Dương vì tội “Giết người”.
Ngày 23/4, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đã hoàn tất cáo trạng truy tố 4 bị can trong vụ án “thi thể trong bêtông” xảy ra vào tháng 5/2019.
Bốn bị can gồm Phạm Thị Thiên Hà (SN 1988) và Trịnh Thị Hồng Hoa (SN 1953, mẹ của Hà, cùng thường trú tại Q.Tân Phú, TP.HCM), Lê Ngọc Phương Thảo (SN 1990, quê Tiền Giang) và Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (SN 1979, ngụ TP.HCM) bị truy tố về tội “Giết người” theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, bị can Thảo bị truy tố thêm tội “Che giấu tội phạm” theo khoản 1 Điều 389 Bộ luật Hình sự; bị can Hoa và Huyên bị truy tố thêm tội “Không tố giác tội phạm” theo khoản 1 Điều 390 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, hai nạn nhân là Trần Đức Linh (SN 1969, quê Nghệ An) và Trần Trí Thành (SN 1992, ngụ TP.HCM).
Diễn biến sơ lược về vụ án mạng
Ngày 15/5/2019, Công an tỉnh Bình Dương cho biết công an tìm thấy hai thi thể bên trong hai khối bê tông tại căn nhà số 90 (tổ 3, ấp 5, xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng).
Ngày 18/5/2019, Công an tỉnh Bình Dương cung cấp thông tin cho báo chí rằng lực lượng chức năng đang tạm giữ 4 phụ nữ liên quan đến vụ án mạng.
Theo công bố trên truyền thông, 4 nghi phạm bị bắt giữ gồm Phạm Thị Thiên Hà; Trịnh Thị Hồng Hoa; Lê Phú Hạnh (54 tuổi, thường trú tại TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương); Lê Thị Phương Thảo.
Ngày 19/5/2019, Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án, tạm giữ 4 nghi phạm để điều tra về hành vi “Giết người”.
Ngày 23/5/2019, Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương khởi tố bị can đối với 4 đối tượng trên để điều tra về hành vi “Giết người”.
Các bản tin truyền thông dẫn nguồn từ cơ quan điều tra cho hay nhóm người đã khai nhận tội, trong đó nạn nhân Linh tử vong vào tháng 1/2019, nạn nhân Thành tử vong vào tháng 3/2019.
Chi tiết “Pháp Luân Công” trong bản cáo trạng
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương cho hay nhóm 8 người gồm 4 bị can trên, 2 nạn nhân và 2 người khác gồm Lê Phú Hạnh, Phạm Thị Việt An cùng luyện tập Pháp Luân Công do Hà làm trưởng nhóm.
Trong quá trình luyện tập, nhóm áp dụng nhiều “phương pháp” mới do Hà sưu tầm và nghĩ ra như “tịnh cốc” (nhịn ăn, nhịn uống trong 14 ngày), cắt đứt liên lạc với người thân… Trong quá trình này, nhóm này thường xuyên di chuyển, lựa chọn các địa điểm ít tập trung đông người, dùng bạt che (nếu là thuê nhà riêng).
Do thấy phương pháp tu luyện của Hà đặt ra là khổ hạnh, phản khoa học nên Lê Phú Hạnh và Phạm Thị Việt An đã rời khỏi nhóm.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, án mạng xảy ra do mâu thuẫn trong việc tập luyện giữa 6 người còn lại.
Nhiều thông tin cần được kiểm chứng
Trong một video phỏng vấn trực tiếp bà Lê Phú Hạnh, người từng theo nhóm của Hà nhưng sau đó đã rời nhóm, cắt liên lạc (do trang Đại Kỷ Nguyên thực hiện vào tháng 5/2019), bà Hạnh cho biết trong các ngày 17-18/5 đã cung cấp thông tin cho Công an tỉnh Bình Dương về nhóm của Hà và thông tin về môn tập mà nhóm này đang theo. Bà Hạnh cho hay những hành vi, biểu hiện của nhóm này, như hút thuốc, uống rượu…, không còn là tu theo Pháp Luân Công.
Tại hiện trường khám xét chiếc xe 7 chỗ BKS 51A-718.30 của các nghi phạm (clip do Báo Người Lao Động ngày 19/5 đăng tải), trong số các tang vật thu giữ có 2 cuốn Kinh Thánh Tân ước, 1 chuỗi tràng hạt. Đây là những tài liệu, vật dụng thuộc môn pháp khác do nhóm người này lưu trữ, song các chi tiết này không được đề cập đến như việc Pháp Luân Công bị đề cập tới xuyên suốt toàn vụ án.
Nội dung bản cáo trạng mới đây của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương cũng cho thấy nhóm này tu theo nhiều phương pháp do Hà tự nghĩ ra.
Ngoài ra, có một thông tin được báo chí đề cập song không khai thác sâu là việc căn nhà không có gì bất thường vào thời điểm cuối tháng 4 khi chủ nhà tới xem; tới khi giao nhà cho chủ mới, mọi người mới phát hiện 2 khối bê tông.
Báo Vnexpress ngày 17/5 dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra tỉnh Bình Dương cho hay gia đình ông Nguyễn Thanh Huân (chủ nhà mới mua) đã cùng ông Trần Minh Vương (chủ cũ căn nhà) tới xem nhà vào cuối tháng 4. Do “cửa bị khóa, cả nhóm phải leo rào vào trong. Khi đó, trong nhà không có các thùng nhựa, một số vật dụng sinh hoạt nằm lộn xộn”. Ông Vương cho biết người khách đồng ý mua nhà, đặt cọc, hẹn ngày 15/5 giao đủ tiền. Đến chiều 15/5, ông Huân đưa đủ tiền, ông Vương giao nhà và cùng dọn dẹp thì phát hiện hai thùng bê tông chứa thi thể.
Theo đó, dựa trên trình tự thời gian, trong khoảng nửa tháng, từ cuối tháng 4 đến ngày 15/5, trong căn nhà không có 2 khối bê tông.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 3, 4 người phụ nữ này đã đến thuê phòng tại Khách sạn Tiamo Phú Thịnh (nơi nhóm người bị bắt), theo lời của chủ khách sạn ngày 17/5 (News Zing ngày 18/5). Nhóm 4 người sống khép kín, chỉ cử 1-2 người ra ngoài mua đồ ăn, số còn lại đóng kín cửa, ít khi ra ngoài.
Điều này đặt ra mâu thuẫn khi nhóm 4 người phụ nữ đã đi khỏi căn nhà, sau đó chủ nhà và người khách đến xem nhà và không phát hiện ra điều bất thường, nửa tháng sau quay lại thì bên trong có 2 khối bê tông.
Nhận định của nhân chứng đập 2 khối bê tông cũng ít được chú ý. Về thời điểm tử vong của các nạn nhân, cơ quan điều tra cho biết các bị can khai nạn nhân Linh tử vong vào tháng 1/2019, nạn nhân Thành tử vong vào tháng 3/2019. Cả hai thi thể đều để bên ngoài, khi có dấu hiệu phân hủy, các bị can mới cho vào thùng nhựa, đổ bê tông.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng (55 tuổi, làm nghề bốc mộ) cho hay khi phá 2 khối bê tông, cả 2 thi thể vẫn còn nguyên vẹn. Với kinh nghiệm mấy chục năm bốc xác, ông Hùng dự đoán cả 2 nạn nhân mới bị sát hại. “Nếu một người chết lâu, tôi chỉ cần nắm phần tóc đã rơi ra ngoài”, ông Hùng nói. (News Zing ngày 16/5).
Ý kiến từ nhóm xã hội
Một năm trước, tại thời điểm xảy ra vụ việc, ngày 20/5/2019, trang Minh Huệ Net – cổng thông tin của Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) đã ra thông báo về việc “Pháp Luân Công cấm chỉ tự sát và sát sinh”.
Thông báo cũng cho biết về việc tháng 1/2001, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dàn dựng “vụ tự thiêu” của 5 người tại Quảng trường Thiên An Môn, sử dụng yếu tố giết người để tạo thành lý do tiến hành đàn áp môn tín ngưỡng này trên toàn quốc.
Trong bản thông báo ngày 20/5, trang Minh Huệ Net nhận định thủ đoạn này đang được sử dụng tại hải ngoại để gây nên những thông tin tiêu cực về môn pháp này.
Cùng thời điểm này, sau khi một vài kênh truyền thông tại Đài Loan dẫn thông tin từ các trang báo của Việt Nam về vụ án mạng tại Bình Dương, kèm thông tin tiêu cực về Pháp Luân Công, ngày 20/5, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Đài Loan ra lời kêu gọi giới truyền thông Đài Loan cải chính thông tin không xác thực về vụ việc ở Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân và giám sát việc lạm quyền bất hợp pháp.
RFA ngày 22/5 đưa nhận định của nhà báo Chu Vĩnh Hải, ngày 22/5/2019 từ Bà Rịa-Vũng Tàu:
“Vụ hai xác chết ở Bình Dương thật đau lòng. Tôi nhận thức được rằng, tất cả các tôn giáo trên thế giới, tôn giáo nào cũng có tín đồ gây ra tội ác, nhưng không thể đồng nhất tội ác của tín đồ đó với tôn giáo. Thành ra hai người ở Bình Dương phạm tội thì không có nghĩa Pháp Luân Công là tà giáo, cần phân biệt rõ.”
Vào tháng 5/2019, một số người tập Pháp Luân Công đang sinh sống ở Việt Nam và ở nước ngoài đã lên tiếng nói về môn tu luyện này và ý kiến xung quanh vụ án mạng tại Bình Dương.
Xuân Tường
Xem thêm:
Từ khóa Pháp Luân Công thi thể trong bê tông giết người đổ bê tông ở Bình Dương