Điếu từ cho Kissinger – Người nhận giải Nobel chiến tranh

Henry Kissinger không chỉ là một chiến lược gia tài ba về chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông liên tục bước qua nhiều xác người vì lợi ích của đất nước mình.

Tác giả: Stefan Schaaf, TAZ 30.11.2023
Người dịch: Nguyễn Chí Chính

Mọi người ca ngợi ông: Kissinger, nhà chiến lược khôn ngoan, người đoạt giải Nobel Hòa bình, chính khách lỗi lạc, người hòa giải trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Ông là đối tác phỏng vấn rất được săn đón, từ Spiegel đến ZDF, từ FAZ cho đến Die Zeit, tờ báo do Helmut Schmidt, người hâm mộ lớn của Kissinger xuất bản. Khi còn là ứng cử viên tổng thống, bà Hillary Clinton cũng ngưỡng mộ kiến ​​thức uyên thâm của ông về Trung Quốc. Tổng thống Liên bang Đức Steinmeier đã tổ chức một yến tiệc vinh danh Kissinger vào tháng 6 năm 2018 tại Cung điện Bellevue nhân dịp sinh nhật lần thứ 95, có cả bà Friede Springer và Joschka Fischer cũng đã cùng dự tiệc. Và Mathias Döpfner vẫn “bám lấy môi” người đàn ông gần 98 tuổi này trong một cuộc phỏng vấn đặc biệt trên báo die Welt hồi tháng 4 năm 2021.

“Ông ấy là con cưng của giới quyền uy”, sử gia Howard Zinn từng nói thế. “Tất cả những người đã mời ông ấy yến tiệc – họ thảy đều không muốn nói rằng mình đã ngồi ăn tối với một tội phạm chiến tranh.” Duy một số ít không muốn thuộc câu lạc bộ người hâm mộ này: đó là Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Bernie Sanders, đã nói trong một cuộc tranh luận năm 2016 với Hillary Clinton: “Tôi tự hào nói rằng tôi không phải là bạn của Henry Kissinger”. Bởi vì ông ấy là “một trong những bộ trưởng ngoại giao phá hoại nhiều nhất trong lịch sử hiện đại” của Hoa Kỳ.

Cả Volodimir Selenski cũng phản ứng cực kỳ giận dữ trước đề xuất của Henry Kissinger tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos tháng 5/2022: Ukraine nên nhượng Crimea và các khu vực ở Donetsk, Luhansk cho Nga, nếu không sẽ có nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Nga và NATO. “Người ta có ấn tượng,” Selenski nói, “rằng ông Kissinger trên lịch của mình không phải năm 2022 mà là năm 1938, và ông ấy tin rằng ông ấy không phát biểu ở Davos mà ở Munich với khán giả từ thời xa xưa đó”. Thế mà 15 tháng sau, Kissinger lại bất ngờ đề nghị kết nạp Ukraine vào NATO. Nói với tờ The Economist ông cho rằng, nếu không thì an ninh của châu Âu không thể được đảm bảo.

Suy cho cùng, Kissinger chỉ còn là dư âm mờ nhạt của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thời mà thế giới được phân chia rành rẽ. Giọng nói âm trầm của ông, như thể càu nhàu, luôn có sức khơi gợi, gióng lên cả một kỷ nguyên chính trị quốc tế, lóe lên trắng đen, trên màn hình vô tuyến. Những cuộc trò chuyện định mệnh trong văn phòng bầu dục Nhà trắng mà chính Nixon đã bí mật thu lại, có Kissinger thường tham gia, đã dẫn đến sự sụp đổ của Nixon trong vụ Watergate năm 1974. Một trong những cuộc đối thoại năm 1973 về Thủ tướng Đức Willy Brandt. Nixon cho rằng ông Brandt là một tên ngốc, một tên khốn nạn, một tên chó đẻ (!). Đúng là một kẻ ngốc và nguy hiểm, Kissinger nói thêm. Thật tiếc là khối u trong cổ họng Brandt đã không tồi tệ hơn nữa.

Khoảng cách thời gian đã làm cho một hình ảnh khác, kém danh giá của chiến lược gia Kissinger trở nên rõ nét và toàn diện hơn. Nhiều tài liệu mà ông ấy muốn giữ kín mãi mãi, giờ đây đã có thể truy cập được. Và ngày nay chúng ta biết rất rõ vai trò của Kissinger trong các chức vụ trong chính phủ Mỹ ông đảm nhiệm từ năm 1969 đến năm 1976, trong Chiến dịch Condor, cuộc đảo chính ở Chile và giai đoạn cuối của Chiến tranh Việt Nam. Greg Grandin, người viết tiểu sử về Kissinger, viết rằng: “Ước tính sơ bộ, có lẽ gom được ba đến bốn triệu người chết”.

Điều này dẫn đến việc một vài quốc gia gửi trát đòi Kissinger hầu tòa – khiến ông đã né tránh những quốc gia này khi đi du lịch. Nước Đức không ở trong số đó. Tuy vậy kế hoạch của Bộ trưởng Quốc phòng Đức thời bấy giờ, Thomas de Maizière nhằm vinh danh người bạn Mỹ vào sinh nhật lần thứ 90 của ông, năm 2014 với chức danh Giáo sư Henry Kissinger về Quan hệ Quốc tế và Luật Quốc tế tại Đại học Rheinische Friedrich-Wilhelms-Universität Bonn đã thất bại, do sự phản đối của sinh viên trường này, và đồng thời có sự nghi ngại tại Quốc hội liên bang. Một số nghị sĩ Đức tỏ ra phẫn nộ với đánh giá thiếu tôn trọng của Kissinger đối với Willy Brandt sau khi tuần báo Der Spiegel công bố điều này.

Kissinger, người thực thi quyền lực không khoan nhượng

Không giống bất cứ ai trong lịch sử Hoa Kỳ kể từ Thế chiến thứ hai, ông Henry Kissinger đại diện cho việc thực thi quyền lực một cách không khoan nhượng – một thứ quyền lực tự tin rằng không ai có thể kiểm soát được nó. Phương châm tối hậu của nó là chỉ phục vụ lợi ích của nước Mỹ và ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Kissinger nhất trí về điều này với Richard Nixon, người mà ông phục vụ với chức Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia từ năm 1968 đến năm 1974. Nixon và Kissinger – đó là một liên minh thảm họa của hai con-người-quyền-lực rất tự tin.

Kissinger, người đã mất phần lớn người thân trong gia đình mình qua thảm sát Holocaust và sau Thế chiến thứ hai, người đã thẩm vấn những tù binh Đức Quốc xã bị bắt ở Đức. Ấy thế mà ông có thể nhẫn nhịn được thứ chủ nghĩa bài Do Thái công khai của Nixon, người đã mô tả Kissinger là “cậu trẻ trâu Do Thái” của tôi, với thái độ bình thản. Ban đầu, Kissinger không đánh giá cao Nixon. Vào cuối tháng 7 năm 1968, ông còn gọi Nixon là “người nguy hiểm nhất trong tất cả các ứng cử viên tổng thống”, nhưng chỉ vài tháng sau đó ông đã trở thành cố vấn an ninh quốc gia của Nixon. Và khi Nixon sắp kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào năm 1974, trước nguy cơ bị luận tội đã rơi vào trầm cảm và tìm đến rượu, thì Kissinger liên tục thâu tóm quyền lực về mình.

Trở lại năm 1983, phóng viên Seymour Hersh của tuần báo New York Times đã mổ xẻ sự nghiệp của Kissinger trong cuốn “Cái giá của quyền lực”. Năm 2001, nhà báo người Anh Christopher Hitchens xuất bản cuốn sách “Vụ xét xử Henry Kissinger” cáo buộc ông về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Đông Nam Á và châu Mỹ Latinh. Và Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia ở Washington, một viện nghiên cứu độc lập, đấu tranh để công bố các tài liệu gây chấn động về chính sách đối ngoại của Mỹ trong hơn 30 năm, cuối cùng đã có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu 30.000 trang tài liệu ghi lại các cuộc điện thoại của Kissinger từ năm 1969 đến năm 1977. Chính Kissinger đã ghi âm và nhờ thư ký của mình chép lại. Tất nhiên, ông ta không có hề ý định để chúng có thể được tiếp cận trong suốt phần đời còn lại của mình.

Năm 2010, những đoạn băng này cũng chứa đựng phản ứng của Kissinger trước yêu cầu năm 1973 của Thủ tướng Israel Golda Meir nhằm gây áp lực với Mátxcơva để cho phép nhiều người Do Thái Liên Xô rời khỏi đất nước. Sau chuyến thăm của Meir, ông nói với Nixon: “Việc di cư của người Do Thái khỏi Liên Xô không phải là mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ngay cả khi họ đưa người Do Thái vào phòng hơi ngạt, đó không phải là vấn đề của Mỹ. Có lẽ đó là một vấn đề nhân đạo.” Hội những người sống sót sau thảm họa Holocaust ở Mỹ gọi phát biểu này của Kissinger là “lố bịch về mặt đạo đức”.

Giọng lưỡi hai mặt ở Việt Nam

Vào mùa thu năm 1968, khi Lyndon Johnson của Đảng Dân chủ vẫn còn là Tổng thống và Nixon là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới, Kissinger không nắm giữ chức vụ chính phủ nào cả. Nhưng ông ấy đã tham gia vào quá trình đàm phán ở Paris về một hiệp định hòa bình ở Việt Nam. Vị giáo sư Harvard nổi tiếng đã cố vấn cho phái đoàn Hoa Kỳ – đồng thời bí mật chuyển thông tin nội bộ cho phe Nixon, như những gì sau này đã xác nhận nhiều năm sau đó trong hồi ký của ông. Người của Nixon đã có thể cản trở các cuộc đàm phán bằng cách gây áp lực buộc miền Nam Việt Nam không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào trước cuộc bầu cử Hoa Kỳ. Nếu Nixon thắng, ông ấy sẽ cho họ những điều kiện tốt hơn để ngừng bắn.

Vào thời điểm đó, Johnson biết được hoạt động ngoại giao bí mật của phe Nixon và phàn nàn qua điện thoại với lãnh đạo Thượng viện Đảng Cộng hòa Everett Dirksen. Đây là tội phản quốc, Johnson nổi giận. Dirksen trả lời: “Vâng, tôi biết.” Christopher Hitchens tóm tắt trong cuốn sách của mình: Thất bại trong đàm phán đã kéo dài chiến tranh thêm 4 năm và cướp thêm sinh mạng của 31.000 lính Mỹ và khoảng nửa triệu người Việt Nam. Sau đó nó được kết thúc theo những điều khoản về cơ bản đã được đưa lên bàn đàm phán vào năm 1968.

Vào tháng 3 năm 1969, Hoa Kỳ mở rộng xung đột sang Campuchia và Lào. Với chỉ thị của Kissinger – được giữ bí mật nghiêm ngặt – các căn cứ của Việt Cộng và Bắc Việt ở Campuchia đã bị ném bom, cho đến tháng 5 năm 1970. Kissinger sau đó đã tự bào chữa: Campuchia không còn trung lập nữa vì nước này đã cho đối thủ của Mỹ chỗ đóng quân và ẩn náu. Sau đó, ông tuyên bố trước ủy ban Thượng viện rằng các khu vực bị đánh bom “không có dân cư”. Các bạn biết đó là một lời nói dối. Không lâu trước sinh nhật lần thứ 100 của mình, ông đã nói một cách cáu kỉnh trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với Ted Koppel: “Ông phải biết: Đó là một điều cần thiết”.

Quốc hội Mỹ đã vô cùng phẫn nộ khi biết rằng các cuộc không kích, lan rộng tới một nửa Campuchia và Lào, đã được giữ bí mật đối với các nghị sỹ trong suốt thời gian qua. Hơn hai triệu tấn bom đã rơi xuống mỗi quốc gia này vào năm 1973 – nhiều hơn số lượng bom mà Không quân Hoa Kỳ đã thả trong toàn bộ Thế chiến thứ hai. Không ai có khả năng đếm được số người chết. Theo Hitchens, khoảng 350.000 người chết trong các vụ đánh bom ở Lào và lên tới 600.000 người ở Campuchia. Chính Kissinger viết trong hồi ký của mình về 50.000 người Campuchia đã chết.

Chiến dịch ném bom bí mật chống lại Campuchia, hủy hoại đất nước và mở đường cho nạn diệt chủng của Khmer Đỏ, được nhiều nghị sĩ dự định đưa ra thành một cáo buộc khác nữa trong phiên tòa luận tội truất phế Nixon năm 1974. Đó là một năm sau khi Kissinger và người đồng cấp Bắc Việt Lê Đức Thọ được trao giải Nobel Hòa bình. Nhà làm phim tài liệu và đầu bếp Anthony Bourdain đã viết vào năm 2001: “Một khi bạn đã đến Campuchia, bạn sẽ không bao giờ có thể lay chuyển được mong muốn đánh chết Henry Kissinger bằng nắm đấm tay trần của mình.”

“Người dân Chile quá vô trách nhiệm“

Vào tháng 9 năm 1970, Salvador Allende đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Chile với 36,2%, chỉ vừa hơn ứng cử viên đứng thứ hai một chút. Chiến thắng này của ông chỉ được xác nhận sau những đàm phán kéo dài hai tháng giữa Đảng Unidad Popular của Allende và Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo tại quốc hội Chile. Nixon và Kissinger đã làm mọi cách có thể để ngăn cản lễ nhậm chức của Tổng thống Allende. Cơ quan mật vụ CIA đã cấp tiền cho các đảng bảo thủ và tờ báo cánh hữu El Mercurio từ năm 1962. Kissinger nói vào năm 1970: “Chúng ta không thể im lặng nhìn một quốc gia trở thành cộng sản vì người dân ở đó quá vô trách nhiệm”.

Một mặt, Hoa Kỳ đã cố gắng – mặc dù không thành công – để ngăn cản Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo ở Chile bỏ phiếu cho Allende trong quốc hội. Đại sứ Mỹ Ed Korry đã đe dọa người tiền nhiệm của Allende, đảng viên Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Eduardo Frei rằng: “Nếu Allende lên nắm quyền, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Chile và người dân Chile biết thế nào là nghèo đói và thiếu thốn.” Nixon đã chỉ thị cho CIA: “Hãy đảm bảo rằng nền kinh tế Chile phải gào thét trong đau đớn!” Văn phòng CIA ở Santiago nhận được chỉ thị: “Mục tiêu rõ ràng vẫn là lật đổ Allende thông qua một cuộc đảo chính. Thật đáng mong đợi nếu điều này có thể đạt được trước ngày 24 tháng 10.”

Vì vậy, giới cánh hữu trong quân đội được khuyến khích tiến hành một cuộc đảo chính chống lại tân Tổng thống đắc cử. Vào ngày 22 tháng 10, CIA đã giao súng tiểu liên không số hiệu cùng đạn dược, được tuyên bố là hành lý ngoại giao cho nhóm “Patria y Libertad” dưới sự chỉ huy của Tướng Roberto Viaux. Cùng ngày, nhóm này đã cố bắt cóc tư lệnh quân đội Chile, Tướng René Schneider, và làm ông bị thương nặng bằng nhiều phát súng, ông qua đời ba ngày sau đó. CIA biết rất rõ rằng Schneider là người sẽ đảm bảo tính trung lập của quân đội Chile và sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. CIA đã thưởng công cho các tướng cánh hữu món quà 50.000 đô la cho việc loại bỏ tướng René Schneider.

Nhưng cũng phải mất thêm ba năm nữa thì mong muốn của Kissinger mới thành hiện thực và ít nhất 8 triệu đô la mà CIA đã đầu tư để gây bất ổn cho Allende đã mang lại lợi ích cho ông. Trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với Kissinger 5 ngày sau cuộc đảo chính của Pinochet, Nixon bày tỏ sự nhẹ nhõm khi không để lại dấu vết nào về sự can dự của Hoa Kỳ việc này. Kissinger trả lời: “Chúng tôi không thực hiện cuộc đảo chính, nhưng chúng tôi đã giúp đỡ và, tốt nhất có thể tạo điều kiện cho nó.” Vào tháng 6 năm 1976, ông cảm ơn lãnh đạo Junta Augusto Pinochet: “Các bạn đã giúp đỡ phương Tây một cách tuyệt vời, khi bạn lật đổ Allende.”

Ngay giữa Washington, D.C. vào tháng 9 cùng năm ấy, 1976, Orlando Letelier, đại sứ Chile và bộ trưởng quốc phòng dưới thời Allende, thiệt mạng do một thiết bị nổ dẻo cài dưới xe của ông phát nổ. Cơ quan mật vụ DINA của Pinochet chịu trách nhiệm về vụ ám sát và lệnh giết người đến từ đích thân nhà độc tài Pinochet. CIA thừa biết về các thỏa thuận xuyên biên giới nhằm sát hại những đối thủ của chế độ độc tài quân sự, sống lưu vong ở Mỹ Latinh – cái gọi là Chiến dịch Condor. Vài ngày trước vụ ám sát Letelier, Bộ Ngoại giao đã chỉ thị cho các đại sứ quán của mình tại các chế độ độc tài quân sự Mỹ Latinh ở Chile, Argentina và Uruguay cảnh báo họ về hậu quả tiêu cực của những cuộc tấn công như vậy. Tuy nhiên những bức điện này không bao giờ đến tay các đại sứ – vì Henry Kissinger đã tịch thu nó.

Năm 1978 – Jimmy Carter là tổng thống và Kissinger chỉ là một công dân bình thường – tới Argentina dự World Cup và, không giống như Carter, Kissinger ca ngợi “cuộc chiến chống khủng bố” của chính quyền. Trợ lý của Carter, Robert Pastor, đã phàn nàn trong một bức điện gửi cố vấn an ninh Zbigniew Brzezinski rằng đây “chính xác là thứ âm nhạc mà quân đội muốn nghe.”

Những giai điệu ngọt ngào dành cho những kẻ độc tài châu Á

Chính trị gia Kissinger cũng luôn dành những tiếng ngọt ngào cho các nhà độc tài ở châu Á. Năm 1971, những người ủng hộ quyền tự trị lớn hơn cho Đông Pakistan (nay là Bangladesh) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Pakistan dưới thời Mujibur Rahman. Quân đội Pakistan đã có hành động bạo lực chống lại họ, có tới một triệu người thiệt mạng và khoảng 20 triệu người phải trốn chạy sang Ấn Độ. Hoa Kỳ đã cung cấp vũ khí cho quân đội của Tướng Yahya Khan mặc dù Quốc hội đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Dhaka, một người tên là Archer Blood, đã cảnh báo Nixon và Kissinger trong một bức điện tín rằng họ đang cổ vũ nạn diệt chủng.

Kissinger sau đó triệu hồi tổng lãnh sự và cảm ơn Yahya Khan vào cuối tháng 4 năm 1971 vì “sự nhạy cảm và tế nhị của ông.” Năm 1975, Kissinger và Tổng thống Gerald Ford cũng có thái độ thân thiện tương tự đối với các tướng lĩnh Indonesia muốn hành động chống lại sự độc lập được tuyên bố đơn phương của Đông Timor. Vào ngày 6 tháng 12 năm 1975, tại Jakarta, họ đã đồng ý với Tổng thống Suharto về “hành động nhanh chóng hoặc quyết liệt”. Theo biên bản cuộc nói chuyện, Kissinger nói: “Điều quan trọng là các Ngài với kế hoạch của mình đạt được thành công nhanh chóng”. Cuộc xâm lược diễn ra vào ngày hôm sau. Trong 25 năm Indonesia chiếm đóng, khoảng 100.000 trong số 800.000 người Đông Timor đã thiệt mạng.

Và cả về sau đối với các chính phủ Hoa Kỳ sau này Kissinger vẫn là vị khách và cố vấn được chào đón trọng thị. Bob Woodward viết trong “Sức mạnh của sự lấn áp”, bài phân tích của ông về thất bại của George W. Bush ở Iraq, rằng Kissinger thường được Bush mời vào tiếp đón tại Phòng Bầu dục. Ông Kissinger hoài nghi liệu kế hoạch xâm lược của Bush có khôn ngoan hay không, nhưng nếu quyết định xâm lược, ông không thể tỏ ra yếu đuối. Đó là bài học từ Việt Nam. Ông viết vào năm 2005, khi mà chiến thắng đã quá xa vời: “Đánh bại lực lượng nổi dậy là chiến lược rút lui hợp lý duy nhất”. Ông ấy tất nhiên ủng hộ cuộc chiến cũng như ở Afghanistan, bởi vì cuộc xung đột với Hồi giáo cực đoan chỉ có một điều: “Họ muốn làm bẽ mặt chúng ta. Nhưng chúng ta phải làm nhục họ.”

Điều đáng ngạc nhiên là rất ít những hoạt động “mờ ám” mà hiện nay đã có bằng chứng rành rành này, được ghi chép trong hồi ký, sách và bài báo do Henry Kissinger viết. Ông ta nhiều lần khẳng định, khi được hỏi về trách nhiệm cá nhân là mình không hề biết, không hề nói đến chủ đề này, chưa từng gặp người này người kia. Nhưng các tài liệu lại có một tiếng nói khác. Kissinger rất vui khi được mời, Hitchens viết, “bởi vì sự hiện diện của ông ấy mang lại cảm giác hồi hộp, một cảm giác chân thực như khi chạm vào một sức mạnh thô sơ, táo bạo”.

Tác giả: STEFAN SCHAAF là biên tập viên taz từ năm 1982 đến năm 1990 tại Hoa Kỳ và là phóng viên ở Washington từ năm 1986.
Nguồn: Nachruf auf Henry Kissinger:Der Kriegs-Nobelpreisträger, TAZ (Die Tageszeitung) ngày 30.11.2023, Berlin.

Biên dịch: Nguyễn Chí Chính
Đăng lại từ Diễn Đàn Khai Phóng (DienDanKhaiPhong.org)

Xem thêm:

Tiểu sử Henry Kissinger

Heinz Alfred Kissinger sinh ra ở Fürth vào tháng 5 năm 1923 và di cư sang Hoa Kỳ cùng với cha mẹ là người Do Thái vào năm 1938. Không giống như một số người thân của mình, anh đã thoát khỏi sự sát hại của những người theo chủ nghĩa Quốc Xã (Nationalsozialisten). Năm 1943, ông nhập tịch vào Hoa Kỳ và từ đó có tên là Henry. Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự ở nước Đức giải phóng, ông theo học tại Harvard và giảng dạy ở đó từ năm 1954. Ông sớm bắt đầu cố vấn cho nhiều cơ quan chính phủ và chính trị gia khác nhau, trong đó có Richard Nixon, người đã bổ nhiệm ông làm cố vấn an ninh quốc gia vào năm 1969 và cũng là ngoại trưởng vào năm 1973. Cùng năm đó ông nhận được giải Nobel Hòa bình nhờ cuộc đàm phán thành công với Việt Nam. Năm 1977, dưới thời Tổng thống Ford, ông rời chính phủ. Đại học Columbia ở New York đề nghị cho ông chức giáo sư, nhưng ông đã từ bỏ ý định này sau những cuộc biểu tình bạo lực của sinh viên.

Năm 1982, ông thành lập công ty tư vấn Kissinger Associates, tư vấn giúp hàng loạt công ty lớn, danh sách giữ bí mật, mở cánh cửa cho họ tiếp cận ra nước ngoài mà không đặt ra những câu hỏi khó chịu. Ông đã mở đường cho công ty nước sốt cà chua Heinz thâm nhập thị trường thực phẩm trẻ em ở Trung Quốc. Kissinger nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp của ông với giới lãnh đạo Bắc Kinh khi phản đối cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và khuyên chính phủ Mỹ từ bỏ các lệnh trừng phạt chống Trung Quốc.

Ngoài ra còn có bằng chứng về sự giúp đỡ của Hiệp hội Kissinger đối với chế độ Milosevic ở Nam Tư trong cuộc nội chiến ở đó. Một trong những cộng sự là Lawrence Eagleburger, người không chỉ giữ chức vụ cao trong chính phủ mà còn là đại diện chính thức của các công ty nhà nước Nam Tư tại Mỹ. Trong thời gian còn lại của mình, Kissinger viết sách, chuyên mục được nhiều tờ báo cho in, đồng thời có các bài phát biểu và bài giảng với mức phí từ 25.000 USD trở lên. Cuốn sách gần đây nhất của ông, “Staatskunst”, một cuốn sách bán chạy nhất do Spiegel xuất bản mùa xuân năm 2022, chủ yếu là “bảo tồn tượng đài thay mặt chúng ta”, như nhà phê bình đài RBB Arno Orzessek chỉ trích. “Những điều mà Kissinger đã bỏ qua không viết, là nghiêm trọng chết người, nếu không cũng gọi là đê tiện”.