Theo báo cáo chính thức mới nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), 610.000 quan chức ĐCSTQ đã bị trừng phạt vào năm 2023, bao gồm từ quan chức cấp tỉnh, cấp bộ cho đến nhân sự ở khu vực nông thôn và doanh nghiệp. 

thien an mon
(Ảnh minh họa: Songquan Deng/Shutterstock)

Theo báo cáo công bố trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Nhà nước vào ngày 25/1/2023, chính quyền ĐCSTQ đã trừng phạt 610.000 quan chức. Trong đó bao gồm 49 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ, 3.144 quan chức cấp sở, cục, 24.000 quan chức cấp quận, huyện, 82.000 quan chức cấp thị trấn, 85.000 quan chức viên chức thông thường và 417.000 cán bộ khác từ khu vực nông thôn và doanh nghiệp.

Báo cáo nêu rõ, năm 2023, các cơ quan kiểm tra, giám sát kỷ luật của ĐCSTQ đã lập án tổng cộng 626.000 vụ việc. Trong số này bao gồm 87 quan chức trung ương, 3.456 quan chức cấp sở và cục, 27.000 quan chức cấp huyện, 89.000 quan chức cấp thị trấn, và 61.000 bí thư chi bộ thôn và cựu bí thư thôn và trưởng thôn.

Báo cáo cũng nêu rằng các cơ quan kiểm tra, giám sát kỷ luật của ĐCSTQ đã áp dụng cái gọi là “bốn hình thức” [kỷ luật] để tiến hành phê bình, giáo dục và xử lý 1,718 triệu người.

“Bốn hình thức” là thuật ngữ chính trị của ĐCSTQ, bao gồm phê bình bình thường, tự phê bình, hẹn nói chuyện; thi hành kỷ luật đảng nhẹ và hình phạt trong tổ chức đối với đa số quan chức vi phạm; kỷ luật đảng nặng và điều chỉnh lớn công việc đối với một số ít người; và lập án điều tra đối với một số rất ít người.

Báo cáo cũng cho thấy 17.000 người đưa hối lộ cũng đã bị đưa vào hồ sơ và 3.389 người đã được chuyển đến cơ quan công tố.

Phân tích: Thanh trừng quan chức quy mô lớn là dấu tàn sát lẫn nhau trong nội bộ ĐCSTQ

Nhà bình luận thời sự Vương Hách cho rằng ĐCSTQ đã trừng phạt 600.000 quan chức chỉ trong một năm, điều này nhấn mạnh rằng hệ thống quyền lực và hệ thống quan chức của ĐCSTQ là một điểm nóng tham nhũng, tham nhũng đã trở nên phổ biến và khó ngăn chặn.

Vào ngày 26 tháng 1, ông Vương Hách nói trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên tờ Epoch Times rằng, mặc dù cái gọi là chiến dịch chống tham nhũng đã được thực hiện hơn 10 năm kể từ khi ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, lên nắm quyền, nhưng tham nhũng vẫn tràn lan. Việc thanh trừng quan chức của ĐCSTQ không được thực hiện theo quy định của pháp luật hay các tiêu chuẩn thống nhất, nhiều người cho rằng việc chống tham nhũng này là không công bằng, nó cho thấy chính quyền đang chống tham nhũng có chọn lọc.

Ông cũng nói rằng trong cái gọi là “bốn hình thức” (xử lý quan chức) mà ĐCSTQ tuyên bố, chỉ có một số rất nhỏ người thực sự phải chịu trách nhiệm, đưa ra tòa, xét xử và cuối cùng là bỏ tù. Nhiều người chỉ bị trừng phạt trong nội bộ đảng và được bỏ qua một cách nhẹ nhàng. Điều này khiến cho tham nhũng vẫn tiếp tục.

Ông Lục Thiên Minh (Lu Tianming), một nhà bình luận chính trị trú tại Mỹ, cũng nói với phóng viên Epoch Times rằng ĐCSTQ hoàn toàn không chống tham nhũng theo đúng nghĩa: “Điều này chỉ có thể giải thích một vấn đề, đó là toàn bộ hệ thống của chính quyền ĐCSTQ hủ bại từ trên xuống dưới.”

Ông nói: “Dùng một câu nói dân gian, nếu tất cả các quan chức của ĐCSTQ bị bắt thì một hoặc hai người sẽ bị buộc tội oan. Nếu cứ cách một người bắt một người thì chắc chắn sẽ có số lượng lớn người sa lưới, cũng chính là nói có rất ít người thực sự vô tội. Điều này cho thấy đó là một vấn đề mang tính hệ thống và một vấn đề phổ biến.”

Ông nói rằng không có quốc gia nào trên thế giới có vấn đề tham nhũng tràn lan như vậy, nhưng ĐCSTQ lại coi việc xử lý quan chức tham nhũng là một thành tựu chính trị và không hề xấu hổ mà còn tự hào về nó. Ông nói: “ĐCSTQ suốt ngày nhấn mạnh việc ‘đả hổ, diệt ruồi’ và coi việc bắt được bao nhiêu con ‘ruồi’ (quan chức cấp thấp) mỗi ngày là một thành tựu chính trị. Nhưng ‘ruồi’ vẫn tràn lan, điều này chỉ có thể cho thấy nơi này (quan trường của ĐCSTQ) là một ‘bãi rác’. Nếu đống rác này không được dọn sạch hoàn toàn thì ‘rác’ và ‘ruồi’ sẽ luôn tồn tại và tiếp tục sinh sôi, và đống ‘rác’ này là hệ thống của ĐCSTQ và là chính bản thân ĐCSTQ, vì vậy, dù ĐCSTQ có đánh ruồi bằng cách nào cũng không thể giải quyết được vấn đề thực chất.”

Ông Lục Thiên Minh nói thêm rằng, hành động của ĐCSTQ thực sự phản ánh sự hỗn loạn nội bộ cực kỳ nghiêm trọng của nó.

Ông cho rằng trước đây, xung đột nội bộ trong ĐCSTQ chủ yếu tập trung vào cuộc tranh giành quyền lực giữa phe Tập (Tập Cận Bình) và phe Giang (Giang Trạch Dân), nhưng khi ông Tập Cận Bình có được chỗ đứng thì cuộc đấu tranh này đã phát triển thành xung đột nội bộ trong phe Tập. Tranh giành quyền lực luôn là đặc điểm của ĐCSTQ và luôn như vậy trong suốt lịch sử.

“Vì vậy, một số lượng lớn quan chức từ trên xuống dưới của ĐCSTQ ‘ngã ngựa’ thực chất là một kiểu tàn sát lẫn nhau trong nội bộ, không có ý nghĩa thực tế. Điều đó không có nghĩa là ĐCSTQ thực sự đang chống tham nhũng.” ông Lục Thiên Minh nói.

Trong 10 năm có gần 5 triệu quan chức đã bị điều tra

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí của Đại hội 20 của ĐCSTQ chiều ngày 17/10/2022, ông Tiêu Bồi (Xiao Pei) – Phó bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương kiêm Phó trưởng ban Ban Giám sát Nhà nước, cho biết toàn Trung Quốc đã có hơn 4,648 triệu vụ việc được cơ quan thanh tra giám sát kỷ luật quốc gia lập hồ sơ án, trong đó có 553 cán bộ cấp trung ương, hơn 25.000 cán bộ cấp tỉnh và hơn 182.000 cán bộ cấp huyện. Cuộc chiến chống tham nhũng đã giành được thắng lợi to lớn và được củng cố trên toàn diện.

Trong số 553 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có 49 Ủy viên hoặc Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa 10, có 12 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa 18, có 12 Ủy viên hoặc Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa 19, và 6 ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật khóa 19. Tổng số 207.000 “lãnh đạo thuộc diện đứng đầu một cơ quan/ban ngành” các cấp đã bị cơ quan thanh tra, giám sát kỷ luật quốc gia điều tra truy cứu.

Về vấn đề này, nhà sử học gốc Hoa ở Úc, ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua) trao đổi với Epoch Times rằng con số đó không phải là thành tích chống tham nhũng, mà phản ánh thực tế tham nhũng phổ biến ở tất cả các quan chức ĐCSTQ. Thay vì nhìn nhận đó là thành tích, thì có thể diễn tả cách khác là tham nhũng của quan chức ĐCSTQ mang tính phổ biến. Ông nhận thấy bất kỳ ai mà ông Tập Cận Bình muốn bắt giữ thì đều có vấn đề tham nhũng, kể cả [bắt vì] đối đầu hay không ủng hộ ông Tập về chính trị. Thực trạng tham nhũng đó không phải là thành tích, mà chỉ cho thấy ĐCSTQ là tổ chức hủ bại.

Dùng chống tham nhũng để duy trì quyền lực độc tài

Ông Lý Nguyên Hoa nhấn mạnh, các quan chức cao nhất của ĐCSTQ đều tham nhũng, nhưng ĐCSTQ có một quy tắc bất thành văn: không áp dụng đối với ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Ông nói: “Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là những quan chức tham nhũng nhiều nhất, bao gồm cả các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đã tạo ra bầu không khí xã hội thối nát của Trung Quốc. Giang Trạch Dân là quan chức tham nhũng kinh khủng nhất, nhưng tất cả đều vì quy tắc bất thành văn của ĐCSTQ mà không đụng vào ông ta. Hoặc cũng có thể Tập Cận Bình đã đạt được thỏa hiệp với quan chức tham nhũng lớn nhất để được ủng hộ cái gọi là cuộc ‘tại vị’ hoặc trong những vấn đề chính trị nhạy cảm khác.”

Nhà quan sát gốc Hoa này lưu ý, chiến dịch chống tham nhũng của ĐCSTQ không phải thực chất như vậy mà là chiêu bài để bảo vệ quyền lực tập trung và độc tài, vì thực tế ai cũng thấy chỉ cần đi theo đúng phe cánh thì dù có tham nhũng đến đâu cũng không sao.

Các quan chức cấp cao của Trung ương ĐCSTQ là những địch thủ chính trị của nhau. Vì vậy, khi ĐCSTQ chấn chỉnh những người này thì không theo quy trình tư pháp mà theo cái gọi là kiểm tra và giám sát kỷ luật, từ đó ép cung lấy được ‘tài liệu đen’. Ông cho rằng “mục tiêu thanh trừng không phải tham nhũng, vấn đề là biến những người bị thanh trừng như những lá bài thương lượng quan trọng để đến lúc sử dụng, cho công bố những ‘tài liệu đen’ đó. Một mặt cách làm chứng tỏ tôi tương đối trong sạch, tôi sẽ chấn chỉnh tất cả các quan chức, mặt khác khiến các đối thủ chính trị phải thỏa hiệp bằng điều kiện tha bổng những người đó”.

Trí Đạt (t/h)