Thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đang bị điều tra vì tham nhũng và có thể đã bị cách chức đã làm dấy lên những đồn đoán. Đài VOA Mỹ đã tìm hiểu vấn đề này thông qua một số nhà quan sát về tình hình nội bộ Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

FxwPgKCaQAAWADq e1692019617391
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc. (Ảnh: Twitter Joseph Borrell)

Theo sau các vụ bê bối mờ ám trong ĐCSTQ liên quan cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Lý Ngọc Siêu, gần nhất Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc cũng đã “mất tích” hơn 2 tuần. Dựa trên các tin từ Washington Post, Financial Times Reuters trích dẫn nhiều nguồn thạo tin cho hay, ông Lý Thượng Phúc đã bị bắt đi và có thể đã dính líu đến tham nhũng trong lĩnh vực mua sắm trong thời gian ông làm việc tại Cục Phát triển Thiết bị từ 2017 – 2022. Hiện ông Lý Thượng Phúc đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật PLA điều tra, phía Mỹ thậm chí còn đoán rằng ông Lý Thượng Phúc đã bị cách chức và đang chuẩn bị bàn giao cho người kế nhiệm.

Như thường lệ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “không nắm rõ tình hình”, còn các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng “bặt vô âm tín”, ngay cả weibo chỉ có một số tin tức cũ về ông Lý Thượng Phúc, còn gần như không có thảo luận liên quan nào, vấn đề làm tăng cảm giác của cộng đồng quốc tế đối với chính trị Trung Quốc như kiểu thế giới ngầm.

Điều tra tham nhũng ở cấp cao nhất trong quân đội

Trước những nghi ngờ xung quanh vụ án của ông Lý Thượng Phúc, trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA Mỹ, nhà quan sát Diêu Thành người Hoa sống ở Los Angeles từng là cựu Trung tá Ban Tư lệnh Hải quân PLA khẳng định việc ông Lý Thượng Phúc bị điều tra về tội tham nhũng là “chắc chắn”, vụ án bắt nguồn từ những vụ rò rỉ trước đây và điều tra tham nhũng trong Lực lượng Tên lửa, sau đó lộ nguồn gốc tham nhũng có thể là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa, làm dấy lên thực trạng phải điều tra các quan chức cấp cao, vì nếu không việc chấn chỉnh quân đội không thể đạt được mục tiêu.

Screenshot 2023 09 21 at 7.55.54 AM
Ông Diêu Thành, cựu Trung tá và sĩ quan tham mưu của Ban Tư lệnh Hải quân PLA. (Ảnh: Ông Diêu Thành cung cấp)

Theo tiền đề này, ông Diêu Thành cho rằng mũi nhọn của việc chấn chỉnh kỷ luật quân đội đã chuyển sang Cục Phát triển Thiết bị vốn là “miếng bánh béo bở”, bởi vì trong số các khoản chi quân sự của PLA thì chi phí huấn luyện và hỗ trợ sinh hoạt quân nhân là khá nhỏ so với chi phí vũ khí và thiết bị rất lớn.

Ông Diêu Thành nói: “Nếu không thanh tra Cục Phát triển Thiết bị, ông (Tập Cận Bình) sẽ không thể chấn chỉnh quân đội. Vấn đề sinh hoạt ăn uống trong quân đội chỉ chiếm số tiền nhỏ, số tiền lớn đều nằm trong Cục Phát triển Thiết bị, đến hàng chục hoặc hàng trăm tỷ. Vì vậy ông Tập Cận Bình nếu muốn xử lý vấn đề từ gốc để lấy lòng quân thì không còn cách nào là phải đánh vào Cục Phát triển Thiết bị”.

Vấn đề đáng chú ý là ông Tập chỉ điều tra các vụ mua sắm sau năm 2017, tức là những gian lận trong nhiệm kỳ của ông Lý Thượng Phúc. Ông Diêu Thành cho rằng điều này là do mối quan hệ “đặc biệt” giữa ông Tập và người tiền nhiệm của ông Lý Thượng Phúc trong vai trò Cục trưởng Cục Phát triển Thiết bị, đó chính là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp hiện nay. Thế hệ cha chú làm bệ đỡ cho 2 nhân vật quan trọng của PLA này đều là tướng lĩnh cấp cao của Quân dã chiến số 1 của PLA, ông Trương Hựu Hiệp lại là một người bạn cũ ủng hộ ông Tập, nên ông Tập đã chọn cách bỏ qua cho ông Trương.

Cả 8 thuộc cấp cũ của Lý Thượng Phúc cũng bị điều tra

Theo Reuters, 8 quan chức cấp cao của Cục Phát triển Thiết bị trong nhiệm kỳ của Lý Thượng Phúc cũng bị điều tra, ông Diêu Thành nói rằng 4 người trong số họ có thể trước đây từng phục vụ trong Cục Hàng không Vũ trụ và Cục Công nghiệp Vũ khí.

Ngoài việc thanh trừng “băng đảng lớn” của Quân đội Tên lửa và hạ bệ ông Lý Thượng Phúc cùng phe cánh, mục tiêu đối với ông Lý Thượng Phúc của ông Tập Cận Bình có thể còn để tuyên chiến với các “thái tử Đảng”. Ông nói rằng lực lượng “thế hệ Đỏ thứ hai” duy nhất còn sót lại trong PLA là Trương Hựu Hiệp và Lý Thượng Phúc.

Theo thông tin công khai, ông Lý Thượng Phúc thuộc nhóm “vừa hồng vừa chuyên” của PLA, tốt nghiệp Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc năm 1982 – lớp sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy sau Cách mạng Văn hóa, sau đó ông nhận bằng tiến sĩ kỹ thuật tại Đại học Trùng Khánh; cha ông là Lý Thiệu Chu gia nhập Hồng quân năm 1932, trải qua Trường Chinh, kháng Nhật, nội chiến giữa Quốc dân đảng với ĐCSTQ, và Chiến tranh Triều Tiên, từng giữ chức vụ Phó Tư lệnh Ban Tư lệnh Tây Nam chỉ huy Quân đoàn Đường sắt của PLA, là lão thành kỳ cựu của PLA.

Tuyên chiến với các “thái tử Đảng”?

Theo Nikkei Asia hồi đầu tháng 9 dẫn nguồn thạo tin cho hay, tại Hội nghị Bắc Đới Hà vào mùa hè năm nay thì ông Tập Cận Bình đã bị một nhóm cựu lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ đã nghỉ hưu khiển trách nặng nề chưa từng có. Nguồn tin cho biết, ông Tập sau đó đã bày tỏ sự thất vọng với các trợ lý thân cận nhất.

Tuy nhiên, những thông tin nội bộ như vậy rất khó được xác minh độc lập. Đài VOA Mỹ tìm hiểu tình hình thông qua một nhà nghiên cứu tên Lữ Siêu (Lu Chao) là một chuyên gia về Triều Tiên làm tại Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh được xem là có hiểu biết sâu về tình hình PLA, nhưng ông Lữ Siêu chỉ nói: “Những thông tin này căn bản không thể xác nhận được… Tôi hoàn toàn không biết, tôi chưa từng nghe nói đến.”

Ông Diêu Thành tin rằng các lãnh đạo cấp cao kỳ cựu của ĐCSTQ không hài lòng gây đe dọa đến địa vị của ông Tập Cận Bình, vì vậy ông Tập lợi dụng vụ án Lý Thượng Phúc để tuyên chiến với các “thái tử Đảng”, có thể từ đây sẽ có thêm những cuộc thanh lọc nhân sự.

Ông kết luận rằng có thể ông Tập Cận Bình muốn dùng “một mũi tên cho nhiều đích”, thuận thế để quét sạch toàn bộ thế lực “thái tử” trong PLA, bước tiếp theo có thể sẽ nhắm vào “thành trì” của các “thái tử Đảng”: Tập đoàn China Poly chuyên nhập khẩu và xuất khẩu vũ khí, tên lửa và tàu chiến quy mô lớn, có thể sẽ “lôi toàn bộ các ông trùm ra khỏi hang”.

Ngoài ra, một mục đích lớn hơn của ông Tập Cận Bình trong việc chống tham nhũng trong quân đội là trấn an và nâng cao tinh thần quân đội, đồng thời cũng là để nắm giữ quyền lực quân sự và loại bỏ những người bất đồng chính kiến.

Theo nguồn tin năm 2018 từ tờ Sohu, tập đoàn China Poly có tiền thân là Công ty Công nghệ Poly (Poly Technology) được thành lập vào năm 1993. Đây là một doanh nghiệp trung ương lớn được quản lý bởi Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước của Chính phủ Trung Quốc. Công ty Công nghệ Poly thành lập năm 1984 theo chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình là lãnh đạo của Quân ủy Trung ương PLA hồi đó, Công nghệ Poly thành lập để kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị quân sự; con rể của ông Đặng Tiểu Bình là Hà Bình (He Ping) và con trai Vương Quân của cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Chấn cũng là những người tham gia sáng lập.

Chính trị Trung Quốc quá mờ ám

Tuy nhiên, quan điểm phổ biến trong giới phân tích chính trị và quân sự Trung Quốc cho rằng việc Tập Cận Bình đang phải đối mặt với cuộc tranh giành quyền lực trong quân đội và trong nội bộ đảng là phân tích hợp lý, nhưng do bối cảnh chính trị ĐCSTQ mờ ám nên khó có được chứng cứ, cũng không thể biết được cơ sở quyền lực của ông Tập Cận Bình có phải vì điều này mà suy yếu hay không.

Screenshot 2023 09 21 at 8.01.35 AM
Giám đốc Mei Fuxing của Trung tâm phân tích và nghiên cứu an ninh eo biển Đài Loan ở New York. (Ảnh: Mei Fuxing cung cấp)

Về vấn đề này, Giám đốc Mei Fuxing của Trung tâm phân tích và nghiên cứu an ninh eo biển Đài Loan ở New York, chỉ ra rằng nếu không vì cuộc tranh giành quyền lực chính trị thì ông Tập Cận Bình đã không có động thái lớn như vậy để điều tra những người mà ông từng ngưỡng mộ, quan điểm cho rằng gần đây đã xảy ra căng thẳng và bất hòa nội bộ trong đội ngũ của ông Tập là hợp lý. Tuy nhiên, không thể xác định liệu cuộc tranh giành quyền lực này là chống lại ông hay là cuộc đấu tranh trong Quân ủy Trung ương PLA, hay đó chỉ là kết quả của việc ông Lý Thượng Phúc gây vấn đề gì đó trong thời gian nắm quyền Cục Trang bị.

Ông Mei Fuxing nói với VOA: “Đây hẳn là kết quả của cuộc tranh giành quyền lực chính trị phe phái, khiến ông ấy [Tập Cận Bình] phải làm điều này (điều tra), bởi vì ông ấy cũng biết việc này khó coi đến mức nào! Vừa bổ nhiệm người này làm bộ trưởng, rồi ngay lập tức lại điều tra ông ta.”

Jean-Pierre Cabestan, Giám đốc Khoa Chính trị Quốc tế tại Đại học Baptist Hồng Kông, cũng cho rằng một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ ĐCSTQ không phải là không thể xảy ra, nhưng khả năng lớn nhất trước mắt là mức độ tham nhũng của ông Lý Thượng Phúc trong thời gian nắm quyền Cục Phát triển Thiết bị.

Liên quan đến vấn đề này, ông Jean-Pierre Cabestan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA rằng câu hỏi lớn nhất mà giới quan sát bên ngoài đặt ra là về năng lực chính trị của ông Tập Cận Bình: Tại sao ông Tập không điều tra rõ ràng trước khi bổ nhiệm ông Lý Thượng Phúc.

Thêm khía cạnh khác về năng lực nhìn người của ông Tập

Ông Jean-Pierre Cabestan cho biết: “Chúng ta có cảm giác rằng việc lựa chọn nhân sự (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) của chính phủ mới này chưa làm tốt. Có thể hơi ẩu và chưa nghĩ đến các vấn đề (điều tra) chuyên sâu”.

Screenshot 2023 09 21 at 8.04.36 AM
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế – Đại học Baptist Hồng Kông

Tuy nhiên, ông cho rằng tầm quan trọng của ông Lý Thượng Phúc không thể so với Quân ủy, hiện tại ông Trương Hựu Hiệp mới là người mà ông Tập Cận Bình tin tưởng nhất, người kế nhiệm ông Lý Thượng Phúc trong tương lai rất đáng được quan sát, ứng viên này cũng sẽ đóng vai trò là một thành viên Bộ Chính trị, dù chưa lộ diện nhưng lòng trung thành với Tập phải là điều kiện đầu tiên.

Jean-Pierre Cabestan cho rằng chính trị Trung Quốc quá mơ hồ, điều này có thể ảnh hưởng hơn nữa đến quan hệ ngoại giao và không chiếm được lòng tin của các nước khác: “Phản ứng từ thế giới bên ngoài là chính trị Trung Quốc rất mờ ám… Tôi nghĩ điều này có tác động xấu đến quan hệ của Trung Quốc với các nước khác, đặc biệt là các nước phương Tây, Mỹ và Nhật Bản. Điều này sẽ làm giảm niềm tin giữa Trung Quốc và các nước khác.”

Gần đây giáo sư Jean-Pierre Cabestan đã xuất bản một cuốn sách mới, “Đối mặt với Trung Quốc: Triển vọng chiến tranh và hòa bình” (Facing China: The Prospect of War and Peace), cung cấp phân tích sâu sắc về những xung đột có thể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, Biển Đông, và vấn đề biên giới Trung-Nhật, qua đó phân tích các kịch bản chiến tranh có thể xảy ra.