Có một điều đáng tiếc không có từ nào diễn tả nổi khi nhìn vào xã hội nước ta là người Việt rất lười đọc sách!

Nhiều bạn sẽ kêu lên “Đây là một nhận xét hồ đồ. Tôi và bạn bè vẫn đọc sách đây mà”. Đúng là như vậy! Trong xã hội vẫn có những người ham mê đọc sách nhưng đó là một cộng đồng nhỏ bé, chiếm một tỉ lệ không đáng kể trong xã hội trên dưới 100 triệu dân với 56 dân tộc anh em. Số liệu thống kê được công bố công khai cho thấy điều đó. Tính trung bình một năm người Việt Nam chỉ đọc khoảng từ 1-4 cuốn sách/năm trong đó chủ yếu là sách giáo khoa. Đây là số liệu thường được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng số liệu này chỉ mang tính chất tương đối vì người ta tính ra số liệu đó bằng cách lấy số lượng bản sách được xuất bản trong năm chia cho dân số. Cách tính đó có thể cho thấy sự tăng tiến hay tụt lùi của ngành xuất bản và phần nào thấy được tình hình phát triển của văn hóa đọc của quốc gia nhưng nó không chính xác khi đo đếm lượng sách đọc bình quân của mỗi người. Lý do đơn giản là có rất nhiều cuốn sách đã hoàn thành vòng đời của nó trong một chu trình khép kín là đi từ kho sách của nhà phát hành tới kho sách của các loại thư viện và nằm im lìm ở đó cho đến khi được bán đồng nát và tái chế vì không được bất cứ ai chạm tay tới.

Chúng ta cần những cuộc điều tra về văn hóa đọc trên quy mô quốc gia, được tiến hành định kì 5 năm một lần để có thể có kết quả chính xác hơn. Tuy nhiên, có một cách để biết được tình hình văn hóa đọc là ta quan sát đời sống xã hội, cá nhân ở xung quanh bản thân mình. Chẳng hạn bạn thử nhìn lại mình và người thân trong gia đình, bạn bè xem trong suốt thời gian là học sinh, sinh viên có đọc gì ngoài sách giáo khoa, giáo trình không? Các giáo viên có yêu cầu học sinh, sinh viên đọc sách gì ngoài sách giáo khoa không; có giới thiệu sách hay, sách cần đọc cho học sinh không? Bản thân bạn có thói quen mua sách định kì hay đến thư viện đọc và mượn sách thường xuyên không? Gia đình bạn và các gia đình xung quanh có bao giờ đến thư viện công của tỉnh, thành phố, quận, huyện để đọc và mượn sách không? Trong gia đình có tủ sách, thư viện gia đình không?

Đối với các bạn đang đọc cuốn sách này, tức là những người đọc sách thì câu trả lời “có” có thể sẽ nhiều nhưng tôi nghĩ rằng với những người khác thì có khi đa số câu trả lời sẽ là “không’. Rất nhiều người, bao gồm cả những người trẻ dưới 35 tuổi “vô duyên” với sách cho dù đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Thậm chí, một nghịch lý khó tin là ngay cả các nhà báo, nhà văn, nhà giáo… những người hành nghề bằng chữ nghĩa cũng… lười đọc. Trong một buổi đào tạo trực tuyến về “Vận hành thư viện trường học hiệu quả” mà tôi tham gia với tư cách là giảng viên, một thủ thư tại một trường THCS công lập đã chia sẻ rằng ở thư viện của cô chỉ có một nhóm học sinh tới mượn và đọc sách thường xuyên và duy nhất một cô giáo dạy Văn tới mượn, đọc sách. Các giáo viên khác, kể cả hiệu trưởng, hiệu phó đều thờ ơ với thư viện và chưa từng đặt chân tới mượn, đọc sách.

Đó là điều thật đáng tiếc và thực sự nguy hiểm cho tiền đồ của quốc gia, dân tộc.

Đọc sách là phương thức học tập toàn diện giúp nâng cao năng lực nghề nghiệp và nền tảng văn hóa nói chung rất hiệu quả. Khi chúng ta nghèo khó, không có điều kiện về kinh tế mà chúng ta lại bỏ qua hoặc không nhận ra sức mạnh của nó thì thật đáng tiếc. Trên thực tế, với lối tư duy ngắn hạn, rất nhiều gia đình đã bỏ qua vai trò của văn hóa đọc trong giáo dục con cái và cải thiện đời sống gia đình. “Có thực mới vực được đạo” là một lối tư duy nguy hiểm khi nó tuyệt đối hóa vai trò của tiền bạc vật chất và làm cho người ta suy nghĩ thiển cận. Không cần phải giàu có mới có thể chăm lo tới văn hóa đọc trong gia đình và việc đọc sách để phát triển bản thân hoàn toàn có thể tạo ra tiền bạc khi cá nhân đó có năng lực nghề nghiệp tốt và biết tổ chức, quản trị đời sống cá nhân.

Rất nhiều trẻ em, thanh thiếu niên sinh ra lớn lên trong các gia đình nghèo khó đã đánh mất, bỏ rơi nhiều cơ hội phát triển bản thân, cơ hội học hành và nghề nghiệp vì gia đình họ không nhận thức được và chú tâm tới điều này.

Để học những thứ khác có khi cần phải có rất nhiều tiền và các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn không thể đáp ứng nổi nhưng để đọc sách thì không nhất thiết phải như vậy. Các bạn hoàn toàn có thể đọc sách mà không hề mất tiền hoặc mất một khoản chi phí rất nhỏ. Ở tất cả các tỉnh và thành phố đều có thư viện công cho đọc và mượn sách. Phí làm thẻ đọc sách ở đây chỉ vào khoảng 30-50 nghìn đồng/năm, tức là gần như miễn phí hoàn toàn. Chỉ với một chi phí nhỏ như vậy, các bạn có thể đọc được hàng trăm cuốn sách mỗi năm. Số bản sách ở các thư viện tỉnh, thành phố thường dao động khoảng từ 10 vạn tới 30 vạn, thoải mái cho các bạn lựa chọn và đọc. Tùy từng địa phương lại có thư viện cấp quận, huyện phục vụ bạn đọc. Ngoài các thư viện công nói trên, trong khoảng 10 năm trở lại đây các cá nhân tâm huyết với văn hóa đọc cũng sáng lập và vận hành nhiều thư viện tư nhân, tủ sách gia đình phục vụ cộng đồng hoàn toàn miễn phí. Các bạn có thể tới đây đọc và mượn sách. Để biết địa chỉ và các thông tin khác về các thư viện công, thư viện tư nhân và các tủ sách gia đình phục vụ cộng đồng, các bạn có thể dùng Google tìm kiếm hoặc tham khảo phần phụ lục cuốn sách “Xây dựng tủ sách gia đình – Cùng đọc để sống hạnh phúc và kiến tạo xã hội văn minh” của tôi (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022). Trong phần phụ lục cuốn sách này tôi có cung cấp thông tin về các thư viện công cộng cấp tỉnh, thành phố của 63 tỉnh thành và các thư viện cá nhân, tủ sách gia đình phục vụ cộng đồng miễn phí trên cả nước.

Nếu các bạn đang là học sinh, sinh viên, các bạn có thể đến đọc và mượn sách tại thư viện nhà trường. Một số trường phổ thông hiện tại cũng có thư viện với số lượng đầu sách phong phú, được mua mới, cập nhật thường xuyên. Đối với thư viện của các trường đại học thì nguồn sách rất lớn, quan trọng là các bạn có muốn tới đó đọc, mượn và rèn luyện cho mình thói quen đọc sách hay không mà thôi.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: