Vũ trụ mênh mông, có vô vàn những điều bí ẩn mà khoa học nhân loại không thể hiểu rõ được. Thời xưa có rất nhiều cao nhân có thể dự đoán chính xác tương lai, người xem tướng cũng có thể biết được vận hạn của con người, thầy phong thủy cũng có thể biết được hung cát của một gia đình. Người xưa tin rằng ở cõi thâm sâu đều là đã có định số, sức người rất khó thay đổi được, gọi là “sống chết có số, phú quý do Trời”. Dưới đây là một số câu chuyện được ghi chép lại trong tư liệu cổ.

3 câu chuyện trong sách cổ về "sống chết có số, phú quý do Trời"
(Tranh: Bích họa, Fanghong chụp, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Lời tiên tri về Lưu Thái Sư triều Minh

Trong “Thất tu loại cảo” ghi lại một chuyện về Lưu Thái Sư triều đại nhà Minh. Ông tên là Lưu Kiện, người Lạc Dương. Lúc Lưu Kiện vừa chào đời được một tháng thì có một vị tăng nhân đi hóa duyên qua nhà ông, vừa nhìn thấy Lưu Kiện đầy tháng thì nói: “Đứa trẻ này sẽ sống sót sau bảy lần chết hụt, qua 40 tuổi sẽ làm quan nhất phẩm, thọ hơn 100 tuổi”.

Từ đó về sau, người nhà Lưu Kiện luôn ghi nhớ lời tiên đoán của vị tăng nhân kia. Trước lúc Lưu Kiện 40 tuổi, quả nhiên ông đã gặp phải trùng trùng kiếp nạn nhưng dường như có Thần linh bảo hộ nên tất cả bảy lần “thập tử nhất sinh” ông đều tìm được con đường sống từ cõi chết.

Lần đầu tiên là khi Lưu Kiện đang học ở một ngôi chùa cổ thì một đêm nọ, sấm sét và mưa giông kéo đến làm cho bức tường của ngôi chùa cổ đang hư hỏng bị sụp đổ, chôn vùi ông ở bên dưới. Mãi đến ngày hôm sau mới có người phát hiện ra ông bị chôn vùi ở bên dưới mà cứu giúp.

Lần thứ hai là khi Lưu Kiện đến Bắc Kinh dự thi, trên đường bị cường đạo cướp bóc. Sau khi bọn cướp lấy đi quần áo và tài sản của ông thì đã trói ông lại rồi ném xuống tuyết và bỏ đi. Lưu Kiện thiếu chút nữa thì bị chết vì lạnh cóng, may mà được người qua đường cứu giúp. 

Lần thứ ba là khi Lưu Kiện tham gia thi hội thì trong trường thi đột nhiên xảy ra hỏa hoạn. Ông bị bao vây bởi lửa, không còn con đường nào để đi, ông đã liều chết băng qua ngọn lửa mà chạy được ra ngoài thoát thân.

Lần thứ tư là khi Lưu Kiện ở nhà một người bạn ăn cơm, người chủ nhà sợ một số vị khách sẽ rời đi trước nên khóa cửa lại. Một đám cháy đã bất ngờ bùng phát khiến cho nhiều vị khách thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn, Lưu Kiện lại thoát chết.

Lần thứ năm là khi Lưu Kiện bị bệnh thương hàn nghiêm trọng. Ông đã hôn mê bất tỉnh ba ngày ba đêm.

Lần thứ sáu là khi Lưu Kiện cùng đoàn người trên đường đi sứ hải ngoại, thuyền của họ bị sóng lớn gió mạnh đánh hỏng. Lưu Kiện may mắn gặp được khúc gỗ và ôm khúc gỗ trôi dạt trên sông mấy ngày liền mới được cứu vớt.

Lần thứ bảy là khi Lưu Kiện đang ngủ trưa thì mở mắt ra và nhìn thấy một con mèo đi ngang qua, đúng lúc đó có một tiếng động lớn, con mèo bị sét đánh chết, Lưu Kiện bị ngất đi và mãi nửa ngày sau mới tỉnh lại.

Bảy kiếp nạn này đều xảy ra trước lúc Lưu Kiện 40 tuổi. Kể từ sau 40 tuổi, Lưu Kiện quả nhiên “một bước lên mây”, thăng quan tiến chức nhanh chóng. Ông được Hoàng đế Minh Hiếu Tông xem là trọng thần tâm phúc. Cuối cùng, Lưu Kiện trở thành tể tướng “ở dưới một người, ở trên vạn người”.

Sau khi Hoàng đế Minh Vũ Tông lên ngôi, Lưu Thái Sư rời chức vị tể tướng. Nhưng Minh Vũ Tông đã đặc biệt ban cho ông chức Thái sư. Khi cuốn “Thất tu loại cảo” hoàn thành, Lưu Thái Sư đã 107 tuổi và vẫn đang sống khỏe mạnh.

Đạo tặc cũng có số của đạo tặc

Theo sách “Thông kỷ” ghi chép lại, vào năm Chính Thống thứ 14 triều đại nhà Minh, ở Nghiễm Châu có một tên trộm, tên là Hoàng Tiêu Dưỡng. Người này đã bị giam trong nhà tù của quận mười năm bởi vì tội cướp tài sản.

Có một hôm, Tiêu Dưỡng bỗng nhiên phát hiện ra chiếc giường tre nơi mà anh ta thường ngủ đã mọc ra nhiều lá tre. Trong số những tù nhân ở cùng tù, có một người biết mệnh lý nên đã bói cho Tiêu Dưỡng một quẻ, cho rằng đây là điềm lành và đề nghị Tiêu Dưỡng trốn thoát.

Hoàng Tiêu Dưỡng vô cùng mừng rỡ liền ra sức đập nát hình cụ trên người và trốn thoát khỏi nhà tù. Sau khi ra tù, Tiêu Dưỡng lại tiếp tục làm loạn ở vùng biển. Số người theo anh ta lên tới hơn 100.000 người. Tiêu Dưỡng tự xưng làm vua và cướp bóc bốn phía trên biển.

Tới tháng 2 năm đầu niên hiệu Cảnh Thái, triều đình mệnh lệnh cho đô đốc Đổng Hưng dẫn quân đi đánh dẹp Hoàng Tiêu Dưỡng. Vào đầu tháng 3, ban đêm có một ngôi sao lớn rơi xuống bờ phía nam sông lớn. Lúc ấy, trong quân có người hiểu biết thiên tượng tên là Mã Thức. Đô đốc Đổng Hưng hỏi Mã Thức: “Ngôi sao lớn rơi xuống bờ phía nam là dấu hiệu gì?”

Mã Thức xem một chút rồi căn cứ quẻ tượng nói: “Hiện giờ là đầu tháng 3, đến tháng 4, thủ lĩnh hải tặc Hoàng Tiêu Dưỡng sẽ bị bắt!”

Thế là sĩ khí của quan quân phấn chấn lên rất nhiều. Đến tháng 4, quan quân đã đánh bại hải tặc, Hoàng Tiêu Dưỡng bị tên bắn trúng và bị bắt sống sau đó xử tử.

Đương thời có một học giả họ Trần đã thở dài mà cảm thán:Một thân tre chết mọc lên cành lá là dấu hiệu về Tiêu Dưỡng nổi loạn. Một ngôi sao lớn rơi xuống trong đêm là dấu hiệu Tiêu Dưỡng tiêu vong. Số mệnh của đạo tặc cũng là Trời định.”

Ngày cha làm Trạng nguyên thì con sẽ làm Tể tướng

Trong cuốn “Xuân Chử Kỉ Văn” viết rằng, đại thần Thái Xác, tự là Trì Chính, là người Tuyền Châu. Lúc ông được tiến cử chức quan, trong huyện có một người nằm mộng đã đi đến một phủ quan, nhìn thấy trên điện có bốn người tôn quý đều mặc lễ phục có hình rồng đầu đội lễ quan. Lúc ấy có người ngồi bên cạnh nói với anh ta: “Đây là thứ tự vị trí của các Tể tướng triều nhà Tống”. Người này ngẩng đầu nhìn thì thấy Thái Xác ngồi ở chỗ cuối cùng. Sau khi tỉnh dậy, người này hoang mang khó hiểu bởi vì lúc ấy Thái Xác vừa mới được bổ nhiệm chức quan. Mãi cho đến khi Thái Xác thực sự trở thành tể tướng, rồi bị giáng chức tới Lĩnh Nam, người này mới hiểu ra. Hóa ra, ngoài Lư Đa Tốn, Khấu Chuẩn, Đinh Vị ra thì Thái Xác thực sự là vị tể tướng thứ tư bị giáng chức tới Lĩnh Nam. 

Khi Thái Xác còn trẻ cũng từng nằm mộng, trong giấc mộng gặp một vị tiên nhân đã nói với ông rằng khi cha ông làm Trạng nguyên thì ông có thể làm Tể tướng. Thái Xác cảm thấy rất buồn cười bởi vì cha của ông đã già rồi lại sắp về hưu thì sao có thể làm Trạng nguyên được nữa. Về sau, Thái Xác thực sự được bổ nhiệm trùng hợp cùng ngày khoa cử xướng danh Trạng nguyên chính là cha của ông.

Trong “Tống bại loại sao” viết rằng, Thái Xác khi còn trẻ đã từng gặp một vị đạo nhân, vị đạo nhân này đã tiên đoán tương lai của ông. Lúc ấy, Thái Xác có một người bạn thân tên là Trương Thực, hai nhà họ đều rất khốn cùng. Có một lần hai người đi ngao du, trên đường gặp một vị đạo nhân. Vị đạo nhân nhìn chằm chằm vào Thái Xác và nói: “Cậu sau này sẽ giống Lý Đức Dụ!” Lý Đức Dụ là tể tướng triều Đường, về sau bị lưu đày ở Hải Nam.

Thái Xác cho rằng vị đạo nhân đang trêu đùa mình nên cũng đùa mà hỏi rằng: “Tương lai tôi có thể làm tể tướng sao?”

Vị đạo nhân nói: “Có thể!”

Thái Xác nghe xong bật cười lớn, lại hỏi tiếp: “Vậy tôi có giống như Lý Đức Dụ bị giáng chức xuống phía nam không?”

Vị đạo nhân đáp: “Đúng vậy!”

Vị đạo nhân lại nói với Trương Thực rằng khi nào trong gia đình cậu có 50 người thì cậu có thể làm khanh giám. Sau đó, đạo nhân lại quay sang nói với Thái Xác: “Lúc ấy thì cậu sắp chết rồi!”

Thái Xác và Trương Thực đều bật cười lớn và cho rằng mình đã gặp phải một kẻ điên khùng.

Về sau, những chuyện diễn ra đúng như lời vị đạo nhân nói. Sau này Thái Xác làm quan ở Tân Châu. Khi Thái Xác ở Tân Châu 5 năm thì nhận được thư Trương Thực gửi đến, nói rằng ông gần đây đã được thăng chức Ti nông khanh, cả nhà 50 người đang sống ở kinh thành rất khó khăn. Thái Xác lúc này nhớ lại lời của vị đạo nhân khi xưa, thấy chỉ có việc mình bị chết còn chưa có ứng nghiệm mà thôi.

Mấy ngày sau, Thái Xác tái phát bệnh cũ mà chết.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: