Vào ngày đầu năm mới năm nay, ông Lưu Điện Nguyên, học viên Pháp Luân Công 87 tuổi ở thành phố Lăng Nguyên, Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã bị tra tấn đến chết tại Nhà tù số 1 Thẩm Dương. Trước đó, năm 2016, ông bị kết án oan 11,5 năm.

Phap Luan Cong 1
Vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán năm 2024, học viên Pháp Luân Công 87 tuổi Lưu Điện Nguyên ở thành phố Lăng Nguyên, Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã bị tra tấn đến chết trong tù. (Ảnh: Minghui.org)

Ông Lưu Điện Nguyên sinh năm 1938 là người có năng lực, thông minh. Ông từng làm cán bộ, giáo viên, tự học Trung y, làm bác sĩ và dạy học sinh trong làng. Sau đó ông nhận thầu các công trình xây dựng.

Sức khỏe của ông sa sút. Ông mắc chứng đau thần kinh tọa, dạ dày, loét tá tràng và viêm gan mãn tính.

Năm 1995, ông Lưu Điện Nguyên bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, mọi bệnh tật của ông đều biến mất. Năm 1999, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, vì vẫn kiên định với đức tin của mình, ông bị bắt cóc, bị bỏ tù và kết án bất hợp pháp. Ông bị bức hại đến tàn tật và bị tra tấn đến chết.

Khoảng 10h sáng ngày 9/11/2015, 7 – 8 cảnh sát an ninh quốc gia đã đột nhập vào nhà em gái ông ở thành phố Lăng Nguyên và đưa ông Lưu Điện Nguyên đến Trại giam huyện Kiến Bình.

Ngày 7/4/2016, ông loạng choạng bước vào Tòa án Kiến Bình, hai tay bị còng, tóc bạc phơ và gầy như que củi. Trước khi bị bắt cóc, ông có sức khỏe tốt và đầu óc nhạy bén. Chỉ 5 tháng sau, ngoại hình của ông đã thay đổi, trí nhớ cũng kém đi.

Khi nhìn thấy người nhà, ông khóc và nói rằng ông bị bắt tại nhà em gái ở Lăng Nguyên. Vì không có bằng chứng bắt giữ, nên cảnh sát đã nói dối rằng ông bị bắt trong một căn phòng đầy sách vở và tài liệu Pháp Luân Công ở Kiến Bình.

Ông lo lắng mình sẽ quên trong quá trình xét xử, nên đã viết bản bào chữa. Nhưng đến ngày xét xử, ông mới được thông báo rằng lời bào chữa của ông không được đưa ra.

Tòa án Kiến Bình đã kết án ông phi pháp 11,5 năm tù và muốn bỏ tù ông cho đến khi ông 90 tuổi, với tội danh “phá hoại việc thực thi pháp luật”. Vì không có tiền thuê luật sư nên ông bị tước quyền kháng cáo.

Khi đó, ông Lưu Điện Nguyên đã 79 tuổi, sức khỏe cực kỳ yếu và không đủ điều kiện để bị giam, nhưng ông vẫn bị giam tại Nhà tù số 1 Thẩm Dương ở tỉnh Liêu Ninh vào tháng 6 cùng năm.

Tháng 8 cùng năm, con gái ông đến thăm ông trong tù. Lúc đó ông Lưu Điện Nguyên đã 80 tuổi và được tù nhân đẩy ra ngoài bằng xe đẩy, chỉ còn da bọc xương. Vợ ông là bà Lưu Ngọc Phương không được phép gặp ông vì bà tu luyện Pháp Luân Công.

Vào dịp Tết Trung thu năm 2022, nhà tù đã gọi điện và yêu cầu gia đình gửi tã lót cho ông. Khi đó gia đình ông mới biết ông đã bị tra tấn đến mức phải nằm liệt giường.

Ngày 25/9/2022, cảnh sát gọi lại và nói rằng ông có thể được “tạm tha để chữa trị” nếu trả từ 5.000 – 6.000 nhân dân tệ (khoảng 17 triệu – 20,6 triệu VNĐ). Tuy nhiên, gia đình ông quá nghèo nên không đủ khả năng chi trả.

Ngày 24/12/2022, bà Lưu Ngọc Phương không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi đơn khiếu nại, cáo buộc Thẩm phán Lý Nham của Tòa án quận Kiến Bình và Khương Kiệt, Trương Lập Huệ, đội trưởng Lữ đoàn An ninh nội địa Cục Công an huyện Kiến Bình, tội bẻ cong luật pháp để trục lợi cá nhân, và lạm dụng quyền lực, yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cảnh ngộ của một gia đình

Năm 1994, ông Lưu Điện Nguyên kết hôn với bà Lưu Ngọc Phương, một bà nội trợ ở nông thôn. Trước đó, bà Lưu Ngọc Phương đã từng kết hôn, sau đó ly hôn và nuôi 2 con một mình.

Năm 1995, hai vợ chồng ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Bà Lưu Ngọc Phương đã được chữa khỏi nhiều loại bệnh như viêm phổi, nỗi oán giận của bà cũng được trút bỏ.

Một ngày vào tháng 9/1999, ông Lưu Điện Nguyên và em gái của ông bị cảnh sát từ Đồn cảnh sát Tiểu Thành Tử bắt cóc khi họ đang đọc sách ở nhà. Ông tuyệt thực và được thả sau khoảng 7 ngày.

Ngày 14/6/2000, cảnh sát đột nhập vào nhà ông, bắt cóc và giam giữ ông trong 60 ngày vì sợ ông sẽ tới Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ngày 30/6, bà Lưu Ngọc Phương bị giam 45 ngày vì từ chối viết đảm bảo không đến Bắc Kinh thỉnh nguyện.

Ngày 31/7/2001, hai vợ chồng ông bị bắt cóc. Ông bị đưa đến Văn phòng Công an huyện Ninh Thành ở Nội Mông. Một sĩ quan cảnh sát an ninh quốc gia nói rằng ông có thể được thả nếu trả 7.000 – 8.000 nhân dân tệ (khoảng 24 triệu – 27 triệu VNĐ). Ông nói: “Gia đình tôi không có tiền.”

Người này hỏi ông còn tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công nữa không, ông nói: “Có!” Y nói rằng nếu viết “Tam thư” (3 bản cam kết từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công), ông sẽ được thả. Nếu không viết, ông sẽ bị kết án. Kết quả là ông bị kết án bất hợp pháp 7 năm tù, và bị đưa đến Nhà tù số 4 ở Xích Phong, Khu tự trị Nội Mông.

Bà Lưu Ngọc Phương cũng bị bắt cóc và bị giam 3 tháng. Sau đó, bà được thả về nhà vì sức khỏe yếu do tuyệt thực. Vài tháng sau, bà lại bị bắt cóc. Tháng 1/2002 bà bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia ở tỉnh Liêu Ninh lao động cưỡng bức bất hợp pháp 3 năm.

Hai người con ở nhà không có ai chăm sóc. Cô con gái 16 tuổi buộc phải nghỉ học để nuôi bản thân và em trai.

Mỗi ngày cô phải thức dậy từ 3h sáng, thắp một ngọn nến yếu ớt, trải bánh bán ngoài cửa nhà lạnh lẽo. Sau đó, cô đạp xe đến chợ cách đó khoảng 10km để bán. Cô thường đạp xe đến Lăng Nguyên, cách đó 15km, đưa tiền cho em đi học và trang trải phí sinh hoạt.

Trong khi đó, cha mẹ của cô vẫn đang bị tra tấn trong tù. Ở Mã Tam Gia, bà Lưu Ngọc Phương từng bị tra tấn đến mức chỉ có thể chỉ có thể thở hắt ra mà không thể hít vào. Bà trở về nhà vào ngày 9/7/2004.

Ông Lưu Điện Nguyên bị giam trong Nhà tù Xích Phong số 4, bị ép lao động nô lệ hơn 10 giờ mỗi ngày. Ông cũng bị cảnh sát giam vào bệnh viện tâm thần của nhà tù 10 tháng, và bị ép uống rất nhiều các loại thuốc không rõ nguồn gốc trong hơn 300 ngày.

Sau khi về nhà, bà Lưu Ngọc Phương đến gặp chồng. Vì nhà nghèo nên bà đến đó bằng xe đạp, chuyến đi một chiều kéo dài 15 tiếng. Đến nơi, cai ngục không cho bà gặp chồng, vì vậy bà lại phải đạp xe về nhà.

Hơn 20 ngày sau, bà Lưu Ngọc Phương lên núi hái táo tàu và đi bán cách đó 10km với giá 6 – 7 nhân dân tệ (khoảng 20.000 – 24.000 VNĐ). Bà lại đạp xe đến thăm chồng. Nghe tin vợ đạp xe đến thăm, ông Lưu Điện Nguyên đã khóc rất to.

Khi bản án 7 năm tù oan hết hạn, người nhà đến đón ông về. Họ không còn nhận ra ông bởi ông gầy đến mức chỉ nặng vài chục cân, không thể đứng thẳng. Ông yếu đến mức không thể nói được một câu trọn vẹn, ho, nôn ra mủ và sau đó ho ra máu. Cả nhà khóc như mưa.

Sau khi về nhà, ông Lưu Điện Nguyên luyện các Pháp Luân Công và đọc các tác phẩm của Pháp Luân Công. Sức khỏe của ông ngày càng tốt hơn, hai tháng sau ông đã bình phục và có thể làm công việc đồng áng trở lại.

Ngày 12/10/2010, ông Lưu Điện Nguyên và vợ ông bị bắt cóc cùng lúc. Vợ ông bị kết án bất hợp pháp 4 năm tù và bị đưa đến Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh. Ông đã bỏ trốn khi đến bệnh viện khám sức khỏe vì lý do thể chất. Khi đó, ở tuổi 73, ông bị buộc trở thành người vô gia cư và không bao giờ trở về nhà.

Nhà sập, sân biến thành rừng, cỏ dại mọc um tùm, đất đai cằn cỗi, hơn 150 cây ăn trái không được hái. Hai con ông đang đi làm ở xa về đến nhà nhìn thấy cảnh tượng trước mắt rất đau lòng. Khi đến thăm mẹ trong tù, họ bật khóc.

Vì đã già không thể đi làm, lại không có nơi ở cố định, cuộc sống của ông rất khó khăn.

Sáng ngày 9/11/2015, ông bị bắt cóc tại nhà em gái. Tháng 4/2016, ông bị kết án phi pháp 11,5 năm tù giam cho đến khi chết vì bị bức hại.

Cảnh ngộ của ông Lưu Điện Nguyên và gia đình ông chỉ là một ví dụ điển hình trong số hàng triệu học viên Pháp Luân Công bị bức hại tại Trung Quốc Đại Lục.

Nhân ngày Quốc tế Nhân quyền, trong một hội thảo trực tuyến do hiệp hội “Các bác sĩ chống cưỡng bức mổ cướp nội tạng” (DAFOH) tổ chức năm 2022, Dân biểu Scott Perry cho biết, ông đã khởi xướng dự luật “Đạo luật bảo vệ Pháp Luân Công”.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần có pháp luật có mục tiêu, chuyên để giải quyết cụ thể vấn đề bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ.”

Được biết, dự luật này được thiết kế đặc biệt để bảo vệ “nhóm tín ngưỡng Pháp Luân Công” và được sử dụng để ngăn chặn cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài hơn 20 năm qua của ĐCSTQ, đặc biệt là hành động trừng phạt những người có liên quan đến tội ác “mổ cướp nội tạng” người tập Pháp Luân Công.

Tháng 3/2023, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật đối với thủ phạm thu hoạch nội tạng sống, bao gồm: cấm nhập cảnh, đóng băng tài sản, thu hồi hộ chiếu, phạt tiền và hình phạt hình sự.

Tháng 6/2023, Quốc hội Mỹ cũng khởi xướng dự luật “Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công”, nhằm buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về nạn mổ cướp nội tạng sống.

Pháp Luân Công là môn tu luyện của Phật gia bao gồm 5 bài tập thiền định nhẹ nhàng, chậm rãi, an hòa, dựa trên các giá trị Chân-Thiện-Nhẫn. Pháp Luân Công còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, lần đầu tiên được giới thiệu ra công chúng tại Trung Quốc vào năm 1992.

Môn tu luyện này nhanh chóng trở nên phổ biến rộng rãi nhờ những lợi ích đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của người tập. Đến năm 1999, theo ước tính chính thức của chính phủ Trung Quốc, Pháp Luân Công đã thu hút khoảng 70-100 triệu người tập luyện.

Lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân đã coi sự phổ biến của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với sự cai trị của đảng. Tháng 7/1999, ông ta đã phát động một chiến dịch tàn bạo nhằm xóa sổ môn tu luyện này.

Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, vài triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ tùy tiện, ước tính từ 1,5 đến 2,5 triệu người bị giam trong các trại lao động vào năm 2010.

Bình Minh (t/h)