Dưới sự tuyên truyền có chủ đích của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người dân đa phần nhận thức rằng ở một quốc gia đông dân, đất nông nghiệp sẽ không đủ, và sản lượng ngũ cốc thường giảm do hạn hán, lũ lụt, nạn côn trùng và các thảm họa tự nhiên, nhân tạo khác. Điều này khiến nỗi lo sợ của người dân Trung Quốc về nạn đói đặc biệt mạnh mẽ. Từ đó, họ biết ơn chính quyền ĐCSTQ đã “nuôi sống” hơn một tỷ dân. Khi những khái niệm liên quan đến số lượng nhân khẩu như quốc gia đông dân số 1 thế giới, đại quốc đông dân đột nhiên bị xung kích, người ta chợt nhận ra rằng quốc gia này thậm chí còn có cả số liệu dân số giả. Liệu có còn thứ gì không phải là đồ giả trên đất nước này?

Embed from Getty Images

Phụ nữ đang học chăm sóc trẻ sơ sinh trong một khóa đào tạo 8 ngày với mức học phí 250 USD năm 2016 tại “Đại học bảo mẫu”. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty)

Rốt cuộc liệu dân số của Trung Quốc có đạt đến 1,412 tỷ người? Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc sẽ có 1,439 tỷ người vào năm 2020. Sự nghi ngờ về số liệu dân số của Trung Quốc đã bắt đầu kể từ khi ĐCSTQ liên tục trì hoãn việc công bố các số liệu cho cuộc điều tra dân số lần thứ 7 vào năm 2020.

Vì sao những người thạo tin lại nói rằng cuộc điều tra dân số của Trung Quốc đã hoàn thành vào tháng 12/2020, nhưng chính phủ lần lữa không công bố suốt một thời gian dài? Các chuyên gia nhân khẩu học tiết lộ, rằng dữ liệu mới rất “nhạy cảm” và có những “tin tức gây sốc” đằng sau số liệu này. Rốt cuộc đó là lý do gì?

Một phân tích trên tờ Financial Times của Anh cho rằng mặc dù kế hoạch hóa gia đình đã được nới lỏng, nhưng dân số Trung Quốc lần đầu tiên có thể sẽ giảm, kể từ những ghi nhận vào năm 1949 và tổng dân số thực tế của Trung Quốc có thể dưới 1,4 tỷ người. Nhưng năm 2019, dân số Trung Quốc đã vượt quá 1,4 tỷ người. Nhà nhân khẩu học Trung Quốc Dịch Phú Hiền thậm chí còn tin rằng dân số thực tế của Trung Quốc là dưới 1,3 tỷ (không quá 1,28 tỷ).

Được biết, dân số Ấn Độ năm 2020 là 1,38 tỷ người. Liệu Trung Quốc có mất ngai vàng đông dân nhất hay không? Giữa năm nay, có thông tin gây sốc rằng người Nhật dựa vào lượng tiêu thụ muối, ước tính dân số Trung Quốc đã giảm mạnh trong 10 năm qua, hiện chỉ còn 800 triệu. Thông tin này lại càng giật gân hơn.

Nghiên cứu của người Nhật về Trung Quốc rất tỉ mỉ, nghiêm ngặt, và được công nhận rộng rãi. Năm xưa nghiên cứu của người Nhật về mỏ dầu Đại Khánh của Trung Quốc cũng rất ấn tượng. Mỏ dầu Đại Khánh được phát hiện vào tháng 9/1959. Đây là mỏ dầu lớn nhất ở Trung Quốc và là một trong 10 mỏ dầu lớn nhất thế giới.

Ban đầu mỏ dầu Đại Khánh nằm ở thị trấn Đại Đồng, huyện Triệu Châu, tỉnh Hắc Long Giang. Tên của Đại Khánh được đổi để kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng khi mỏ dầu Đại Khánh được khai thác vào những năm 1960, địa điểm này đã được bảo mật. ĐCSTQ gọi nó là “Trang trại Tổng hợp Sartu.”

Khi nghiên cứu vị trí, trữ lượng và sản lượng khai thác của mỏ dầu Đại Khánh, người Nhật đã sử dụng các bức ảnh của ông Vương Tiến Hỉ, một người sắt (tráng kiện), được đăng trên các tờ báo của ĐCSTQ.

Người ta nói rằng dựa trên chiếc áo khoác da của ông Vương Tiến Hỉ, họ suy ra rằng mỏ dầu nằm ở khu vực có độ lạnh cao. Dựa trên thiết bị sản xuất dầu của ông Vương Tiến Hỉ để suy ra khối lượng sản xuất hàng năm và mã số của thiết bị. Từ đó họ nghiên cứu ra các thiết bị phù hợp để khoan và sản xuất dầu ở vĩ độ cao.

Vì vậy, khi cuộc đấu thầu diễn ra sau đó, thiết bị của Nhật Bản đã thắng thầu ngay lập tức vì nó đáp ứng tốt nhất môi trường của vùng Đông Bắc và nhu cầu của Trung Quốc. Theo lối tư duy này, việc người Nhật sử dụng lượng muối tiêu thụ để ước tính dân số Trung Quốc cũng không phải vô lý.

Câu hỏi đặt ra là, thông số về việc sản xuất và kinh doanh muối ăn có thể dễ dàng lấy được, nhưng liệu bản thân lượng tiêu thụ muối ăn cá nhân có phải là một con số cố định và không đổi?

Năm 2019, các nhà nghiên cứu từ Đại học Queen Mary của London đã công bố một nghiên cứu chỉ ra, rằng trong 40 năm qua, người Trung Quốc có lượng muối tiêu thụ cao nhất thế giới.

Mỗi người lớn ở Trung Quốc tiêu thụ hơn 10 gam muối mỗi ngày, cao hơn so với lượng muối được Tổ chức Dinh dưỡng Quốc tế khuyến nghị. Lượng ăn vào cũng tăng hơn gấp đôi. Mức ăn của trẻ em từ 3-6 tuổi ở Trung Quốc cũng là mức khuyến cáo cao nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị 5 gam muối mỗi ngày cho người lớn, trẻ em từ 1 đến 3 tuổi nên ăn không quá 2g muối mỗi ngày, từ 4 đến 6 tuổi nên ăn không quá 3g muối một ngày. Trong những năm 1980, lượng tiêu thụ của người Trung Quốc cao tới 12,8 gram mỗi ngày. Nói cách khác, khẩu vị của người Trung Quốc lẽ ra đã nhạt đi rất nhiều trong 40 năm qua, nhưng vẫn chưa đủ nhạt.

Nếu lượng muối tiêu thụ trên đầu người của người dân Trung Quốc đang giảm và việc giảm tổng lượng muối tiêu thụ được sử dụng, để suy ra việc dân số giảm sút, thì sẽ xuất hiện những kẽ hở trong phép suy luận. Nhưng nếu không sử dụng muối, thì những vật tư tiêu hao nào khác thích hợp hơn, có thể thay thế và suy luận một cách gián tiếp?

Người ta thường nói rằng mỗi ngày khi các bà nội trợ mở cửa ra là có 7 thứ, đó là củi, gạo, dầu, muối, tương, dấm và trà. Sử dụng khí đốt, than đá hoặc điện năng được tiêu thụ để ước tính thì sao? Sẽ khó hơn, vì cơ cấu tiêu thụ năng lượng của người dân đang thay đổi, từ than sang khí đốt hoặc điện. Tính từ việc tiêu thụ gạo hoặc mì trắng thì sao? Cũng không đáng tin cậy lắm, bởi mọi người hiện nay ăn nhiều thịt hơn và ít tinh bột hơn. Cũng không thể ước tính bằng củi, nước tương, trà,… Vì lối sống của con người vốn đã khác xưa rất nhiều.

Vì vậy, cuối cùng, có vẻ như muối ăn là thước đo đáng tin cậy nhất, nhưng nó cũng có những khuyết điểm nêu trên.

Nhưng phải nói rằng sử dụng nhiều phương pháp gián tiếp khác nhau để ước tính dân số Trung Quốc, thực sự chỉ là chuyện bất đắc dĩ. Đây cũng là những phiền hà từ việc bịa đặt, lừa dối và che đậy của ĐCSTQ mang lại cho thế giới. Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, dường như không có khả năng xảy ra gian lận trong điều tra dân số. Chỉ ở Trung Quốc dưới sự thống trị của ĐCSTQ, số liệu dân số mới không đáng tin.

shutterstock 86138695
Thượng Hải năm 2009 (Nguồn: TonyV3112 / Shutterstock)

Nhưng ngay cả khi Chính phủ ĐCSTQ thực sự muốn xác định chính xác các số liệu về dân số, thì liệu họ có làm được không? E rằng cũng không làm được. Bởi nếu cuộc điều tra dân số không phải do một tổ chức độc lập, trung thực và mang tính toàn quốc thực hiện, và không chịu sự ràng buộc của chính quyền địa phương, khi đó mới có thể thu được những con số chính xác.

Nhưng điều này không thể thực hiện được ở Trung Quốc. Bởi từ trung ương đến địa phương, trong tình huống không có sự ràng buộc về quyền lực, không có truyền thông và công chúng giám sát, và không có cơ quan tư pháp độc lập, thì chính quyền các cấp đều có khả năng sẽ báo cáo sai sự thật, che giấu, làm giả và gian lận. Hơn nữa xuất phát từ lợi ích và chức vị của mình, họ sẽ báo cáo sai sự thật, báo cáo thiếu, không báo cáo và che giấu số liệu dân số của các vùng khác nhau.

Chế độ ĐCSTQ đang cố tình phóng đại số liệu dân số của Trung Quốc, điều này có lợi cho họ không? Tất nhiên là có. Quốc gia đông dân nhất thế giới, quốc gia đông dân, cường quốc thế giới, đều là những danh hiệu mà ĐCSTQ cần duy trì. Là một quốc gia rộng lớn đông dân nhất, Trung Quốc có nguồn lao động bất tận, cần thiết cho các nhà máy trên thế giới. Như vậy mới có thể thu hút thị trường rộng lớn của các doanh nhân nước ngoài, mới có nhóm người tiêu dùng trung lưu đáng ghen tị. Đồng thời như vậy khi đăng ký các khoản vay của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc mới có mức thu nhập bình quân đầu người thấp, mới có thể đe dọa đến khả năng huy động chiến tranh của các quốc gia khác.

Ngay cả khi ĐCSTQ muốn tìm ra số liệu chân thực về dân số Trung Quốc, họ cũng không có động lực để tìm ra con số đó. Bởi điều này sẽ phơi bày sự lừa dối và che đậy của họ trong vài thập kỷ qua. Nếu dân số Trung Quốc thực sự ít hơn 1,4 tỷ, hoặc dưới 1,3 tỷ, hoặc thậm chí chỉ 800 triệu, thì số nhân khẩu suy giảm và mất đi ấy rốt cuộc đã xảy ra như thế nào?

ĐCSTQ có quá nhiều lời nói dối cần được che đậy, và cần thêu dệt những câu chuyện bịa đặt mới. Từ 80 triệu nạn nhân bị ĐCSTQ giết hại, gồm số người chết đói trong 3 năm “thiên tai” (Đại nhảy vọt), tới phong trào chống cực hữu, Cách mạng Văn hóa, đến cuộc bức hại Pháp Luân Công, đàn áp người dân Tân Cương và người Tây Tạng ngày nay, đến hàng trăm triệu trẻ sơ sinh bị bóp chết vì kế hoạch hóa gia đình, phải chăng tất cả họ đều được tính vào con số này?

Trong danh sách các thảm họa lớn nhất thế giới, Trung Quốc chiếm tới 6 thảm họa. Mọi người sẽ tiếp tục truy hỏi, từ trận động đất ở Đường Sơn cách đây 40 năm, đến trận động đất ở Vấn Xuyên (Khu tự trị người Khương, Tứ Xuyên) năm 2008, từ cơn bão Nina năm 1975, đến sự cố vỡ đập của Hồ chứa Bản Kiều, tỉnh Hà Nam cùng năm, đến trận lụt Trịnh Châu và bệnh dịch ở Vũ Hán ngày nay, thử hỏi có bao nhiêu người đã chết ở Trung Quốc? Rốt cuộc số liệu dân số giảm chiếm một vị trí như thế nào?

Trước đây, người ta than thở về sự mong manh, nhỏ bé của sinh mệnh. Nhưng trong chế độ hiện tại của ĐCSTQ, ngay cả một con số thống kê về cái chết của người dân Trung Quốc, họ cũng không thèm quan tâm, không thèm ghi lại. Một sinh mệnh biến mất, vậy mà đến cả một con số đối ứng cũng không có. Là một người Trung Quốc đương thời, thật thê thảm và bất hạnh biết bao!

Tạ Điền, Epoch Times
(Tiến sĩ Tạ Điền là Giáo sư chủ nhiệm tại Trường Kinh doanh Aiken, Đại học Nam Carolina.)

Xem thêm: