Bình phong được nhắc đến rất nhiều trong các tư liệu lịch sử, trong các sách cổ và được đưa vào trong thi từ, hội họa. Vì sao cổ nhân lại yêu thích sử dụng bình phong đến như vậy?

Bình phong còn được gọi là Bình môn và Bình chướng, tức là tấm che chắn. Phòng ốc thời cổ đại đa phần đều là kiến trúc gỗ, không được kiên cố và kín như kết cấu bê tông cốt thép ngày nay. Vì để chắn gió, người xưa bắt đầu chế tạo ra tấm bình phong này. Bình phong thường được đặt ở phía cuối giường hoặc là ở hai bên cạnh giường để chắn gió. Trong cuốn “Thích danh. Thích sàng trướng” viết: “Bình phong, ngôn khả dĩ bình chướng phong dã“, bình phong là thứ để chắn gió. Bình phong ngoài chắn gió còn có tác dụng ngăn cách không gian, tạo ra những khoảng riêng như phòng riêng ngày nay.

Nói về công dụng ngăn cách không gian, họa sĩ Cố Hoành Trung thời Ngũ Đại đã dùng bình phong để ngăn chia bức “Hàn Hi Tái dạ yến đồ” (Bữa tiệc đêm trong nhà Hàn Hi Tái) dài 3 m thành năm đoạn độc lập, bao gồm: Nghe nhạc, xem múa, nghỉ ngơi, thổi sáo, tan tiệc.

Bình phong trong kiến trúc cổ của người xưa
Trích đoạn “Hàn Hi Tái dạ yến đồ”. Hai phân cảnh “Nghe nhạc” và “Xem múa” được ngăn cách nhau bởi một bức bình phong ở giữa. (Public Domain)

Với sự thay đổi của vương triều cổ đại, bình phong cũng phát triển và thay đổi mạnh mẽ hơn. Chủng loại và phạm vi sử dụng của bình phong ngày càng phong phú đa dạng, phổ biến hơn. Có loại bình phong được làm hoàn toàn bằng gỗ, loại này rất bền chắc, do đó có thể được dùng như một chỗ tựa hoặc để treo đồ vật. Theo sách cổ ghi chép, thời Ngụy Tấn có một người tên là Vương Côn, vốn keo kiệt bủn xỉn. Ông ta không chỉ giấu rượu ở dưới gầm giường mà còn đem tất cả những đồ như gạo, muối, nước tương… treo hết lên bình phong bên cạnh giường của mình. Bất kể người nào trong nhà cần thứ gì đều phải được đích thân ông ta đưa cho mới được dùng.

Bình phong được dùng sớm nhất vào thời Tây Chu. Nhưng lúc ấy bình phong được gọi là “Để” hoặc “Ỷ”. Sách “Chu Lễ. Thiên Quan. Chưởng thứ” viết: “Để cũng xưng là bình phong, dùng lông phượng hoàng trang trí, nơi này còn được gọi là nơi vua ngồi”. Đến thời nhà Hán, người ta bắt đầu dùng từ bình phong nhiều hơn. Như trong “Sử ký. Mạnh Thường Quân truyện” viết: “Mạnh Thường Quân ngồi tiếp khách, đằng sau tấm bình phong thường có thị sử, chủ quản việc ghi ghép lời nói của chủ và khách”. 

Vào thời nhà Hán, việc bài trí bình phong trong nhà đã vô cùng phổ biến. Đặc biệt là trong các gia đình giàu có và gia đình có địa vị, bình phong rất xa xỉ và tỉ mỉ. Bình phong lúc này có nhiều chủng loại, nếu trước đó thường được làm từ một tấm gỗ thì đến thời này bình phong có thể được làm từ nhiều tấm gỗ nhỏ ghép lại, có thể gập lại, xếp lại. Trên bình phong, hoa văn được chạm khắc hoặc trang trí cũng đa dạng, thường là những bức họa về những câu chuyện Thần thoại, phong cảnh hay những cảnh sinh hoạt trong cung đình, các loại hoa cỏ, hay những hoa văn cát tường. Chính vì ngày càng được chế tác đẹp hơn, tinh xảo hơn nên bình phong không chỉ có tác dụng che chắn mà còn là vật trang trí không thể thiếu trong nhà.

Bình phong trong kiến trúc cổ của người xưa
Bức bình phong “Thập trường sinh đồ”. (Tranh qua Neh.gov, Public Domain)

Khi giấy và lụa ra đời, bình phong cũng có sự cải biến. Người ta thường dùng gỗ làm khung sườn còn mặt bình phong được làm từ giấy hoặc lụa. Trên mặt bình phong ngoài được trang trí bằng hội họa, thư pháp ra còn có hoa văn nhuộm màu hoặc hoa văn thêu, và thường được viết lên các bài thơ.

Đến thời nhà Đường, thời đại thái bình thịnh thế, phồn vinh tráng lệ, bình phong giấy rất thịnh hành. Trên mặt bình phong thường được các họa sĩ vẽ một bức tranh nước chảy từ trên núi cao xuống, hoặc bức tranh hoa và chim, tranh thi nhân hoặc cũng có thể là các bài thơ, chữ đề bình. Các gia đình giàu có còn có thể dán các lá vàng lên bình phong. Trong cung đình thường sử dụng bình phong được trang trí bằng khảm nạm, điêu khắc, hội họa. 

Sau thời Ngụy Tấn, một số văn nhân nhã sĩ lại theo đuổi một loại bình phong mộc mạc, giản đơn. Bình phong này được làm từ giấy trắng, sườn là gỗ, không có tranh ảnh gì, được gọi là “Tố bình phong”. Tuy nhiên, người dùng bình phong loại này rất ít, phần lớn đều là dùng bình phong phối hợp thi thư họa.

Thời kỳ Minh Thanh, văn hóa bình phong đạt tới đỉnh điểm. Theo “Thiên thủy băng sơn lục” ghi lại, khi khám xét nhà của gian thần Nghiêm Tung, người ta phát hiện trong nhà có đến hơn 400 bình phong lớn nhỏ. Vào những năm Càn Long triều nhà Thanh, tài nghệ thủ công với muôn hình muôn vẻ đã được áp dụng vào việc sản xuất bình phong, khiến nghệ thuật bình phong của triều đại nhà Thanh bước vào thời kỳ cường thịnh. 

Bình phong khiến người ta cảm thấy rất thơ mộng, tạo ra một không gian yên tĩnh, tưởng như ngăn cách mà không tách rời, thậm chí nó có thể tạo ra những cảm nhận khác. Như thi nhân nhà Đường, Lý Thương Ẩn trong thi phẩm “Hằng Nga” đã dùng bình phong để làm nổi bật lên sự hối hận và cô đơn lạnh lẽo của Hằng Nga. 

Những chế tác thủ công tinh xảo, sự khéo léo tuyệt vời, các loại hoa văn hình vẽ tinh mỹ, rực rỡ và lộng lẫy, hay những phong tục của dân gian, những câu chuyện lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên – những thứ này không chỉ thể hiện ra tiêu chuẩn tài nghệ thủ công cực cao của cổ nhân mà nó còn phản ảnh mối quan hệ chặt chẽ giữa bình phong, nghệ thuật và văn hóa.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video “Tu dưỡng khiến con người trở nên cao quý”: