Vì Trung Quốc mãi đến năm 2016 mới chấm dứt chính sách một con, chính sách này trong bối cảnh văn hóa truyền thống Trung Quốc trọng nam hơn nữ đã làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng giới tính, hệ lụy là bùng nổ nhu cầu “tìm dâu” nước ngoài. Việt Nam, Campuchia, Pakistan là một số nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

co dau Trung Quoc
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trường hợp tại Việt Nam

Ngày 1/10, Phòng CSHS Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đang tạm giữ hình sự đối với Hoàng Thị Lên (SN 1985, trú xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra vụ người này lừa người mẹ và đứa con nhỏ bán sang Trung Quốc.

Trước đó, ngày 15/9, Phòng CSHS Công an tỉnh Đắk Lắk nhận được đơn của chị P. (trú tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) tố cáo Hoàng Thị Lên đã bán chị S. (là chị của chị P.) và con gái nhỏ của chị S. sang Trung Quốc, để buộc chị S. làm vợ cho những người đàn ông ở nước này.

Theo đơn, năm 2014, chị S. cưới chồng rồi về sinh sống tại xã Cư Kbang và có quen biết với Hoàng Thị Lên.

Đầu năm 2018, chị S. nói với gia đình là đưa con gái 1 tuổi đi cùng Lên về tỉnh Cao Bằng thăm quê, nhưng sau đó mất liên lạc.

Tháng 8/2023, thông qua mạng xã hội Wechat, chị S. liên lạc được với chị P. và kể lại quá trình bị Lên lừa bán sang Trung Quốc làm vợ những người đàn ông Trung Quốc trái ý muốn. Chị S. còn kể thường xuyên bị đánh đập, bóc lột sức lao động.

Nhận đơn của chị P., Phòng CSHS Công an tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện điều tra.

Vào ngày 17/9, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp lực lượng chức năng tại tỉnh Lào Cai giải cứu thành công hai mẹ con chị S. và đưa về Đắk Lắk.

Sau đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triệu tập Hoàng Thị Lên làm việc.

Tại cơ quan công an, Lên khai thông qua mạng xã hội có quen biết với một người phụ nữ tên Cơ sinh sống tại Trung Quốc.

Đầu năm 2018, Cơ liên lạc với Lên và nói có một người đàn ông Trung Quốc muốn lấy vợ Việt Nam.

Lên đã dụ dỗ rồi đưa hai mẹ con chị S. lên xe khách ra tỉnh Cao Bằng, lừa đưa nạn nhân vượt biên sang Trung Quốc rồi bán cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 4.000 nhân dân tệ.

Theo số liệu của Chính phủ Việt Nam, nửa đầu năm nay xảy ra 88 vụ buôn người với tổng số 229 vụ bắt giữ và 224 nạn nhân; cùng kỳ năm ngoái có 55 vụ buôn người với tổng cộng 154 nạn nhân. Vì ở Trung Quốc có quá nhiều đàn ông độc thân không lấy được vợ nên việc phụ nữ Việt bị bán sang Trung Quốc làm “cô dâu” không phải là chuyện hiếm.

Lý giải nguyên nhân, trong một thông tin vào tháng 7 từ tờ New York Times cho hay, chính sách một con của Chính phủ Trung Quốc (mãi đến năm 2016 mới chấm dứt), trong bối cảnh văn hóa truyền thống Trung Quốc trọng nam hơn nữ khiến số lượng nam giới Trung Quốc đông hơn số lượng nữ giới tới 35 triệu người, dẫn đến tình trạng đàn ông độc thân ngày càng trầm trọng, làm gia tăng “cuộc đua giành cô dâu”.

Trường hợp Campuchia

Một nguồn tin từ Reuters hồi tháng 12/2020 cho hay, năm nay Liên minh Chab Dai (Chab Dai Coalition) – nhóm từ thiện của Campuchia với mục đích ngăn chặn nạn buôn người và lạm dụng tình dục – cứ 3 ngày lại nhận được tố giác trường hợp phụ nữ bị bán sang Trung Quốc, tỷ lệ này cao gấp đôi so với trước đây. Hầu hết nạn nhân đều ở độ tuổi 20, thậm chí có người chỉ mới 14 tuổi, có thể có hàng ngàn trường hợp chưa được tố cáo.

Liên minh Chab Dai cho biết, do dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành may mặc, khách sạn và du lịch của Campuchia, hệ quả số lượng phụ nữ bị bán sang Trung Quốc đã tăng vọt. Một cán bộ của tổ chức có tên Chan Saron chỉ ra rằng vì phụ nữ trẻ không có việc làm và không có lựa chọn, nên các nhóm tội phạm càng dễ thuyết phục họ và gia đình họ.

Những phụ nữ Campuchia chạy trốn khỏi Trung Quốc thường mô tả việc bị lạm dụng tình dục cũng như lạm dụng về thể chất và tâm lý, một số bị nhốt, bị ngược đãi và cưỡng bức lao động.

Và tại Pakistan

Năm 2020, Đại sứ Sam Brownback về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã chỉ trích vấn đề tại Pakistan để phụ nữ theo đạo Hindu và Cơ đốc giáo bị bán cho người Trung Quốc làm vợ lẽ, cô dâu bị ép buộc (forced brides).

Ông Brownback cho biết, những phụ nữ Pakistan bị ép kết hôn với đàn ông Trung Quốc thường “thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số tại nước này, chẳng hạn như phụ nữ theo đạo Thiên chúa và đạo Hindu”.

Vào tháng 12/2019, hãng tin AP đã phỏng vấn 629 cô gái và phụ nữ Pakistan, tất cả đều bị đưa sang Trung Quốc từ năm 2018 đến đầu năm 2019. Khi đến Trung Quốc, những phụ nữ này thường bị cô lập, bỏ mặc, lạm dụng, hoặc thậm chí bị ép làm gái mại dâm.

Theo một điều tra của hãng thông tấn AP, những kẻ buôn người chủ yếu tìm kiếm những người nghèo theo đạo Cơ đốc ở Pakistan, chúng trả cho những gia đình tuyệt vọng một khoản phí nhất định để gả con gái và chị gái của họ cho đàn ông Trung Quốc.

Nam giới Trung Quốc nhiều hơn nữ giới 32,37 triệu

Theo truyền thông Đại Lục, dân số Trung Quốc vào cuối năm 2022 (bao gồm dân số của 31 tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương và quân nhân tại ngũ; nhưng không bao gồm Hồng Kông, Macao, Đài Loan và nhân viên nước ngoài) theo công bố của Chính phủ Trung Quốc là 1,41175 tỷ người. Chia theo cơ cấu giới tính cho thấy, dân số nam là 722,06 triệu, dân số nữ là 689,69 triệu, dân số nam nhiều hơn nữ 32,37 triệu; tỷ lệ chênh lệch giới tính là 104,69 nam / 100 nữ.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc chưa công bố số liệu từng tỉnh, nếu dựa vào số liệu từ Tổng điều tra dân số lần thứ 7 được Trung Quốc thực hiện vào năm 2020, cho thấy vấn đề chênh lệch giới tính cao nhất là Quảng Đông, còn cân bằng nhất là Cát Lâm. Có 3 tỉnh mức chênh giới tính trên 110 (tính trên 100 nữ) là Quảng Đông (113,08), Hải Nam (112,86) và Tây Tạng (110,32); trong khi ba tỉnh phía đông Trung Quốc có tỷ lệ nam nữ cân đối nhất là Hắc Long Giang (100,35), Liêu Ninh (99,7) và Cát Lâm (99,69).

Mộc Vệ (t/h)