Tình hình chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang rối ren, Trung Quốc đang rất bất ổn về cả chính trị, kinh tế và quân sự. Trong hoàn cảnh này, liệu ông Tập Cận Bình có phát động chiến tranh qua eo biển Đài Loan để chuyển trọng tâm và gia cố quyền lực hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu Đài Loan thất thủ?

Tap Can Binh 1 1
Chân dung Tập Cận Bình (trái) và Mao Trạch Đông (Ảnh trái: Palácio do Planalto/ Wikimedia – Ảnh phải: Ge Xiaoguang/ Wikimedia)

Noi theo Mao Trạch Đông dùng chiến tranh để củng cố quyền lực?

Chuyên gia truyền thông Đường Hạo (người Hoa tại Mỹ) cho rằng nhiều hành động của ông Tập Cận Bình đang bắt chước theo ông Mao Trạch Đông – cố lãnh tụ của ĐCSTQ. Trong quá khứ, Mao đã phát động 3 cuộc chiến tranh đều liên quan đến tranh giành quyền lực và củng cố quyền lực. Đường Hạo lấy ví dụ như Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 (ĐCSTQ gọi là ‘Chống Mỹ xâm lược và viện trợ Triều Tiên’), năm đó Triều Tiên đưa quân xâm lược Hàn Quốc, cuối cùng bị liên quân Mỹ và Liên Hiệp Quốc đánh bại, bị đẩy lùi về phía Bắc Triều Tiên. Mao Trạch Đông lo lắng chế độ do ông ta cầm quyền sẽ bị đe dọa sau khi Triều Tiên sụp đổ, vì vậy đã cử cái gọi là “quân tình nguyện” đến Triều Tiên để làm bia đỡ đạn.

Khi đó ĐCSTQ mới thiết lập quyền lực chính trị, quyền lực của Mao trong nước còn chưa đủ mạnh, hơn nữa trong Quốc tế Cộng sản thì Stalin đang chèn ép Mao khiến ông ta khó nuốt trôi. Vì vậy Mao đã chọn tham gia Chiến tranh Triều Tiên bằng mọi giá, một mặt hy vọng qua đó nâng cao địa vị của Mao trong Quốc tế Cộng sản và chứng minh rằng có thể đứng lên chống lại Stalin, không còn chịu thân phận nép sau; mặt khác Mao muốn dùng cuộc chiến này để củng cố sức mạnh, uy tín và quyền kiểm soát của Mao trong ĐCSTQ.

Năm 1962, ĐCSTQ phát động chiến tranh biên giới Trung-Ấn và đánh bại Ấn Độ, dù trở thành mối thù với Ấn Độ nhưng Mao đã lợi dụng cuộc chiến này để chuyển hướng chú ý nạn đói ba năm do Mao gây ra khiến hàng chục triệu người thiệt mạng; đồng thời Mao còn dùng “hệ thống thời chiến” và chủ nghĩa dân tộc để tăng cường trấn áp xu thế chống đối Mao trong nước và trong Đảng, tạo điều kiện cho ông ta tái lập quyền lực cá nhân.

Năm 1969, Mao Trạch Đông cho tập kích quân đội Liên Xô ở đảo Trân Bảo (cũng gọi là đảo Damansky), dẫn đến “Xung đột đảo Trân Bảo”. Cuộc chiến này một mặt đánh vào Liên Xô, mặt khác đánh lừa lòng tin của Mỹ cho rằng ĐCSTQ đã thực sự bất hòa với Liên Xô để từ đó thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ. Ngoài ra cuộc chiến này cũng giúp Mao gia cố hơn uy quyền cá nhân.

Tóm lại, Mao Trạch Đông đã sử dụng Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Trung-Ấn và xung đột đảo Trân Bảo để nâng cao vị thế uy quyền và củng cố quyền lực nội bộ. Nhà bình luận Đường Hạo tin rằng ông Tập Cận Bình vì là người ngưỡng mộ Mao nên không thể loại trừ khả năng đi theo con đường của Mao, ngoài ra còn phải kể đến việc ông Tập luôn có tham vọng chiếm lấy Đài Loan và hiện thực hóa “Trung Hoa mộng”. Nhưng xét từ điều kiện khách quan, ĐCSTQ hiện không có đủ sức mạnh để giành chiến thắng trong cuộc chiến ở eo biển Đài Loan. Quan trọng hơn, Mỹ, Nhật Bản và các đồng minh chắc chắn sẽ can thiệp để giúp bảo vệ Đài Loan, điều này có thể khiến Tập Cận Bình rơi vào thế suy sụp quyền lực.

Đài Loan thất thủ, thế giới sẽ thế nào?

Các phương tiện truyền thông thân ĐCSTQ của Đài Loan luôn cho rằng trước đây Mỹ đã bỏ rơi Afghanistan, hay gần đây trong chiến tranh Nga – Ukraine thì Mỹ cũng không đưa quân đến Ukraine, vì vậy nếu chiến tranh nổ ra tại Đài Loan thì Mỹ chắc chắn cũng sẽ bỏ rơi Đài Loan. Loại nhận xét này thực sự đã suy diễn kiểu đánh đồng mọi sự kiện, có lẽ do không hiểu hoặc cố tình né tránh tầm quan trọng của Đài Loan đối với Mỹ và toàn thế giới.

Thế giới sẽ ra sao nếu mất Đài Loan? Chuyên gia truyền thông Đường Hạo đã đưa ra phân tích sau:

1. ĐCSTQ chiếm giữ chuỗi đảo thứ nhất sẽ trực tiếp đe dọa Mỹ, Nhật Bản và Philippines

Một khi mất Đài Loan, ĐCSTQ sẽ chiếm giữ trung tâm của chuỗi đảo thứ nhất, không chỉ phá bỏ được thế bao vây tại chuỗi đảo này mà còn có thể triển khai tên lửa và máy bay quân sự ở Đài Loan, đe dọa trực tiếp đến Okinawa của Nhật Bản, Guam của Mỹ và Philippines. Hơn nữa, các tàu ngầm hạt nhân của ĐCSTQ có thể lặn thẳng từ miền đông Đài Loan đến vùng nước sâu của Thái Bình Dương để tránh bị Mỹ phát hiện, qua đó dùng tên lửa hạt nhân đe dọa Mỹ, Canada và Úc. Trong trường hợp này, các nước sẽ nằm trong kiềm tỏa vũ khí hạt nhân của ĐCSTQ.

2. Eo biển Đài Loan và Biển Đông trở thành biển của ĐCSTQ, đe dọa nền kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc

Nếu Đài Loan thất thủ, eo biển Đài Loan và Biển Đông sẽ trở thành vùng biển của Trung Quốc. Trong trường hợp này, ĐCSTQ không chỉ có thể mở rộng vùng bố trí quân sự và tên lửa ở Đài Loan, đảo Pratas (Trung Quốc gọi đảo Đông Sa) và đảo Ba Bình [quần đảo Trường Sa – Việt Nam] (Trung Quốc gọi đảo Thái Bình ở Nam Sa), như vậy không chỉ phong tỏa Biển Đông mà còn có thể dễ dàng cắt đứt đường vận chuyển dầu của Nhật Bản và Hàn Quốc, qua đó bóp nghẹt huyết mạch của nền kinh tế hai nước.

3. Tình trạng thiếu chip cao cấp trên toàn cầu gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nền kinh tế

Nếu Đài Loan thất thủ, 50% hàng hóa vận chuyển của thế giới sẽ không thể đi qua eo biển Đài Loan, và 80% nguồn cung cấp chip cao cấp của thế giới cũng sẽ bị cắt đứt. Khi đó, ngành công nghiệp chip cao cấp của nhiều nước có thể phải trông cậy vào “bố thí” của ĐCSTQ, phải “nhìn mặt” của ĐCSTQ để ứng xử. Trong trường hợp này, ngành công nghiệp công nghệ cao của nhiều nước sẽ bị ảnh hưởng, gây ra làn sóng thất nghiệp làm nền kinh tế thiệt hại nặng nề, đồng thời có thể phải bàn giao các công nghệ chủ chốt cho ĐCSTQ để đổi lấy chip. Hậu quả này thật vô cùng kinh khủng!

4. Trung Quốc và Nga viết lại trật tự quốc tế

Nếu Đài Loan bị xâm lược và chiếm đóng, điều đó tương đương với việc Mỹ thừa nhận thất bại, khi đó ĐCSTQ và Nga cùng những người anh em bất hảo khác sẽ có ưu thế lớn để bành trướng địa bàn trên trường quốc tế để chiếm lợi ích. ĐCSTQ sẽ viết lại trật tự quốc tế thông qua cái gọi là “Cộng đồng nhân loại chung vận mệnh” như họ vẫn rêu rao nhằm thu hoạch nhiều lợi ích hơn bằng cách nô dịch các nước.

5. Mỹ rút khỏi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ĐCSTQ thay Mỹ làm ‘cảnh sát thế giới’

Nếu chiếm giữ Đài Loan, ảnh hưởng và vị thế của ĐCSTQ ở Đông Á sẽ vượt qua Mỹ. Khi đó vì Mỹ không thể bảo vệ an ninh của các đồng minh khiến Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á khác có thể buộc phải cắt đứt quan hệ với Mỹ để thành lập liên minh với ĐCSTQ. Trong trường hợp này, Mỹ sẽ buộc phải rút khỏi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ảnh hưởng của Mỹ sẽ chỉ còn giới hạn ở phía đông Hawaii, vai trò ‘cảnh sát thế giới’ sẽ do ĐCSTQ đảm nhiệm.

6. Các nước phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ làm tăng rủi ro chiến tranh

Nếu ĐCSTQ thành công trong việc chiếm đóng Đài Loan, khi đó các nước ở Đông Á để tự bảo vệ bản thân rất có thể sẽ phải tham gia vào trật tự quốc tế mới do ĐCSTQ lãnh đạo, hoặc phát triển vũ khí hạt nhân để đe dọa ĐCSTQ nhằm tự vệ. Khi đó, sẽ có làn sóng mới mở rộng kho vũ khí hạt nhân trên thế giới, hậu quả là nguy cơ chiến tranh trên thế giới sẽ ngày càng gia tăng.

Dựa theo phân tích trên có thể thấy rõ vị thế đặc biệt quan trọng của Đài Loan đối với Mỹ và trật tự quốc tế. Do đó những khẩu hiệu như “Vấn đề Đài Loan là vấn đề thế giới”, “Đài Loan thất thủ, thế giới bất an”… hoàn toàn không phải là những khẩu hiệu cường điệu, mà là những cảnh báo thực tế. Vì vậy, nếu ĐCSTQ thực sự đánh giá sai tình hình để đưa quân tới eo biển Đài Loan, chắc chắn sẽ gặp phản kháng từ lực lượng liên minh Mỹ cùng Nhật Bản và các nước khác. Bởi vì bảo vệ Đài Loan không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn là vấn đề liên quan đến lợi ích của tất cả các nước.

Tổng thống Mỹ Biden đã 4 lần công khai tuyên bố rằng ông sẽ can thiệp để bảo vệ Đài Loan. Ngoại trưởng Mỹ Blinken mới đây cũng nhấn mạnh một lần nữa rằng nếu ĐCSTQ xâm chiếm Đài Loan thì nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào khủng hoảng, qua đó kêu gọi các nước chú ý đến an ninh trên eo biển Đài Loan. Ngoại trưởng Anh Covey mới đây cũng cảnh báo, nếu ĐCSTQ phát động chiến tranh ở eo biển Đài Loan không chỉ gây ra thảm họa cho nền kinh tế toàn cầu mà còn dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Đường Hạo phân tích rằng nếu ông Tập Cận Bình đưa quân tới eo biển Đài Loan thì chắc chắn sẽ gặp kháng cự vũ trang và trừng phạt kinh tế từ tất cả các nước trên thế giới. Suy cho cùng, trước đây trong các cuộc chiến mà Mao Trạch Đông phát động quân sự tấn công đối với Ấn Độ hay đối với Liên Xô, khi đó các nước này không liên quan mấy đến lợi ích của các nước khác; nhưng bối cảnh ngày nay của Đài Loan hoàn toàn khác: gắn bó chặt chẽ với thương mại toàn cầu, chất bán dẫn, an ninh khu vực, trật tự quốc tế…

Tóm lại, nếu ông Tập Cận Bình mạo hiểm xâm lược Đài Loan nhằm tăng cường kiểm soát trong nước và củng cố quyền lực, rất có thể sẽ phải hứng chịu suy sụp quyền lực, kéo theo sụp đổ của ĐCSTQ.

Đây là vấn đề Tập Cận Bình nên cân nhắc kỹ!