Tính từ khi đợt dịch mới nhất bùng phát ở Hải Nam, Trung Quốc đến ngày 7/8, có 1.140 ca dương tính với COVID-19 được báo cáo, 827 trường hợp được xác nhận, trong đó riêng thành phố Tam Á có 689 ca. Hiện tại, thành phố này về cơ bản đã bị phong toả, tất cả các tuyến đường sắt đều bị cấm, và tất cả các chuyến bay buộc phải hủy bỏ. Tính đến chiều ngày 6/8, hơn 80.000 khách du lịch đã bị mắc kẹt tại đây.

Screen Shot 2022 08 08 at 18.41.30
Ngày 8/8, người dân tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam xếp hàng dưới mưa chờ làm xét nghiệm axit nucleic. (Ảnh cắt từ video Twitter)

Chiều ngày 6/8, cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch ở thành phố Tam Á đã thông báo, từ 6:00 sáng ngày 6/8, thành phố Tam Á sẽ thực hiện quản lý tĩnh tạm thời toàn khu vực, bên cạnh việc đảm bảo các dịch vụ vận hành xã hội cơ bản, phòng chống dịch và các tình huống khẩn cấp  khác, toàn bộ thành phố sẽ hạn chế người đi lại, tạm dừng giao thông công cộng trong thành phố. Thời gian khôi phục sẽ được thông báo sau.

Đợt dịch hiện tại ở Tam Á đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành du lịch tại địa phương. Theo trang tin Yicai.com đưa tin, một số danh lam thắng cảnh như Khu Du lịch Văn hóa Nam Sơn, Công viên Rừng Thiên đường Nhiệt đới Vịnh Á Long, Đảo Ngô Chi Châu, v.v, đều đã tạm dừng hoạt động. Các nền tảng ứng dụng và công ty du lịch lớn cũng đã khẩn trương đưa ra các sửa đổi lịch trình và hoàn tiền.

Một số đơn vị lữ hành cho biết, trong mùa cao điểm du lịch hè, các đơn hàng du lịch ban đầu đã được đặt từ đầu tháng Tám đến đầu tháng Chín, hiện các đơn hàng này đều đã được hoàn tiền. “Doanh thu liên quan đến việc bồi hoàn là gần 5 triệu nhân dân tệ.”

Trang tin Hexun.com đưa tin, vào ngày 6/8, tất cả các chuyến bay liên quan đến Tam Á buộc phải hủy bỏ và những chuyến bay đã khởi hành phải quay lại. Cơ quan đường sắt cũng đã cấm mọi hoạt động mua bán vé trong khu vực Tam Á, và người dân không thể rời Tam Á bằng đường sắt. Hiện tại, chỉ có thể vào mà không thể ra khỏi các ga Tam Á, ga Vịnh Á Long, Ga Sân bay Phượng Hoàng và Ga Nhai Châu, thời gian khôi phục lại sẽ được thông báo riêng.

Nhiều du khách nhận thấy chuyến bay của họ đã bị hủy chỉ sau khi đến sân bay. Một số du khách đã làm thủ tục và lên máy bay nhưng họ buộc phải xuống máy bay sau 2 tiếng chờ máy bay cất cánh.

Ngày 5/8, ông Hà Thế Cương (He Shigang), Phó thị trưởng thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, cho biết ước tính có hơn 80.000 du khách đang mắc kẹt tại Tam Á. Kể từ ngày này, số khu vực có nguy cơ cao ở Tam Á sẽ được điều chỉnh lên 95 và số khu vực có nguy cơ trung bình sẽ được điều chỉnh thành 50.

Ngày 6/8, trong Hội nghị phòng chống dịch tại Tam Á, chính quyền đưa ra báo cáo cho biết trong số những người mắc kẹt tại Tam Á có khoảng 32.000 người thuộc khách du lịch mắc kẹt trong khách sạn. Từ 6h ngày 6/8, khách sạn sẽ phục vụ với mức giá ưu đãi giảm 50%.

Tuy nhiên, một số lượng lớn du khách cho rằng, “khách sạn giảm nửa giá” chỉ là mánh lới quảng cáo, nhiều khách sạn cũng nhân cơ hội tăng giá lên rất nhiều, du khách ở lại nhưng không được hưởng chiết khấu thực tế. Đối với những du khách bị mắc kẹt trong khách sạn, họ cần phải tự lo bữa ăn cho mình, một bữa ăn cho hai người có giá 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triêu VNĐ), đây là một mức giá không thể chấp nhận được đối với những khách du lịch bình thường.

Theo ảnh chụp màn hình được chia sẻ trên Internet, một số cư dân mạng đã trả gần 120.000 nhân dân tệ (khoảng 415 triệu VNĐ) tiền phòng trong 7 ngày.

Theo trang tin The Paper đưa tin, một gia đình gồm 13 người đến từ Thành Đô đã ở lại Tam Á và sống trong khách sạn nghỉ dưỡng nổi tiếng Khách sạn Văn hóa Đông Phương ở Tam Á. Theo ước tính của các du khách, chi phí ăn ở hàng ngày của 13 người trong thời gian ở lại cao tới 26.500 nhân dân tệ (khoảng 91,7 triệu VNĐ). Theo chính sách phòng chống dịch bệnh mới nhất của thành phố Tam Á, họ phải ở lại ít nhất 7 ngày, đồng nghĩa với việc chi phí của gia đình lên tới 180.000 nhân dân tệ (khoảng 623 triệu VNĐ).

Cũng theo The Paper, tại cuộc họp báo vào ngày 6/8, cơ quan chức năng ở Tam Á nói rằng khách du lịch đã hoàn thành xét nghiệm sàng lọc kéo dài 7 ngày (tức xét nghiệm axit nucleic trên ngày 1, 2, 3, 5, 7 trong vòng 7 ngày), nếu âm tính thì có thể rời đảo. Nhưng với bài học kinh nghiệm từ Thượng Hải, không ai chắc chắn rằng sau 7 ngày nữa mình có thể rời khỏi đây một cách thuận lợi hay không.

Tài khoản Wenwu Shijie trên trang 163.com viết rằng đã 3 năm rồi, cũng như trong quá khứ, lại chứng kiến ​​sự hoảng loạn, hoảng sợ và nỗi sợ hãi mơ hồ ở Tam Á. Theo lý mà nói, dù là kiến ​​thức về virus cũng như việc áp dụng thuần thục các chiến lược phòng chống dịch bệnh, thì cũng đều không nên để xảy ra tình trạng này. Nhưng thật đáng tiếc, dù là Tây An, Thượng Hải, hay Tam Á hiện nay, cũng đều như Vũ Hán trước đây, đều hoảng sợ, tiến hay lui cũng đều không có căn cứ.

Wenwu Shijie cho rằng ngành công nghiệp khách sạn ở Tam Á coi hơn 30.000 khách du lịch bị mắc kẹt với nhu cầu cư trú là “rau hẹ” để thu hoạch, có thể cắt được thì cắt hết, giống như giết gà để lấy trứng. Cuối cùng thứ bị tổn hại chính là hình tượng du lịch Tam Á, khiến cho danh tiếng ngành du lịch Tam Á sẽ bấp bênh hơn trong tương lai.

Không chỉ các khách sạn ở Tam Á coi những du khách mắc kẹt như những con cừu chờ làm thịt, mà còn có các hãng hàng không. Nhiều hành khách mắc kẹt cho biết giá vé của chuyến bay về đắt gấp đôi so với lúc họ đến.