Người xưa tin tưởng rằng vận mệnh của con người đã được định sẵn từ trước, trừ khi có sự tình đặc biệt xảy ra còn không thì con người sống theo “kịch bản” có sẵn, diễn vở kịch cuộc đời cho đến phút cuối cùng. Dưới đây là câu chuyện một kỳ nữ tiên đoán vận mệnh của thư pháp gia Nhan Chân Khanh triều Đường.

Chuyện kỳ nữ biết trước vận mệnh thư pháp gia Nhan Chân Khanh
(Tranh minh họa: Public Domain)

Nhan Chân Khanh sinh ra tại Lang Nha, là cháu đời thứ 5 của Nhan Chi Thôi – tác giả cuốn sách “Nhan thị gia huấn” nổi tiếng. Nhan Chân Khanh là người ngay thẳng, đặc biệt sùng bái trung hiếu. Bản thân ông là người con chí hiếu với cha mẹ và một lòng trung trinh đối với triều đình. Năm Khai Nguyên thứ 22 thời Đường Huyền Tông, ông thi đỗ tiến sĩ, nhậm chức Giáo thư lang. Sau đó bởi vì mẹ qua đời nên ông về nhà giữ đạo hiếu 3 năm. Ông lần lượt nhậm chức Huyện úy, Nội sử, Giám sát ngự sử, Điện trung thị ngự sử. Về sau này, ông bị giáng chức làm Thái thú Bình Nguyên nên được người đời gọi là “Nhan Bình Nguyên”.

Khi loạn An Sử xảy ra, Nhan Chân Khanh đã đứng đầu nghĩa quân chống lại phản quân, thể hiện ra tài năng quân sự trác tuyệt của mình. Sau đó ông được thăng chức Hiến bộ thượng thư. Thời Đường Đại Tông, ông làm quan tới chức Lại bộ thượng thư, Thái tử thái sư, Phong lỗ quận công, được người đời xưng là “Nhan lỗ công”.

Vào năm 784, Nhan Chân Khanh được cử đi thuyết phục Lý Hy Liệt, một tiết độ sứ làm phản triều đình. Mọi người trong triều đều cho rằng chuyến này ông làm ít dữ nhiều, nhưng ông không sợ sống chết.

Năm 785, Nhan Chân Khanh lên đường. Không ngoài dự đoán, Lý Hy Liệt bắt giam ông. Nhan Chân Khanh không khuất phục, tự soạn luôn văn tế cho mình để tỏ ý quyết chết. Lý Hy Liệt dụ ông, muốn thăng cho ông làm Tể tướng để chống nhà Đường. Nhưng ông nhất định không nghe theo, lớn tiếng mắng Lý Hy Liệt. Do đó Lý Hy Liệt bèn giết ông. Lúc đó, Nhan Chân Khanh 76 tuổi. Tin tức ông bị giết chết truyền ra khiến cho tam quân tướng sĩ đều khóc thương. Hoàng đế Đường Đức Tông đã vì ông mà bãi triều suốt năm ngày, truy phong Tư đồ, thụy hiệu “Văn Trung”, đồng thời viết những lời khen tặng ông: “Khí chất thiên tư, công trung kiệt xuất, ra vào bốn triều, kiên trinh nhất chí”.

Điều thần kỳ chính là về con đường làm quan và thọ mệnh của Nhan Chân Khanh thì có một kỳ nhân đã biết trước. Trong sách “Nhung mạc nhàn đàm” do Vi Huyến viết vào thời nhà Đường đã ghi lại điều này. Vợ của Nhan Chân Khanh có một người họ hàng là Phạm Thị. Phạm Thị là một nữ tu có đạo hạnh rất thâm sâu, giỏi về xem tướng, có thể biết trước được vận mệnh cát hung. 

Vào năm Thiên Bảo 742, Nhan Chân Khanh làm quan úy huyện Lễ Tuyền, Thiểm Tây. Năm 746, ông đi bái phỏng nữ tu Phạm Thị để hỏi về vận mệnh của bản thân. Đầu tiên, ông hỏi về con đường quan lộ. Phạm Thị đáp: “Việc mà ông muốn, nhất định sẽ thành. Một hai tháng sau kể từ hôm nay, ông nhất định sẽ được thăng quan tiến chức, nhưng trong vòng nửa năm, không được xung đột với người dân tộc khác, nếu không nhất định sẽ bị giáng chức”.

Nhan Chân Khanh hỏi tiếp: “Chức quan của tôi sau này liệu có thể đạt tới ngũ phẩm không?” Quan viên ngũ phẩm thời nhà Đường bao gồm Gián nghị đại phu, Ngự sử trung thừa, Quốc tử bác sĩ, Cấp sự trung, Trung thư xá nhân.

Phạm Thị đáp: “Chức quan của ngài gần nhất phẩm, kỳ vọng của ngài quá thấp rồi!”

Nhan Chân Khanh nói rằng ông có thể làm đến chức quan ngũ phẩm, được mặc quan phục màu đỏ, được mang phục sức cá bạc là ông đã cảm thấy mỹ mãn lắm rồi.

Nghe vậy, Phạm Thị liền chỉ vào tấm vải lụa màu tím trên ghế và nói: “Màu sắc quan phục của Nhan lang về sau sẽ giống như màu này, công lao sự nghiệp và danh tiết cũng được người trong thiên hạ tán thưởng, thọ mệnh vượt qua tuổi 70. Những sự tình sau đó thì đừng truy hỏi.” Vào triều nhà Đường chỉ có quan chức cao hơn tam phẩm mới được mặc quan phục màu tím.

Nghe xong lời Phạm Thị, Nhan Chân Khanh rất hiếu kỳ, hết lần này lần khác truy hỏi những sự tình sau 70 tuổi. Phạm Thị liền nói với ông: “Nhan lang thông minh hơn người. Hỏi sự, không cần phải đi đến tận cùng!” Nhan Chân Khanh lúc này mới buông xuôi.

Hơn một tháng sau, triều đình mở hội, cả nước ăn mừng. Vào ngày này, kết quả kỳ thi được công bố, Nhan Chân Khanh đỗ đầu cao trung, lập tức được bổ nhiệm làm quan úy Trường An. Mấy tháng sau, ông lại được thăng chức lên làm Giám sát ngự sử. Trong lúc làm Giám sát ngự sử, thủ hạ của ông có một người tên là Ca Thư Hàn, người dân tộc Đột Quyết, phạm lỗi, bị ông xử phạt nên có chút bất mãn. 

Ca Thư Hàn cảm thấy mình bị đối xử bất công liền đến Hà Tây nhập ngũ, bắt đầu làm việc dưới chướng của Tiết độ sứ Vương Thùy, sau được thăng chức làm Nha tướng. Bởi vì nhiều lần đánh bại dân tộc Thổ Phiên nên vào năm Thiên Bảo 747, Ca Thư Hàn được làm Hữu võ vệ viên ngoại tướng quân, Hữu tiết độ phó sứ. Năm Thiên Bảo 749, Ca Thư Hàn giành được thắng lợi trong cuộc chiến Thạch Bảo thành, được thăng chức Ngự sử đại phu. Khi gặp mặt Đường Huyền Tông, Ca Thư Hàn đã kể ra chuyện từng bị Nhan Chân Khanh xử phạt. Để trấn an Ca Thư Hàn, Đường Huyền Tông đã hạ chỉ giáng chức Nhan Chân Khanh. Điều này ứng với lời tiên đoán của Phạm Thị.

Thời kỳ Đường Đại Tông, Nhan Chân Khanh đảm nhận chức Hình bộ thượng thư, Lại bộ thượng thư, quả nhiên được mặc quan phục màu tím. Năm 779, sau khi Đường Đại Tông băng hà, ông nhậm chức Lễ nghi sứ, sau lại chuyển sang làm Thái tử thiểu sư, Thái tử thái sư giảng dạy thái tử.

Bởi vì Nhan Chân Khanh cương trực công chính nên đắc tội với Tể tướng Lư Kỷ. Lư Kỷ là người nham hiểm, bề ngoài tỏ ra cung kính nhưng lại mưu hại người khác. Lư Kỷ khuyên Đường Đức Tông cử Nhan Chân Khanh đi dụ Hy Liệt, đến trước quân Hy Liệt mà tuyên đọc thánh chỉ.

Nhan Chân Khanh sau khi nhận được ý chỉ của Hoàng thượng, nhớ tới Phạm Thị năm xưa đã không cho ông truy hỏi đến cùng. Ông không khỏi cảm thán: “Theo Phạm sư nói, lần này ta chắc chắn sẽ bị phản quân làm hại!” Quả nhiên, Hy Liệt không dụ dỗ được Nhan Chân Khanh nên đã giết chết ông, nhưng lại cũng làm danh tiết của ông sáng rõ, được người thiên hạ kính ngưỡng hết mực.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: