Họ Đồng làng Triều Dương vào thời nhà Mạc và Lê Trung Hưng nổi tiếng khắp nước khi có đến 6 người đỗ đại khoa, làm quan đầu triều.

Họ Đồng làng Triều Dương: Dòng họ khoa bảng thời Lê Trung Hưng
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Phong thủy Cổ Phao, Chí Linh

Sách “Chí Linh phong vật chí” phần di cảo của Cao Biền có chép rằng:

Chí Linh cổ phao, thủy thâm sơn cao
Long sơn giáng khí, hổ lực phao giao.

Nơi Cao Biền nhắc đến là Phao Sơn, trên núi có thành cổ vây quanh, vì thế mà các sách cổ hay nói “Chí Linh cổ thành”. Phía đông thành phố Chí Linh có 5 dãy núi, có một dải cát nổi lên như hình chim nhạn, màu trắng bạc, được gọi lài bãi bạch nhạn. Tục truyền có câu: “Bạch Nhạn sinh mao, sinh tận anh hào” (Nhạn trắng mọc lông, người sinh ra hết thảy đều anh hùng).

Nơi đây có làng Triều Dương (nay là Lý Dương). Họ Đồng đến nơi đây vào năm 1226, lập nghiệp ở xóm Dâu, đến thế kỷ 16 thì dòng họ phát khoa bảng với 6 người đỗ đại khoa.

Họ Đồng với 6 người đỗ đại khoa

Người đỗ khai khoa cho họ Đồng là Đồng Hãng, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa thi năm 1559 thời Mạc Tuyên Tông, làm quan đến chức Tả thị lang.

Đồng Hãng có em ruột là Đồng Đắc đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1568, làm quan đến Hộ bộ đô cấp sự trung.

Đồng Văn Giáo dù là người có học, nhưng đến khi 50 tuổi mới đi thi, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1577 đời vua Mạc Mậu Hợp, làm quan đến chức Thừa chính sứ.

Đến khoa thi năm 1586 có Đồng Hưng Tạo đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, làm quan đến Hiến sát sứ.

Đồng Đắc có người cháu nội là Đồng Tồn Trạch, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1646 thời vua Lê Chân Tông. Sau đó trong kỳ thi Ứng chế ông đỗ đầu, được bổ nhiệm làm Đô cấp sự, sau được thăng lên làm Tả thị lang bộ Công.

Năm 1669, Đồng Tồn Trạch được phong làm Đô ngự sử, tuy nhiên sau đó ông bị chúa Trịnh Tạc bãi chức. Đến năm 1683, ông được làm chức quan cao nhất trong triều là Tham tụng (tương đương Tể tướng), phong tước Nghĩa hầu.

Ông làm việc đến tận khi 76 tuổi mới về hưu, được 1 năm thì mất, được truy tặng hàm Thái bảo, tước Nghĩa quận công.

Đồng Tồn Trạch làm Tham tụng đến 9 năm, rất thanh liêm, sách “Lịch triều hiến chương loại chí” ghi chép lại rằng ông cầm quyền 9 năm mà không có của dư thừa để lại, ai cũng khen là trong sạch.

Đồng Tồn Trạch có người con trai là Đồng Bỉnh Do, rất bền bỉ học hành, khoa thi năm 1681 ông đỗ tiến sĩ khi đã 45 tuổi, làm quan đến chức Tham chính, đây là chức vụ trọng yếu trong Triều đình.

Anh em Đồng Hãng, Đồng Đắc

Ngày nay họ Đồng làng Lý Dương vẫn còn lưu truyện câu chuyện về hai anh em Đồng Hãng và Đồng Đắc đỗ hai khoa thi liên tục, trở thành những người đỗ khai khoa cho dòng họ. Có bài thơ vịnh rằng:

Lục kiến Triều Dương khoa phiệt thế
Thả khan đồng thị song huynh đệ
Ấu công văn bút hoán thần đồng
Giám xuất nhân thành văn điệp thể
Kích cổ yêu ngân đởm cánh hào
Sát ngưu tạo quyển tâm hà nhuệ?
Tranh khôi Ưởng nhĩ áp ngân thu
Thiết tư nhất phiến trùng khích lệ
Tứ lực tam niên nhiệm hiểm đề
Thu khoa ứng thí đăng cao đệ
Đồng ca trạng bảng hận nan phù
Lão độc thi thư ngôn bất kế
Nội thích thị danh đệ diệc kỳ
Nhất môn thư ấm thùy miêu duệ.

Dịch nghĩa:

Trong sáu người Triều Dương nối dòng khoa cử
Hãy xem hai anh hem họ Đồng
Lúc bé đi học được tiếng là thần đồng
Lúc đi thi, khác với mọi người, làm văn hai thể
Đánh trống xin tiền gan cũng to
Giết bò nộp quyển lòng hăng hái ra sao ?
Tranh khôi cùng ông Ưởng, áp đảo cả vi thu
Trộm văn chối phắt, càng thêm khích lệ
Gắng sức ba năm chấp mọi đầu đề hiểm hóc
Khoa sau vào thi được đậu cao
Lời ca Trạng bảng của trẻ con là hận khó tin
Về già đọc sách nói không xiết được
Bị vợ nói khích mà thành danh, người em cũng lạ
Một nhà vinh hiển rạng rỡ cho dòng dõi đời sau.

Tạm dịch thơ:

Trong sáu đại khoa xã Triều Dương
Anh em họ Đồng chuyện hãy kể
Nhỏ học đã nổi tiếng thần đồng
Đi thi khác người văn hai thể
Đánh trống xin tiền gan góc thay
Giết bò nộp quyển hăng hái thế
Tranh ngôi cùng Ưởng đầu vi thu
Trộm văn chối phắt thêm khích lệ
Ba năm ra sức chấp hiểm đề
Khoa sau vào thi chiếm cao đệ
Trả ca trạng bảng hận khó tin
Già đọc thi thư nói không xuể
Vợ khích thành danh em cũng kỳ
Dòng dõi thi thư lâu rạng vẻ.

Từ tấm bé Đồng Hãng đã có tiếng là thần đồng. Năm 14 tuổi trong kỳ thi Thái học, đầu đề ra là “Trùng tu Quốc Tử Giám”, Đồng Hãng liền làm luôn hai bài phú. Đến khi quan trường hỏi vì sao lại làm hai bài thì đáp rằng đề bài có chữ “trùng” nên làm luôn hai bài.

Nhờ hay chữ mà được vợ

Dù là thần đồng nhưng vì gia cảnh nghèo khó nên Đồng Hãng vừa học vừa phải làm thuê. Bấy giờ có phú hộ nọ nuôi thầy đồ dạy học cho con, vì thế mà Đồng Hãng đến xin làm thuê với hy vọng may mắn học thêm chữ nghĩa từ thầy đồ.

Một hôm thầy đồ sai Đồng Hãng xuống bếp châm đóm cho ông hút thuốc. Lúc này ở dưới bếp có chảo tôm, bụng đang đói meo mà xung quanh lại chẳng có ai, Đồng Hãng liền thò tay lấy một con để ăn.

Đúng lúc này cô con gái phú hộ đi xuống và bắt gặp, Đồng Hãng xấu hổ quá lúng túng xin cô đừng mách thầy. Cô gái nói rằng sẽ ra câu đối, nếu đối được sẽ không mách thầy. Câu đối rằng: “Hà tài hũ trung bị hoàng bào cúc cung như dã”, nghĩa là: “Con tôm ở trong nồi, mặc áo vàng, coi bộ khúm núm”.

Câu đối này rất khó đối, ngoài nghĩa đen còn có nghĩa bóng. Nghĩa đen là con tôm bị rang nên vàng như mặc áo, thân cong lại như khúm núm, còn nghĩa bóng chỉ anh học trò ăn vụng bị bắt quả tang nên dáng bộ khúm núm.

Đồng Hãng chưa nghĩ ra liền nói đợi mang đóm lên cho thầy rồi sẽ đối lại. Đưa đóm cho thầy xong thì thầy lại nói ra giếng lấy nước để mài mực. Khi Đồng Hãng đang múc nước thì thấy có con ếch, liền nảy ra câu đối.

Đồng Hãng xong việc thì chạy xuống bếp đối ngay rằng: “Oa tàng tỉnh để quải thanh y, mỹ mục miện hề”, nghĩa là: “Con ếch ở dưới giếng, mặc áo xanh, mắt liếc đẹp thay”.

Câu đối lại này lại cũng có cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa đen tả con ếch, trong khi nghĩa bóng lại nói dáng vẻ xinh đẹp của cô gái.

Cô gái thấy vế đối của mình khó thế mà Đồng Hãng vẫn đối được thật chuẩn thật hay thì có ý cảm phục, đem chuyện này kể với cha . Phú hộ thấy Đồng Hãng có tài, liền ngỏ ý muốn nuôi Đồng Hãng ăn học, xem như người nhà. Từ đó Đồng Hãng được học “thật” với thầy mà không phải học “ké” như trước, cậu càng tiến bộ nhanh hơn. Phú hộ hài lòng liền nhận luôn làm con rể, từ đó Đồng Hãng không còn lo làm việc nữa mà chỉ tập trung vào học.

Đồng hãng từ trẻ đã học giỏi, hay chữ, vì thế sinh ra kiêu ngạo, đến khoa ông nói mình chắc chắn thể nào cũng đỗ cao nên bắt nhà vợ phải mổ trâu khao cả làng trước mới chịu đi thi, nhà vợ phải chiều theo.

Vào kỳ thi Hội, Đồng Hãng hay nói huênh hoang với mọi người rằng: “Quan trường nào mà ra đề khiến Hãng này không làm được, thế mới thật là giỏi”,

Việc này khiến các quan chấm thi rất ghét Đồng Hãng. Đến kỳ thi Đình, tương truyền bài của Hãng làm hay đáng ra đã đỗ Trạng nguyên, nhưng vì kiêu ngạo nên các quan ghét chỉ chấm đỗ Hoàng giáp.

Nhờ hiền lành mà con cháu thành danh

Đồng Đắc không học giỏi như anh mình. Sau khi Đồng Hãng thi đỗ, một lần vợ Đồng Đắc ngồi ngang hàng với vợ Đồng Hãng, bố chồng liền nói: “Chồng nó là ông nghè, chồng mày chỉ là anh tú tài sao lại cùng ngồi như vậy? Từ nay về sau không được làm như thế nữa nhé”. Vợ Đồng Đắc liền động viên chồng học hành, khoa thi tới quả nhiên đỗ tiến sĩ, vì thế mà trong bài Vịnh ở trên có câu

Vợ khích thành danh em cũng kỳ
Dòng dõi thi thư lâu rạng vẻ.

Đồng Đắc dù được đánh giá không giỏi bằng anh mình, nhưng tính tình hiền lành, không kiêu căng, có lẽ vì thế mà hậu duệ của Đồng Đắc đều thành danh hơn Đồng Hãng. Cháu nội Đồng Đắc là Đồng Tồn Trạch đỗ tiến sĩ, làm quan đến Tham tụng (tương đương Tể tướng), được phong hàm Thái bảo, tước Quận công, con của Đồng Tồn Trạch là Đồng Bỉnh Do cũng làm quan lớn đầu triều.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: