Các thành viên của tổ chức Demosisto Hồng Kông (đã giải thể) gồm: cựu Tổng thư ký Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), cựu thành viên Chu Đình (Agnes Chow), và cựu Chủ tịch Lâm Lãng Nguyên (Ivan Lam), đã bị buộc tội kích động và tụ tập bất hợp pháp, họ đã nhận tội trước tòa Hồng Kông hôm thứ Hai (23/11) và đã bị tuyên án, lập tức bị quản chế cho đến khi có phán quyết vào tuần tới. Tuy nhiên tất cả đều cho biết không hối tiếc, đồng thời kêu gọi người dân Hồng Kông hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn đen tối. Có quan điểm cho rằng việc họ lựa chọn nhận tội cho thấy đã không còn lòng tin vào hệ thống tư pháp Hồng Kông.

2eb3c5da89ac82def84abfc12da1e433
Hoàng Chi Phong, cựu tổng thư ký của Demosisto Hồng Kông. (Ảnh: Tống Bích Long / Epoch Times).

Ngày 21/6 năm ngoái khi khởi đầu phong trào chống dự luật dẫn độ, một số lượng lớn người biểu tình Hồng Kông đã bao vây Trụ sở Cảnh sát Hồng Kông, yêu cầu cảnh sát phải chịu trách nhiệm về hành vi lạm dụng quyền lực đối với các cuộc biểu tình và phải hủy bỏ kết tội những người bị bắt. Liên quan vụ việc này, các thành viên của Demosisto Hồng Kông gồm cựu Tổng thư ký Hoàng Chi Phong, cựu thành viên Chu Đình, và cựu chủ tịch Lâm Lãng Nguyên đã bị cáo buộc tham gia vào cái gọi là tụ tập trái phép, cả ba người đã quyết định nhận tội sau khi tham vấn ​​luật sư.

Cổ vũ người dân Hồng Kông hỗ trợ nhau trong lúc đen tối

Trước khi ra hầu tòa vào thứ Hai (23/11), cả ba cựu thành viên của Demosisto đã có những chia sẻ trước truyền thông, cho biết rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng và sẽ lập tức chấp nhận quản chế. Hoàng Chi Phong cổ vũ người dân Hồng Kông hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn đen tối của phong trào dân chủ Hồng Kông hiện nay.

Hoàng Chi Phong cho biết: “Trước đàn áp của Luật An ninh Quốc gia và sự xuất hiện của khủng bố trắng, cho dù chúng tôi phải đối mặt với bản án tù hoặc có cơ hội được cải tạo cũng không có vấn đề gì, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc. Trong thời điểm khó khăn như bây giờ, chúng tôi vẫn muốn kêu gọi người Hồng Kông hỗ trợ nhau trong thời khắc đen tối này, nói cách khác là việc hỗ trợ lẫn nhau lúc khủng hoẳng của phong trào dân chủ sẽ càng quý giá hơn.”

Chu Đình cho biết mặc dù cảm thấy bất an khi lần đầu tiên trong đời phải ngồi tù, nhưng vẫn kêu gọi công luận bên ngoài tiếp tục quan tâm những người biểu tình khác đang phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng hơn và 12 người Hồng Kông đã bị giam giữ ở Thâm Quyến trong ba tháng qua.

Chu Đình nói: “Tôi rất lo lắng về nhiều thứ mà tương lai chưa biết được, bao gồm cả những phán quyết của tòa án, nhưng tôi hy vọng mọi người sẽ không quên rằng có rất nhiều anh chị em và bạn bè đã hy sinh nhiều hơn chúng tôi, họ có thể khó khăn hơn. Mong rằng các bạn trong giới truyền thông, hoặc công dân Hồng Kông, hoặc các bạn trên khắp thế giới, ngoài ba chúng tôi, sẽ tiếp tục ủng hộ và quan tâm đến các anh chị em khác nhau, trong đó có 12 người bị giải về Đại Lục và nhiều bạn phải đối mặt những bản án nặng hơn, những thủ tục xét xử nặng nề hơn và nghiêm trọng hơn”.

Tính hợp pháp của cảnh sát Hồng Kông đã sụp đổ

Nhà đấu tranh Lâm Lãng Nguyên thì cho biết rằng anh không hối tiếc và sẽ tiếp tục chiến đấu. Anh cho rằng những gì người dân Hồng Kông nhìn thấy và nghe thấy hay ý kiến ​​của các chuyên gia quốc tế, đều cho thấy tính chính danh của cảnh sát Hồng Kông đã hoàn toàn sụp đổ. Việc bao vây sở cảnh sát là tội hay là hành động cần thiết để vì công lý và đấu tranh cho dân chủ thì mọi người Hồng Kông tự có câu trả lời của riêng mình.

Vụ án do Thẩm phán Vương Thi Lệ (Wang Shili) thụ lý. Tòa án đã phát một đoạn clip liên quan về vụ việc tuyên án, Công tố đã đọc hồ sơ vụ án trước tòa cáo buộc Hoàng Chi Phong “đã đóng vai trò tích cực và dẫn đầu trong việc tổ chức tụ tập đông người mà chưa được chấp thuận của cảnh sát trưởng”, đã trích dẫn nhiều đoạn phát biểu qua loa phóng thanh vào ngày 21/6 năm ngoái, bao gồm việc yêu cầu Ủy viên Cảnh sát có mặt và rút lại quan điểm xác định rằng những người đấu tranh là bạo loạn.

Công tố mở khóa điện thoại của Hoàng Chi Phong để làm chứng

Bên công tố cũng tuyên bố rằng sau khi mở khóa điện thoại di động của Hoàng Chi Phong đã phát hiện ra vào ngày hôm trước đó anh đã gửi một tin nhắn trên phần mềm liên lạc Telegram, đề cập đến việc bố trí bao vây trụ sở cảnh sát với thời gian biểu chi tiết, bao gồm cả việc kêu gọi tấn công trụ sở cảnh sát và bắt đầu chiếu các cảnh bạo lực của cảnh sát…

Cả ba người đều đã nhận tội “xúi giục người khác cố ý tham gia tụ tập trái phép”. Chu Đình nhận thêm một tội danh “tham gia tụ tập trái phép”, còn Hoàng Chi Phong cũng nhận một tội danh khác là “tổ chức tụ tập trái phép”.

Luật sư cấp cao Lạc Ứng Kiêm (Lawrence Lok) đại diện cho Hoàng Chi Phong và Chu Đình, lên tiếng trước tòa mô tả hai người là “có tội về mặt pháp lý, nhưng có thể châm trước đối với trách nhiệm hình sự khác”, bao gồm cả việc liên quan đến bạo lực và mức độ tham gia. Ông chỉ rõ rằng người có các quan điểm chính trị khác nhau sẽ nhìn nhận khác nhau trong vấn đề bao vây trụ sở cảnh sát, nhưng dù sao tòa án không nên đưa ra quyết định chính trị mà tùy thuộc vào tình tiết của vụ án và độ tuổi của người liên quan, trong khi cả hai đều là những người trẻ tuổi.

Ông nói rằng trong nhiều năm Hoàng Chi Phong đã được ủng hộ trong các phong trào xã hội, sự nghiệp chính trị của anh đã được quay thành phim tài liệu, và khi đó anh là người ôn hòa, khi anh kêu gọi công chúng bao vây trụ sở cảnh sát thì cũng kêu gọi những người có mặt nhường đường cho xe cứu thương và taxi; còn Chu Đình chưa từng bị kết án…

Luật sư Lạc Ứng Kiêm nói rằng ngày 4/12 là lễ tốt nghiệp đại học của Hoàng Chi Phong và ông hy vọng rằng anh có thể được tại ngoại. Thẩm phán nói rằng bản án sẽ được gửi sớm nhất ngày 4/12 và dự kiến ​​ngày 2/12, trong thời gian ba người bị giam giữ. Trước khi bị áp giải đi thì Hoàng Chi Phong hét lên, “Các bạn đứng lên và tiếp bước nào, biết rằng các bạn ở bên ngoài càng khổ cực hơn!”

Đông đảo người dân đến cổ vũ, động viên

Bên ngoài tòa án có đông đảo người dân đến ủng hộ, bao gồm cả những người nổi tiếng như Hồng y Trần Nhật Quân (oseph Zen Ze-kiun) của Hồng Kông, nhà hoạt động xã hội Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung), và cựu thành viên Demosisto Hồng Kông Viên Gia Úy (Tiffany Yuen)… Khi xe nhà tù rời khỏi tòa án đã có rất đông người dân vẫy tay chào tạm biệt dọc đường, hoặc giơ cao động tác thể hiện “5 yêu cầu chính, một không thể thiếu” mà người dân Hồng Kông đã đưa ra trong phong trào chống dự luật dẫn độ năm ngoái, một số người ủng hộ đuổi theo xe và hô to: “Cố lên! Chi Phong! Chu Đình! Không có côn đồ! Chỉ có bạo quyền!”

Hoàng Chi Phong và Lâm Lãng Nguyên được xe tù đưa đến Trung tâm tiếp nhận Lai Chi Kok, hai người bị còng tay vào nhau, họ cùng quay nhìn lại bầu trời tự do trước khi vào trung tâm tiếp nhận.

Vấn đề quan tâm: Nhận tội vì không còn tin vào tòa án Hồng Kông

Ủy ban Dân chủ Hồng Kông (HKDC) có trụ sở tại Washington đã ra tuyên bố lên án quyết định của Thẩm phán Vương Thi Lệ, nêu rõ ba người nêu trên đang thực hiện quyền biểu tình theo Luật Cơ bản. Tuyên bố cho biết họ đã nhận tội vì mất niềm tin vào hệ thống tư pháp Hồng Kông và không còn tin rằng các tòa án Hồng Kông có thể xét xử độc lập, công bằng và khách quan, đồng thời chỉ trích ĐCSTQ phá hoại hệ thống phân quyền và độc lập tư pháp của Hồng Kông.

Ủy ban Dân chủ Hồng Kông (HKDC) yêu cầu nhà cầm quyền phải trả tự do ngay lập tức cho ba người và thả tất cả những người đang bị truy tố chính trị ở Trung Quốc và Hồng Kông tại ngoại, đồng thời cũng kêu gọi chính phủ Mỹ xem xét hành động của các quan chức Hồng Kông liên quan đến các vụ việc để xác nhận xem những hành động của các quan chức này đã vi phạm ra sao chính sách Mỹ – Hồng Kông, qua đó có biện pháp trừng phạt theo luật pháp Mỹ.

Đau khổ nối kết người dân Hồng Kông cùng nhau

Ngày 17/6 năm ngoái, tức ngày hôm sau khi nổ ra cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ của 2 triệu người Hồng Kông, Hoàng Chi Phong đã ra tù lần thứ 3 khi anh mới 24 tuổi, nhưng sau đó chỉ gần một năm rưỡi thì Hoàng Chi Phong bị buộc tội với 6 tội danh. Sau khi bị kết án lần này, Hoàng Chi Phong sẽ phải ngồi tù lần thứ 4 và dự kiến ​​sẽ phải đối mặt với 5 năm tù giam, tuy nhiên theo thẩm quyền của tòa án Hồng Kông thì thẩm phán của tòa án này chỉ có quyền tuyên án tối đa 3 năm tù giam.

Ngay trước ngày ra tòa, Hoàng Chi Phong đã đăng một bài đăng trên mạng xã hội nói rằng anh đã từng ở tù ba lần, đã quen thuộc cũng như có kinh nghiệm với nhà tù giúp anh ta có thể thích nghi tốt hơn. Anh mới tốt nghiệp Đại học Mở Hồng Kông nhưng có lẽ không thể tham dự được lễ tốt nghiệp, nhưng anh cho biết thậm chí nhiều người phản kháng còn không có cơ hội tốt nghiệp, có thể họ đã bị buộc phải rời khỏi Hồng Kông khi chưa hoàn thành chương trình học, nhưng nhiều người khác bị bỏ tù trong các nhà tù ở Hồng Kông và thậm chí cả ở Đại Lục, từ tháng 11 năm ngoái cuộc sống của họ đã kết thúc.

Anh dẫn lời cựu tổng biên tập tờ “Học Phạm (Undergrad)” của Đại học Hồng Kông là Lương Kế Bình (Liang Jiping), người đã phải sống lưu vong ở Mỹ sau xung đột Hội đồng Lập pháp vào năm ngoái, nói rằng “điều thực sự kết nối người dân Hồng Kông ngoài ngôn ngữ và giá trị còn là nỗi đau khổ”, hy vọng những đau khổ trải qua sẽ không làm mọi người nản chí mà chỉ giúp mọi người càng thêm gắn bó, chia sẻ khó khăn cùng nhau.

Theo RFA

(Đăng lại từ Đài Á Châu Tự Do, tựa gốc: Cựu thành viên Demosisto Hồng Kông là Hoàng Chi Phong và Chu Đình nhận tội, bị quản chế, vẫn kêu gọi người dân Hồng Kông “hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn đen tối”)

Xem thêm: