Trong “Đại y tinh thành”, thần y Tôn Tư Mạc viết: “Người hành y không được cậy sở trường của mình chuyên tâm mưu tính tài vật, chỉ nên dốc tâm vào cứu giúp người, trong số mệnh sâu xa sẽ tự có được nhiều phúc”. Trong lịch sử có rất nhiều người tu Đạo, những bậc sĩ đại đức cũng đã từng nói về mối quan hệ nhân quả giữa y thuật và thiên đạo, theo đó sắc dục và lợi ích là một trong những điều đại kỵ đối với người hành y.

Đại kỵ của người hành y: Sắc dục và lợi ích
(Ảnh minh họa: Pixeljoy, Boule, Shutterstock)

Mậu Trọng Thuần nhà Minh đã viết trong cuốn “Chúc y ngũ tắc” rằng: Người thầy thuốc nên siêng năng tìm kiếm Đạo thuật để cứu người. Ngay cả khi có hiệu quả cũng để họ tự báo đáp, đừng đòi hỏi báo đáp. Phải dùng cái tâm bình đẳng mà trị bệnh không được khinh khi bần tiện. Làm được như vậy thì phúc đức chính là tự mình gây trồng, quỷ Thần ca ngợi.

Lương tướng thời nhà Đường là Lục Chí cũng từng nói đại ý rằng: “Y chính là thuật nhân từ, phải đặt cứu người lên hàng đầu, nếu không, tai họa ắt sẽ đến”; “Ngày nay thấy con cháu các thầy thuốc có được nhiều phúc, vinh hiển đỗ đạt, đây là báo ứng của Thiên Đạo”.

Trong “Thái vi Tiên Quân công quá cách” viết: “Dùng bùa, phép, châm cứu và thuốc cứu người bệnh nặng, một người là mười công, còn bệnh nhẹ thì một người năm công. Nếu nhận hối lộ của người bệnh thì không có công trạng gì”. 

Vì thế, thầy thuốc nổi tiếng Trương Cảo thời Nam Tống đã viết trong “Y thuyết” rằng: “Các thầy thuốc nên nghĩ rằng: Đau khổ trên thân người cũng giống như trên thân mình. Ai tới mời thầy thuốc thì phải đi ngay không được chậm trễ, hoặc chỉ xin thuốc thì phải đưa ngay. Chớ hỏi sang hèn, chớ chọn giàu nghèo”; “Tâm đặt ở cứu người thì tự trong sâu thẳm sẽ được phù hộ. Lợi dụng lúc người khác cấp bách, cố ý cầu tài, dùng tâm bất nhân thì tự sẽ rước họa”.

Cũng trong “Y thuyết” có một câu chuyện hành y không màng lợi ích được phúc báo như sau.

Trương Cảo có một người bạn đồng hương, tên là Trương Ngạn Minh, một thầy thuốc chuyên tâm cứu người, không để tâm đến tiền bạc. Trương Ngạn Minh được đánh giá là thầy thuốc hạng nhất. Phàm là các tăng nhân, đạo sĩ, binh sĩ hay dân nghèo đến xin thuốc, ông đều không bao giờ nhận tiền thuốc của họ. Thậm chí, ông còn lấy tiền bạc và đồ ăn của gia đình cấp phát cho họ. Đối với những người đến xin thuốc, ông không nhìn vào giá bao nhiêu tiền mà chỉ nghĩ làm sao để bệnh nhân khỏi bệnh. Đối với những người mắc trọng bệnh, ông luôn chọn những dược liệu tốt nhất để trấn an họ và không bao giờ đả động đến tiền bạc.

Có một ngày, trong thành phố xảy ra một trận hỏa hoạn lớn, các ngôi nhà xung quanh đều bị thiêu rụi, chỉ có nhà của Trương Ngạn Minh là may mắn thoát được biển lửa ấy. Một năm khác, ngôi làng nơi gia đình Trương Ngạn Minh sinh sống có bệnh dịch lây lan rộng khắp, nhưng chỉ có ông là người duy nhất không mắc bệnh. Sau đó, con trai của ông lại đỗ đầu trong kỳ thi Hương. Mấy người cháu trai của ông cũng là những người phong thái, chí khí, độ lượng. Trương Cảo đã xúc động nói rằng đây thực sự là “Thần linh phù hộ”“Thiên đạo ban thưởng cho người thiện”.

Trong “Di kiên chí” còn có câu chuyện về vị danh y cự tuyệt sắc dục mà được phúc báo như sau.

Vào thời Tuyên Hòa triều Bắc Tống, có một học giả bị bệnh quanh năm. Một thầy thuốc địa phương tên là Hà Trừng có tài chữa bệnh nổi tiếng, nên vợ của vị học giả này đã mời ông đến nhà chữa bệnh cho chồng. Người phụ nữ đưa Hà Trừng vào phòng trong và nói với ông: “Chồng tôi bị bệnh nhiều năm nay, tôi đã bán hết những thứ có giá trị, bây giờ tôi không có tiền để trả tiền thuốc, vì vậy tôi chỉ có tấm thân để báo đền”.

Thầy thuốc Hà Trừng nghe xong, nghiêm túc cự tuyệt và nói: “Sao cô lại nói những lời này? Đừng lo lắng, tôi nhất định sẽ chữa trị tốt cho phu quân của cô. Cô không được làm như vậy, nó sẽ làm dơ bẩn danh tiết của cô và tôi. Để người khác biết, họ còn cho rằng y thuật của tôi không tốt. Nếu thực sự làm điều xấu xa bại đức thì dù không bị người phạt cũng sẽ bị quỷ trách”.

Không lâu sau, thầy thuốc Hà Trừng đã chữa khỏi căn bệnh cho vị học giả kia. Một đêm nọ, Hà Trừng nằm mơ thấy có người đưa ông vào miếu, một vị phán quan đã nói với ông rằng: “Ngươi có công trị bệnh cứu người, lại không lợi dụng lúc người khác lâm vào hiểm nguy mà làm việc dâm loạn với phụ nữ lương thiện. Vì vậy, Thiên Đế sẽ ban tặng cho ngươi tiền, và sẽ ban cho ngươi một chức quan”.

Vài tháng sau, Thái tử Đông cung bị bệnh, các ngự y trong triều không thể cứu chữa nên Hoàng đế đã hạ lệnh mời các thầy thuốc khắp nơi trên cả nước tới trị bệnh. Hà Trừng đã dùng thuốc sắc mà ông pha chế chữa khỏi bệnh cho Thái tử. Triều đình đã ban thưởng cho ông 3 ngàn quan tiền và chức quan sơ phẩm. Kể từ đó, danh tiếng và y thuật của Hà Trừng càng vang xa khắp nơi. Điều này thực sự ứng nghiệm với câu nói của Lão Tử “hành âm đức, quỷ Thần thiện chi”, người làm việc thiện tích âm đức thì quỷ Thần thiện báo.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: