Cổ ngữ có câu: “Đắc hiền vụ bổn”, được người hiền tài là cái gốc để một vương triều trị vì. Có được người hiền tài trợ giúp thì trật tự xã hội được cải thiện, dân chúng tự nhiên cũng quy thuận. Khi dân chúng đã quy thuận, lòng dân đã cùng hướng thì tự nhiên sẽ khiến kẻ địch phải dè chừng, thậm chí “không đánh mà có thể thắng”. Chính bởi vậy mà các vị vua anh minh của các triều đại trong lịch sử đều mong muốn chiêu mộ được người hiền tài. Trong số các cách chiêu mộ này, phải kể đến một điển cố nổi tiếng là “Thiên kim mãi cốt”, dùng ngàn vàng mua bộ xương khô.

Trong “Chiến Quốc sách” có ghi chép về Yên Chiêu Vương, vua của nước Yên, chư hầu nhỏ yếu của nhà Chu. Thời đó, lúc nước Yên xảy ra nội loạn, nước Tề đã thừa cơ xuất binh đánh chiếm một phần lãnh thổ của nước Yên. Yên Chiêu Vương mới lên ngôi, vì muốn phục thù nên đã ra sức mời gọi người hiền tài giúp trị nước an dân.

Lúc ấy, Quách Ngỗi là hiền giả nổi danh nên Yên Chiêu Vương đã đến bái phỏng và hỏi kế sách: “Nước Tề thừa cơ tấn công nước Yên, trẫm biết thực lực nước yên lúc này rất mỏng yếu, tạm thời không thể đủ sức báo thù, hy vọng sau này có được sự trợ giúp của người hiền tài mà khiến quốc gia cường thịnh, rửa hận báo thù, thỉnh tiên sinh chỉ dạy!”

Quách Ngỗi nói với Yên Chiêu Vương rằng: “Người dùng hiền giả làm thầy sẽ thành tựu được đế nghiệp, người dùng hiền giả làm bạn sẽ thành tựu được vương nghiệp, người dùng hiền giả làm bề tôi sẽ thành tựu được bá nghiệp, còn người dùng hiền giả làm nô bộc thì sẽ vong quốc tử thân”.

Quách Ngỗi còn nói rằng nếu quân vương có thể cúi người phụng dưỡng, sẵn sàng nhận sự chỉ giáo thì nhân tài sẽ đến, còn nếu như kiêu ngạo sai khiến người khác thì người đến chỉ có thể là tôi tớ chứ không thể là nhân tài được. Muốn tuyển chọn được hiền giả thì phải biết hạ mình.

Yên Chiêu Vương hỏi Quách Ngỗi: “Vậy trẫm nên bái phỏng ai trước đây?”

Vậy là Quách Ngỗi kể cho Yên Chiêu Vương nghe câu chuyện “Thiên kim mãi cốt”:

Thời xưa, có một vị quân vương ban bố cáo thị, muốn tìm một con thiên lý mã với giá một ngàn lượng vàng nhưng qua 3 năm vẫn chưa tìm được con nào. Lúc bấy giờ có một người hầu cận nói muốn thử đi tìm, vì thế quốc quân phái ông ta mang một ngàn lượng vàng đi tìm. Cuối cùng sau 3 tháng, ông ta đã tìm được thông tin về một con ngựa tốt. Nhưng đáng tiếc là lúc ông ta đến nơi thì con ngựa ấy đã chết rồi.

Người hầu này liền bỏ ra 500 lượng vàng mua lấy bộ xương ngựa mang về cung. Vị quân vương tức giận bảo rằng: “Ta cần là một con tuấn mã, nhà ngươi lại lấy 500 lượng vàng mua về một đống xương vô dụng!”

Người hầu thưa rằng: “Nếu bộ xương con thiên lý mã mà có thể bán được 500 lượng, thế thì giá tiền một con thiên lý mã còn sống phải đáng giá cả ngàn lượng. Sau khi tin này mà truyền ra, người trong thiên hạ đều cho rằng đại vương thực sự muốn mua thiên lý mã, họ sẽ đưa thiên lý mã tới để được ngài ban thưởng”.

Quả nhiên chưa tới một năm, người từ các nơi tấp nập đến dâng thiên lý mã cho quốc quân.

Cổ nhân chiêu mộ người hiền tài: Ngàn vàng mua bộ xương khô
(Tranh minh họa: Họa sĩ Lý Đường, Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Sau khi kể xong, Quách Ngỗi nói rằng: “Nếu đại vương muốn chiêu nạp hiền tài thì trước tiên nên dùng thần. Ngay cả người bình thường như thần mà cũng được trọng dụng thì những người tài năng cao hơn thần cho dù có cách xa ngàn dặm cũng sẽ không cảm thấy xa xôi nữa, nhất định sẽ tới nước Yên trợ giúp”. 

Yên Chiêu Vương bèn ra lệnh xây cho Quách Ngỗi nơi ở tráng lệ, đồng thời còn bái ông làm thầy. Tin tức này sau khi truyền đi, hiền tài bốn phương đua nhau tìm đến nước Yên. Trong đó có Nhạc Nghị từ nước Ngụy đến, Trâu Diễn từ nước Tề đến, Kịch Tân từ nước Triệu đến. Nước Yên chỉ trong một thời gian ngắn đã có rất nhiều nhân tài đến trợ giúp.

Yên Chiêu Vương nhờ những hiền tài lương tướng đó, trải qua 28 năm tích lũy làm cho nước giàu binh mạnh. Yên Chiêu Vương phong Nhạc Nghị làm thượng tướng quân, liên hợp cùng nước Tần, Sở, Triệu, Ngụy, Hàn, cuối cùng nước Yên nhỏ yếu đã đánh bại nước Tề, thu lại được phần đất đai đã mất, thậm chí suýt chút nữa diệt được Tề. Nếu như Yên Chiêu Vương không đột ngột qua đời khi Tề chỉ còn một thành chưa bị hạ, thì có lẽ nước Tề đã diệt vong.

Câu danh ngôn “Thiên kim mãi cốt” (ngàn vàng mua bộ xương khô) được lưu truyền trong dân gian, trở thành thành ngữ thường được dùng để ví với việc rất khao khát có được người hiền tài. Từ đó cũng có thể thấy, việc chiêu mộ không được người hiền tài không phải là bởi vì thiên hạ không có hiền tài mà bởi vì không đủ điều kiện để hiền tài đến phò tá. Hơn nữa, nếu chí hướng không không phù hợp cũng sẽ lưu giữ không được hiền tài.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: