Các bậc hiền đức thời xưa đều có tín niệm kiên định phi thường, không bởi vì lâm vào nghịch cảnh, không bởi vì đối mặt với sinh tử, không bởi vì cám dỗ trước công danh lợi lộc mà vứt bỏ tiết tháo, phẩm chất, nhân nghĩa. Bởi vậy họ trở thành những bậc trung thần liệt nghĩa lưu danh sử sách.

Chính khí của những bậc trung thần liệt nghĩa thời xưa
(Ảnh minh họa: Anna Levan, Shutterstock)

Trong bài thơ “Chính khí ca” của Văn Thiên Tường, chỉ mấy câu đơn giản đã có thể khái quát được tinh thần liệt nghĩa này:

Ta vốn chẳng có tài phép lớn
Nhưng trần ai khôn bận lòng ta.
Lòng ta chính khí chói loà
Âm dương điên đảo khôn mờ tấc son.

(“Chính khí ca” – Bản dịch của Nguyễn Văn Thọ)

Trong “Chính khí ca”, Văn Thiên Tường cũng liệt kê rất nhiều bậc trung thần liệt nghĩa của các triều đại trước, bao gồm rất nhiều điển cố nổi tiếng. Ví như khi ông đề cập đến “lưỡi của Nhan Thường Sơn”, thì nói đến chính là sự tích lẫm liệt của Nhan Thường Sơn.

Nhan Thường Sơn chính là Nhan Cảo Khanh, một vị quan thời nhà Đường. Vào thời loạn An Sử, Nhan Cảo Khanh làm Thái thú quận Thường Sơn.

Bấy giờ Sử Tư Minh dẫn binh tấn công quận, quân Thường Sơn đã cố gắng chống cự với sức lực ít ỏi, cố gắng chờ viện binh. Nhưng vì Tiết độ sứ Thái Nguyên là Vương Thừa Nghiệp không xuất binh cứu viện nên cuối cùng thành Thường Sơn cũng bị giặc công phá.

Nhan Cảo Khanh và con là Nhan Quý Minh đều bị giặc bắt. Quân phản loạn kề dao vào cổ Nhan Quý Minh để bức Nhan Cảo Khanh đầu hàng nhưng ông từ chối, Quý Minh bị chúng giết.

Sau đó Nhan Cảo Khanh bị áp tải đến Lạc Dương. Khi nhìn thấy kẻ cầm đầu làm phản là An Lộc Sơn, Nhan Cảo Khanh liền liên tục lớn tiếng thóa mạ. Quân phản loạn liền cắt lưỡi ông, nhưng ông vẫn cứ thế ú ớ thóa mạ, cho đến khi chết vẫn không khuất phục.

Trên thực tế, những câu chuyện trung thần liệt nghĩa này trong lịch sử mỗi nước đều không thiếu. Như trong sử Việt cũng có một vị tướng nhà Hậu Trần lâm vào cảnh ngộ tương tự, đó là Nguyễn Biểu.

Nguyễn Biểu là tướng nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam, quê ở quê làng Bình Hồ, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ông đỗ Thái học sinh cuối thời Trần, làm quan đến chức Điện Tiền Thái sử. Khi quân nhà Minh xâm lược Đại Ngu, ông đã theo phò Trùng Quang Đế.

Năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An, Trùng Quang Đế chạy vào Hóa Châu, sai Nguyễn Biểu đi sứ giảng hoà, gặp Trương Phụ xin cầu phong, thực hiện kế hoãn binh, kéo dài thời gian để cho Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị xây dựng binh lực. Trương Phụ tiếp sứ thần rất khinh bạc, ngạo mạn, sai quân dọn ra một mâm cỗ đầu người luộc chín, ép Nguyễn Biểu ăn để thị oai.

Nguyễn Biểu ung dung ngồi vào mâm, lấy đũa khoét đôi mắt, chấm muối ăn. Trương Phụ thấy vậy cũng phải kính phục, tha cho ông về.

Bấy giờ có kẻ theo hàng giặc Minh tâu lên là Nguyễn Biểu có tài, không thể thả mà nên giết. Trương Phụ đổi ý không tha nữa, bắt về.

Nguyễn Biểu biết là giặc không tha, lớn tiếng mắng giặc không dứt. Trương Phụ sai cắt lưỡi Nguyễn Biểu rồi cho bắt trói ông vào chân cầu Lam, để cho nước thủy triều lên cao dìm chết. Dân gian truyền lại, Nguyễn Biểu mắng chửi Phụ không dứt, ba ngày sau thủy triều vẫn không dâng đến chân cầu. Trương Phụ bèn cho bắt ông lên, đánh chết.

Ông Hoàng Xuân Phong, một vị quan cuối đời vua Tự Đức, viết về Nguyễn Biểu như sau:

Chính khí trong trời đất, đối với người lớn lao thay. Khí ấy không khuất, không quanh. Gặp tiết lớn, không thể lẩn mất. Vậy những người xưa đã quên sống để giữ nghĩa, liều mình để gây nhân, tiếng truyền lại cùng vũ trụ mà không tàn hư. Nay kính nhớ tới đức tôn thần Nghĩa vương họ Nguyễn. Ngài sinh ở huyện Chi La, làng Bà Hồ xưa. Khoa, đậu Thái học sinh; quan, làm Thị ngự sử.Tính ngài cương trực, vào triều dám can. Gặp lúc nhà Trần vận hết, giặc Bắc vừa sang. Đắp thành đối lũy giặc, tìm mưu giữ nước nhà. Triều đình chọn người sang trại giặc. Ngài không ngần ngại, không sợ hãi, xin đi. Tới nơi không run không sợ, nét mặt vững vàng, lời nói mạnh bạo. Giặc biết rằng không thể lấy uy mà bức hiếp, đã lấy lẽ mà mời về. Bèn có Liêu, Hựu là bọn gian thần, thầm quen với giặc; bảo sai chắn đường về mà bắt lại. Ngài trở lại qua Yên quốc; cãi lại không kiêng, lấy chết mà chắc với lòng. Thế mà giặc Phụ vẫn cam tâm ư!

Đến ngày chết, Ngài đề chữ ở cầu, mắng giặc ba ngày không dứt. Thực là hùng tráng thay!

Khí lớn lao sáng láng của Ngài, là lòng nghĩ tới vua mắt xem không giặc. Gan trung, phủ nghĩa, trải bao nắng gắt sương thu. Nước triều lên xuống, mà tiết Ngài không theo chìm nổi; cầu cũ đổ nát mà tiếng Ngài không phải hư tàn. Giặc Bắc sao giết nổi Ngài được! mà lại còn dâng Ngài tiếng hay. Ấy là, vì sống dã rạng thì ắt chết phải thiêng. Nghịch tặc chung quy đều chết mà nước nhà nhờ đó mong còn. Danh tiếng thiêng của Ngài chắc có ngầm giúp vậy. Ngàn đời tiếng ngợi, một vùng khói hương. Các quan to, nho giỏi đời đời đều vui chuyện bàn khen. Cái phong vận Ngài để lại ngàn đời sau còn đủ làm hưng khởi lòng người. Thực là, khí mông mênh, lẫm liệt vạn đời còn.

Trải qua các triều đại, đời này nối tiếp đời kia, các vị trung thần liệt nghĩa không chỉ truyền lại tấm gương về hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, mà còn truyền lại tinh thần khẳng khái, vì sự công chính mà không sợ hy sinh cả tính mạng bản thân. Đây cũng chính là tinh thần bất khuất, nghĩa khí chính trực, cái dũng của bậc liệt nghĩa.

Quang Minh biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: