Bầu không khí tại Bắc Kinh trước thềm Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20 ĐCSTQ) trở nên căng thẳng chưa từng có. Theo Bộ Công an Trung Quốc, hơn 1,43 triệu người đã bị bắt trong 3 tháng qua. 

shutterstock 17974328261
Khu vực Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc, năm 2020 (Ảnh minh họa: WillMillerChina / Shutterstock)

Hơn 1,43 triệu người bị bắt trong 3 tháng qua

Bộ Công an ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào thứ Ba (27/9). Ông Cừu Bảo Lợi, Giám đốc Văn phòng “Hành động Trăm ngày” của Bộ Công an, kiêm Cục trưởng Cục Công an, cho biết đến nay “Hành động trăm ngày” đã bắt giữ hơn 1,43 triệu “nghi phạm hình sự”.

“Hành động trăm ngày” mà ĐCSTQ nói rằng để duy trì sự ổn định cho Đại hội 20 đã bắt đầu từ ngày 25/6.

Tuy nhiên, nhiều người bị chính quyền bắt giữ không phải chỉ là những kẻ làm điều phi pháp, mà có cả người dân đi khiếu kiện (dân oan) và những người bất đồng chính kiến, các học viên Pháp Luân Công và tín đồ Cơ đốc, tất cả đều trở thành mục tiêu của ĐCSTQ.

Ngày 27/9, một người dân ở Liêu Ninh nói với Đài Á Châu Tự Do rằng cảnh sát bắt người khắp nơi trong “Chiến dịch Trăm ngày”. Phương thức này tương tự như hoạt động “trấn áp nghiêm”, bắt người không có cơ sở pháp lý.

Bà Lưu, một người dân Thẩm Dương cho biết, hiện giờ công an bắt người cho đủ số: “Họ muốn gom cho đủ số lượng, 1,4 tỷ người cứ từ từ mà bắt, muốn bắt ai thì bắt, nếu không thì làm sao tỏ rõ uy phong được. Cơ quan thực thi pháp luật của cảnh sát không hề thực thi đúng luật, mà cứ đến bất kỳ hội nghị hay cuộc vận động nào, họ sẽ bắt những người phản ánh về vấn đề đó.”

Luật sư nhân quyền Trần Gia Hồng từng bị kết án 3 năm tù, vì nghi ngờ “kích động lật đổ quyền lực nhà nước”, đã ra tù vào tháng Tư năm nay. Ngày 24/9, sau khi bị Sở Công an thành phố Nam Ninh khám nhà, mọi người đã mất liên lạc với ông.

Ngày 1/9, ông Hạng Cẩm Phong, một nhà bất đồng chính kiến ​​đến từ Phúc Kiến, bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ huyện Liên Thành, thành phố Long Nham, với một tội danh không xác định.

Nhiều người khiếu kiện ở Thượng Hải đều bị nhốt trong nhà tù đen (bí mật). Dân oan Du Trung Hoan bỏ trốn từ Thượng Hải đến Vân Nam để tránh bị bắt vì duy trì ổn định, nhưng vẫn không thể thoát khỏi sự giám sát của Big Data. Sau khi được nhân viên duy trì ổn định đưa về Thượng Hải, hiện mọi người đã mất liên lạc với ông.

Ngày 28/9, ông Ngô Thiệu Bình, luật sư nhân quyền sống tại Hoa Kỳ, nói với Epoch Times rằng lý do ĐCSTQ muốn duy trì ổn định là sự cai trị toàn trị của họ không hợp pháp. Tính hợp pháp của giai cấp lãnh đạo quyền lực nhất cũng bị đặt nhiều nghi vấn, không giống như các nhà lãnh đạo dân chủ, được bầu qua phổ thông đầu phiếu.

Trong quá trình thay đổi lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 20, ĐCSTQ phải ngăn chặn “kẻ thù nước ngoài”. Bởi vì “kỳ thực toàn bộ người dân trong xã hội này đều là kẻ thù của ĐCSTQ. Sự bất mãn và phản đối của người dân có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ ĐCSTQ.”

Ông nói rằng công an là vũ khí của ĐCSTQ, họ sử dụng hệ thống này để duy trì sự ổn định của toàn xã hội. Nhưng đây lại là con dao hai lưỡi, có thể tự làm mình bị thương bất cứ lúc nào.

“Những con dao của ĐCSTQ là người của chính họ, là những tên trộm trong nhà mà họ phải đề phòng. Vì vậy, trước Đại hội 20, ông Tập Cận Bình đã lên kế hoạch bắt Tôn Lực Quân, Phó Chính Hoa và những người khác trong hệ thống chính trị và pháp luật. Việc này chính là để đề phòng những tên trộm trong nhà.”

Ông Ngô Thiệu Bình cho rằng môi trường xã hội khắc nghiệt hiện nay ở Trung Quốc là do ĐCSTQ tạo ra. ĐCSTQ thực hiện tư pháp bất công, tham nhũng, và đặc biệt là sử dụng chính sách Zero-COVID, để duy trì ổn định xã hội.

Nhằm đảm bảo quyền cai trị của chính mình, ĐCSTQ sử dụng phương pháp duy trì ổn định cường độ cao này, để kiểm soát toàn bộ xã hội, khiến xã hội luôn trong tình trạng căng thẳng và lo lắng.

Công tác duy trì ổn định leo thang ở khắp nơi tại Trung Quốc

Gần đây, cảnh sát Bắc Kinh liên tục kiểm tra các khu nhà cho thuê và xua đuổi dân khiếu nại. Chính phủ cũng đã cử các đội cảnh sát và nhân viên duy trì ổn định đến Bắc Kinh để bắt giữ người dân. Ngày 28/9, phóng viên của Epoch Times được biết, những người khiếu kiện đã vô cùng phẫn nộ trước các hoạt động duy trì ổn định trên khắp Đại Lục,nhằm hưởng ứng Đại hội 20.

Ngày 28/9, ông Hồ Kiến Quốc, một cư dân Thượng Hải, nói với Epoch Times rằng ông hiện đang bị theo dõi trước cổng nhà. Đã hơn nửa tháng nay, ngày nào cũng có 2 người ngồi trong nhà xe của ông, vì sợ ông sẽ đến Bắc Kinh.

“Tôi nói rằng những người Cộng sản các anh đều là những kẻ tham ô và là quân cướp nước, gửi tiền ra nước ngoài và bắt nạt người dân chúng tôi. Sau đó, họ cử thêm vài người nữa đứng ở cổng, đậu một chiếc xe tải van, và theo dõi chúng tôi. Thậm chí họ còn chạy vào trong nhà, và bị tôi đuổi ra ngoài.”

Ông nói rằng vẫn còn nhiều người ở Thượng Hải bị bắt vì duy trì ổn định, như Dương Vĩnh Lan, Cố Quốc Bình, Bành Diệu Lâm và con gái bà – Bành Tuấn.

Ông Hồ Kiến Quốc nói: “Hãy nhìn vào mớ hỗn độn tài chính, bao nhiêu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã rút đi, những người mua nhà không trả được khoản vay hiện tại của họ, bất động sản sắp sụp đổ, vắt kiệt tất cả mọi người. Cuộc sống đã mất hy vọng thì sẽ có ý nghĩ tìm đến cái chết. Đất nước này còn có hy vọng không? Những người nắm quyền giữ tiền của họ ở nước ngoài vì không có niềm tin vào chế độ này.”

Phóng viên được biết, cô Lý Bích Vân, người khiếu kiện tàn tật của tỉnh Quảng Đông, đã nộp đơn xin ra ngoài để khám bệnh nhưng bị chặn ở cổng. Cô Đào Hồng, dân oan ở tỉnh Giang Tô, bị buộc phải nộp đơn xin tại ngoại sau khi bị chặn lại ở Bắc Kinh và bị giam trong phòng chuyển tiếp. Cô Dương Tú Đình từ Thượng Hải đang trên đường về nhà mẹ đẻ ở Giang Tô, đã bị cảnh sát bắt đi và mất liên lạc đã 20 ngày sau đó.

Ngày 18/9, Dương Gia Hào – dân oan tại tỉnh Quảng Châu, đã bị chặn trên đường vào Bắc Kinh. Sau đó, mã sức khỏe của anh đổi màu 3 lần trong 3 ngày, từ xanh sang vàng, sau đó từ vàng sang xanh, và đột ngột đỏ trở lại vào ngày 21/9.

Trong khoảng thời gian này, xét nghiệm axit nucleic của anh đều cho kết quả dương tính. Hiện tại, cổng nhà của Dương Gia Hào đã bị phong tỏa, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thông báo họ sẽ đưa anh ta đi cách ly.

Trước Đại hội 20, Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ hoạt động bay các thiết bị bay như máy bay không người lái, và cả việc đưa bưu phẩm vào Bắc Kinh. Thậm chí các tài xế xe buýt đường dài ở Bắc Kinh còn được yêu cầu đeo vòng tay điện tử, để theo dõi “trạng thái tinh thần” của họ thông qua “công nghệ cảm nhận cảm xúc”.

Việc kiểm soát dịch bệnh trước Đại hội  20 khiến người dân phản đối

Vào thời điểm mà các nhà chức trách đang duy trì ổn định cho Đại hội 20 của ĐCSTQ, ngày càng có nhiều cuộc biểu tình phản đối của người dân cả nước vì chính sách kiểm soát dịch bệnh tàn khốc.

Gần đây, do chính sách ngăn chặn dịch bệnh, nhiều nơi ở Thâm Quyến đã dấy lên các cuộc biểu tình của công chúng. Trong đó, vào ngày 26/9, chỉ có một ca bệnh được xác nhận tìm thấy ở làng Sa Vĩ, huyện Phúc Điền, nhưng việc quản lý khép kín lại được thực hiện trở lại. Ga tàu điện ngầm Sa Vĩ bị đình chỉ hoạt động, người dân của làng Sa Vĩ “chỉ có thể vào, mà không thể ra”.

Đêm hôm đó, hàng ngàn người ở làng Sa Vĩ đã tụ tập để phản đối, hô hào “dỡ bỏ phong tỏa”. Video trực tuyến cho thấy, chính quyền đã điều động một lượng lớn cảnh sát đến trấn áp. Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người dân đã nổ ra, nhiều người biểu tình bị bắt giữ.

Một video cho thấy có các cuộc biểu tình quy mô lớn xảy ra tại làng Tân Châu, Phúc Điền vào ngày 26/9. Với chiếc loa trên tay, một người đàn ông hét lên với quan chức: “Hãy gọi lãnh đạo của các anh đến đây nói chuyện”, và chỉ trích “ĐCSTQ miệng quan trôn trẻ! Hứa không giữ lời!”

Các cuộc biểu tình quy mô lớn cũng nổ ra ở nhiều nơi tại Tân Cương, nhằm phản đối các biện pháp phong tỏa kéo dài của chính quyền.

Ngày 25/9, Khu dân cư Vương Gia Lương tại thành phố Urumqi, Tân Cương, đã bị phong tỏa gần 50 ngày, rất đông người dân đổ ra đường biểu tình. Có người còn quỳ lạy ‘vệ binh trắng’ (tình nguyện viên chống dịch mặc áo bảo hộ màu trắng) khóc lóc, và than rằng “cả nhà tôi đã không sống nổi nữa rồi”. Đoạn video này nhanh chóng được phát tán trên mạng. Trước sức ép của dư luận, cơ quan chức năng thông báo dỡ bỏ chốt chặn.

Cư dân địa phương nói với Epoch Times, mặc dù việc phong tỏa đã được dỡ bỏ, nhưng người dân vẫn bị giám sát chặt chẽ.

Ngày 26/9, ông Ngô Tộ Lai, một học giả kiêm nhà văn sống tại Hoa Kỳ, nói với Epoch Times rằng xung đột giữa cảnh sát tuyến đầu và cấp dưới của ĐCSTQ đang ngày càng trở nên gay gắt và bi thảm. Ví dụ, chính sách phòng chống dịch tàn khốc hiện nay của ĐCSTQ đã gây ra nhiều cuộc biểu tình.

“Người dân không được ‘khai sáng’ bởi giới tri thức, hay những nhà tư tưởng, mà được ‘khai sáng’ nhờ những cán bộ cấp dưới của ĐCSTQ. Họ được ‘khai sáng’ bởi những những quan chức tàn ác, cảnh sát và nhân viên quản lý đô thị và những ‘vệ binh trắng’. Họ tức giận và chán ghét chế độ này. Sau đó, sẽ có một ngày giống như ở Iran bây giờ, người dân thường tấn công chế độ.”

Kể từ giữa tháng Chín, các cuộc biểu tình quy mô lớn trên khắp Iran đã tiếp tục lan rộng. Nguyên nhân là do cái chết của một cô gái “đội khăn trùm đầu không đúng cách” bị cảnh sát sát hại, và biến thành một cuộc biểu tình chính trị chống lại chính quyền.