Hứa Tốn tên tự là Kính Chi, là đạo sĩ nổi tiếng thời nhà Tấn. Ông nguyên quán ở Nhữ Nam, sau chuyển đến Nam Xương sinh sống. Ông được khen ngợi là người hiếu thảo và lương thiện, từng là huyện lệnh Tinh Dương nên còn được mọi người gọi là Hứa Tinh Dương hay Hứa Chân Quân. Ông không chỉ tự thân tu đạo hướng thiện mà còn còn cứu khốn phò nguy, khuyên mọi người sống trung hiếu, tu đạo. Trong sử sách ghi chép lại rất nhiều câu chuyện cảm động về ông. 

Chuyện đạo sĩ Hứa Tốn khổ tâm ngăn việc ác, giáo hóa dân chúng
(Tranh minh họa: Public Domain)

Hứa Tốn sinh ra trong gia đình sùng đạo, thường xuyên làm việc thiện tích đức. Ông nội của Hứa Tốn là Hứa Diễm từng làm Thái y viện quan y, đã dành hết của cải của gia đình để cứu tế dân. Cha của Hứa Tốn là Hứa Túc cũng là người thích làm việc thiện, thanh danh lan xa. Cổ ngữ nói “gia đình tích điều thiện thì tất có dư niềm vui”, gia đình họ Hứa sinh được Hứa Tốn thông minh hơn người, 3 tuổi đã biết lễ nhượng, học đọc sách, lên 10 tuổi đã biết kinh thư đại ý, từ đó về sau lập chí học tập, tu chân hướng đạo, không ham danh lợi, không cầu hiển đạt. Ông thông hiểu kinh sử, tỏ tường thiên văn địa lý, y học, học thuyết âm dương ngũ hành, thường hay giúp đỡ người bần cùng, lấy nhân hiếu trung tín để giáo hóa mọi người. Chính vì thế, Hứa Tốn rất được mọi người tôn kính.

Một lần, Hứa Tốn mua một chiếc giá đèn sắt cũ ở chợ Nam Xương, về nhà lau thì thấy sắt bong ra, hóa ra là vàng ròng. Hứa Tốn đến chợ đã tìm người chủ bán lần trước. Người chủ cảm tạ Hứa Tốn, nói rằng cái đèn là vật phẩm tiên tổ để lại, vì chiến loạn không có kế sinh nhai nên mới bán đồ gia truyền, không ngờ lại là bảo vật, may mắn Hứa Tốn đã vô tư trả lại. Việc làm này của Hứa Tốn lan rộng khắp vùng.

Năm 20 tuổi, Hứa Tốn được dân làng tiến cử vì lòng hiếu thảo và trung thực, tuy nhiên ông liên tục từ chối. Cho đến năm Thái Khang thứ nhất nhà Tây Tấn, bởi vì triều đình liên tục dùng lễ để mời nên Hứa Tốn đành đến Tứ Xuyên nhậm chức Huyện lệnh Tinh Dương. Hứa Tốn đến Tinh Dương, tiến hành trừ bỏ tệ tham ô của quan lại, giảm hình phạt, đề xướng nhân hiếu, bổ nhiệm người tài đức, trừ bỏ kẻ gian trá, làm rất nhiều việc tốt cho dân chúng.

Lúc ông đến nhậm chức, Tinh Dương đang có lũ lụt, đồng ruộng không có thu hoạch, ông đã mệnh lệnh cho đông đảo nông dân canh tác trên ruộng của quan phủ để giúp họ vượt qua nạn đói và giải cứu những người bị nạn. Lúc ấy, ôn dịch rất nghiêm trọng, số người chết rất lớn. Hứa Tốn đã mang sự hiểu biết về y dược của mình ra để cứu giúp dân chúng, tự mình đi hái thuốc, chế biến thuốc để chữa bệnh, không lấy tiền của dân. Ông cũng thương xót những người bệnh ở các quận khác và những người già trẻ nhỏ, đã sai người mang thuốc đến cho họ uống. Vì thế, người dân ở huyện bên cạnh cũng rất tôn kính ông, ồ ạt chuyển đến Tinh Dương sinh sống làm cho dân cư ở Tinh Dương tăng lên rất nhiều.

Hứa Tốn dạy dân về lòng trung, hiếu thảo và nhân hậu, làm cho phong tục của dân ngày càng thuần hóa, việc tranh giành ngày càng được tiêu trừ. Người dân gọi ông là Hứa Tinh Dương.

Về sau, nước Tấn xảy ra nội loạn, Hứa Tốn liền từ quan về quê cũ, người dân Tinh Dương đã lập từ đường, đắp tượng để tưởng nhớ ông. Ngày Hứa Tốn khởi hành, dân chúng đều đến, tiễn ông hàng trăm dặm, không ít người đến tận nhà ông mà không chịu trở về. Họ đã xây một ngôi nhà bên cạnh nhà ông và định cư ở đó, đều đổi họ thành Hứa và được người dân gọi là “Hứa gia doanh”, địa danh này vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay.

Hứa Tốn không chỉ tự mình một lòng hướng đạo mà còn khuyên bảo mọi người cũng cầu đạo hành thiện bất cứ khi nào có cơ hội. Ông viết tác phẩm “Tư tiên chi ca” giáo huấn mọi người về hiếu. Ông viết “Bát bảo thùy huấn văn” giáo huấn mọi người “trung hiếu liêm cẩn, khoan dụ dung nhẫn”: Người trung thì không lừa gạt, người có hiếu thì không phản bội, người liêm khiết thì không tham nhũng, người cẩn trọng thì không mất mát, người khoan hòa thì được lòng dân, người ham học hỏi thì rộng kiến thức, người dung hòa thì chứa đựng được nhiều, người nhẫn thì được an nhàn thư thái. Ông cho rằng người tu thân như thế thì mới có thể trở nên đức hạnh mà tiến vào đạo. Người dân ở quê hương Hứa Tôn bị cảm hóa nên đều trở nên lương thiện, hiếu đễ và tránh xa tội lỗi.

Lúc ấy, miền Đông nước Tấn đang xảy ra chiến loạn không ngừng, ở Giang Nam cũng nhiều lần bị chiến tranh nhiễu loạn nhưng xung quanh nhà Hứa Tốn, trong vòng bán kính mấy trăm dặm, đạo tặc không đến, làm xóm an vui, người dân được cơm no áo ấm.

Hứa Tốn đề cao hành thiện và đạo đức. Cuốn “Thần Tiên truyện” ghi chép rằng vào năm Ninh Khang thứ hai thời nhà Tấn, Hứa Tốn lúc đó đã 136 tuổi, tại Tây Sơn, Nam Xương, thành tiên, ông và mười một đệ tử còn được gọi là “Mười hai vị chân quân”. Sau khi Hứa Tốn thăng thiên, huyện Tinh Dương đổi tên thành Đức Dương để nhớ đến đức hạnh của Hứa Tốn và những ân huệ của ông đối với dân chúng.

Những chí sĩ có đạo đức cao thượng từ xưa đến nay đều kiên quyết theo đuổi chân lý, mài giũa đức hạnh, cảm hóa và giáo hóa thế nhân làm điều tốt, coi cao thượng và bồi dưỡng đạo đức là chuẩn tắc xử thế lập thân của bản thân. Họ cũng là những người duy trì, bảo hộ chân lý và chính nghĩa.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Trí Chân
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: