Vào ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đưa ra báo cáo công tác chính phủ đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được nhiều người theo dõi ở mức khoảng 5%. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc đạt được mục tiêu này khó khăn hơn trước.

Embed from Getty Images

Ngày 5/3/2024, kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 14 của ĐCSTQ khai mạc tại Đại lễ đường Bắc Kinh, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Lintao Zhang / Getty Images).

Những điểm chính trong báo cáo công tác chính phủ của ông Lý Cường

Sáng 5/3, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (gọi tắt là Nhân đại toàn quốc) Trung Quốc đã khai mạc tại Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Cường của Quốc vụ viện Trung Quốc đã có báo cáo công tác Chính phủ đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.

Các điểm chính như sau:

1. Tổng kết công việc năm 2023

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,2%; sản lượng lương thực là 1,39 nghìn tỷ cân (1 cân Trung Quốc tương đương 0,5kg); tăng thêm 12,44 triệu việc làm mới ở đô thị; ưu đãi thuế mới trong năm vượt quá 2,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (RMB); sản xuất xe năng lượng mới và doanh số bán hàng chiếm hơn 60% thị phần toàn cầu, xuất khẩu “ba sản phẩm mới” là xe điện, pin lithium và sản phẩm quang điện tăng gần 30%.

2. Mục tiêu chính dự kiến năm 2024

GDP sẽ tăng khoảng 5%; tạo ra hơn 12 triệu việc làm mới ở đô thị; giá tiêu dùng tăng khoảng 3%; sản lượng ngũ cốc vượt 1,3 nghìn tỷ cân; tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP sẽ giảm khoảng 2,5%.

3. Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Tỷ lệ thâm hụt tài chính: Dự kiến ​​bố trí ở mức 3%, chi tiêu ngân sách công thông thường sẽ tăng 1,1 nghìn tỷ RMB so với năm trước;

Đầu tư của chính phủ: Dự kiến ​​bố trí 3,9 nghìn tỷ RMB vào trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương và 700 tỷ RMB đầu tư từ ngân sách trung ương;

Trái phiếu kho bạc đặc biệt: Bắt đầu từ năm nay, dự kiến ​​phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn trong nhiều năm liên tiếp, chuyên dùng để thực hiện các chiến lược lớn của quốc gia và xây dựng năng lực an ninh trong các lĩnh vực trọng điểm. Năm nay, 1 nghìn tỷ RMB sẽ được phát hành trước;

Tiêu dùng: Khuyến khích và thúc đẩy việc thay thế hàng tiêu dùng cũ bằng hàng mới, thúc đẩy tiêu dùng số lượng lớn như phương tiện sử dụng năng lượng mới và các sản phẩm điện tử được kết nối mạng thông minh;

Nhà ở: Tăng cường xây dựng và cung cấp nhà ở giá rẻ và cải thiện các hệ thống cơ bản liên quan đến nhà ở thương mại;

Việc làm: Thúc đẩy các chính sách và biện pháp việc làm cho thanh niên, đồng thời phân loại và hoàn thiện các biện pháp đảm bảo dịch vụ việc làm linh hoạt theo;

Chấn hưng nông thôn: Thực hiện chính sách bảo hiểm chi phí sản xuất và thu nhập của ba loại lương thực chính trên cả nước. Tăng cường xây dựng các trạm sạc điện, hậu cần chuỗi lạnh, cơ sở giao và phân phối hàng;

Đô thị hóa: Thực hiện ổn định các hoạt động đổi mới đô thị. Thúc đẩy các giải pháp cho các vấn đề như lắp đặt thang máy và bãi đậu xe ở các cộng đồng cũ;

Giáo dục: Thực hiện các hoạt động nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục cơ bản. Thúc đẩy sự phát triển có lợi cho giáo dục mầm non;

Bảo hiểm y tế: Tiêu chuẩn trợ cấp tài chính bình quân đầu người cho bảo hiểm y tế thường trú sẽ tăng thêm 30 RMB;

An sinh xã hội: Tiêu chuẩn tiền trợ cấp dưỡng lão cơ bản tối thiểu hàng tháng cho người dân thành thị và nông thôn sẽ tăng thêm 20 RMB, và lương hưu cơ bản cho người về hưu sẽ tiếp tục được tăng lên. Triển khai hệ thống lương hưu cá nhân trên toàn quốc. Tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em thông qua nhiều kênh;

Mở cửa: Loại bỏ toàn diện các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và nới lỏng khả năng tiếp cận thị trường trong các ngành viễn thông, y tế và dịch vụ khác. Nâng cao sự thuận tiện cho người nước ngoài làm việc, học tập và du lịch tại Trung Quốc;

Bảo vệ môi trường: Hoàn thiện chính sách tài chính, thuế, tài chính, đầu tư, giá cả và các cơ chế thị trường liên quan hỗ trợ phát triển xanh.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc càng khó thực hiện hơn

Mục tiêu tăng trưởng GDP 5% phù hợp với kỳ vọng về thị trường, nhưng mục tiêu việc làm có chút thay đổi, mục tiêu năm ngoái là “khoảng 12 triệu việc làm” và năm nay là “hơn 12 triệu việc làm”.

Việc làm vẫn là chỉ tiêu được chú ý trong nhiều năm qua, cố Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng nói: “Sở dĩ cần ổn định tăng trưởng, nói cho cùng chính là để bảo vệ việc làm”. Ông giải thích thêm rằng vào đầu thế kỷ này, mỗi khi GDP tăng 1 điểm phần trăm thì sẽ kích thích 1 triệu việc làm, sau đó là điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, đặc biệt sau khi ngành dịch vụ phát triển, GDP tăng trưởng 1 điểm phần trăm có thể tạo việc làm cho 1,3 triệu, thậm chí 1,5 triệu người.

Tính toán dựa trên mục tiêu hiện tại, cứ tăng trưởng GDP 1 điểm phần trăm thì cần tạo ra 2,4 triệu việc làm thì mới đạt được hai mục tiêu trên.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 5% dù phù hợp với mục tiêu đề ra năm ngoái nhưng khó đạt được hơn. Bởi vì xét đến việc Trung Quốc chỉ đạt được mức tăng trưởng kinh tế 3% vào năm 2022, trong khi đó mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% vào năm 2023 được tính toán trên cơ sở thấp hơn so với năm trước đó, cho nên khi đó có quan điểm cho rằng mục tiêu này tương đối thận trọng, cuối cùng sẽ đạt được tăng trưởng 5,2% cho cả năm 2023.

Mức tăng trưởng 5% vào năm 2024 được tính trên cơ sở cao hơn vào năm 2023, khiến việc đạt được mục tiêu này trở nên khó khăn hơn.

Ngày 5/3, theo báo cáo của BBC tiếng Trung, ông Tống Lâm (Lynn Song), chuyên gia kinh tế trưởng của ING Bank khu vực Đại Trung Hoa (Greater China), cho biết không có gì ngạc nhiên khi mục tiêu tăng trưởng GDP lại được đặt ở mức khoảng 5%, bởi việc hạ thấp mục tiêu sẽ càng làm suy yếu niềm tin.

Tuy nhiên, muốn một lần nữa đạt được mức tăng trưởng 5% vào năm 2024 “sẽ là một con đường thách thức hơn”, ông Tống Lâm giải thích thêm, bởi sự hỗ trợ từ hiệu ứng cơ bản sẽ suy yếu và nhiều biện pháp chấn hưng kinh tế thời kỳ chống dịch sẽ bị suy yếu. Hon nữa năm 2024, bất động sản có thể vẫn là lực cản đối với nền kinh tế.

Nhìn nó dưới góc độ “cỗ xe tam mã” gồm tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư, ông Tống Lâm chỉ ra trong phân tích của mình:

Mặc dù tiêu dùng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế vào năm 2023, nhưng niềm tin của người tiêu dùng yếu và tác động tiêu cực của hiệu ứng tài sản sẽ khiến tiêu dùng khó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại vào năm 2024. Dưới ảnh hưởng của những yếu tố bất lợi này, kiểu tiêu dùng phô trương sẽ chuyển sang tiêu dùng những thứ đáng chi tiêu hơn (thắt chặt chi tiêu hơn).

Thương mại cũng khó có thể trở thành động lực tăng trưởng chính, với tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến ​​sẽ vẫn ở mức dưới mức trung bình lịch sử. Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ thương mại có thể sẽ gia tăng hơn nữa, điều này có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu các phương tiện sử dụng năng lượng mới vốn có hiểu hiện tốt gần đây.

Do đó, nếu Trung Quốc muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5%, nước này có thể cần nhận thêm sự hỗ trợ từ đầu tư. Đầu tư của chính phủ đã vượt xa đầu tư tư nhân kể từ năm 2019, xu hướng này dự kiến ​​sẽ tiếp tục cho đến khi có sự thay đổi đáng kể trong tâm lý đầu tư. Với việc đầu tư công có thể trở thành động lực quan trọng hơn trong năm nay, mục tiêu phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt và 1 nghìn tỷ nhân dân tệ phát hành trái phiếu chính phủ trung ương dài hạn sẽ gửi tín hiệu tích cực rằng chi tiêu do chính phủ chỉ đạo sẽ giúp lấp đầy khoảng trống.

Một vấn đề khác đáng chú ý là có ít dư địa hơn trước cho đầu tư vào các lĩnh vực có hiệu ứng cấp số nhân cao, cụ thể là bất động sản và cơ sở hạ tầng giao thông (đường sắt, đường bộ, sân bay). Hiệu ứng cấp số nhân của kích thích tài chính có thể bị giảm đi.

“Thông cáo Thống kê phát triển kinh tế và xã hội quốc gia năm 2023” của Trung Quốc khó che giấu bóng dáng giảm phát

Vào ngày 29/2, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố “Thông cáo Thống kê phát triển kinh tế và xã hội quốc gia năm 2023”.

Thông cáo cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 là 126.058,2 tỷ RMB, tăng 5,2% so với năm trước. Trong đó, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp cấp một là 8.975,5 tỷ RMB, tăng 4,1% so với năm trước; giá trị gia tăng của khu vực hai của nền kinh tế là 48.258,9 RMB, tăng 4,7%; và giá trị gia tăng của khu vực ba của nền kinh tế là 68.823,8 RMB, tăng 5,8%.

Trong cái gọi là “cỗ xe tam mã” thúc đẩy nền kinh tế, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc vào năm 2023 là 47,1 nghìn tỷ RMB, tăng 7,2% so với năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 0,6%; xét về đầu tư, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc chỉ tăng 2,8%; mặc dù số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 39,7%, nhưng lượng đầu tư lại giảm 8%. Chuyển đổi sang đô la Mỹ, mức giảm lên tới 13,7%. Lợi nhuận cả năm của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc cũng giảm 2,3% so với năm trước.

Theo báo cáo của Đài Châu Á Tự do (RFA) vào ngày 29/2, ông Trịnh Chính Bỉnh (Cheng, Cheng-Ping), giáo sư Khoa Tài chính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Vân Lâm ở Đài Loan, nhận thấy rằng dữ liệu tương tự được công bố trong một bảng tổng quan nhanh trên các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ là “Nhân dân Nhật báo“, đặc biệt chọn lọc dữ liệu phổ biến để cho thấy sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc “ổn định và phục hồi”. Ông tin rằng Cục Thống kê Trung Quốc đang cố gắng tô điểm cho biểu hiện kém cỏi của nền kinh tế vào năm 2023 thông qua những số liệu chi tiết hơn.

“Dữ liệu cốt lõi của nền kinh tế tổng thể không tốt, và nền kinh tế Trung Quốc vẫn không lạc quan về tương lai. Tuy nhiên, Trung Quốc không sẵn lòng đối mặt với những vấn đề của chính mình, mà vẫn đang cố ca ngợi sự thịnh vượng kinh tế. Đây không phải là một hiện tượng tốt.”

Ông Trịnh Chính Bỉnh chỉ ra thêm: “Đôi khi các vấn đề kinh tế không chỉ đơn thuần là yếu tố kinh tế mà còn bị ảnh hưởng bởi chính trị, kinh tế và quân sự. Khi các xung đột toàn cầu và đối đầu địa chính trị tiếp tục nóng lên, ngay cả khi Trung Quốc cố gắng hết sức ca ngợi thịnh vượng, nhưng nó vẫn sẽ tiếp tục mở rộng theo hướng tiêu cực.”

Một số nhà phân tích tài chính cũng chỉ ra rằng “Thông cáo Thống kê phát triển kinh tế và xã hội quốc gia năm 2023” có lẽ là một bảng thành tích đã được sửa đổi, nó không thể phản ánh bộ mặt thật của nền kinh tế Trung Quốc mà chỉ phản ánh những kết quả mà chính quyền ĐCSTQ tưởng tượng và mong muốn.