Cổ ngữ có câu: “Nam phạ mạc đỉnh, nữ phạ mạc trung”, đàn ông kị sờ đầu, phụ nữ kị sờ eo. Điều này rất dễ lý giải đứng từ góc nhìn của văn hóa truyền thống, nhưng về lịch sử hình thành của quan niệm này cũng có nhiều điểm thú vị đáng để nêu ra.

Cổ ngữ: "Đàn ông kị sờ đầu, phụ nữ kị sờ eo"
(Tranh minh họa: Public Domain)

Đầu là bộ phận cao nhất của cơ thể con người, hơn nữa trong lễ nghi thời xưa thì còn tượng trưng cho sự trưởng thành của một người đàn ông. Theo “Lễ Ký – Quan Lễ”, người nam đến 20 tuổi sẽ được cho là đã trưởng thành, không còn là trẻ nhỏ nữa, phải gánh vác trách nhiệm, thành gia lập nghiệp. Do đó ở tuổi này cần tổ chức lễ thành nhân tại từ đường của dòng họ, phải mời họ hàng, bạn bè đến tham gia chứng kiến. Trong buổi lễ này, người nam phải thay thế đội ba loại mũ khác nhau.

Đầu tiên là dùng mũ vải đen, ý nghĩa không được quên cái gốc làm người từ gian khó mà đi lên. Tiếp nữa là dùng mũ làm từ da hươu trắng, biểu thị có nghĩa vụ bảo vệ xã tắc. Và cuối cùng là dùng mũ làm từ vải lanh, biểu thị có đủ thân phận để tham gia tế lễ trong các buổi lễ quan trọng. Sau khi hành lễ xong, mọi người sẽ xem người đàn ông đó với tư cách là một người trưởng thành.

Bởi thế, nơi đội mũ có vị trí vô cùng quan trọng, có thể coi là biểu tượng của danh dự và tiết tháo của một người đàn ông, không thể tùy tiện động chạm vào. Việc tùy tiện sờ vào “chỗ đội mũ” của người đàn ông sẽ được coi là hành động vũ nhục và khinh thường họ. Cho nên mới có cách nói “đàn ông kị sờ đầu”.

Còn phụ nữ kị sờ eo thì cũng xuất phát từ lễ nghi. Phần eo của nữ nhân là nơi rất mẫn cảm và rất riêng tư. Cổ nhân giảng “nam nữ thụ thụ bất thân”, nghi thức cổ xưa quy định nam nữ không có quan hệ hôn nhân thì không được tiếp xúc trực tiếp với nhau, không được trực tiếp trao đồ cho nhau, ăn không được chung dụng cụ, ngồi không được ngồi cùng chiếu cùng bàn. Ví dụ, nếu nam giới và nữ giới muốn đưa một vật gì đó cho nhau thì một người phải đặt đồ vật xuống trước, người kia sẽ đến cầm lấy, chứ không được trực tiếp đưa và nhận bằng tay.

Lễ nghi này sâu xa hơn là bắt đầu từ thời Tây Chu, do Chu Công Đán khởi xướng. Theo đó, vào những năm đầu thời Tây Chu, do ảnh hưởng của thời đạo đức xuống dốc của triều đại trước đó, phong tục xã hội suy đồi, tập tục trong hôn nhân hỗn loạn không còn nghi thức gì, nam nữ tùy tiện sống chung với nhau. Chu Công cảm thấy rất lo lắng, đã tự mình chế định ra lễ nghi, khắc phục tình trạng hỗn loạn trong quan hệ nam nữ. Đây là một sự kiện lớn ảnh hưởng đến phong tục xã hội của châu Á trong hàng ngàn năm sau đó. Cũng kể từ đó, xuất hiện phép tắc dành cho nam nữ. Bản thân người nữ cũng tuân thủ những phép tắc khác nhau trong việc đối nhân xử thế.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Hòa Tử
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: