Ông Bạch Tuyết Tùng, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, đã bị kết án oan 3,5 năm. Ngày 10/4 năm nay, ông bị đưa đến Nhà tù nam Quan Lĩnh Đại Liên, hôm 25/4 bị chuyển đến Nhà tù thành phố Đại Liên. Hiện ông đang bị bức hại trong khu nhà giam số 5 của nhà tù Đại Liên, người nhà không được vào thăm.

p3339851a334074691
Ông Bạch Tuyết Tùng (bên phải) và con gái Bạch Tông Duyệt. (Ảnh: Bạch Tông Duyệt cung cấp)

Trang Minghui.org của Pháp Luân Công kể rằng cảnh tượng mẹ bế Bạch Tông Duyệt đến thăm cha trong trại giam hồi còn nhỏ bất ngờ ùa về trong tâm trí cô. Cách một vách kính và một chiếc micrô, cô bé Bạch Tông Duyệt chỉ biết gọi cha ơi.

“Lúc đó tôi cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng thấy buồn vô cớ, rất buồn.” Dù còn bé nhưng cảnh tượng đó đã in sâu vào lòng cô.

Chuyện xảy ra vào năm 1999. Khi đó, cha cô đã ở trong Nhà tù Hải Thành 40 ngày, và phải chịu đủ mọi hình thức tra tấn. Gia đình đã phải đi lại nhiều lần và tiêu tốn hàng chục ngàn nhân dân tệ (10.000 NDT tương đương 1.399USD) để đưa ông về nhà.

Người đàn ông tốt bụng, nhiệt tình

Năm 1995, khi 21 tuổi, ông Bạch Tuyết Tùng đã tiếp xúc với Pháp Luân Công và bắt đầu bước vào tu luyện. Là một học viên Pháp Luân Công, ông hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công.

Người quản lý của công ty chứng khoán mà ông làm việc khi đó đã biển thủ công quỹ để đầu cơ chứng khoán. Vì coi trọng năng lực chuyên môn của ông và sợ ông biết chuyện, nên đã dùng lợi nhuận dụ dỗ, nhưng ông thẳng thừng từ chối, dù lúc đó gia đình đang gặp khó khăn về tài chính.

“Cha tôi rất sẵn lòng giúp đỡ người khác, dù là đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè, thậm chí là người lạ. Ông biết máy tính, và nếu máy tính bị hỏng, mọi người đều tìm đến ông. Dù rất bận nhưng cha tôi vẫn luôn giúp miễn phí. Ông gần như trở thành một người bảo trì máy tính miễn phí cho mọi người.”

“Ông luôn có thể đặt mình vào vị trí của người khác. Khi ông mở một homestay ở thành phố Tần Hoàng Đảo, Hà Bắc, có một cặp vợ chồng trẻ thuê nhà dài hạn, nhưng không thể trả được tiền thuê nhà do khó khăn về tài chính, cha tôi cũng không muốn tạo áp lực cho họ. Để đôi vợ chồng trẻ không phải lo lắng, ông cũng không vội thu tiền thuê nhà, để họ khất nợ. Lúc đó tôi không hiểu cha mình, nhưng giờ tôi mới nhận ra ông giàu lòng trắc ẩn như thế nào.”

“Ông rất tốt bụng, hiếu thảo và kiên nhẫn. Ông luôn tử tế với cha mẹ và không bao giờ cãi lại. Tôi từng thấy cách cha mình kiên nhẫn dạy ông bà cách sử dụng điện thoại di động. Tôi cũng từng thấy cha tôi cõng bà ngoại của ông bị đau chân lên xuống tầng 5. Ông đối đãi với ông bà ngoại còn tốt hơn mẹ tôi.”

“Cha tôi cũng thường chăm sóc con cái của các gia đình bị bức hại, đưa đón chúng đi học, giúp đỡ vô tư về cả tài chính và cuộc sống. Ông còn cung cấp nhà ở cho các học viên Đại Pháp phải di tản và không bao giờ so đo tính toán.”

“Mỗi tối cha tôi đều kể chuyện cho tôi nghe, ông sẵn sàng dành thời gian cho tôi, coi tôi như một người bạn, chưa bao giờ đánh mắng tôi. Nếu lỡ nặng lời, một lúc sau ông sẽ đến xin lỗi tôi.”

Những bức ảnh chụp cùng cha từ khi còn nhỏ gợi lên trong Bạch Tông Duyệt những suy nghĩ sâu sắc. Hình bóng của cha cô giờ đã trôi đi rất xa. Cô sang Đài Loan du học vào năm 2015 và kết hôn ở Đài Loan vào năm 2019. Trong mỗi giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mình, cha cô đều vắng mặt. Hai cha con không chỉ bị ngăn cách bởi một bờ eo biển, mà là xiềng xích đối với tự do tín ngưỡng.

p3339871a618114367
Ông Bạch Tuyết Tùng và con gái Bạch Tông Duyệt. (Ảnh: Bạch Tông Duyệt cung cấp)

Cuộc bức hại đã hủy hoại một gia đình

Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công, đồng thời vu khống và bôi nhọ Pháp Luân Công.

Giống như nhiều học viên Pháp Luân Công khác, ông Bạch Tuyết Tùng quyết tâm cho mọi người biết sự thật: “Cha tôi chỉ có một suy nghĩ đơn giản, ông được hưởng rất nhiều lợi ích từ Đại Pháp (Pháp Luân Công), nay Đại Pháp bị vu khống vô cớ, vì vậy ông muốn bước ra nói điều gì đó công bằng cho Đại Pháp”.

Cuối năm 1999, ông Bạch Tuyết Tùng đến quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và nhìn thấy một biểu ngữ phấp phới trong gió đang rủ xuống, vì cảnh sát đã bắt giữ một học viên. Ngay lập tức ông bước tới và nhặt một đầu bị rơi lên và căng lại biểu ngữ. Nhưng rất nhanh sau đó ông cũng bị cảnh sát bắt và đưa về thành phố Hải Thành, tỉnh Liêu Ninh, quê hương của mình. Ông bị nhốt trong một trại tạm giam ở địa phương.

Cô bé Bạch Tông Duyệt 2 tuổi lần đầu tiên trải qua nỗi đau chia cách với cha. Qua vách kính của trại tạm giam, giọng nói non nớt trên điện thoại chỉ biết gọi cha ơi. 40 ngày sau, khi được trả tự do, Bạch Tuyết Tùng nói với vợ rằng ông không bao giờ nghĩ rằng mình có thể sống sót trở về.

Năm 2001, ĐCSTQ đã dàn dựng một vụ giả mạo học viên Pháp Luân Công tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn. Vụ việc được phát sóng trên TV 24/24 giờ, khiến người dân từ có thiện cảm và ủng hộ Pháp Luân Công chuyển sang thù địch.

Thái độ của vợ ông cũng thay đổi 180 độ. Trước đây bà cùng ông Bạch Tuyết Tùng đến công viên luyện công, nhưng sau đó hết lần này đến lần bà gây khó dễ cho chồng mình. Nỗi sợ hãi và sự khó hiểu chiếm lấy lý trí của bà. Bà lo lắng rằng ông Bạch Tuyết Tùng cũng sẽ hành động mất trí giống như những “kẻ tự thiêu” đó.

Nhưng chính bà lại trở thành một người mất hết lý trí. “Mẹ cắt quần áo của cha tôi và ném chúng từ tầng 4 xuống nhà. Khi ba đang đả tọa, ông bị dội một chậu nước lạnh vào đầu, nhưng vẫn ngồi bất động. Suốt ngày, mẹ tôi tìm đủ mọi lý do để gây sự với ba, đập nát đĩa CD nói về sự thật Pháp Luân Công của ba để ở nhà, xé nát nhiều sách và tài liệu liên quan”.

Trải nghiệm sự kỳ diệu của Pháp Luân Công và sự phi thường của các học viên

Mãi đến năm 2006, khi cảm nhận được sự kỳ diệu của Pháp Luân Công, thái độ của vợ ông Bạch Tuyết Tùng mới dần thay đổi. Đó là một đêm mùa hè nóng nực, cô bé Bạch Tông Duyệt 9 tuổi khi đó đột nhiên co giật, sùi bọt mép, miệng và mắt méo xệch.

Mẹ cô ngồi bên sợ hãi trước cảnh tượng như vậy. Bà ôm cô vào lòng và gọi tên cô một cách tuyệt vọng. Một lúc sau, tay chân cô dần thả lỏng rồi từ từ trở lại bình thường.

Đến bệnh viện chụp X-quang và chụp cộng hưởng từ, kết quả kiểm tra là Bạch Tông Duyệt bị động kinh. Mẹ cô đưa cô đến Bắc Kinh khám bệnh, tốn rất nhiều tiền bạc và phải uống rất nhiều thuốc. Dù uống thuốc hàng ngày nhưng tình trạng của cô vẫn ngày càng nặng hơn, cứ nửa tháng cô lại lên cơn một lần, mỗi tuần một lần, rồi 3 ngày một lần.

Nhiều học viên bước vào tu luyện Pháp Luân Công vì bị bệnh và hồi phục thần kỳ, nên ông Bạch Tuyết Tùng tin chắc rằng ông tu luyện Đại Pháp, một người tu luyện cả nhà thọ ích. Con tôi sẽ không sao. Ông nói với vợ mình rằng nếu con phát bệnh, thì hãy niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” bên tai con bé. Bà giễu cợt trước lời khuyên của chồng.

Cho đến một ngày, Bạch Tông Duyệt lên cơn co giật dữ dội, mặt tái mét, mẹ cô ấn mạnh vào nhân trung nhưng không có dấu hiệu cải thiện. Trong cơn hoảng loạn và tuyệt vọng, bà nhớ lại những lời của chồng mình, và hét lên theo bản năng “Pháp Luân Đại Pháp hảo” to đến mức khiến những người ở tầng 1 cũng phải giật mình. Lời vừa dứt, tay chân Bạch Tông Duyệt buông lỏng từng chút một, sắc mặt từ tím tái dần trở lại bình thường và tỉnh lại.

Cảnh tượng kịch tính khiến mẹ của Bạch Tông Duyệt cảm nhận được sự kỳ diệu của Pháp Luân Công. Dẫu bà cũng tự hỏi lẽ nào đó chỉ là sự trùng hợp? Nhưng kể từ đó, Bạch Tông Duyệt không còn bị động kinh nữa.

“16 năm trôi qua, tôi chưa bao giờ phát bệnh trở lại, và luôn rất khỏe mạnh. Lúc này mẹ tôi mới tin những gì ba nói là đúng, và niềm tin của ba là đúng. Cha tôi cũng vì vậy mà càng kiên định hơn, quyết tâm chia sẻ vẻ đẹp của Đại Pháp với nhiều người hơn.”

Việc con gái thoát chết trong gang tấc đã cho mẹ cô được chứng kiến ​​sự kỳ diệu của Pháp Luân Công. Nhưng điều khiến bà cảm động sâu sắc là “lòng bao dung vô hạn, sự quan tâm vô hạn và sự giúp đỡ vị tha” của các học viên khác.

Năm 2013, ông Bạch Tuyết Tùng lại bị bắt. “Mẹ tôi không biết phải làm gì, vì vậy bà phải tìm đến các học viên Pháp Luân Công khác để nhờ giúp đỡ. Họ rất nhiệt tình và ngay lập tức liên hệ gọi nhiều đồng tu khác tới giúp đỡ và nghĩ cách giải cứu ông. Trong số đó có một người phụ nữ là mẹ của 2 đứa trẻ, bà đã trực tiếp đưa tôi và mẹ tôi đến đồn cảnh sát để đòi người.”

“Lẽ nào bà ấy không sợ nguy hiểm sao? Bà ấy sẵn sàng mạo hiểm vì cha tôi và coi việc của gia đình chúng tôi như việc của bà ấy. Mẹ tôi đánh giá cao và khâm phục những đồng tu này.”

Chặng đường gian nan đấu tranh bảo vệ pháp luật

Sau khi ra khỏi trại tạm giam lần đầu tiên, công ty chứng khoán mà ông Bạch Tuyết Tùng làm đã quyết định sa thải ông vì áp lực quá lớn. May mắn thay, ông đã được phục chức theo yêu cầu chung của tất cả các đồng nghiệp trong công ty.

Nhưng ngày tháng tốt đẹp không kéo dài lâu, năm 2004, chính phủ cùng doanh nghiệp và các thế lực ngầm thông đồng với nhau, gây áp lực ép công ty phải tuyên bố phá sản. Ông Bạch Tuyết Tùng cũng mất việc và đi làm thuê khắp nơi.

Chính sách đàn áp của ĐCSTQ đã khiến ông Bạch Tuyết Tùng mất việc hết lần này đến lần khác, thậm chí ông rất khó tìm được việc làm, cuộc sống gần như rơi vào tuyệt vọng. Để tồn tại, ông từng đi làm ở một công trường xa, ngày nào ông cũng ra ngoài từ rạng sáng và mãi đến 10 giờ tối mới về đến nhà. Ông mệt mỏi đến mức không còn hơi sức để ăn cơm, chỉ để kiếm những đồng lương ít ỏi…

Trong cơn tuyệt vọng, năm 2009, ông Bạch Tuyết Tùng đến thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc cùng họ hàng bắt đầu kinh doanh homestay, công việc này đã mang lại cho ông sự ổn định tạm thời.

Năm 2010, công việc kinh doanh khá hơn một chút, ông đón vợ và con gái đến, cuối cùng cả nhà cũng được đoàn tụ. Đồng thời, ông vẫn không ngừng nói sự thật với người Trung Quốc.

Cảnh nhà tan cửa nát lại tái diễn

Những ngày bình yên không kéo dài được lâu, tháng 4/2013, khi ông Bạch Tuyết Tùng đến đón những vị khách tới homestay, ông bị cảnh sát thẩm vấn. Họ tìm thấy một cuốn sách nhỏ về Pháp Luân Công trong ba lô của ông và đưa ông đến đồn cảnh sát một lần nữa.

Những năm tháng yên bình lại bị xé nát. Tại đồn cảnh sát Bạch Tháp Lĩnh, ông bị cảnh sát đánh đập. Ngày hôm sau, họ đưa ông đến trại giam Tần Hoàng Đảo giam giữ phi pháp. Người nhà của ông nhiều lần đến đồn cảnh sát yêu cầu thả người. Sau nhiều nỗ lực giải cứu, 5 ngày sau, ông Bạch Tuyết Tùng được thả về, lúc đó ông đã tuyệt thực được 5 ngày.

Mùa hè năm 2014, ông lái xe chở cả gia đình 5 người gồm cha mẹ, vợ và con gái của mình từ quê hương Hải Thành trở về Tần Hoàng Đảo mà không hề biết rằng xe của ông đã bị theo dõi. Khi vừa về đến nhà và đặt hành lý xuống, ngay khi vừa xuống lầu chuẩn bị ra ngoài làm việc, ông đã bị cảnh sát bắt đi, đến tận 12h đêm mới được thả.

Năm 2015, ông Bạch Tông Duyệt đến Đài Loan học đại học, và ở lại Đài Loan để thực tập trong kỳ nghỉ hè năm 2016. Cuối tháng 7/2016, ông gọi điện chúc mừng sinh nhật con gái. Ai có thể ngờ rằng lời chúc mừng sinh nhật này lại là những thanh âm duy nhất mà Bạch Tông Duyệt được nghe từ cha mình trong 1,5 năm sau đó.

Ngày 3/8/2016, ông Bạch Tuyết Tùng đưa một bé gái 9 tuổi đi siêu thị. Ông muốn mua thứ mà bé thích. Cha của cô bé đã bị bức hại đến chết từ 2 năm trước. Một ngày trước đó, mẹ của em cũng bị cảnh sát bắt đi. Ông hy vọng rằng cô bé có thể tạm thời quên đi những chuyện buồn đó.

Nhưng vừa bước ra khỏi siêu thị, ông đã bị 6, 7 cảnh sát mặc thường phục bao vây. Họ ép ông lên xe, bỏ lại cô bé chứng kiến ​​mọi chuyện. Từ đó trái tim bị tổn thương của cô bé luôn run sợ hãi mỗi khi nhìn thấy cảnh sát.

Đêm đó, Bạch Tông Duyệt và mẹ cô đột nhiên không thể liên lạc với ông Bạch Tuyết Tùng. Dưới gót sắt của ĐCSTQ, gia đình cô lại tan nát một lần nữa.

Người tốt bị kết án oan

Ngày 10/10/2017, ông Bạch Tuyết Tùng bị kết án phi pháp 1 năm 8 tháng. Trong thời gian bị giam giữ tại Nhà tù Quận Lư Long ở Tần Hoàng Đảo, này nào ông cũng bị bỏ đói, và buộc phải lao động khổ sai từ 7h sáng đến 8h tối, đôi khi còn phải làm thêm giờ đến 11, 12 giờ đêm. Vì từ chối làm nô lệ nên ông bị còng tay và xiềng xích, cai ngục còn ra lệnh cho các tù nhân đánh đập ông rất dã man.

Ngày 1/4/2018, người nhà dìu ông Bạch Tuyết Tùng bước ra khỏi Nhà tù huyện Lư Long, lúc đó ông xanh xao và tiều tụy, và đi khập khiễng. Ông vốn nặng khoảng 75 kg, nhưng khi trở về nhà, chỉ còn chưa đầy 50 kg, người quen hoàn toàn không nhận ra ông.

Việc giam giữ trái phép lần này đã gây tổn hại lớn về thể chất và tinh thần cho ông, khiến ông không thể bình phục trong một thời gian dài.

Ngày 20/1/2021, ông Bạch Tuyết Tùng lái xe chở một bà lão đi lại khó khăn đến nhà của một học viên ở An Sơn, nhưng bị cảnh sát nằm vùng đưa đến đồn cảnh sát. Tại đồn cảnh sát Phồn Vinh ở quận Thiết Tây, thành phố An Sơn, phó giám đốc đã đánh ông rất thô bạo, không chỉ tát nhiều lần mà còn dùng một chai Coca đầy nước đánh mạnh vào đầu ông.

Tháng 9/2022, ông Bạch Tuyết Tùng bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam vì tội “lợi dụng tổ chức tà giáo phá hoại việc thực thi pháp luật”. Đây là một điều luật thường được sử dụng để kết tội các học viên Pháp Luân Công, nhưng bị các luật sư coi là vô căn cứ.

Bởi vì ngay cả trong luật pháp Trung Quốc, cũng không có điều khoản rõ ràng nào cấm việc tập luyện Pháp Luân Công, và không có luật hình sự hóa Pháp Luân Công như một tà giáo.

Ông Bạch Tuyết Tùng hiện đang bị giam giữ tại Khu số 5 của Nhà tù Đại Liên và bị đối xử vô nhân đạo.

Ông bị “buộc xem các video phỉ báng Pháp Luân Công mỗi ngày, tẩy não và ép ông phải ‘chuyển hóa’ (tức là từ bỏ đức tin của mình).” Trong thời gian đó, ông không được phép mua nhu yếu phẩm hàng ngày, không được đi vệ sinh, không được ngủ, và người nhà không được đến thăm.

Đối mặt với việc cha mình bị bắt giam và kết án phi pháp một lần nữa, Bạch Tông Duyệt cảm thấy vô cùng đau buồn. Cha cô tốt bụng, ngay thẳng và tuân thủ pháp luật nhưng lại bị tra tấn và bắt làm nô lệ trong tù.

Cô cảm thấy khó chấp nhận khi những nhân viên thực thi pháp luật vốn được cho là những đáng tin cậy nhất, đấu tranh chống bạo lực và giữ an toàn cho người dân, lại buộc tội những người tốt vô tội và tạo ra những bản án oan sai.

Giải cứu cha cô cũng chính là giải cứu tất cả những tù nhân lương tâm đang bị giam cầm oan uổng. Bạch Tông Duyệt thực tâm mong rằng ông sẽ không vắng mặt trong đám cưới của con gái mình. Cô hy vọng được đoàn tụ với cha mình.