Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, vấn đề “diệt chủng” người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã trở thành trọng tâm trong cuộc đấu tranh trong thế giới dân chủ phương Tây chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

(Bài viết của một người Trung Quốc lý giải về lý do người dân nước này khó chấp nhận sự thật diệt chủng đang xảy ra tại Tân Cương.)

p2523711a72863505
Người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong (Nguồn: Chụp màn hình video)

“Thuyết diệt chủng” không phải do Mỹ đề xuất đầu tiên. Bao nhiêu năm qua cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã liên tục tố cáo, đồng thời các tổ chức nhân quyền, truyền thông quốc tế và các tổ chức nghiên cứu ở phương Tây cũng đã không ngừng điều tra, phỏng vấn và thu thập bằng chứng. Hiện tại, nhiều quốc gia ở Mỹ và châu Âu đã chính thức thông qua các nghị quyết xác định hành động tàn bạo của ĐCSTQ đối với các nhóm dân tộc thiểu số ở Tân Cương như người Duy Ngô Nhĩ, Kazakh… là “tội diệt chủng”. Nhiều nước đã kêu gọi Liên Hợp Quốc thành lập một ủy ban điều tra độc lập để thúc đẩy điều tra thực địa ở Tân Cương, nhưng ĐCSTQ luôn từ chối.

Mỗi người Hán bình thường chúng ta đều phải gánh chịu trách nhiệm đạo đức trước thực trạng thế lực cầm quyền gây “tội ác diệt chủng” nhắm vào cộng đồng yếu thế, vì chúng ta đã không hoàn thành trách nhiệm bảo vệ văn minh cho nhân loại.

Có thể khẳng định, trước một chế độ hùng mạnh, tàn bạo và nguy hiểm, các cộng đồng dân tộc yếu thế muốn thay đổi tình hình bị đàn áp của mình thì cần được ủng hộ của nhân dân từ các quốc gia hùng mạnh. Nhưng vào thời điểm lịch sử quan trọng này lại có không ít người Trung Quốc trong và ngoài nước đứng về phía chủ nghĩa đại Hán của ĐCSTQ, họ không thừa nhận cuộc đàn áp nhân quyền tàn khốc của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ, thậm chí còn thẳng thừng phủ nhận “tội ác diệt chủng” đó đang diễn ra ở Tân Cương. Do đó, làm rõ để người dân Trung Quốc hiểu thực tế tàn khốc của ĐCSTQ trong chính sách Tân Cương và bản chất phát xít của tổ chức toàn trị này là một nghĩa vụ gian nan mà chúng ta phải gánh vác.

Trải nghiệm cá nhân của tôi và phản tỉnh của người Đức

Không có gì ngạc nhiên khi hầu hết người dân Trung Quốc không cần biết chuyện gì đã xảy ra ở Tân Cương. Bản thân tôi từng là giáo viên đại học ở Hồ Nam, Trung Quốc. Hồi những năm 1990 khi sống lưu vong ở Thụy Điển thì ngoài tiếp tục công việc giảng dạy, tôi còn phải học bổ sung, nhưng trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ năm 1996 tôi không biết gì về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Đó là một hành trình nhân quyền quốc tế. Khi đó trụ sở chính ở Luân Đôn của Tổ chức Ân xá Quốc tế tổ chức cho các nhà hoạt động nhân quyền từ 7 nước đến nói chuyện về nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi giam giữ các tù nhân chính trị người Kurd, nhằm thúc đẩy lên tiếng cho thực trạng tra tấn và tử hình cũng như gây thảm cảnh tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm.

Lúc đó, trong bối cảnh chưa chuẩn bị tinh thần, tôi bị sốc trước thực tế 30.000 người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương đang lưu vong ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó tôi mới biết rằng kể từ những năm 1950 khi ĐCSTQ chiếm đóng Tân Cương thì người Duy Ngô Nhĩ đã vô cùng khó khăn để có thể tồn tại trên chính mảnh đất của họ, và họ buộc phải chạy trốn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hầu hết người Trung Quốc không [cần] biết những điều này.

Sau đó, tôi trở lại Thụy Điển và bắt đầu liên lạc, phỏng vấn những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong. Vào tháng 11/1998, tôi đã phỏng vấn Erkin Alptekin – con trai của chính khách Isa Alptekin người Duy Ngô Nhĩ là chủ tịch tổ chức East Turkistan Union in Europe (ETUE) sống ở Đức, qua đó biết về lịch sử đẫm máu và nước mắt của một bộ phận người Duy Ngô Nhĩ. Thời điểm đó tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn “Vì sao người Duy Ngô Nhĩ yêu hòa bình phải đứng lên khởi nghĩa?”

Trong nhiều năm qua, Thụy Điển đã tiếp nhận nhiều người Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương đến tị nạn. Ở “Trung tâm ngôn ngữ mẹ đẻ” nơi tôi dạy, một số sinh viên Duy Ngô Nhĩ đã chọn học môn tiếng Trung của tôi, nhờ đó giúp tôi hiểu rõ hơn dân tộc này. Gia đình của những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong đó đã phải chịu đựng nhiều đau đớn hơn những người Hán lưu vong như tôi. Ngay cả trong xã hội tự do nhưng đa số họ vẫn còn sống trong sợ hãi, trong cảnh tuyệt vọng đó ở nước ngoài họ rất khó chia sẻ, vì hầu như gia đình nào cũng có người thân bị đưa vào trại tập trung.

Người ta thường nói “Đôn Hoàng là ở Trung Quốc, còn Đôn Hoàng học (Tunhuang Studies) là ở Nhật Bản”, dân tộc học chân chính ngày nay (bao gồm cả Tân Cương và Tây Tạng) chắc chắn không có ở nội địa Trung Quốc do ĐCSTQ kiểm soát. Vào đầu thế kỷ trước, các nhà truyền giáo Thụy Điển đã đến Tân Cương, họ đã ở lại hàng chục năm sau khi học tiếng Duy Ngô Nhĩ, khi trở về nước họ đã viết sách nhằm mục đích cho người Thụy Điển biết đến lịch sử thực sự của Tân Cương, cho nên Thụy Điển rất chú ý về tình hình nhân quyền và các trại tập trung ở Tân Cương.

Nhưng do thứ chủ nghĩa tự tôn dân tộc của dân tộc lớn mạnh, cho đến nay, rất ít người Hán có trải nghiệm và đồng cảm với nỗi đau bị áp bức của các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ. Tình hình tương tự cũng có thể thấy ở nước Đức trước Thế chiến thứ hai.

Năm 1933, Hitler lên nắm quyền và bắt đầu kỳ thị người Do Thái. Do khủng hoảng kinh tế, nhiều công nhân Đức đã từ bỏ cánh tả để gia nhập Đức Quốc xã. Đức Quốc xã đã sử dụng một chính phủ hùng mạnh can thiệp vào nền kinh tế để giải quyết vấn đề thất nghiệp, nước Đức khi đó không chỉ là một nước tư bản lớn mà một số trí thức cấp cao cũng ủng hộ Hitler, vì “giấc mơ cường quốc” của nước Đức đang trỗi dậy khiến họ làm ngơ trước tội ác diệt chủng của Hitler đối với người Do Thái.

Chủ nghĩa dân tộc kiểu Đức đầy điên cuồng và hiếu chiến như vậy một lần nữa lại thấy ở ĐCSTQ ngày nay. Giờ đây, không chỉ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị giam cầm trong các trại tập trung với danh nghĩa “cải tạo”, mà thế lực Đỏ hiện nay cũng đang hoành hành vùi dập, thắt chặt nền tự do mà người Hồng Kông vốn có. Có dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ áp dụng mô hình kiểu Tân Cương để kiểm soát Hồng Kông.

Sau Thế chiến thứ hai, giới trí thức Đức mang trọng trách khôi phục lại khả năng nhận thức của người dân trong nước, bắt đầu từ việc chiếu phim tài liệu, họ đã vạch trần tội ác của chủ nghĩa phát xít, đã khai mở tinh thần phản tỉnh của dân tộc, đã nỗ lực nhìn lại hành động của mình. Trải qua một quá trình đau đớn như vậy đã giúp dân tộc Đức hồi sinh tinh thần trở lại.

Tất nhiên, việc người Đức phản tỉnh nhìn lại tội ác của Đức Quốc xã là một phong trào được thực hiện sau khi quân đồng minh chiếm đóng nước Đức. Thời điểm đó tổ chức Đảng của Đức Quốc xã đã tan rã, nước Đức đã ban luật cấm các tổ chức phát xít hoạt động trở lại. Trong phiên tòa Nuremberg, tòa án đã xét xử và kết án những tội phạm chính của Đức Quốc xã về các tội chống lại hòa bình, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Trong bối cảnh đó, phong trào phản tỉnh tập thể của người Đức đã giáo dục mọi người nhận thức và đề phòng những điều xấu xa trong bản chất con người và xây dựng lại tinh thần của chủ nghĩa nhân văn.

Không có trở ngại nào không thể vượt qua

Tương tự là Trung Quốc ngày nay dưới sự cai trị của ĐCSTQ đang thúc đẩy chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Ngoài việc kêu gọi sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế, chúng ta cũng nên cho đông đảo người Trung Quốc trong và ngoài nước chú ý về tội diệt chủng này, qua đó truyền bá kiến ​​thức về nhân quyền, nhân phẩm và các quyền cơ bản của các dân tộc thiểu số. Chỉ khi ý thức đến những tội ác mà ĐCSTQ đã gây ra thì mới có thể biết mà ngăn chặn.

Theo tôi, có rất nhiều rào cản và khó khăn để cho đông đảo người Trung Quốc nhận biết về nạn diệt chủng của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ. Vấn đề này là bài khảo hạch năng lực tinh thần và trí tuệ căn cơ nhất của chúng ta. Dưới đây là những trở ngại mà chúng ta phải đối mặt.  

Rào cản thứ nhất: thông tin bị chặn, sự thật bị che khuất, dẫn đến “không biết và không tin

ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ bộ máy truyền thông trong nước, cho nên tin tức liên quan đến các dân tộc thiểu số được chỉ định mức độ nhạy cảm cao nên kiểm soát và kiểm duyệt cực kỳ nghiêm ngặt. Không chỉ các phóng viên trong nước phải đối mặt với áp lực lớn không thể lên tiếng cho dân tộc bị đàn áp, ngay cả một số cơ quan truyền thông nước ngoài thân ĐCSTQ cũng im lặng. Vì lẽ đó mà thảm kịch tự thiêu ở Tây Tạng hay thảm họa diệt chủng ở trại tập trung Tân Cương khó tồn tại trong mạng lưới thông tin của Trung Quốc.

Điều này dẫn đến vấn đề “không biết và không tin”. Nếu không chấp nhận thông tin đa dạng từ các góc độ khác nhau, công chúng sẽ cực kỳ tin tưởng vào một kiến ​​thức phiến diện nào đó. Trong thực trạng thiếu hiểu biết, hầu hết người Hán ở Trung Quốc đều tin theo tuyên truyền của ĐCSTQ.

Những người thời gian dài sống trong thực trạng thông tin một chiều sẽ dễ bị chi phối niềm tin theo hướng đó, khi họ bất ngờ phát hiện ra thông tin chệnh hướng đó cũng sẽ khó chấp nhận nghe theo, họ có xu hướng phủ nhận sự thật và hình thành tâm lý phản đối. Đây là lý do tại sao nhiều người Trung Quốc Đại Lục dù biết được thông tin thực thì vẫn ủng hộ chính sách dân tộc của ĐCSTQ.

Rào cản thứ hai: chủ nghĩa vị kỷ và thống nhất dân tộc đại Hán chi phối quá lớn

Chủ nghĩa dân tộc phát triển đến cực đoạn trở nên đặc biệt ích kỷ, khiến người ta coi lợi ích và giá trị của đất nước mình là trên hết. Chủ nghĩa vị kỷ dân tộc như vậy sẽ dẫn đến bài xích dân tộc khác, chối bỏ văn hóa dân tộc khác.

Vì vậy, ngay cả khi nhiều người Hán tại Trung Quốc biết có nhiều khiếu kiện kêu than từ người Duy Ngô Nhĩ, biết có có nhiều cuộc điều tra và chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, nhưng để bảo vệ lợi ích dân tộc nên họ không sẵn lòng nghe theo.

Tại sao nói ở Trung Quốc thì quyền lợi chính là thuộc về dân tộc Hán? Chính bài phát biểu năm 1956 “Luận về 10 mối quan hệ lớn” của Mao Trạch Đông tại cuộc họp Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã đề cập đến việc người Hán chiếm đất đai và tài nguyên của các dân tộc thiểu số.

Số dân tộc thiểu số ở nước ta ít, lại chiếm diện tích lớn. Về dân số, dân tộc Hán chiếm 94%, là một ưu thế vượt trội. Nếu người Hán theo chủ nghĩa sô vanh, phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số, vậy thì rất không hay. Nhưng về đất đai ai có nhiều hơn? Phần lớn đất đai là thuộc các dân tộc thiểu số, chiếm 50 đến 60%. Chúng ta nói rằng Trung Quốc có tài nguyên đất đai rộng lớn, dân số đông, thực ra ‘dân đông’ là nói về dân tộc Hán, ‘tài nguyên đất đai rộng lớn’ là về các dân tộc thiểu số”.  

Rào cản thứ ba: thiếu nhận thức, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm

Khả năng nhận thức của con người bao gồm khả năng quan sát, trí nhớ, trí tưởng tượng. Những người đã thời gian dài mụ mị trong lừa dối của chế độ độc tài thường thiếu khả năng nhận biết sự thật. Đặc biệt cuộc đàn áp sắc tộc ở Tân Cương là một vấn đề của hệ thống xã hội liên quan đến lịch sử phức tạp và thực tế chính trị hà khắc, rất khó để người dân Trung Quốc trong nước hình dung, điều này vượt quá trình độ am hiểu của hầu hết mọi người.

Để nâng cao khả năng nhận thức, cần tiếp thu nhiều kiến ​​thức và thông tin, suy nghĩ một cách công bằng, khách quan và không thành kiến. Đồng thời, để hiểu về nạn diệt chủng ở Tân Cương, cần thêm lòng nhân ái và sự đồng cảm, trong khi điều đó rất khan hiếm trên mảnh đất thiếu tinh thần nhân văn của Trung Quốc.

“Đồng cảm” là hiểu được nỗi khổ của người khác, đây là một trong những phẩm chất vĩ đại nhất của con người, là nguồn gốc quan trọng của đạo đức, ý thức công chính, và tư duy hợp lý. “Đồng cảm” là nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu ở trong hoàn cảnh của người khác.

Khi có lòng trắc ẩn và đồng cảm, chúng ta sẽ có một cái nhìn khác và có thể suy nghĩ từ quan điểm của người khác. Trên cơ sở đồng cảm thì khi có thể mới giang tay giúp đỡ. Chỉ bằng cách vượt qua rào cản này chúng ta mới có thể đối mặt với sự thật về nạn diệt chủng của người Duy Ngô Nhĩ và quan tâm đề xuất giải pháp. Như vậy mới có thể hướng theo chủ nghĩa nhân văn hiện thực và đưa dân tộc Hán trở thành một dân tộc lương thiện.

Moli, Vision Times
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)

Xem thêm: