Đó là yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

phung xuan nha
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: quochoi.vn)

Hội đồng giáo sư (GS) nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023 vừa tổ chức phiên họp thứ nhất.

Theo thống kê, năm 2019, tổng số thành viên các Hội đồng GS ngành/liên ngành là 276 người; trong đó có 162 thành viên đã tham gia từ nhiệm kỳ 2014-2019; số thành viên mới là 114 người. Số thành viên có chức danh GS là 256 chiếm tỷ lệ 92,75%, số thành viên có chức danh phó GS (PGS) là 20, chiếm 7,25%.

Hội đồng GS nhà nước đã công bố danh sách 28 ủy viên Hội đồng GS nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023. Những GS này đồng thời làm Chủ tịch của 28 Hội đồng GS ngành, liên ngành năm 2019. Các thành viên Hội đồng GS ngành/liên ngành được tuyển chọn theo tiêu chí mới của Quy chế Hội đồng GS nhà nước mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ – Chủ tịch Hội đồng đã ký.

Triển khai kế hoạch xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019, Văn phòng Hội đồng GS nhà nước đã ra thông báo về lịch xét, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học thành lập Hội đồng GS cơ sở, tổ chức tập huấn cho ứng viên, ủy viên Hội đồng GS cơ sở về công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019 theo Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng GS nhà nước cho hay việc xét chọn hồ sơ ứng viên đạt chức danh GS, PGS năm 2019 cần được làm chặt chẽ ở từng cấp Hội đồng, tránh làm ồ ạt, qua loa, đặc biệt không để xảy ra tình trạng chồng chéo nhiệm vụ giữa các cấp Hội đồng gây khó khăn cho ứng viên và không đảm bảo chất lượng các hồ sơ ứng viên. Cụ thể:

  • Hội đồng cơ sở phải tập trung thẩm định kỹ các điều kiện, tiêu chuẩn đảm bảo yêu cầu theo quyết định số 37 của Chính phủ.
  • Hội đồng ngành/liên ngành cần thẩm định đúng chuyên môn, năng lực ngoại ngữ, tiếng Anh của các ứng viên.
  • Hội đồng cấp nhà nước cần thẩm tra các hồ sơ ứng viên trước khi biểu quyết.

Theo Bộ trưởng, chất lượng ở vòng Hội đồng cơ sở tốt sẽ là đầu vào quan trọng cho các vòng Hội đồng tiếp theo, vì thế ngay từ vòng hội đồng cơ sở phải làm thật tốt, để không có sạn.

Nếu ứng viên ngoại ngữ không tốt, năng lực tiếng Anh chưa đạt yêu cầu mà vẫn qua được là trách nhiệm của Hội đồng GS ngành/liên ngành” – Bộ trưởng Nhạ nói.

Trước đó, ngày 2/2/2018, Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017, gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015. Có 94 ứng viên phải rà soát lại vì có đơn thư tố cáo và hồ sơ cần xác minh thêm.

Trước phản ứng của dư luận, ngày 8/2, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ – Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, xem xét, rà soát lại chất lượng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Qua rà soát, có 41/94 ứng viên không đủ điều kiện.

Giải trình về việc này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết việc xét chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là việc làm thường niên, đồng thời thừa nhận số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng nhiều so với năm trước.

Thứ trưởng cho hay do thời gian tiếp nhận hồ sơ các ứng viên của năm 2017 kéo dài hơn 6 tháng so với năm 2016. Trong 6 tháng này, các ứng viên tiếp tục tích lũy thêm các điều kiện, tiêu chuẩn để đăng ký xét chức danh giáo sư, phó giáo sư. Lý giải về việc này, Thứ trưởng cho biết do những năm gần đây Chính phủ có đề án cử cán bộ giảng dạy tại các trường ĐH đi học ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, nhiều cơ sở đào tạo cả công lập và tư lập rất chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng viên.

Ông Hùng cũng cho biết thêm do Nhà nước có chính sách hỗ trợ nên số người được đào tạo bài bản ở nước ngoài, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có nhiều bài báo quốc tế, công trình khoa học lớn cũng tăng lên. Cụ thể, năm 2016 chỉ có hơn 2.500 bài thì năm 2017 có hơn 5.300 bài. Năng lực ngoại ngữ của các ứng viên cũng tăng, có những ứng viên thành thạo từ 2 – 3 ngoại ngữ.

Theo Thứ trưởng, tổng số ứng viên đạt tiêu chuẩn năm nay là 1.226/1.537 (79,76%), tỷ lệ này cũng chỉ tương đương với những năm trước.

Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, có trách nhiệm xét công nhận, bổ nhiệm hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018 – 2023, GS.TS Phùng Xuân Nhạ , Bộ trưởng GD&ĐT được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng.

GS.TS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng, phụ trách nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng, phụ trách nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, thể dục thể thao.

Văn Duy

Xem thêm: