Theo truyền thông Ấn Độ, chính quyền Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở tên lửa đất đối không gần khu vực Núi thiêng Kailash và Hồ thiêng Manasarovar, một thánh địa tôn giáo ở Tây Tạng được hàng trăm triệu người sùng kính.

nui kailash tay tang cover
Núi Kailash (Ảnh: Shutterstock)

Theo India Today, vào tháng 4, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự nằm trong khu vực núi thiêng Kailash và hồ Manasarovar – hồ nước thiêng liêng nhất với người Tây Tạng. 

Tờ báo cho biết hôm 22/8 rằng việc xây dựng đã hoàn tất và điểm hành hương này giờ đây giống như “một khu vực chiến tranh với sự hiện diện quân sự dày đặc.”

Núi Kailash và Hồ Manasarovar thường được gọi là siêu thánh địa của 4 tôn giáo với hàng tỷ tín đồ. Địa điểm này cách Lhasa hơn 1.000km về hướng Tây và được mệnh danh là “vũ trụ tâm linh,” nơi Kinh tạng Phật giáo gọi là núi Tu Di.

Người theo đạo Hindu tôn kính địa điểm này như là nơi ngự trị của thần Shiva và nữ thần Parvati. Các tín đồ Phật giáo Tây Tạng gọi là núi Kang Rimpoche hay “Viên ngọc quý trong tuyết,” và xem đây là nơi ở của Đức Phật Cakrasamrava (Demchog) và vợ ngài Đức Kim Cương Hợi Mẫu (Dorje Phagmo).

Tín đồ Kỳ Na Giáo (Jains) gọi là núi Ashtapada và tin rằng đây là nơi vị thầy đầu tiên trong số 24 vị thầy tâm linh của họ đạt được sự giải thoát, còn các tín đồ thời tiền Phật giáo Tây Tạng gọi là núi Tise và xem đây là nơi ở của nữ thần bầu trời Sipaimen.

Đây cũng là nơi bắt nguồn của 4 con sông lớn của tiểu lục địa Ấn Độ: Indus, Brahmaputra, Sutlej, và Karnali – nhánh chính của sông Hằng.

Các chuyên gia cho biết việc Bắc Kinh đặt cơ sở tên lửa tại địa điểm linh thiêng này là nhằm đe dọa Ấn Độ.

“Theo quan điểm của tôi, trên hết đây tiếp tục là sự khiêu khích của ĐCSTQ chống lại Ấn Độ,” ông Priyajit Debsarkar, tác giả và là nhà phân tích địa chính trị của Bridge India, tổ chức tư vấn chính phủ đặt tại London, nói với The Epoch Times.

Ấn Độ và Trung Quốc đã thực hiện nhiều cuộc giao tranh biên giới khác nhau tại Ladakh và Sikkim kể từ tháng 5. Một trong các giao tranh đẫm máu đã xảy ra vào ngày 15/6 đã khiến 20 lính Ấn Độ và một số lính Trung Quốc chưa rõ số lượng bị thiệt mạng.

Kể từ đó, bất chấp nhiều cuộc đàm phán cấp cao khác nhau, hai nước vẫn không thể giải quyết được vấn đề xung đột, khiến quan hệ song phương ngày càng xấu đi.

ĐCSTQ không quan tâm tới tôn giáo và văn hoá

Bà Aparna Pande, một giảng viên nghiên cứu và là giám đốc tổ chức Sáng Kiến về Tương lai của Ấn Độ và Nam Á thuộc Viện Hudson đặt tại Washington, nói với The Epoch Times rằng chế độ cộng sản Trung Quốc không quan tâm đến tôn giáo và văn hóa.

Bà Pande nói: “Chúng ta phải nhớ rằng chính quyền cộng sản Trung Quốc không quan tâm đến Cơ Đốc Giáo. Họ không quan tâm đến bất kỳ môn tu luyện cổ xưa nào của Trung Quốc. Họ tin rằng tôn giáo là thuốc phiện đối với quần chúng và họ chỉ tin vào một ý thức hệ duy nhất, đó chính là chủ nghĩa cộng sản.” Bà còn đưa thêm ví dụ về những gì đang xảy ra đối với người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công.

Bà nói thêm “họ không quan tâm đến các biểu tượng và chủ nghĩa biểu tượng ngoại trừ những gì có quan hệ đến ĐCSTQ.”

Ông Harsh Pant, nhà phân tích chiến lược của Observer Research Foundation đặt tại New Delhi, nói rằng việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự tại Kailash – Mansarovar sẽ chỉ làm tăng thêm quan điểm chống Trung Quốc tại Ấn Độ.

Ông Pant cho biết việc xây dựng xảy ra tại một trong những địa điểm tôn giáo linh thiêng nhất của người theo đạo Hindu cũng cho thấy sự coi thường của Bắc Kinh đối với quan điểm của người Ấn Độ.

“Điều này sẽ chỉ làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ hai bên vốn đã nhiều rắc rối và nó sẽ không chỉ khiến dư luận Ấn Độ chống đối Trung Quốc hơn mà còn khiến các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ quyết tâm chống lại Trung Quốc hơn,” ông Pant bình luận.

Tên lửa DF-21D của Trung Quốc có thể tiêu diệt tàu sân bay như quảng cáo?

Quân sự hoá Tây Tạng 

Ông Girish Kant Pandey, giáo sư nghiên cứu quốc phòng của Đại học Pandit Ravishankar Shukla tại Raipur, miền Trung Ấn Độ nói với The Epoch Times rằng cơ sở tên lửa tại Kailash-Mansarovar chỉ là một phần trong chương trình quân sự hóa lớn hơn của Trung Quốc tại Khu tự trị Tây Tạng.

Ông Pandey nói: “Tên lửa đặt gần Kailash-Mansarovar được gọi là DF-21. Đây là một loại tên lửa đạn đạo tầm trung với tầm bắn 2.200km. Lợi thế của nó là có thể bao phủ tất cả các thành phố phía bắc Ấn Độ, bao gồm cả New Delhi.”

Ông Pandey nói rằng chính quyền Trung Quốc đang biến Tây Tạng thành một khu quân sự. Từ năm 2006 đến 2010, họ đã thực hiện 180 dự án chiến lược không được đề cập trong ngân sách quốc phòng của mình. Các dự án này bao gồm bốn phi đạo lớn, 14 phi đạo nhỏ, và 17 trạm radar trên biên giới Ấn – Trung từ đông sang tây.

Bà Pande nói thêm rằng đối với chính quyền Trung Quốc, Kailash-Mansarovar không phải là một địa điểm linh thiêng mà chỉ là một ngọn núi có vị trí chiến lược, và dãy Himalaya là một chướng ngại đối với kế hoạch bành trướng của họ.

Bà Pande cho biết “đối với họ, Himalaya không phải là một dãy núi thiêng liêng, là văn hóa, là lịch sử … đối với họ, nó chỉ là một chướng ngại tên con đường họ đang cố gắng tạo ra một đế chế mở rộng xuống Nam Á. Vì vậy họ luôn phải cố gắng chinh phục Himalaya. Họ chưa bao giờ sống chung hòa bình với Himalaya.” Bà cho biết thêm chính quyền Trung Quốc cũng muốn phô trương họ có đủ mọi thứ cần thiết để hiện diện tại một vị trí chiến lược như vậy.

Bà cũng nói rằng chính quyền Trung Quốc đã đặt tên lửa nhắm vào Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Hoa Kỳ, và các nước ASEAN.

“Theo quan điểm của ĐCSTQ, bây giờ là thời điểm quan trọng để đặt tên lửa tại các khu vực mà họ có thể nhắm đến Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương. Do đó Kailash-Mansarovar là một địa điểm khả dĩ cho việc đó,” bà Pande cho biết.

Ông Debsarkar cho biết một lý do khác để Trung Quốc đặt tên lửa tại địa điểm linh thiêng này là nhằm đối chọi với việc Ấn Độ gần đây xây dựng con đèo Lipulekh có giá trị chiến lược ở Himalaya.

“Tuy nhiên, mục đích xây dựng con đèo của Ấn Độ là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến hành hương đến Kailash của chúng tôi. Con đường này sẽ làm cho chuyến hành hương dễ dàng hơn rất nhiều so với con đường nguy hiểm có sẵn trước đây,” ông nói.

Theo India Express, con đường đèo dài khoảng 80km ở độ cao hơn 5.000m này vẫn chưa hoàn tất, và đang trở thành vấn đề tranh cãi giữa Ấn Độ và Nepal. Các chuyên gia Ấn Độ tin rằng Đảng Cộng sản Nepal cầm quyền đang nghe theo lệnh của Trung Quốc phản đối con đường bằng cách tuyên bố chủ quyền vùng đất mà con đường được xây dựng.

Gia Huy (theo The Epoch Times)

Xem thêm: