Khoan dung là phẩm chất cao quý, là cảnh giới cao thượng, là sự trưởng thành về tinh thần. Một tâm hồn tràn đầy lòng bao dung như những vầng hào quang nhân ái, là phúc phận vô thượng, là sự rộng mở với người khác, cũng là thiện đãi chính bản thân mình.

Tâm rộng rãi trời đất cũng rộng mở, chẳng ai có thể trở thành kẻ thù của bạn. Tâm an thì thân dẫu ở nơi nào cũng an, ở nơi nào mà chẳng tự tại. Thân trong sạch thì tâm mới trong sạch, tâm trong sạch thì vạn sự mới minh bạch. Lòng người càng thanh đạm thì tổn thương càng ít, tâm rộng bao nhiêu thì hạnh phúc bấy nhiêu. Đời người đâu thể lúc nào cũng thuận lòng như ý, chỗ nào cũng hoàn mỹ, không tì vết. Đôi khi giải thích tranh biện chỉ nhọc lòng, chi bằng mỉm cười bao dung?

Biển rộng vì biển có thể khoan dung
(Ảnh minh họa: Anek.soowannaphoom, Shutterstock)

Trước kia có một tiểu hoà thượng vô cùng ham chơi, tâm tư của cậu cũng không đặt vào chuyện tu hành. Cậu thường tìm cớ trốn ra ngoài chơi. Vị hoà thượng cai quản trong chùa cũng biết chuyện nhưng vẫn chỉ lẳng lặng chứ chưa phê bình cậu ta.

Một buổi tối muộn, trăng tròn đã treo lơ lửng trên tận ngọn cây, những chú dế cũng bắt đầu tấu lên những dạ khúc nhàn nhã của mình. Tiểu hoà thượng chẳng thể kiềm nén cơn thèm khát được đi chơi. Cậu nghĩ, cảnh sắc ban đêm tuyệt vời như thế này ra ngoài đi dạo một chút thật tuyệt biết bao! Nhưng cổng chùa lại đóng im ỉm.

Thế là cậu ta nghĩ ra một cách. Cậu kê một cái ghế đẩu lấy ở trong nhà áp sát lùm cỏ bên tường. Sau đó cậu trèo lên ghế và nhảy ra ngoài sân chùa. Sau khi vạch một ký hiệu ngoài tường làm dấu, cậu vội vàng chạy thẳng một mạch.

Nửa đêm lão hoà thượng đi ra ngoài thì phát hiện chiếc ghế đẩu dưới chân tường. Ông thầm nghĩ: “Chắc chắn là của tiểu hoà thượng ham chơi đây mà. Được, ta sẽ ở đây đợi cậu ta trở về, nhân cơ hội này dạy dỗ cậu ta một bài học.”

Đợi một lúc lâu thì bên ngoài tường mới có tiếng động. Lão hoà thượng biết là có người đang leo lên tường bèn đẩy chiếc ghế đẩu sang một bên, khom lưng ngồi xổm dưới chân tường, hai tay giữ lấy đầu gối. Tiểu hoà thượng nhìn xuống chân tường, thấy một bóng đen bên dưới bèn cho rằng đó chính là chiếc ghế mình đặt, bèn nhảy xuống. Nhưng lạ là cậu lại thấy mềm mềm, cậu giật nảy mình, suýt thì ngã bổ chửng.

Cậu ngoảnh đầu nhìn lại hoá ra là lão hoà thượng giữ chùa, thế là cậu chạy một mạch về phòng ngủ. Cậu nằm trên giường không dám nhúc nhích, chờ đợi lão hoà thượng nổi cơn tam bành, cứ thế cả đêm cậu không sao chợp mắt.

Sáng sớm hôm sau, trong giờ nhà chùa tập trung buổi sáng, tiểu hoà thượng vô cùng bất an chờ đợi lão hoà thượng trút giận lên đầu mình. Lão hoà thượng vẻ mặt rất nghiêm túc nhưng lại không hề nhắc đến việc đêm qua, tiểu hoà thượng trong lòng lại càng nao núng.

Vài ngày qua đi, lão hoà thượng phát hiện tiểu hoà thượng không còn ham chơi như trước, cậu cũng dụng công khắc khổ đọc kinh hơn. Từ đó về sau, tiểu hoà thường kiên trì thường hằng, tinh tấn tu hành, trở thành một người tu luyện rất có thành tựu.

Lão hoà thượng trong câu chuyện trên không hề dùng cách phê bình đơn giản, thô bạo và khó kiềm chế để đối đãi với sai lầm của tiểu hoà thượng. Ông tìm cơ hội để tiểu hoà thượng nhận ra thiếu sót của bản thân mà tự quy chính hành vi của mình. Trong quá trình ấy không có một lời lẽ nào, nhưng lúc này đây sự yên lặng lại thắng cả vạn lời nói. Có thể thấy khoan dung là khí chất phi phàm, là tấm lòng rộng mở, là sự bao dung và tiếp nhận trong đối nhân xử thế, cũng là thiện đãi với bản thân mình.

Có câu chuyện xưa như vậy, tại một thôn bé nhỏ có hơn 10 gia tộc tối lửa tắt đèn có nhau, cùng chung sống vô cùng hoà hợp, thân thiết như người một nhà. Truyền thống tốt đẹp này được hình thành từ thời Uông Lão Thái Công của Uông Gia.

Số là ngày đó, con lợn nhà Uông chạy vào trong vườn rau nhà họ Đổng, bị họ Đổng phát hiện và dùng gậy đuổi đánh. Chú lợn bị đánh chết, và nướng lên ăn. Nhà họ Đổng tự cho rằng mình đông người, cậy thế thị uy, nếu nhà họ Uông dám tới tính sổ họ sẽ đánh cho hoa rơi nước chảy.

Sau khi phát hiện ra sự việc trên, huynh đệ nhà họ Uông nắm chặt nắm đấm, chuẩn bị tới nhà họ Đổng động thủ. Uông Thái Công nói: “Lợn ăn rau nhà người ta, theo lý thì phải đền bù cho họ, các người không được làm bừa”. Các huynh đệ không phục, Uông Thái Công ngăn cản hết lần này tới lần khác, họ đành phải nuốt cục giận vào trong.

Không ngờ 3 ngày sau, phụ thân nhà họ Đổng đột nhiên mắc bệnh đột tử. Uông Thái Công lấy đức báo oán, tự mình tới giúp nhà họ Đổng lo liệu hậu sự và dẫn theo con trai và con dâu tiễn đưa. Nhà họ Đổng vô cùng cảm kích.

Một chuyện có vẻ như sắp xảy ra án mạng, lại tiêu tan như mây khói. Huynh đệ nhà họ Uông bội phục tầm nhìn xa của phụ thân mình. Từ đó, dẫu xảy ra bất cứ chuyện gì, mọi người cũng đều dùng tấm lòng khoan hồng đại lượng mà đối đãi. Một vài người biết tới chuyện này cũng dọn tới thôn cư ngụ.

Điều mất đi khi người ta khoan dung tưởng như là phúc phận của mình, nhưng thực ra điều đắc được mới là chân phúc. Giữa “Được”“Mất” liệu ai có thể phân rõ là phúc hay là hoạ? Đừng bao giờ bị mê hoặc bởi giả tướng trước mắt.

Theo Sound of Hope
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: Có thể “buông bỏ” mới có thể “đắc được”