Dòng họ Lý Tinh Thiện của Lý Dương Côn nhiều đời làm quan trong Triều đình Cao Ly. Trong đó đặc biệt nhất có hậu duệ đời thứ 6 là Lý Nghĩa Mẫn đã trở thành người nắm thực quyền, điều hành Cao Ly suốt 13 năm.

Lý Nghĩa Mẫn
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Thời kỳ “Vũ thần chính quyền”

Theo sử Cao Ly, Lý Nghĩa Mẫn (Lee Uimin) là người giỏi võ nghệ, được tuyển vào đội quân bảo vệ Kinh thành dưới thời vua Nghị Tông (Ui-Jong). Ông được phong làm Biệt tướng, rồi thăng lên làm Trung Lang tướng.

Lúc này Cao Ly vửa trải qua 3 lần chống quân Liêu xâm lược. Vào thời điểm có chiến tranh, các quan võ giữ vai trò rất quan trọng nhằm bảo vệ đất nước và được trọng dụng. Nhưng từ thời vua Nghị Tông (1146-1170) lại đề cao quan văn, hạ thấp quan võ.

Vua Nghị Tông dường như có ác cảm với quan võ và binh sĩ. Vua thường tổ chức các cuộc đấu võ thuật để mua vui, khi say rượu thì có những lời nói khiêu khích các võ quan. Trên sao dưới vậy, các quan văn thể hiện rõ sự khinh rẻ quan võ, thậm chí cả với lão Thượng tướng quân có tuổi là Trịnh Trọng Phu (Jeong Jung-bu), họ cũng chẳng e dè. Việc này khiến các quan võ rất bất bình.

Năm 1170, lão tướng Trịnh Trọng Phu cùng các tướng trẻ là Lý Nghĩa Phương, Lý Cao cùng binh lính làm cuộc binh biến lất đổ vua Nghị Tông, đưa em của Nghị Tông là Vương Hạo lên ngôi Vua, hiệu là Minh Tông. Cũng từ đây Cao Ly bắt đầu vào giai đoạn quan võ nắm thực quyền, Vua chỉ là bù nhìn.

Thời kỳ này kéo dài đúng một thế kỷ và sử Cao Ly gọi đây là thời kỳ “Vũ thần chính quyền”. Lý Nghĩa Phương nhận Trịnh Trọng Phu làm cha nuôi, thực quyền lọt vào tay hai cha con họ.

Lập nhiều công lớn, được phong Thượng tướng quân

Bấy giờ các quan văn tìm cách khởi binh, hình thành các lực lượng chống đối lại triều đình. Lý Nghĩa Mẫn là phụ tá thân cận của lão tướng Lý Trọng Phu, ông nhận lệnh cầm quân, nhiều lần đánh bại quân nổi dậy.

Một quan văn là Kim Phủ Đương khởi binh, cho người đón vua Nghị Tông nhằm phò giúp vị Vua này trở lại ngôi báu. Năm 1173 Lý Nghĩa Mẫn nhận lệnh cầm quân đi đánh, giành được chiến thắng và giết luôn cả Nghị Tông. Nhờ vậy Lý Nghĩa Mẫn được phong làm Đại tướng quân.

Quân của Binh bộ Thượng thư Triệu Vị Sủng dần lớn mạnh ở Tây Kinh (Bình Nhưỡng). Năm 1174, Lý Nghĩa Mẫn cầm quân và đánh bại được cuộc nổi dậy này. Sau chiến công đó ông được phong làm Thượng tướng quân.

Nội loạn không dứt

Sau một thời gian nắm quyền hành trong tay, Lý Nghĩa Phương lộng quyền và chẳng coi ai ra gì, khiến cả binh lính và dân chúng đều căm ghét. Trịnh Trọng Phu phải ra tay, cho con là Trịnh Quân (Jeong Gun) giết chết Lý Nghĩa Phương vào năm 1175.

Trong khi nội bộ Triều đình lủng củng thì năm 1178, Lý Nghĩa Mẫn được phong làm Tây bắc lộ binh mã sứ.

Năm 1179, một tướng trẻ là Khánh Đại Thăng (Gyeong Dae-seung) cầm đầu cuộc binh biến giết chết cha con Trịnh Trọng Phu, rồi lên nắm quyền.

Lý Nghĩa Mẫn là thuộc hạ của Trịnh Trọng Phu nên tỏ ra lo lắng, cho quân sĩ canh phòng nghiêm mật. Tuy nhiên Khánh Đại Thăng không vô cớ lạm sát, lại có những thay đổi và kế sách trị quốc hợp lòng dân và được lòng binh sĩ.

Lý Nghĩa Mẫn được cho giữ chức Hình bộ Thượng thư Thượng tướng quân trấn giữ phía bắc. Tuy nhiên ông vẫn quyết định cáo bệnh về quê.

Trở thành người có thực quyền lớn nhất, điều hành Cao Ly

Khánh Đại Thăng được lòng dân và binh lính, giúp Cao Ly ổn định và phát triển, uy danh vang khắp nơi. Tuy nhiên việc này khiến vua Minh Tông ngày càng ghen ghét. Vua nhiều lần mời Lý Nghĩa Mẫn đến giúp nhưng ông vẫn từ chối.

Năm 1183, Khánh Đại Thăng đột ngột qua đời. Dù thế vua Minh Tông cũng không thể lấy lại được quyền lực. Mặt khác, các võ tướng lợi dụng vua Minh Tông nhằm tranh đoạt lấy quyền lực. Vua lo lắng việc các võ tướng sẽ tiếp tục nổi loạn nên một lần nữa mời Lý Nghĩa Mẫn đến phò tá cho mình.

Lý Nghĩa Mẫn về lại Kinh thành và được phong làm Công bộ thượng thư. Cũng trong năm 1183 ông thăng lên làm Thủ ty không tả bộc xạ, giúp ổn định lại Kinh thành, trở thành người nắm mọi binh quyền.

Đến năm 1190 thì Lý Nghĩa Mẫn làm Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, nắm toàn bộ quyền hành, điều hành Cao Ly.

Suốt 13 năm từ 1183 đến 1196, Lý Nghĩa Mẫn có thể coi là người nắm thực quyền cao nhất tại Cao Ly.

Không được lòng người nên bị hại

Lý Nghĩa Mẫn tính tình nóng nảy nên gây nhiều thù oán với người khác. Gia đình ông cũng tìm cách vơ vét của cải, nên không được lòng dân. Người con lớn là Lý Chí Thuần vốn hiền lương, thường khuyên nhủ cha và các em đừng làm những việc mất lòng dân nhưng không được.

Năm 1196, một người con của Lý Nghĩa Mẫn là Lý Chí Vinh cướp bồ câu của Thôi Trung Túy. Tuy đây không phải chuyện lớn lắm, nhưng cha con Lý Nghĩa Mẫn nhiều lần làm việc mất lòng người, khiến Thôi Trung Túy tức giận đến gặp anh trai là tướng quân Thôi Trung Hiến bàn cách làm binh biến lật đổ cha con Lý Nghĩa Mẫn.

Một lần vua Minh Tông cho mời Lý Nghĩa Mẫn cùng đến chùa Phổ tế tự gần Tây Kinh (Bình Nhưỡng), nhưng ông cáo bệnh không đi rồi đến biệt phủ trên núi nghỉ ngơi. Chớp cơ hội, Thôi Trung Hiến cho người lên núi giết chết Lý Nghĩa Mẫn.

Thôi Trung Hiến truy bắt rồi đem giết 3 đời họ Lý, chỉ có người con gái là Lý Hiền Bật là được tha. Họ Lý Tinh Thiện đến đây tưởng như bị diệt, nhưng may mắn là người anh của Lý Nghĩa Mẫn cùng gia đình thoát được, nhờ đó mà dòng họ Lý Tinh Thiện vẫn còn cho đến nay.

Sử Cao Ly coi những vị tướng chấp chính thời “Vũ thần chính quyền” đều là phản nghịch, vì tự ý nắm hết quyền lực khiến Vua chỉ là bù nhìn. Chỉ có một ngoại lệ là tướng quân Khánh Đại Thăng, vì ông được lòng dân chúng và binh lính, giúp Cao Ly phát triển. Đoạn sử về Lý Nghĩa Mẫn được ghi chép trong Cao Ly sử quyển 128.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: