Trong văn hóa truyền thống, việc tu Phật tu Đạo vẫn luôn được truyền thừa không chỉ trong những người xuất gia. Những người thuộc rất nhiều giai tầng xã hội đều từng lập chí tu Phật, bởi tu hành là con đường trở về của sinh mệnh. Trong số đó, thi nhân Bạch Cư Dị là một trường hợp không chỉ lập chí tu Phật, mà còn thể hiện chí nguyện tu hành trong các tác phẩm thơ ca của mình.

Chí nguyện tu Phật của thi nhân Bạch Cư Dị
(Tranh minh họa: Trương Đại Thiên, Public Domain)

Thi nhân thời Đường, Bạch Cư Dị (772 – 846), tự là Nhạc Thiên, là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất thời trung Đường, cũng là người có nhiều bài thơ còn lưu lại nhất thời nhà Đường. Ông giỏi văn chương ở nhiều thể loại khác nhau. Các tác phẩm của ông thường làm cảm động lòng người, truyền tải một cách chân thực và thích hợp, dễ hiểu mà lại uyên thâm.

Người thời bấy giờ ở đủ mọi giai tầng đều thích, đều sao chép thơ văn của Bạch Cư Dị. Một người bạn của ông là Nguyên Chẩn đã nói rằng: Trên các vách tường trong hoàng cung, chùa quán hay trạm dịch đều có chép thơ Bạch Cư Dị. Vương công thiếp phụ, trẻ chăn trâu chăn ngựa đều đọc thơ Bạch Cư Dị. Thầy giáo hay học sinh đều học thơ của Bạch Cư Dị.

Cả đời Bạch Cư Dị yêu hoa yêu trúc. Lúc ông vừa đỗ tiến sĩ, bước chân vào con đường làm quan, ông đã sống nhờ ở đình Đông trong tư dinh quan tướng quốc họ Quan khi xưa ở làng Thường Lạc, Trường An. Nơi đây trồng rất nhiều cây trúc. Ông ngày ngày làm bạn với cây trúc, cho nên có cảm tình mà viết ra tác phẩm “Dưỡng trúc ký”. Ông viết về cây trúc như viết về cái đức của người quân tử: “cố, trực, không, trinh” (cứng cỏi, ngay thẳng, trống rỗng, trung thành). Đến lúc tuổi già, Bạch Cư Dị nghỉ làm Thử sử Hàng Châu trở về Lạc Dương. Lúc sống ở Lạc Dương, ông đã trồng hàng ngàn cây trúc.

Nhìn tổng thể quá trình sinh mệnh của Bạch Cư Dị có thể nói đức tính của cây trúc phản ánh triết lý sống mà ông theo đuổi suốt cuộc đời. Điều này được ông bày tỏ trong bài “Dữ Nguyên Cửu thư”: “Đạt tắc kiêm tể thiên hạ, cùng tắc độc thiện kỳ thân”, ý nói trong cảnh bần cùng thì điều quan trọng nhất chính là giữ được mình trong sạch, tu dưỡng đạo đức, còn khi đã thành đạt, vinh hiển thì có thể giúp đỡ, tạo phúc cho thiên hạ. “Biết đủ”, “vui với mệnh trời” cũng là tư tưởng, là thái độ sống mà ông theo đuổi. 

Tô Đông Pha từng nói: “Định tự hương sơn lão cư sĩ, thế duyến chung thiển đạo căn thâm”, ý nói đạo căn của ông giống với Bạch Cư Dị, rễ sâu của sinh mệnh cắm vào mảnh đất tu hành. Từ những lời ca tụng đức tính của cây trúc, “cố, trực, không, trinh”, chúng ta có thể tiếp cận, hiểu biết sự chuyển biến và thăng hoa trong cảnh giới tu hành của Bạch Cư Dị trong suốt cuộc đời ông.

Trong “Dưỡng trúc ký”, Bạch Cư Dị viết rằng “Trúc bổn cố, cố dĩ thụ đức” (gốc trúc vững, vững để lập đức), rễ của cây trúc rất vững chắc và không dễ bị rung chuyển, giống như sự mạnh mẽ vững vàng, thiện căn thâm sâu không dễ dàng dao động của người quân tử.

Bạch Cư Dị thiên phú thông minh tuệ ngộ, năm 6 tuổi đã biết thanh vận, 15 tuổi viết thơ ca, 27 tuổi đỗ tiến sĩ và bước vào con đường làm quan. Ông được Hoàng đế tán thưởng, nhưng cũng có lúc thăng trầm, bị giáng chức rồi lại phục chức. Bất luận là ở địa vị cao hay thấp, ông đều ôm giữ tinh thần: “Chớ ngưỡng mộ quý và giàu, chớ buồn rầu tiện và nghèo. Khi tự hỏi về đạo thì dù quý hay tiện cũng an vui. Nghe lời phỉ báng chớ ưu tư, nghe lời ca tụng chớ vui sướng”.

Bạch Cư Dị viết: “Trúc tính trực, trực dĩ lập thân” (tính trúc thẳng, thẳng để lập thân). Điều này thể hiện ra sự trung lập, không thiên vị, tao nhã và trầm tĩnh của người quân tử. Những cây trúc xanh vươn thẳng lên trời, kiên cường bất khuất, không luồn cúi, không khom lưng. Bạch Cư Dị đã xuất phát từ cảm tình với cây trúc mà ngâm ra bài thơ “Đề đông vũ” thể hiện khí độ và tinh thần của mình.

Khi nói về cái hư không trong lòng cây trúc, Bạch Cư Dị viết: “Trúc tâm không, không dĩ thể Đạo”, lòng trúc rỗng không, rỗng không để thể nghiệm Đạo. Vào sau thời Đường Hiến Tông, những lời khuyên can ngay thẳng của Bạch Cư Dị không được Hoàng đế tiếp thu nên ông đã thỉnh cầu xin được dời đi. Những thăng trầm trong cuộc đời đã dần dần khiến ông chuyển sang trạng thái “cùng tắc độc thiện kỳ thân”, trải nghiệm cảnh giới “thân trúc rỗng, rỗng để thể nghiệm Đạo”.

Lúc này, Bạch Cư Dị đã vứt bỏ mọi gánh nặng vướng bận trong lòng và trở về với Đạo tâm thanh tịnh. Điều này được ông gửi gắm trong câu “Mạo tương tùng cộng sấu, tâm dữ trúc câu không” (vẻ ngoài gầy như cây tùng, nhưng lòng trống rỗng như cây trúc), “Thanh phong lưỡng song trúc, bạch lộ nhất đình tùng” (gió mát thổi qua hai khung cửa trúc, sương trắng thổi qua vườn tùng). Những câu thơ này cũng thể hiện ra chí hướng tu hành của Bạch Cư Dị. 

Sau khi nghỉ làm Thứ sử Hàng Châu, Bạch Cư Dị đã trở về Lạc Dương dựng nhà ở. Ông đã xây dựng một tháp đá ở Hương Sơn, phía đông của núi Long Môn nổi tiếng của Lạc Dương. Ông còn cùng với các hòa thượng khác, mặc áo trắng chống gậy du hành qua lại trên đường. Ông tự xưng mình là cư sĩ Hương Sơn, trở thành người tu hành mà không vào chùa, thành tâm tìm kiếm con đường trở về thế giới của Phật.

Vào mùa hè năm Thái Hòa thứ 8 thời Đường Văn Tông, Bạch Cư Dị lúc ấy 63 tuổi đã đến chùa Trường Thọ, Lạc Dương cùng với các nhà sư Đạo Tung, Tồn Nhất, Huệ Cung… tổng cộng khoảng 140 nhà sư, tiến hành thụ bát giới. 

Bạch Cư Dị, người đã viết hàng ngàn bài thơ khuyên nhủ người đời, ở trong tĩnh quan tu Phật đã nhìn thấy kiếp trước của mình: “Xác thực là thi tăng” (vị hòa thượng làm thơ), hơn nữa lại xác định tâm nguyện rằng kiếp này tiếp tục duyên kiếp trước để có thể trở về Phật quốc. Trong “Ái vịnh thi”, ông viết: “Từ chương phúng vịnh thành thiên thủ, tâm hành quy y hướng nhất thừa. Tọa ỷ thằng sàng nhàn tự niệm, tiền sinh ứng thị nhất thi tăng” (viết ngàn bài thơ, tâm đều hướng về giáo lý nhà Phật, ngồi thiền trên nệm tự niệm, kiếp trước chính là một hòa thượng biết làm thơ).

Vào năm 68 tuổi, Bạch Cư Dị bị liệt. Điều này càng khiến cho ông liễu giải về đạo Phật. Ông viết “Sám hối kệ”, nói rằng đời người có rất nhiều tội lỗi và đau khổ, rất nhiều điều là không có tên và không giải thích được, chỉ có thành tâm sám hối quy y, tu hành mới là cửa giải thoát.

Ý chí kiên định tu hành của Bạch Cư Dị giống như sự cứng cỏi của cây trúc: “Trúc tiết trinh, trinh dĩ lập chí” (đốt trúc cứng cỏi, cứng cỏi để lập chí). Bạch Cư Dị nguyện ý được “sinh sinh kiếp kiếp” tu Phật. Như vậy có nghĩa là trong hàng vạn vạn năm, ngay cả khi sông cạn đá mòn thì ông vẫn sẽ không thay đổi ý chí tu hành hướng Phật của mình. Bởi vì Phật giáo giảng rằng tu Phật phải là tu nhiều đời mới thành được.

Trong “Phát nguyện kệ”, Bạch Cư Dị viết: “Phật xuất thế thì, nguyện ngã đắc thân. Tối tiên khuyến thỉnh, thỉnh chuyển pháp luân. Phật diệt độ thì, nguyện ngã đắc trị”. Đây là chí nguyện Bạch Cư Dị phát ra vào lúc cuối đời, ông muốn được cùng Phật hạ thế, trải qua kiếp nạn, thành tựu chính đạo. Bởi vì trong Phật giáo có truyền rằng vị Phật tương lai là Phật Di Lặc sẽ tới để Chuyển Pháp Luân, cứu độ con người vào lúc mạt kiếp, đó là cơ duyên lớn của hết thảy sinh mệnh.

Đời đời kiếp kiếp quy y hướng Phật, nhất tâm tu đến Phật quốc chính là thệ nguyện của Bạch Cư Dị. Kiếp trước làm hòa thượng biết làm thơ, kiếp này trút bỏ bụi trần rồi lại tái lập thề nguyện làm đệ tử của Phật, đời đời kiếp kiếp truy tìm con đường trở về… Bạch Cư Dị chẳng phải là một vị tiên giáng trần sao?

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: