Tại Trung Quốc, dịp lễ Quốc tế Lao động (1/5) năm nay đã nổi lên hiện tượng kinh tế thịt nướng Truy Bác (Zibo – Sơn Đông) – loại mô hình “kinh tế người nổi tiếng trực tuyến” (Internet Celebrity Economy) bùng phát tại Trung Quốc vài năm qua – nhưng hiện nay hiện tượng này đã “nguội lạnh”!

thit nuong ZIbo
Thịt nướng Truy Bác. (Ảnh chụp màn hình video)

Tại Trung Quốc, hiện tượng kinh tế người nổi tiếng trực tuyến (Internet Celebrity Economy) đề cập đến nền kinh tế kỹ thuật số dựa trên người ảnh hưởng (KOL) trên các nền tảng truyền thông xã hội để tiếp thị sản phẩm.

Theo một bài báo vào ngày 5/7 trên China Newsweek của Trung Quốc, sau kỳ nghỉ ngày 1/5 năm nay thì trào lưu ăn thịt nướng Truy Bác đã “nguội lạnh”, nhiều nhà hàng từng chật kín chỗ ngồi thì nay chỉ còn những thực khách lẻ tẻ ngay cả trong giờ ăn, nhiều cửa hàng đã đăng thông tin “cho thuê lại”…

Gần đây, hàng trăm thông tin chuyển nhượng cửa hàng thịt nướng Truy Bác đã xuất hiện trên một số trang web thương mại thành phố của Trung Quốc. Nhiều cửa hàng trong số đó có đặc điểm là mới mở, mới sửa chữa, trang thiết bị mới, hầu hết các cửa hàng đều cho biết sau khi tiếp quản có thể tiếp tục hoạt động, phí chuyển nhượng dao động vài trăm nghìn tệ.

Một người trong nghề nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng lý do chính của việc chuyển nhượng đối với hầu hết các cửa hàng là vắng khách và khoản lỗ quá lớn. Việc chuyển nhượng với hy vọng có thể kịp thời tránh lỗ tiếp trước khi thị trường thịt nướng Truy Bác hoàn toàn “nguội lạnh”, mong muốn thu hồi chi phí được tốt nhất có thể. Dù sao rất nhiều cửa hàng đã không mở trong một thời gian dài, trong số họ thậm chí nhiều người còn không thu hồi được vốn.

Theo dữ liệu của nền tảng video ngắn xã hội Trung Quốc TikTok, chỉ số tìm kiếm của từ khóa “thịt nướng Truy Bác” đạt đỉnh đầu tiên là 2.476.700 lượt tìm kiếm vào ngày 9/4, sau đó vào ngày 29/4 tới mức cao nhất là 11,0579 triệu lượt tìm kiếm, nhưng xu hướng giảm từ sau kỳ nghỉ 1/5, đến ngày 30/6 chỉ còn 109.100 lượt tìm kiếm.

Đài RFA vào ngày 5/7 dẫn ý kiến của chuyên gia kinh tế Li Hengqing tại Viện Thông tin và Chiến lược (tổ chức phi chính phủ ở Mỹ) cho rằng dưới xu hướng đi xuống chung của nền kinh tế Trung Quốc, thì vấn đề hỗ trợ “kinh tế hàng rong” quy mô nhỏ là điều dễ hiểu, vì hiện tại việc thúc đẩy nền kinh tế hướng chuyển đổi và phát triển các ngành công nghiệp cao cấp là không khả thi. Biện pháp “hạ cấp” này để thích ứng với hoàn cảnh cần giải quyết là sinh kế và việc làm của đa số dân thường. Nhưng chính quyền địa phương Truy Bác quảng cáo rầm rộ hỗ trợ ngành thịt nướng và sử dụng biện pháp can thiệp hành chính để nhào nặn là không phù hợp quy luật thị trường.

Khi thịt nướng Truy Bác trở nên nổi bật, chính quyền thành phố Truy Bác đã xây dựng một loạt chính sách ưu đãi, bao gồm thúc đẩy các tổ chức tài chính dành những khoản vay ưu đãi đối với các chủ cửa hàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng của ngành nghề thịt nướng. Một số chuyên gia chỉ ra rằng sự mở rộng nhanh chóng của ngành công nghiệp thịt nướng địa phương này đã không tính đến chu kỳ hạn chế của ngành kinh tế này, dẫn đến cung vượt cầu.

Theo ý kiến của Tiến sĩ Tạ Điền (Xie Tian) tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina (Mỹ), ngành công nghiệp thịt nướng của Truy Bác được thúc đẩy theo cách duy ý chí không thể kéo dài bền vững. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc hiện đang suy thoái nghiêm trọng với mức thụt lùi đến tình trạng 20 năm trước, mọi điểm mạnh cùng động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đều không còn nữa, chỉ dựa vào kinh tế hàng rong và kinh tế đường phố là vô ích.

Vào đầu năm nay, nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn phục hồi ngắn ngủi, sau đó nhanh chóng trở nên suy yếu, nhiều dữ liệu của nhà chức trách Trung Quốc cho thấy đã trải qua tình trạng suy yếu tổng thể hiếm thấy trong 40 năm qua. Trên thực tế kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm nay đã có nhiều dấu hiệu suy thoái: Tỷ lệ thất nghiệp không ngừng tăng lên, đơn đặt hàng ở nước ngoài tiếp tục giảm, một số lượng lớn doanh nghiệp đóng cửa, bất động sản và các ngành công nghiệp lớn khác điêu đứng, tiêu dùng xã hội suy yếu… Như vậy, cái gọi là 3 động cơ chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc – đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng – đều bị đình trệ.

Trong bối cảnh nhu cầu ở nước ngoài suy yếu, Bắc Kinh cố gắng thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình để nâng tăng trưởng kinh tế trong nước. Nhiều nhà phân tích chỉ ra tình hình hiện nay là chính quyền các cấp cùng doanh giới đều cạn nguồn vốn, dù người dân có một số tiền gửi trong ngân hàng nhưng họ không dám tùy tiện sử dụng do phòng xa, trong tình hình như vậy kích thích tiêu dùng rõ ràng là khó hiệu quả.

Theo Kinh Vĩ, FRA