Nếu quan sát kĩ thì khoảng mấy chục năm lại đây ở Việt Nam có hiện tượng rất đáng chú ý, rất thú vị và cũng rất đáng lo gọi là “hội chứng bất tín đối với các nhà chuyên môn”.

Thông thường, trong các xã hội nông nghiệp truyền thống khi lượng thông tin mới được tạo ra chưa lớn và mọi hoạt động từ sinh hoạt tới sản xuất đều dựa vào kinh nghiệm thì những người nhiều kinh nghiệm hơn (thường là người già) sẽ được coi trọng.

Đến khi xã hội cận đại xuất hiện với sự mạnh lên của lý tính, khoa học đã lấn át chủ nghĩa kinh nghiệm và những nhà khoa học, các nhà chuyên môn dần dần có quyền uy vượt qua hoặc áp đảo các nhà kinh nghiệm.

Nhưng ở Việt Nam, các nhà khoa học dường như đang thua các nhà kinh nghiệm.

Trên báo và trên mạng xã hội người ta chửi các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học là “rởm”, “đểu”, “ăn hại”, “giấy” và ca ngợi những nông dân sáng chế ra các loại máy móc thậm chí cả… máy bay.

Ở khắp các diễn đàn người ta vỗ tay ca ngợi các ông bố, bà mẹ và những người học kiến thức y khoa qua mạng trong khi bác sĩ bị chỉ trích hoặc thậm chí ăn cả đòn trong thực tế.

Ngay trong lĩnh vực sử học và giáo dục lịch sử, lĩnh vực gần với chuyên môn của tôi nhất, tôi cũng thấy những người phát biểu to, nhiều, đanh thép nhất về các vấn đề sử học, giáo dục lịch sử lại là những người không được đào tạo về sử học và không có công trình sử học nào được công bố rộng rãi.

Những giáo viên được ca ngợi là giáo viên giỏi, có tiếng là “dạy sử” giỏi lại thường là các giáo viên luyện thi hoặc là những giáo viên “kể chuyện hay” hoặc là các giáo viên biết dùng ngôn ngữ tuổi teen, biết kể chuyên tiếu lâm, biết dùng hip-hop trong dạy học…

Thế là thế nào nhỉ?

Có lẽ có mấy giả thuyết đặt ra.

Một là giới chuyên môn của Việt Nam kém thật. Học chủ yếu để lấy bằng. Lấy bằng xong là coi như có đỉnh cao của sự nghiệp. Việc còn lại là làm sao cho thăng tiến và kiếm tiền.

Hai là người dân – đại chúng không có cơ hội tiếp cận với giới chuyên môn. Giới chuyên môn làm việc không phục vụ hoặc cung cấp dịch vụ cho đại chúng, không viết sách phục vụ đại chúng, không giao tiếp, nói chuyện với đại chúng vì đại chúng không mang lại vinh quang, tiền bạc…

Ba là xã hội Việt Nam vẫn là xã hội tiền công nghiệp, ở đó các nhà chuyên môn bị coi là “dị giáo” và các phương thức chinh phục thế giới, cải thiện đời sống thuần túy là chủ nghĩa kinh nghiệm, các phép phù thủy và cầu cúng.

Bốn là sự cộng hưởng của tất cả những các yếu tố trên.

Dân chúng không tin các nhà chuyên môn, coi thường các nhà chuyên môn (nhưng lại rất thích bằng cấp và địa vị của họ) trong khi giới có chuyên môn lại kênh kiệu coi đại chúng không thể hiểu nổi mình, là “dân trí thấp”.

Một nhà chuyên môn có thể cảm thấy vô cùng sung sướng khi nhận được lời khen từ một lãnh đạo hay một cái giấy khen. Nhưng có khi họ lại không thấy sướng lắm như vài trăm người dân được hưởng lợi từ nghiên cứu của họ.

Đấy là một đặc điểm rất… thú vị ở Việt Nam.

Cho nên sự xuất hiện như sao của các thầy thuốc kiểu thần y trên mạng, chuyên gia tư vấn sức khỏe qua internet, nhà sử học viết hàng nghìn câu thơ ca ngợi lịch sử dân tộc, nhà phù thủy có tài hô mưa gọi gió… là dễ hiểu.

Ở một góc độ khác, suy rộng ra hơn, hội chứng bất tín với chính nghĩa, bất tín với sống thiện cũng là một xu hướng dễ nhận thấy.

Sợ bị thiệt là một biểu hiện rõ nhất của hội chứng ấy.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: