Nếu đọc sách có kết quả rõ ràng như bóng đá thì chắc là toàn dân đọc sách dữ dội luôn.

Cái khó ở ta là kinh tế tri thức còn rất yếu và nhỏ. Nguồn thu nhập kể cả chính đáng (loại trừ các thể loại tham ô, tham nhũng, buôn lậu, lừa đảo…) đa phần cũng đến từ sơ chế, gia công, cho thuê mặt bằng, đất đai, bán sức lao động cơ bắp, thừa kế…

Tất nhiên trong gia công, sơ chế cũng có loại thuần túy dùng sức, cũng có loại cần thêm chút trí tuệ nhưng về đại thể công nghệ, kĩ thuật, các bí quyết lõi đều nằm trong tay người ngoại quốc nên tiền thu được cũng vào tay họ cả.

Chính vì lao động còn giản đơn, dễ kiếm ra một khoản tiền để sống (dựa vào tài nguyên và sức khỏe, sức trẻ) cho nên người ta có cảm giác an nhàn và ung dung tự tại giả tạo.

Cảm giác ấy làm cho họ mờ mắt không nhận ra rằng đất đai đã được phân phối hết, tài nguyên (rừng, chim thú, cá, khoáng sản…) đang cạn kiệt và cả tài nguyên người (lao động trẻ) cũng chạm tới giới hạn khi dân số bắt đầu già.

Khi nền kinh tế tri thức hóa cao độ, tất cả các loại hình lao động đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao thì khi đó văn hóa nền tảng chung và kĩ năng về nghề là đòi hỏi tất yếu. Người lao động sẽ phải tìm đến sách vở để học, đọc không ngừng.

Hơn nữa, trong nền kinh tế tri thức ấy, giá trị vật chất mà các phát minh, sáng chế, bản quyền (sản phẩm, ý tưởng, mô hình…) đem lại cực lớn.

Ví dụ dễ hiểu nhất là doanh thu từ các bộ phim, các tiểu thuyết ăn khách, các phát minh sáng chế công nghiệp…

Nó trở thành những bằng chứng thuyết phục không lời đối với đại chúng về sức mạnh của tri thức, của sáng tạo, của nghĩ-nói-đọc-viết-nghiên cứu…

Thế nên câu chuyện khuyến đọc ở Việt Nam gặp khó trong bối cảnh “con gà – quả trứng” ấy.

Kinh tế tri thức yếu không thúc đẩy văn hóa đọc phát triển và đến lượt mình văn hóa đọc yếu lại không tạo ra mầm mống cũng như sự kích thích cho kinh tế tri thức sinh sôi, trưởng thành.

Nhưng dù thế nào, tôi vẫn tin, đến một ngày người ta sẽ thấy rõ không đọc sách, không có văn hóa nói chung sẽ bị thời đại bỏ qua giống hệt như bây giờ những ai không dùng được máy tính, không dùng được bất cứ một ngoại ngữ nào vậy.

Tóm lại, đọc sách vẫn là con đường gian nan vạn dặm nhưng là con đường tất yếu ai (dân tộc nào) cũng phải qua để tiến đến văn minh.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: