Theo dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố, trong tháng 6 tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16-24 tuổi lên tới 21,3%, một mức cao kỷ lục mới.

GettyImages 1251498029
Hội chợ việc làm ở Trùng Khánh ngày 11/4/2023. (Nguồn: Getty Images)

Trước đó, theo số liệu do Cục Thống kê công bố, 19,7% người tìm việc từ 16-24 tuổi thất nghiệp trong tháng 3. Đến tháng 4, con số này tăng lên 20,4%, tháng 5 là 20,8%, tăng so với tháng 4.

Tức là từ tháng 3, tháng 4, tháng 5 đến tháng 6 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16-24 tuổi đã tăng tương ứng từ 19,7%, 20,4%, 20,8% lên 21,3%. Trong lịch sử Trung Quốc từ thời hậu Cách mạng Văn hóa, rất hiếm xảy ra cảnh nhiều thanh niên thất nghiệp như vậy.

Tuy nhiên, ngay cả tỷ lệ thất nghiệp khoảng 20% mà giới chức công bố cũng không đúng. Cục thống kê của ĐCSTQ luôn nổi tiếng vì làm sai lệch dữ liệu với những phương pháp đầy bất ngờ.

Theo một báo cáo của trang “6do.world” vào ngày 20/7, ông Lại Vinh Vĩ, giám đốc điều hành của Hiệp hội Truyền Cảm hứng Đài Loan (Taiwan Inspiration Association), nói rằng Chính phủ Trung Quốc rõ ràng đã làm sai lệch tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên. Theo những người bạn dạy học ở Trung Quốc Đại Lục của ông chia sẻ, Chính phủ gây áp lực lên các trường học để tô vẽ về vấn đề thất nghiệp.

Cách đây không lâu, người phát ngôn của Cục Thống kê ĐCSTQ đã giải thích về phương pháp thống kê tỷ lệ thất nghiệp rằng: “Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế, trong thời gian tham gia khảo khảo sát, thường là 1 tuần, dân số có việc làm là những người làm việc từ 1 giờ trở lên, để có được tiền công lao động hoặc thu nhập kinh doanh, và những người tạm thời nghỉ việc do nghỉ phép hoặc ngừng việc tạm thời.”

Nói cách khác, người mỗi tuần làm 1 giờ cũng được coi là có việc làm. Đây là cách tính tỷ lệ thất nghiệp của ĐCSTQ, bao gồm cả tỷ lệ thất nghiệp của những người trẻ tuổi.

Không biết Tổ chức Lao động Quốc tế có tiêu chuẩn nào như vậy không. Ngay cả ông Vương Minh Viễn, một học giả trong hệ thống và là nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Nghiên cứu Phát triển và Cải cách Bắc Kinh, cũng không đồng ý với tuyên bố của người phát ngôn Cục Thống kê ĐCSTQ.

  • Tại sao tỷ lệ thanh niên Trung Quốc thất nghiệp đang tăng cao kỷ lục?

Ông công khai tuyên bố rằng giới chức ĐCSTQ đã hạ thấp tiêu chuẩn về việc làm. 1 tuần làm việc 15 giờ ở Mỹ và 20 giờ ở Pháp, chứ không phải 1 giờ như Chính phủ công bố.

Điều nực cười hơn nữa là cách đây vài ngày, có cư dân mạng tung tin khi thống kê tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, giáo viên của một trường nào đó đã tuyên bố rằng việc đăng ký tài khoản trên nền tảng “Xianyu” bán đồ cũ để bán đồ cũng được coi là tự kinh doanh, coi như đã hoàn thành tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Không biết tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học được tính theo cách này là bao nhiêu, nhưng có một điều chắc chắn là việc tự kinh doanh và làm nghề tự do đã trở thành một cách thuận tiện để một số trường làm sai lệch tỷ lệ việc làm. Dữ liệu thu được từ việc này đã trở thành dữ liệu cơ bản để cục thống kê Chính phủ Trung Quốc tính toán tỷ lệ thất nghiệp.

Vậy tỷ lệ thất nghiệp thực sự của thanh niên ở Trung Quốc là bao nhiêu?

Theo Caixin.com, Phó giáo sư Trương Đan Đan tại Đại học Bắc Kinh chỉ ra rằng nếu những người “nằm ườn” “ăn bám bố mẹ” bị coi là thất nghiệp, thì nhìn lại dữ liệu vào tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp thực tế của thanh niên trong tháng đó sẽ là 46,5%, cao hơn nhiều so với mức 19,7% được chính phủ công bố.

Từ dữ liệu của nền tảng tuyển dụng nhân lực ở Đồng bằng sông Trường Giang, nhóm nghiên cứu của bà Trương Đan Đan nhận thấy, dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) vào cuối năm 2022 đã giáng một đòn nặng nề vào các ngành sản xuất ở Tô Châu, Côn Sơn và những nơi khác.

Cho đến tháng 3 năm nay, khi dịch bệnh qua đi, số người có việc làm mới phục hồi được 2/3 so với trước dịch. Vì thanh niên là trụ cột của việc làm trong ngành sản xuất nên tác động thậm chí còn lớn hơn.

Bài viết này lập luận rằng thị trường việc làm công nhân lành nghề của Trung Quốc đã thực sự được cải thiện kể từ tháng 3 năm nay. Do đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng kể từ tháng 3 đã phản ánh thị trường việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học bình thường.

Từ dữ liệu cụ thể, chúng ta có thể thấy rằng thị trường việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học đang thừa cung nghiêm trọng.

Bài viết chỉ ra rằng theo dữ liệu tháng 3 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, dân số từ 16-24 tuổi ở các khu vực thành thị trên cả nước có tổng cộng khoảng 96 triệu người.

Dân số lao động chiếm 1/3, tương đương 32 triệu người, nhưng 6,3 triệu người trong số họ được liệt kê là thất nghiệp. 2/3 còn lại, tương đương 64 triệu người, là những người không đi làm. Trong đó 48 triệu là học sinh phổ thông và 16 triệu còn lại là học sinh đã ra trường, hầu hết họ lựa chọn “nằm ườn” hoặc “ăn bám bố mẹ” thay vì đi làm.

Bài báo đề cập rằng nếu coi 16 triệu dân số không đi làm nói trên là thất nghiệp, thì số thanh niên thất nghiệp trong độ tuổi từ 16-24 ở Trung Quốc có thể lên tới 22,3 triệu người. Lấy tổng số học sinh đã ra trường làm mẫu số là 48 triệu, tỷ lệ thất nghiệp tối đa của thanh niên Trung Quốc vào tháng 3 năm nay lên tới 46,5%, cao hơn 26,8% so với mức 19,7% mà chính phủ công bố.

Nói cách khác, nếu kết quả thống kê của nhóm nghiên cứu của bà Trương Đan Đan là đúng, thì dữ liệu tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16-24 tuổi do Cục Thống kê ĐCSTQ công bố vào tháng 3 thấp hơn một nửa so với thực tế.

Theo dự báo của nhóm nghiên cứu này, tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên Trung Quốc không chỉ do mâu thuẫn cấu trúc như cung không đủ cầu trong dài hạn, mà còn là kết quả của việc nguồn cung sinh viên tốt nghiệp đại học tăng mạnh trong ngắn hạn.

Theo dự báo về xu hướng biến động theo mùa, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên sẽ tiếp tục tăng trong tháng 7 và tháng 8 năm nay.

Cũng có cư dân mạng chỉ ra, chính quyền Trung Quốc hoặc truyền thông tạo ra từ mới để che giấu tình trạng thất nghiệp. Ví dụ, không tìm được việc làm = chậm đi làm; nhóm thu nhập thấp = nhóm đợi giàu; thường xuyên không có việc làm = thất nghiệp mang tính ma sát; nhóm người thất nghiệp = làm việc linh hoạt; nhóm người phụ thuộc = con cái toàn thời gian.

Bình Minh (t/h)

  • Mời quý vị xem thêm video: Con đường lừa lọc để cướp đoạt và thâu tóm đất đai ở Trung Quốc