Hạnh phúc, tùy thời, giá mỗi khác.

1) Lúc ấu thơ, được mẹ cho đồng xu (0$01) mua được một cái bánh xầy là đủ no bụng. Mà xu là gì, trẻ em ngày nay nào biết. Xu, dịch tiếng “sou” của Pháp, là một phần trăm (1/100) của đồng bạc. Lại gặp một khó nữa, vì đồng bạc là gì, mấy em đâu có thấy đồng bạc tròn cân nặng 27 gram của buổi tôi còn đầu chừa bánh bèo (1910). Ngày nay tờ giấy bạc, in trên mặt chữ to “một đồng” mà không nói đồng gì, và đố ai dám hỏi. Cứ tạm hiểu và công nhận đó là tiền thời buổi nầy, năm 1983 đây.

Với một đồng xu (0$01), từ 1910 đầu chừa chóp, đến năm 1918, tóc hớt ca-rê, một đồng xu ở trường học Sốc-trăng, mua được một cái bánh xầy. Bánh chiên mỡ vàng lườm, thật dày, trong chứa bột gạo pha trộn làm nhưn, hoặc đậu xanh nguyên hột, hoặc với giá, trên mặt bánh có để một con tôm nhỏ hoặc hai con tép trộng trộng, và riêng tôi, tôi có hai cách ăn bánh nầy: ngày lễ và chúa nhựt, nghỉ học ở nhà mua về ăn, thì tôi bắt đầu nhâm nhi từ cái vành ngoài, cắn lần đến miếng chót là tôm tép kia như vậy mới là khoái khẩu. Ngày thường, ở trường, vào giờ ra chơi, mua được cái bánh, thả bánh vào tô nước mắm của chị Năm bán bánh, bánh ngập ứa mặn, phải cắn liền con tôm con tép kia, xực trước rồi mới ăn lần ra vành bánh, nếu không dùng phương pháp nầy và cứ mửng ăn thái bình như lúc ở nhà, thì phải coi chừng mấy thằng học trò du đãng, con lính ma-tà, chúng to con và học lớp trên, hễ thấy mình có bánh ăn, thì chúng a lại giựt. Nói giựt cũng chưa phải, sự thật là mình phải cho nó cắn một miếng (gọi là ăn lót, đúng ra là nạp mãi lộ) và chúng thường cắn lớn miếng và nhè lựa ngay con tôm mà táp, không cho nó cắn thì coi chừng chúng đánh khi tan học ra về, vì vậy nên thà cẩn thận hơn, mình xực con tôm trước. Ngày nay nhớ lại, cái bánh xầy giá một đồng xu mà nó ngon làm sao tả được. Nhưn bột gạo thì dẻo, đậu lọc giá lựa, bùi bùi, bánh chiên mỡ nguyên chảo, vừa thơm vừa giòn, ngon không chỗ nói, ấy mà giá chỉ một đồng xu, hạnh phúc “un sou”.

2) Lớn lên, từ 1919 đến 1923, học trường Chasseloup, có được một cắc bạc, tức mười xu, nếu mua ba-tê-xô thì mua được ba cái, còn dư một xu, ăn ba bánh đủ no phát ách; nếu ăn bánh mì thịt nguội thì mua được hai đòn, đó là cách ăn sang trọng của bọn con Tây và bọn lai của xóm học trò Lang-sa (quartier européen), nhưng không sướng bằng chúng tôi, học xóm bản xứ (quartier indigène), có một cắc, đưa cho anh Hai Huế cu-li, đến tối anh đem lên lầu sẵn cho mình một bầu (broc) nước trà nóng và một giề cơm cháy to bằng chiếc nón bài thơ, trường nấu cơm bằng chảo đun, cơm khê cơm khét dán sát đáy chảo ấy, dư nhiều bán cho heo ăn, ấy cơm cháy ấy, đối với chúng tôi, tuổi mười bảy mười tám đang thời dậy mẩy ấy, nó ngon kỳ ngon cục! Răng còn lành đủ 32 cái, bao tử còn mới toanh, nuốt sắt cũng tiêu hóa ngay, sá gì giề cơm cháy! Với một cắc bạc (0$10), chia cơm cháy làm bốn năm phần, ăn vừa giòn rùm rụm, vừa thau-tan khi cắn, thơm thơm ngòn ngọt, chu cha, nói tới bắt thèm. Ăn cơm cháy thức khuya để học thi ra trường, hạnh phúc bốn năm đứa chỉ tốn một cắc!

3) Ra trường năm 1923, làm thầy thông, ngồi xe kéo, tối ăn cơm Tây. Nhà hàng Yeng-Yeng (đọc vên-vên) của Hải Nàm đứng nấu. Nhà ở đường Pasteur, gần chợ cũ. Một bữa cơm ba món có một góc tư rượu chát đỏ (gọi repas complet, trọn phần) giá một đồng hai bạc (1$20). Ăn tiết kiệm, một bữa ăn hai món, không hơn sáu cắc (0$60). Đầu tháng, lãnh lương dư dả, không ăn bít-tết thường (0$20), gọi một dĩa bò chiên kiểu bri-ăn (befteak Chateaubriant) giá tám cắc (có thể mua nửa dĩa giá bốn cắc), thịt mềm cắt ra đỏ au đọng máu tươi (nếu mình muốn ăn thịt còn để sống, saignant), hoặc thịt ngoài cháy giòn trong còn đỏ lói, chín tươi, một cục bơ lạt ướp lạnh và mươi ngoài miếng khoai tròn và phồng như cái bánh (pomme de terre soufflée), thơm kỳ ngon lạ, tiêu hóa mau, bổ thật bổ, mà giá chưa tới một đồng bạc, chỉ tám cắc mà thôi, hạnh phúc dưới một đồng!

Càng có tuổi càng làm ra tiền, càng hư hỏng, ăn sang ăn cầu kỳ. Một bữa cơm Tàu, giá bạc ngàn, một bữa cơm Tây nhà hàng Caravelle, nếu mời khách đông, có thể tốn bạc muôn bạc vạn: tiệc “làm ăn, trao đổi, giao kèo, ngoại giao, làm quen” tốn hao bao nhiêu nào tiếc, không thấy bổ máu huyết, có khi còn phá bụng là khác, nhưng vì thể diện, vì chút lợi hoặc danh, chung qui xài bạc ức, sáng ngày tiền còn lại phẩn thúi: hạnh phúc nào đâu thấy, chỉ thấy bộ mặt giả tạo, ngày nay sụp đổ là đáng đời!

Hạnh phúc một xu, hạnh phúc một cắc, hoặc giả hạnh phúc dưới một đồng là buổi thời bình. Từ 1945 đến nay, gần bốn chục năm rồi, đầu thay mấy thứ tóc, danh danh lợi lợi đều là mộng huỳnh lương, kẻ đi cải tạo, người tan nhà nát cửa, mắt mờ đi, răng rụng đi, vợ thay chồng, chồng thôi vợ, tay cầm chén cơm, và một miếng, gắp một miếng, nhớ lại tuổi đà 82, coi lại miếng gắp, đó là con mắm chưng từ bữa hôm qua, ăn không hết, nay chiên và ăn mót lại, thế mà ngon lành, và đó mới là chơn hạnh phúc. Xin cám ơn Trời Phật, cho sống đến ngày nay để coi đời.

Đời, coi làm gì? Chưa thấy rồi hay sao?

– Một “dân chi phụ mẫu”. Xuất thân tuần phủ. Bị hạ bệ danh xưng bài trừ ô lại, khi chạy bị chúng giựt mất va-li, chứa không nhiều, chỉ có 50 kí vàng và xoàn.

– Ông anh, vì ham chức tổng chủ giáo (archevêque) mà ba em cùng chết, gia đình nát.

– Em dâu, xưng “đệ nhứt phu nhơn”, mặc áo khoét cổ kiểu “1. trâu”, chưa chết, vì ngày đền tội chưa đến.

Bao nhiêu ông, quen ngồi xe hiệu Đức hiệu Mỹ, vợ đeo xoàn, chồng đeo ngôi sao, người nầy ẵm nghe đâu 15 tấn vàng, người kia bồng một chị chiêu đãi, thua nhiều bao nhiêu kẻ nọ vô danh, khi nước mất, tự hủy mình bằng một viên đạn đồng, ít nữa như vậy cũng là anh hùng khí phách.

Không nên nói nữa, đụng chạm đã nhiều: thấy người ta làm giàu quá mau, làm quan quá lẹ, chụp giựt không kể đạo đức, nay hoàn tay không Tượng Phật đem sắp ngoài đường. Sông lở, Chợ Cồn cách chợ Sa-đéc năm 1930 là bốn cây số ngàn, nay (1983) đường lộ ra Chợ Cồn lọt tòm xuống nước, nước ăn sát dinh hành chánh, nhà thương Sa-đéc cũng xuýt rớt mất luôn xuống nước, không phải đó là cảnh “vực hóa cồn, cồn hóa vực”, “tang điền thương hải” là gì? Còn muốn xem gì nữa?

Ăn hiền ở lành, cũng chưa chắc tồn tại. “Vi phú bất nhơn, vi nhơn bất phú”. Nếu ngày nay ông Huyền Trang còn sống, muốn đi thỉnh kinh, cũng chẳng cần “ngựa quen đường”, mua vé bay lẹ hơn và kinh in chữ rất rõ. Duy đức tin nào còn.

Vừa đọc một tập san xuất bản năm 1978, biết được người ta vừa đào thấy những tượng đá các vua thánh của nhà thờ lớn Notre Dame de Paris, mỗi tượng cao cỡ trên ba thước Tây, năm xưa nước Pháp làm cách mạng năm 1789, dân lầm tưởng đó là tượng các vua chúa đời Trung cổ nên lôi tượng ra khỏi bệ, bỏ nhào la liệt dưới đất, ông gãy đầu, ông hay bà gãy sứt mất tay mất mũi, chánh phủ lúc đó không tiền không xe chở kêu bán lạc-son, cho phép đập làm xà bần để xây nền nhà, tượng dẹp mấy trăm năm nay, bây giờ đào và gặp ở Paris, vả lại nhà thờ Notre Dame đã được nhà kiến trúc Viollet-Le-Duc tu bổ vén khéo rồi, không lẽ thay đổi nữa, tốn kém lắm, nên nay lập một chỗ chứa nơi viện bảo tàng musée de Cluny, vừa đỡ tốn, vừa gọn và sáng kiến nầy lưỡng toàn kỳ mỹ hơn, như vậy đó, câu tôi nói “đức tin nào còn” là sai. Quả sau cách mạng, có người thiện tâm mua các tượng đá kia và chôn giấu cho khỏi “bị làm xà bần”, đức tin còn và số mạng tượng đá đời Moyen Âge còn. (thuật theo Revue des deux mondes-Juin 1978, Les rois retrouvés de Notre Dame de Paris, tr.619).

(27-6-1983)
Vương Hồng Sển

Nguồn: Dở Mắm
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm:

Mời xem video: