Các tuyến đường xâm nhập Việt Nam từ Trung Quốc thời xưa
- Hồ Bạch Thảo
- •
Các tuyến đường xâm nhập Việt Nam từ Trung Quốc
Trong sách Thiên Hạ Quận Quốc Lợi Bệnh Thư 1 [THQQLBT], Cố Viêm Vũ khảo cứu các con đường xâm nhập Việt Nam với tiêu đề: Nhập Giao Tam Đạo. Nhập Giao Tam Đạo tức 3 tuyến đường xâm nhập Giao Chỉ, xuất phát từ 3 tỉnh Quảng Đông cũ [nay là Khâm Châu thị, Quảng Tây], Quảng Tây và Vân Nam. Để giúp dễ dàng nhận diện, xin tạm đặt tuyến đường thuỷ Quảng Đông cũ là đường Đ, Quảng Tây là đường T, Vân Nam là đường V; đường Quảng Đông theo nhánh sông Bạch Đằng là Đ1, theo nhánh sông Thái Bình là Đ5, v.v..
A. Tuyến đường thuỷ Quảng Đông
Mở đầu Nhập Giao Tam Đạo ghi:
Một tuyến đường do từ Quảng Đông, đường này từ thời Mã Phục Ba [Mã Viện] đến nay thuỷ quân đều dùng. Từ châu Khâm dương buồm xuống biển nam một ngày, đến bờ tây nam tức trấn Triều Dương [tỉnh Quảng Ninh] thuộc Giao Chỉ. Lại bảo rằng đó là đường có thể từ châu Khâm tiến đánh Đô Trai [Cổ Trai] 2.
Đô Trai tức Cổ Trai nay thuộc huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng, là quê hương của Mạc Đăng Dung; được nhà Mạc chọn làm kinh đô cùng với thành Thăng Long. Dưới thời Gia Tĩnh, nhà Minh dự định đánh Việt Nam từ phía Quảng Tây, viên Tri châu Khâm, Lâm Hy Nguyên, dâng biểu vào ngày 6/4 Gia Tĩnh thứ 18 [11/5/1540] xin mở thêm một mũi tấn công từ châu Khâm đến Cổ Trai, với lập luận như sau:
“…Chỗ dựa của Mạc Phương Doanh là Đô Trai [Cổ Trai], vùng này gần biển, bùn lầy hơn 10 dặm thuyền không ghé được. Kế hoạch của chúng nếu kinh thành không giữ được thì chạy đến Đô Trai, Đô trai không giữ được thì chạy ra biển… Nên lấy quân Phúc Kiến vượt biển từ Chi Phong, quân Hồ Quảng xuất phát từ châu Khâm hợp lại đánh Đô Trai, bọn chúng không còn sào huyệt… ”
[Minh Thực Lục, Thế Tông, q.236, tr.2a-3a]
Nhắm phục vụ cho kế hoạch này, Thiên Hạ Quận Quốc Lợi Bệnh Thư chép thêm việc viên Tri phủ Trương Nhạc cho điều tra các con đường thuỷ xâm nhập Việt Nam dưới nhan đề Tây Nam Hải Đạo tức đường thuỷ theo hướng tây nam vào Việt Nam, gồm 1 đường dọc duyên hải Bắc phần và 5 đường nhánh đi vào nội địa. Nay xin nêu từng phần văn bản Tây Nam Hải Đạo, sau đó kê ra những bằng chứng lịch sử để phụ hoạ:
– Đường ven biển từ châu Khâm Trung Quốc đến tỉnh Thái Bình Việt Nam [đường Đ], Tây Nam Hải Đạo ghi như sau:
“Về đường thuỷ, dưới thời Gia Tĩnh [triều Minh], viên Tri phủ Trương Nhạc tìm hỏi được con đường từ Quan Sơn Tiền Hải châu Khâm [Quảng Tây] đáp thuyền thuận gió bắc trong 1, 2 ngày có thể đến phủ Hải Đông [tỉnh Quảng Ninh], Giao Chỉ. Nếu theo bờ biển mà đi thì từ lãnh Ô Lôi [châu Khâm] đi thuyền 1 ngày đến Bạch Long Vĩ [huyện Phòng Thành, Quảng Tây], từ Bạch Long Vĩ 2 ngày tới cửa Ngọc Sơn [Mũi Ngọc, Quảng Ninh, Việt Nam], lại 1 ngày đến châu Vạn Ninh [tây bắc Quảng Ninh], từ Vạn Ninh 2 ngày đến Miếu Sơn, từ Miếu Sơn 3 ngày đến phủ lỵ Hải Đông, từ phủ lỵ Hải Đông 2 ngày đến xã Kinh Thục, có đê đá do nhà Trần xây để ngăn quân Nguyên. Lại 1 ngày đến cửa sông Bạch Đằng [ranh Quảng Ninh, Hải Phòng], qua tuần ty Thiên Liêu, phía nam đến cửa biển An Dương [sông Cấm, Hải Phòng], rồi theo nam đến cửa biển Đa Ngư [sông Văn Úc, Hải Phòng]; mỗi cửa đều có nhánh cảng để vào Giao Châu.”
Có thể nói tất cả các cuộc xâm lăng nước ta bằng thuỷ quân, đều phải dùng một phần hay toàn bộ thuỷ lộ này. Riêng trận đại bại của quân Nguyên, khiến đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị đánh đắm, xảy ra ngay trên thuỷ lộ này; sử Trung Quốc [Nguyên Sử, Liệt truyện An Nam] chép như sau:
“Thuyền lương của Trương Văn Hổ vào tháng 12 năm trước [1287] đến Đồn Sơn, gặp 30 chiếc thuyền Giao Chỉ, Hổ giao tranh, hai bên tổn thất tương đương. Đến vùng biển Lục Thuỷ, gặp nhiều thuyền giặc; thế không địch nổi, thuyền lại nặng không thể đi nhanh, bèn đánh chìm xuống biển, rồi hướng về Quỳnh châu [Hải Nam] ”
Nguyên Sử xác nhận Trương Văn Hổ đánh chìm thuyền lương tại biển Lục Thuỷ; riêng Đại Nam Nhất Thống Chí nước ta chép về Cửa Lục thuộc tỉnh Quảng Ninh như sau: “Phó tướng Vân Đồn là Trần Khánh Dư đánh thuyền lương của tướng Trương Văn Hổ ở biển Lục, thuyền lương đều đắm ở biển tức chỗ này ” 3 Nhìn trên bản đồ, Cửa Lục hay vịnh Cửa Lục, gần ngay khu du lịch Hạ Long.
– Đường rẽ vào sông Bạch Đằng [đường Đ 1]. Tây Nam Hải Đạo mô tả đường Đ 1 rẽ vào sông Bạch Đằng cho đến thượng lưu sông Đuống, giáp với thành Thăng Long [Hà Nội]:
“Từ cửa Bạch Đằng vào, phải qua 2 huyện Thuỷ Bàng, Đông Triều [Quảng Ninh], đến phủ Hải Dương lại qua huyện Chí Linh [Hải Dương], qua sông Hoàng Kính, Bình Than [khúc dưới sông Đuống] đi vào.”
Lịch sử chứng kiến 2 cuộc đại bại của quân Trung Quốc tại sông Bạch Đằng, một trận quân giặc từ ngoài biển xông vào, một trận từ nội địa nước ta rút về:
Sử Trung Quốc, Tân Ngũ Đại Sử, quyển 65, Nam Hán Thế Gia, chép việc con vua Nam Hán Lưu Yểm là Hồng Thao với danh nghĩa tiếp viện cho loạn tướng Kiều Công Tiễn, mang thuỷ quân sang xâm lăng nước ta, bị Ngô Quyền tiêu diệt tại sông Bạch Đằng; nội dung như sau:
“Năm thứ 10 [938], Nha tướng Giao Châu Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ lên ngôi; tướng cũ của Đình Nghệ là Ngô Quyền đánh Giao Châu; Công Tiễn xin quân Nam Hán tiếp viện. Yểm phong cho con, Hồng Thao, là Giao vương, ra quân đánh tại sông Bạch Đằng; Yểm đóng quân tại cửa biển. Quyền sau khi giết Công Tiễn, đánh ngược ra cửa biển, cắm cọc sắt. Quân của Quyền chờ thuỷ triều lên bèn rút; đợi thuỷ triều rút quay thuyền lại đánh, thuyền quân Nam Hán vướng phải cọc đều lật đổ; Hồng Thao chết, Lưu Yểm thu tàn quân trở về…..”
Lại một chiến thắng khác trên sông Bạch Đằng, lúc bấy giờ quân Nguyên xâm lăng nước ta lần thứ 3 bị thất bại, phải rút về nước. Đoàn thuỷ quân do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy; rút lui theo hướng sông Bạch Đằng để ra biển, bị tiêu diệt hoàn toàn, sự việc chép trong Nguyên Sử [quyển 166, Liệt truyện Phàn Tiếp] như sau:
“Tháng 2 năm Chí Nguyên thứ 25 [1288], trời nóng, lương thực hết; do đó Vương [Thoát Hoan] ra lệnh mang quân trở về. Tiếp và Ô Mã Nhi mang quân về; bị giặc chặn tại sông Bạch Đằng. Gặp lúc thuỷ triều rút, thuyền của Tiếp bị mắc cạn; thuyền giặc đến đông, tên bắn như mưa, từ giờ Mão [5-7 giờ sáng] đến Dậu [15-17 giờ]. Tiếp bị thương, rơi xuống nước; giặc dùng câu liêm kéo lên giết chết.”
– Đường rẽ vào cửa Cấm [Đ 2] qua các huyện An Dương [Hải Phòng], Nam Sách [Hải Dương]: thuỷ đạo này dẫn vào nội địa nước ta, ngoài ra còn có thể đánh bọc phía đông bắc kinh đô Cổ Trai của nhà Mạc. Tây Nam Hải Đạo đề cập về con đường này như sau:
“Từ cửa biển An Dương [cửa Cấm, Hải Phòng], qua huyện An Dương đến phủ Hải Dương, lại qua sông Hoàng Kính, rồi theo phía bắc các huyện Nam Sách [Hải Dương], Thượng Hồng [Hải Dương] mà vào.”
– Đường rẽ vào sông Lạch Tray [Đ 3] Hải Phòng đâm thẳng đến kinh đô Cổ Trai của nhà Mạc; ngoài ra còn có thể noi theo các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh để xâm nhập nội địa. Tây Nam Hải Đạo ghi:
“Từ Đồ Sơn vào, thì qua Cổ Trai [sông Lạch Tray, Hải Phòng], đến huyện Nghi Dương [Kiến Thuỵ, Hải Phòng], qua phía bắc huyện An Lão [Hải Phòng], đến huyện Bình Hoà, qua phía nam các huyện Nam Sách, Thượng Hồng [Hải Dương] mà vào.”
– Ngả rẽ vào sông Văn Úc [Đ 4] Hải Phòng, qua các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, để vào nội địa; ngoài ra còn có thể đánh bọc phía nam kinh đô Cổ Trai của nhà Mạc. Tây Nam Hải Đạo chép:
“Từ cửa biển Đa Ngư [sông Văn Úc], mà vào, phải qua 2 huyện An Lão, Tân Minh [Tiên Lãng, Hải Phòng 4] đến sông Tố Hồng tại huyện Tứ Kỳ [Hải Dương], đến Khoái Châu [Hưng Yên] qua Hàm Tử quan [Khoái Châu] đi vào.”
– Một ngả rẽ khác noi theo sông Thái Bình [Đ 5] rổi chuyển qua sông nhỏ để vào huyện Khoái Châu, Hưng Yên, cũng noi theo Hàm Tử quan rồi đến sông Hồng Hà. Tây Nam Hải Đạo chép trong đoạn cuối như sau:
“Từ phía nam Đa Ngư theo cửa biển sông Thái Bình, qua 2 phủ Thái Bình [tỉnh Thái Bình], Tân Hưng [phía nam Hưng Yên], đến Hàm Tử quan tại Khoái Châu, rồi theo sông Phú Lương [Hồng Hà] mà vào. Đó là đại lược về đường thuỷ. ”
B. Tuyến đường bộ Quảng Tây
Nhập Giao Tam Đạo đề cập đến 3 nhánh đường từ Quảng Tây xâm nhập Việt Nam, như sau:
“Tuyến đường do từ Quảng Tây đến, nhà Tống mở đường này, cũng chia làm 3 nhánh:
Từ châu Bằng Tường [Quảng Tây] vào, do trấn Nam Quan, đi 1 ngày tới Văn Uyên [Lạng Sơn].
Từ phủ Tư Minh [Ninh Minh, Quảng Tây] đến Ôn Khâu [huyện Văn Quan, Lạng Sơn]; qua Ma Thiên Lãnh, 1 ngày đến châu Tư Lăng [phía tây Bằng Tường, thuộc Sùng Tả thị, Quảng Tây].
Từ Long Châu vào, đi 1 ngày đến ải Bình Tây.”
– Con đường chính từ châu Bằng Tường qua ải Nam Quan [T 1] vào nước ta; phần lớn quân Trung Quốc xâm lăng theo hướng Quảng Tây sử dụng đường này. Minh Thực Lục chép việc Trương Phụ điều quân qua ải Pha Luỹ [tức ải Nam Quan] rồi làm lễ tế cáo, kể tội Lê [Hồ] Quí Ly như sau:
“Ngày 9/9 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [19/11/1406]
Ngày hôm nay bọn Hữu phó tướng quân chinh thảo An Nam Tân thành hầu Trương Phụ điều quân xuất phát từ Bằng Tường vượt quan ải Pha Luỹ, tế vọng sông núi trong nội địa nước An Nam với lời cáo rằng: Giặc họ Lê giết vua, bạo ngược với dân, xâm phạm tới Trung Quốc, tội lớn như biển…”
(Minh Thực Lục, Thái Tông, quyển 60, trang 1a)
– Con đường thứ hai xuất phát từ phủ Tư Minh [T 2] tức huyện Ninh Minh ngày nay, cách Bằng Tường khoảng 10 km về phía đông. Trong cuộc xâm lăng nước ta lần thứ 3, quân Nguyên do Trấn nam vương Thoát Hoan chỉ huy đã sử dụng 2 cánh quân đi song song vào nước ta theo thế ỷ dốc để yểm trợ cho nhau. Một cánh theo hướng Bằng Tường, do Trình Bằng Phi chỉ huy; một cánh xuất phát từ phủ Tư Minh, do Trấn nam vương đích thân chỉ huy. Cánh quân xuất phát từ Tư Minh, vượt qua ải Nữ Nhi tại phía đông, để vào An Nam. Nguyên Sử, An Nam truyện chép:
“Tháng 11 Trấn nam vương đến Tư Minh, để lại 2.500 quân giao cho Vạn hộ Gia Chỉ, để coi giữ lương thực quân cụ nặng. Trình Bằng Phi, Bột La Hợp Đáp Nhi chỉ huy 1 vạn quân Hán xuất phát từ Vĩnh Bình [Bằng Tường, Quảng Tây], Áo Lỗ Xích chỉ huy 1 vạn quân theo Trấn nam vương từ ải Nữ Nhi phía đông. A Bát Xích cầm 1 vạn quân làm tiên phong.”
– Con đường thứ 3 từ Long Châu vào [T 3], tiện cho việc xâm nhập tỉnh Cao Bằng. Đơn cử trong cuộc xâm lăng nước ta thời Tống [năm Bính Thìn 1076] Phó đô tổng quản Yên Đạt mang quân theo hướng này, chiếm cứ đất Quảng Nguyên, Cao Bằng.
C. Tuyến đường từ Vân Nam
Tỉnh Vân Nam trước kia là nước Đại Lý, bị sáp nhập vào Trung Quốc vào thời đầu triều Nguyên. Nhập Giao Tam Đạo ghi nhận tuyến đường Vân Nam mở ra từ thời Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, niên hiệu Chí Nguyên. Tuyến này chia làm 2 đường: một đường từ Mông Tự [đường V 1] vào Việt Nam noi theo sông Hồng; đường thứ hai từ ải Hà Dương [V 2] noi theo sông Lô:
“Một tuyến đường từ Vân Nam, được mở ra từ thời Chí Nguyên nhà Nguyên [1260-1294], cũng chia làm 2 nhánh:
Thứ nhất do huyện Mông Tự, qua thác Liên Hoa vào đất Thạch Lang, Giao Chỉ.
[Thứ hai] từ ải Hà Dương [Hà Giang] theo tả ngạn sông Thao qua 10 ngày đến đồng bằng, nhưng qua nhiều đường núi khó đi.”
– Con đường từ huyện Mông Tự [đường V 1] do tướng nhà Nguyên sử dụng đầu tiên trong cuộc xâm lăng nước ta lần thứ nhất. Nguyên Sử, Liệt truyện An Nam chép:
“…Năm Quí Sửu Hiến Tông thứ 3 [1253] nhà Nguyên, Ngột Lương Hợp Thai theo Thế Tổ đánh dẹp Đại Lý; lúc Thế Tổ trở về bèn sai Ngột Lương Hợp Thai dẹp các nước Di chưa qui phục. Tháng 11 năm thứ 7 Đinh Tỵ [1257], Ngột Lương Hợp Thai tiến binh đến phía bắc Giao Chỉ. Trước hết sai 2 viên sứ giả đến dụ, nhưng không thấy về; bèn sai bọn Triệt Triệt Đô mỗi người mang 1.000 quân, chia đường tiến quân đến phía bắc kinh thành An Nam tại thượng nguồn sông Thao; lại sai con là A Truật đến tăng viện cùng trinh sát hư thực…”
Tiếp theo, vào các thập niên 1400, 1410, Kiềm quốc công Mộc Thạnh mấy lần dùng đường này đưa quân Minh sang đánh nước ta.
– Con đường từ ải Hà Dương [V 2]: Trong cuộc xâm lăng dưới thời nhà Thanh [1788], vua Càn Long ra lệnh cho Đề đốc Vân Nam Ô Đại Kinh theo con đường Mã Bạch [huyện Mã Quan, Vân Nam] mang quân vào nước ta, để phối hợp với đại quân của Tôn Sĩ Nghị hành quân từ hướng Quảng Tây. Tuyến đường này xuất phát từ Mã Quan, vào nước ta thì qua các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang; noi theo dòng sông Lô, sông Hồng đến Hà Nội.
*
Trên 2 ngàn năm lịch sử Trung Quốc lăm le xâm lược nước ta, chỉ chịu dừng lại lúc tình thế không cho phép dấn bước thêm. Học giả nổi tiếng như Cố Viêm Vũ bỏ cả cuộc đời ra nghiên cứu; với Nhập Giao Tam Đạo, cũng không đi chệch ra khỏi con đường xâm lược của cha ông. Với dã tâm bành trướng ngự trị trong huyết quản, kèm thêm kỹ thuật hiện đại máy bay, tàu ngầm của thế kỷ thứ 21; con đường xâm nhập vào nước ta không chỉ vỏn vẹn “tam đạo” mà thôi. Bởi vậy: Đất nước xây dựng như thế nào? Vận trù quyết sách ra sao? Nhân dân có đoàn kết không? Ngoại giao có được nhiều nước ủng hộ không? Là những câu hỏi lớn, để đối phương đưa lên bàn cân ước tính có nên xâm nhập vào nước ta hay không?
Hồ Bạch Thảo
Đăng lại từ forum Diễn Đàn (Diendan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France
Chú thích:
1. Thiên Hạ Quận Quốc Lợi Bệnh Thư, quyển 106, Quảng Tây, trang 11.
2. Đô Trai: tức Cổ Trai, thuộc huyện Nghi Dương [Hải Phòng] cung điện cũ của nhà Mạc. Đại Việt Thông Sử, Lê Quí Đôn, Ngô Thế Long dịch, Nxb KHXH: Hà Nội,1978, tr. 40 chép: Mạc Đăng Dung lập cung điện tại Cổ Trai [tỉnh Hải Dương]; như vậy chữ Đô Trai nhầm từ Cổ Trai.
3. Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch của Viện Sử Học, NXB Thuận Hoá: Huế, 2006, tập 4, trang 45.
4. Đào Duy Anh, Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời [ĐNVNQCĐ], Nxb Thuận Hoá: Huế, 1994, tr. 182.
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa xâm lược quân Nguyên Cố Viêm Vũ nhà Minh Nhập Giao tam đạo