Sau 2 lần phẫu thuật lấy khối áp xe mủ ở ổ bụng nhưng không thành, một nam bệnh nhân tại Quảng Ngãi mới được xác định bị mắc bệnh Whitmore (thường gọi là bệnh vi khuẩn “ăn thịt người”).

benh whitmore quang ngai
Bệnh nhân mắc bệnh Whitmore với triệu chứng bị trướng bụng, rất đau, với khối áp-xe lớn trong ổ bụng. (Ảnh chụp video/quangngaitv)

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, nam bệnh nhân hơn 50 tuổi, trú tại xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, có tiểu sử mắc bệnh tiểu đường.

Trong 2 tháng qua, bệnh nhân có dấu hiệu bị trướng bụng, xuất hiện áp xe mủ ở ổ bụng. Bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế và được chỉ định mổ lấy khối áp xe 2 lần nhưng vẫn không khỏi. Đến lần khám thứ 3, sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân mới biết mình bị bệnh Whitmore.

Vợ bệnh nhân cho biết ngày thường hai vợ chồng hay đi làm nông. Trước đó mấy tháng, người chồng phát hiện bụng xuất hiện nhọt có mủ, đi mổ vẫn không hết, nay bác sĩ nói là bị bệnh Whitmore.

Bác sĩ Lương Văn Tuấn, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi nói: “Bệnh Whitmore khá đa dạng về triệu chứng lâm sàng, có thể là áp-xe cơ, viêm phổi, viêm màng não…”. Bệnh này điều trị rất dài, dùng kháng sinh phổ rộng trong 3-4 tuần sau đó điều trị tại nhà từ 3-6 tháng, theo bác sĩ.

Hiện tình trạng bệnh Whitmore đang tăng đột biến tại miền Trung Việt Nam sau đợt mưa lũ. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ tháng 10 đến giữa tháng 11, có 28 người nhiễm bệnh, cao gấp 2,5 lần so với tổng số ca bệnh trong 9 tháng qua (11 người).

Trong đó, 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. 50% bệnh nhân quê ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy… thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế.

https://trithucvn.co/tin-tuc-vn/mien-trung-viet-nam-doi-mat-voi-benh-whitmore-bung-phat.html

Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết tính từ ngày 2/2 đến nay, riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 30 ca bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”. Số ca bệnh được phát hiện tăng đột biến kể từ ngày 14/10 – sau đợt mưa lũ tại tỉnh Quảng Trị, với 24 người mắc.

Cuối tháng 11, theo thông tin từ Bệnh viện Đà Nẵng, kể từ ngày 1/10, bệnh viện đã tiếp nhận 29 ca bệnh Whitmore (gấp 7 lần số ca tiếp nhận từ ngày 1/1 đến hết tháng 9 (4 ca)). Phần lớn người bệnh đến từ tỉnh Quảng Nam, một số ca ở tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng.

Ca tử vong được ghi nhận đầu tiên hôm 11/11, là ông P.T.M, 51 tuổi, chủ tịch UBND xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ông M. bị thương nhẹ ở đầu gối khi trợ giúp sơ tán người dân bị mắc kẹt trong lũ. Sau nhiều ngày ngâm nước, lội bùn, ông M. chuyển sốt nặng, vết thương sưng to. Khi được chuyển tới Bệnh viện Trung ương Huế điều trị, ông M. đã ở trong tình trạng bị nhiễm trùng rất nặng, phải thở máy, lọc máu liên tục nhưng không qua khỏi.

Thêm 4 ca tử vong vừa được công bố, cùng tại Quảng Trị. Trong đó, có ông N.V.B (51 tuổi, ngụ ở quận Hải An, TP Hải Phòng) là thuyền trưởng và là một trong số những người mắc kẹt trên con tàu Vietship 01 bị chìm ở biển Quảng Trị từ ngày 8-11/10. Sau khi được cứu khỏi tàu, ông B. nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, nhiễm trùng máu, nhiễm độc, suy kiệt sức lực, tử vong vào ngày 13/10. Theo kết quả xét nghiệm máu, ông B. được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore.

Ba bệnh nhân còn lại gồm: Bệnh nhân H.V.V. (75 tuổi, ở huyện Hướng Hóa), N.T.L (62 tuổi, ở huyện Cam Lộ) và H.C.D (47 tuổi, huyện Hải Lăng).

Theo ông Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, người và động vật có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei, do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn.

Bệnh chưa ghi nhận lây truyền từ người sang người, không gây thành dịch, nhưng bệnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mạn tính.

Trong khi đó, triệu chứng lâm sàng của bệnh rất mơ hồ, chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác, như viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu…

Triệu chứng bệnh có thể cấp tính gồm sốt, suy hô hấp, co giật hoặc viêm phổi kéo dài, sốt kéo dài, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng…

Chẩn đoán bệnh Whitmore dựa vào các yếu tố dịch tễ như tiếp xúc với đất, nước, bụi, các dấu hiệu lâm sàng và có kết quả định danh vi khuẩn B. pseudomallei từ các mẫu bệnh phẩm.

Theo đó, cơ quan y tế khuyến cáo mọi người hạn chế hoặc sử dụng đồ bảo hộ khi tiếp xúc với đất, nước, bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng, đặc biệt cần tránh khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng. Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch… cần tránh bị thương để tránh bị nhiễm khuẩn.

Nguyễn Quân

Xem thêm: