Hàng triệu công nhân và nhà cung cấp ô tô ở Trung Quốc đang cảm thấy áp lực khi cuộc chiến giá xe điện buộc các nhà sản xuất ô tô phải cố gắng cắt giảm chi phí nhất có thể. Cường độ lao động của công nhân lớn hơn, nhưng tiền lương lại càng ít.

GettyImages 599814090
Hình ảnh dây chuyền sản xuất ô tô của Dongfeng Peugeot tại nhà máy DPCA ở Thành Đô. (Nguồn ảnh: WANG ZHAO/AFP qua Getty Images) 

Trong cái nóng khó chịu của Thượng Hải vào tháng 6, xưởng sản xuất ô tô nơi Mike Chen làm việc đã chuyển sản xuất sang ca đêm và giảm nhiệt độ điều hòa. Đối với Chen, người thức khuya trong bộ đồng phục đẫm mồ hôi, đây là áp lực mới nhất trong năm nay mà anh gặp phải, trước đó do tiền thưởng bị cắt giảm và phải tăng ca, nên tiền lương hàng tháng của anh trong năm nay bị cắt giảm chỉ còn hơn 1/3 so với khi anh mới bắt đầu làm việc vào năm 2016.

Anh Chen năm nay 32 tuổi, làm việc trong một liên doanh giữa tập đoàn ô tô quốc doanh khổng lồ SAIC của Trung Quốc và Volkswagen của Đức. Anh không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy.

Chen nói: “SAIC Volkswagen từng là nhà tuyển dụng tốt nhất và tôi rất vinh dự được làm việc ở đây. Bây giờ tôi chỉ cảm thấy tức giận và buồn bã”.

Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc có thể trở thành lực cản cho tăng trưởng kinh tế

Cuộc chiến giá cả do Tesla gây ra đã khiến hơn 40 thương hiệu chuyển nhu cầu khỏi các mẫu xe cũ và buộc một số nhà sản xuất ô tô phải hạn chế sản xuất xe điện và xe động cơ đốt trong, hoặc đóng cửa hoàn toàn các nhà máy.

Các cuộc phỏng vấn của Reuters với 10 quản lý cấp cao của các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp phụ tùng ô tô, cũng như 7 công nhân nhà máy, cho thấy ngành này đang gặp khó khăn. Việc tính toán chính xác và chi tiết ngân sách cho mọi thứ từ phụ tùng, hóa đơn tiền điện đến tiền lương, đã ảnh hưởng đến chi tiêu kinh tế ở những nơi khác.

Khi được hỏi về nhà máy SAIC-Volkswagen nơi Chen làm việc. Đây là nhà máy sản xuất xe động cơ đốt trong, Volkswagen cho biết mức lương tại liên doanh có sự khác nhau tùy theo giờ làm việc và tiền thưởng. Công ty cho biết sản xuất ô tô vào ban đêm giúp giảm tải cho lưới điện, điều kiện làm việc tốt và lành mạnh là ưu tiên hàng đầu. SAIC đã không trả lời bình luận của Reuters.

Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc thậm chí có thể trở thành lực cản đối với tăng trưởng kinh tế do hậu quả từ cuộc chiến giá cả, đây sẽ là một sự thay đổi lớn đối với ngành công nghiệp ô tô lớn nhất thế giới cho đến nay.

Các nhà kinh tế cho biết, vấn đề là nhu cầu ô tô trong nước Trung Quốc đã chững lại và thu nhập hộ gia đình vẫn chịu áp lực, mặc dù đã các nhà sản xuất đã đầu tư rất lớn vào năng lực sản xuất, được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước ở Trung Quốc.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc bán được 11,4 triệu xe trong nước và xuất khẩu 2 triệu, nhưng mức tăng trưởng gần như hoàn toàn đến từ nước ngoài. Doanh thu nội địa chỉ tăng 1,7%.

Ông George Magnus, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, cho biết: “Sự tập trung vào sản xuất và cung cấp không cân bằng”. Ông bổ sung thêm rằng việc không quan tâm đúng mức đến nhu cầu cuối cùng có thể dẫn đến tồn kho, dư thừa, giảm giá và áp lực tài chính.

“Trung Quốc thực sự cần học cách đi bằng hai chân”.

Ngành công nghiệp ô tô và các nhà cung cấp của nó đang giảm lương và cắt giảm lao động

Theo dữ liệu của Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA), bao gồm cả các nhà máy sản xuất xe động cơ đốt trong, năng lực sản xuất ô tô của Trung Quốc là 43 triệu chiếc vào cuối năm 2022, nhưng tỷ lệ sử dụng nhà máy là 54,5%, giảm so với mức 66,6% năm 2017.

Theo đó, việc cắt giảm lương và sa thải trong ngành ô tô và các nhà cung cấp của nó đang ảnh hưởng đến mức sống của người lao động (theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ngành này sử dụng khoảng 30 triệu lao động). Trong khi đó, tại thời điểm này Bắc Kinh đang nỗ lực vực dậy niềm tin của người tiêu dùng.

BYD Auto, nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc, đã quảng cáo tuyển dụng lao động cho tại nhà máy ở Thâm Quyến vào tháng 8, với mức lương hàng tháng dự kiến ​​là 5.000-7.000 nhân dân tệ, nhưng mức lương cơ bản là 2.360 tệ (~ 8,2 triệu đồng).

Một phân tích của Reuters về thu nhập ước tính từ các quảng cáo tuyển dụng gần đây tại 30 công ty ô tô như Tesla, SAIC-GM, Li Auto và Xpeng Motors, cho thấy mức lương mỗi giờ vào khoảng từ 14 nhân dân tệ (~ 49.000 đồng) đến 31 nhân dân tệ (~ 108.000 đồng).

Anh Lưu (Liu), một công nhân ô tô 35 tuổi, cho biết anh đã rời nhà máy ô tô Changan Automobile ở Hợp Phì vào tháng 7 sau khi kiếm được 4.000 nhân dân tệ (~ 14 triệu đồng) trong tháng 5 và tháng 6 thay vì 7.000 nhân dân tệ như mong đợi một tháng. Dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, anh tự tin rằng sẽ sớm tìm được một công việc khác trong ngành ô tô, nhưng thị trường đã thay đổi.

“Thời kỳ tốt đẹp đã qua rồi,” anh Lưu nói với điều kiện giấu tên một phần để bảo vệ triển vọng công việc của mình.

Một số nhà sản xuất ô tô, bao gồm Mitsubishi Motors và Toyota Motor, đã cắt giảm hàng ngàn việc làm tại Trung Quốc sau khi doanh số bán hàng sụt giảm. Những công ty khác, chẳng hạn như Tesla và nhà sản xuất pin CATL, đã giảm việc tuyển dụng do trì hoãn việc mở rộng. Trong khi đó, Hyundai và đối tác Trung Quốc đang nỗ lực bán nhà máy ở Trùng Khánh.

Sau khi anh Lưu bị Li Auto và Xpeng từ chối, anh suýt chút nữa tìm được một công việc ở nhà máy Chery Automobile tại cảng phía đông Thanh Đảo thông qua một công ty môi giới việc làm, nhưng anh từ chối trả cho công ty này khoản hoa hồng 32.000 nhân dân tệ để đảm bảo giữ được công việc này.

“Một số nhà máy làm bạn kiệt sức và họ sẵn sàng trả lương cao hơn. Một số nhà máy làm bạn kiệt sức nhưng lại rất keo kiệt. Một số nhà máy không làm bạn kiệt sức, nhưng khiến bạn bị bỏ đói vì lương quá thấp,” anh Liu nói.

“Có lẽ sẽ tốt hơn nếu tôi làm nhân viên bảo vệ ở một trong những tòa nhà văn phòng,” anh chia sẻ.

Mức giảm giá trong năm 2023 sẽ mạnh hơn những năm trước?

Các nhà cung cấp ô tô Trung Quốc đang phải đối mặt với một môi trường khắc nghiệt tương tự, giá xe tiếp tục giảm, trong tháng 6, giá giao dịch trung bình có trọng số của xe điện và xe hybrid giảm 15% so với tháng 1, xuống còn 185.100 nhân dân tệ. Ví dụ: SAIC-Volkswagen đã cung cấp cho người mua ô tô khoản trợ cấp tiền mặt hơn 500 triệu USD vào tháng 3 và đưa ra mức giảm giá hơn 5.100 USD cho chiếc xe điện ID.3 trong tháng 7.

China Automobile News, tờ báo chính thức của Trung Quốc, ước tính có hơn 100.000 nhà cung cấp ô tô ở Trung Quốc. Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 3 với gần 2.000 người do nền tảng giao dịch phụ tùng ô tô Gasgoo.com thực hiện, 74% cho biết các nhà sản xuất ô tô đang yêu cầu họ cắt giảm chi phí. Hơn một nửa số doanh nghiệp yêu cầu cắt giảm từ 5% đến 10%, tăng so với mục tiêu 3% đến 5% của năm trước. Có đến 9 trong số 10 công ty mong đợi nhiều yêu cầu như vậy hơn trong năm nay.

Hai giám đốc điều hành nhà cung cấp ô tô cho biết, các nhà cung cấp thường đàm phán giá hàng năm, nhưng nhiều người sẽ buộc phải giảm giá hàng quý vào năm 2023.

Theo một người có hiểu biết trực tiếp về vấn đề này, trước khi phát động cuộc chiến về giá, Tesla đã gửi email đến các nhà cung cấp trực tiếp của mình để khuyến khích họ cắt giảm 10% chi phí trong năm nay.

Thị trường pin xe điện cũng đã thay đổi khi các nhà cung cấp giảm giá cho các nhà sản xuất ô tô. CATL, vốn coi Tesla là khách hàng lớn nhất của mình, đã cung cấp pin giảm giá cho các nhà sản xuất ô tô điện nội địa nhỏ hơn vào tháng Hai.

Theo RealLi Research, pin lithium sắt photphat (LFP) được Tesla sử dụng ở Trung Quốc trong tháng 8 rẻ hơn 21% so với 5 tháng trước đó, trong khi pin niken-coban rẻ hơn từ 9% đến 18%.

Ông Trần Ngọc Đông (Chen Yudong), chủ tịch của Bosch Trung Quốc, đã tiết lộ với Reuters vào tháng Sáu rằng mức giảm giá của năm 2023 sẽ mạnh hơn so với các năm trước.