Mới đây, ông Tập Cận Bình đã thị sát Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp của Quân ủy Trung ương và nhấn mạnh việc tăng cường huấn luyện quân sự chuẩn bị cho chiến tranh.

p3241221a889161637
Ông Tập Cận Bình thăm Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp ĐCSTQ. (Ảnh chụp màn hình CCTV)

Theo Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc, tại Bắc Kinh hôm 8/11, ông Tập Cận Bình – Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương (QUTƯ) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã thị sát Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp. Ông Tập nhấn mạnh Quân ủy khóa mới sẽ quán triệt tinh thần Đại hội 20, qua đó toàn diện tăng cường huấn luyện quân sự chuẩn bị cho chiến tranh.

“Toàn quân phải tập trung toàn lực cho chiến tranh, dốc sức cho chiến tranh, đẩy mạnh nâng cao khả năng chiến thắng, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia,” ông Tập nói.

Video của truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho thấy lúc 4:00 chiều, ông Tập Cận Bình mặc quân phục dẫn đầu nhóm chỉ huy tiến vào Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp để nghe báo cáo, sau đó ông có phát biểu chỉ đạo.

Đây là lần đầu tiên cảnh bên trong Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp được hé lộ (năm 2016 đã bị gỡ), nhiều cư dân mạng đã chụp ảnh màn hình trên Weibo. Nhưng tin tức liên quan trên Weibo được đặt chế độ không cho bình luận.

id13862030 FhC x3CUcAAiYwc 600x312 1
Lần đầu tiên công khai cảnh bên trong Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp của ĐCSTQ. (Nguồn: Weibo)

Một số cư dân mạng cho rằng nhìn vào những động thái và phát ngôn của ông Tập Cận Bình từ sau Đại hội 20, cho thấy ông có thể tấn công Đài Loan bất kỳ lúc nào. Họ cho rằng màn vỗ tay các thuộc cấp dành cho ông Tập Cận Bình được chiếu trên TV “ngày càng giống Triều Tiên”.

Một số cư dân mạng lục lại hồi năm 2018 khi ông Tập Cận Bình thị sát Chiến khu Trung bộ cũng đã nói tương tự: “Mọi suy nghĩ của tôi đều tập trung vào chiến đấu, mọi công việc đều tập trung vào chiến đấu”, nhưng “động thái khi đó chủ yếu thể hiện cho các phe cánh trong ĐCSTQ về việc ông Tập nắm quyền chỉ huy quân đội”.

Cũng có người nhắc lại ngay từ năm 2013, ông Lưu Minh Cao (Liu Minggao) thuộc Bộ tư lệnh Không quân Quảng Châu đã viết một bài báo trên tờ Giải Phóng Quân Trung Quốc có tựa đề “Tôi toàn tâm toàn ý tập trung vào đánh trận”. Ngày 3/11/2017, ông Tập Cận Bình dẫn đầu ban lãnh đạo của QUTƯ đến thị sát và nghiên cứu việc xây dựng Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp, khi đó cũng nói tương tự về việc chuẩn bị chiến tranh…

Tuy nhiên, nhà đấu tranh dân chủ Vương Đan (Wang Dan), một Hoa kiều tại Mỹ, cho rằng động thái hiếm thấy của ông Tập Cận Bình khi mặc quân phục thị sát trung tâm chỉ huy của QUTƯ và phát biểu nhấn mạnh tăng cường toàn diện huấn luyện quân sự chuẩn bị cho chiến tranh lần này, thể hiện thái độ rõ ràng hơn trước, rất đáng để cộng đồng quốc tế chú ý và Đài Loan cần đặc biệt cảnh giác. Ông Vương Đan từng là một trong những người tham gia lãnh đạo phong trào dân chủ Thiên An Môn năm 1989, hiện phụ trách tổ chức phi chính phủ “Đối thoại Trung Quốc”, nói rằng: “Đừng dùng lý trí và suy nghĩ bình thường để phán đoán những chuyển động có thể xảy ra của ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình, tư duy của họ khác với người bình thường”.

Báo cáo của Đại hội 20 ĐCSTQ nêu rõ mục tiêu của cuộc đấu tranh 100 năm cần được thực hiện đúng kế hoạch, và xây dựng quân đội ĐCSTQ thành một quân đội đứng đầu thế giới. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết tại một sự kiện do Bloomberg tổ chức, rằng chính quyền ĐCSTQ đã quyết định không chấp nhận hiện trạng và họ muốn đẩy nhanh quá trình theo đuổi thống nhất Đài Loan.

Tuy vậy, nhiều phân tích cũng như báo cáo của Đại học Quốc phòng Mỹ cho rằng trong bối cảnh sống trong môi trường hòa bình lâu dài, quân đội của ĐCSTQ thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Chỉ có một vài người trong Quân ủy như ông Lưu Chấn Lập (58 tuổi) và ông Trương Hựu Hiệp (72 tuổi) có chút kinh nghiệm chiến đấu khi tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ông James Char thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Singapore nói với CNN, rằng quân đội ĐCSTQ biết rõ điểm yếu của họ (thiếu trang thiết bị và nhân lực được đào tạo về tác chiến đổ bộ từ biển vào đất liền), nên họ không sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược Đài Loan trong thời gian ngắn và trung hạn.

Theo thông tin công khai, Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp của ĐCSTQ là trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp thành lập ở cấp chiến lược cao nhất và trực thuộc QUTƯ. Trung tâm này được thành lập vào năm 2016 để thay thế “Bộ Tổng tham mưu” đã bị bãi bỏ vào tháng 1/2016 trong bối cảnh ĐCSTQ cải cách quốc phòng và quân đội. Là tổ chức chỉ huy tác chiến cao nhất, Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp của ĐCSTQ là tổ chức thường trực chịu trách nhiệm chỉ huy các hoạt động liên hợp của cả 3 nhánh quân đội ĐCSTQ (không quân, hải quân, lục quân).

Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình cũng khẳng định địa vị và trách nhiệm của Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp, cho rằng đây là chỗ dựa quan trọng cho Trung ương Đảng và QUTƯ thực hiện chỉ huy, cần “tăng cường công tác nghiên cứu, phán đoán tình hình an ninh quốc gia, tăng cường năng lực thực tiễn trong đấu tranh quân sự”, “phấn đấu xây dựng tổ chức chỉ huy chiến lược tuyệt đối trung thành, giỏi đánh giặc, chỉ huy hiệu quả, đã đánh phải thắng”.

Nhà bình luận thời sự Huệ Hổ Vũ (Hui Huyu) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, rằng ông không nghĩ ĐCSTQ đã sẵn sàng cho chiến tranh, vấn đề chỉ là để chuẩn bị. Việc ông Tập Cận Bình thành lập hợp tác xã cung ứng là biểu hiện của việc chuẩn bị chiến tranh, vì đó là động thái tập đối phó với việc cung cấp vật tư trong thời chiến nên tất nhiên phải có biện pháp quân sự tương ứng.

“Tin tức này cho thấy ông Tập Cận Bình thể hiện rõ rằng quân đội của ĐCSTQ sẽ tập trung vào việc chuẩn bị cho chiến tranh trong tương lai, chuẩn bị tương ứng cho các cuộc chiến trong tương lai. Sau Đại hội 20, ĐCSTQ đang hoàn toàn dấn thân vào con đường quân phiệt, dần dần đẩy Trung Quốc đến bờ vực chiến tranh. Tấn công Đài Loan là một trong những mục tiêu của ông Tập khi nắm quyền, để thực hiện mục tiêu quan trọng của ĐCSTQ là đạt được cái gọi là ‘cường quốc xã hội chủ nghĩa’”, ông nói.

Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh “hiện nay thế giới đang diễn biến nhanh chóng với những thay đổi to lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ, tình hình an ninh Trung Quốc ngày càng bất ổn, nhiệm vụ đấu tranh quân sự rất gian khổ và khó khăn”.

Về vấn đề này, nhà quan sát Huệ Hổ Vũ cho biết, thế kỷ này nên được tính từ đầu Thế chiến II đến lúc mà bản thân ông Tập tin rằng ông ta sẽ nắm quyền lâu dài trong tương lai, tổng cộng khoảng 100 năm. Giai đoạn cuối là thời điểm chuyển giao 100 năm này trùng với cái gọi là “kỷ nguyên mới Tập Cận Bình”. Chế độ ĐCSTQ trong thời đại ngày nay đang phải đối mặt với việc chia tách cùng thế giới phương Tây, khiến cấu trúc thế giới đang biến động và tái định hình. Đây cũng là một cuộc khủng hoảng từ bên ngoài chưa từng có đối với ĐCSTQ.