Phó Chủ tịch Trung Quốc: Thế giới không thể đóng cửa với Trung Quốc
- Xuân Thành
- •
Phát biểu tại một diễn đàn đa phương hôm thứ Hai (8/7), Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã nói rằng Trung Quốc và phần còn lại của thế giới phải đồng tồn.
Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Hòa bình Thế giới tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh hôm 8/7, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nói: “Sự phát triển của Trung Quốc không thể đóng cửa với phần còn lại của thế giới. Sự phát triển của thế giới không thể đóng cửa với Trung Quốc.”
Ông Vương cũng cảnh báo chống lại “chủ nghĩa bảo hộ nhân danh an ninh quốc gia”. Không trực tiếp đề cập tới Mỹ, nhưng Phó Chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi các cường quốc thế giới phải đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định toàn cầu.
Ông Vương – đồng minh thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và rất ít khi phát biểu trước công chúng, đã lên tiếng tái khẳng định Trung Quốc cam kết tiếp tục mở cửa.
Phó Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh rằng thế giới cần Trung Quốc cũng nhiều như Trung Quốc cần thế giới.
“Những nước lớn phải đảm đương trách nhiệm của họ và phải nêu gương, phải đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định toàn cầu, và mở rộng con đường phát triển chung,” ông Vương nói.
“Phát triển là chìa khóa giải quyết tất cả các vấn đề,” ông Vương nói trước đông đảo quan chức tham dự Diễn đàn Hòa bình Thế giới, trong đó có sự hiện diện của các nhà ngoại giao cấp cao phương Tây thường trú tại Bắc Kinh và cựu Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy.
Ông Vương nói rằng dù tình hình quốc tế phát triển theo hướng nào hoặc tình hình Trung Quốc phát triển thế nào đi nữa, thì Trung Quốc vẫn sẽ bước đi trên con đường hòa bình và không theo đuổi các kế hoạch gây ảnh hưởng hoặc bành trướng.
“Nếu không có môi trường quốc tế hòa bình và ổn định, thì cũng chẳng có phát triển nào để mà nói tới,” ông Vương khẳng định.
Cho dù không nêu thẳng tên Mỹ, nhưng những phát biểu của ông Vương nêu trên là nhằm ám chỉ Mỹ hãy chấp nhận đồng tồn phát triển cùng Trung Quốc.
Chính quyền Trump thời gian qua đã cáo buộc Trung Quốc tham gia vào các hoạt động thương mại không công bằng, phân biệt đối xử với các công ty Mỹ, ép buộc chuyển giao công nghệ và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Chế độ Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng bác bỏ tất cả các cáo buộc này.
Cả hai bên từ mùa hè năm ngoái đã bước vào cuộc chiến thuế quan qua lại, đánh thuế hàng trăm tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu của nhau.
Trung Quốc cũng giận dữ về việc Mỹ đã chế tài Tập đoàn công nghệ Huawei vì lý do an ninh quốc gia.
Vài tuần qua, các đại diện cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đang tổ chức nối lại các cuộc đàm phán có thể diễn ra vào tuần này để nỗ lực giải quyết thương chiến kéo dài hàng năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hai bên đã liên lạc qua điện thoại kể từ Thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản hồi tháng trước. Tại cuộc họp bên lề G-20, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại song phương bị đình trệ từ tháng Năm.
Đàm phán Mỹ – Trung đổ vỡ vào tháng Năm sau khi các quan chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc rút lại những cam kết cải cách kinh tế mang tính cấu trúc mà họ đã đồng ý trong nhiều vòng đàm phán trước đó.
Ngoài thương mại, Mỹ và Trung Quốc cũng gặp bất đồng lớn ở nhiều vấn đề khác từ nhân quyền tới tranh chấp Biển Đông và Mỹ ủng hộ Đài Loan – lãnh thổ mà chế độ Bắc Kinh luôn coi là tỉnh ngoài khơi xa của mình.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Vương Kỳ Sơn kinh tế Trung quốc Quan hệ Mỹ - Trung