Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Tại sao người Việt nghiện “học giỏi” (hay là khởi nguồn của bi hài kịch “học giỏi” nhưng sống tồi, làm việc kém của người Việt)?
Khi không hiểu hoặc không chắc về đích đến, người ta phải tìm cách tự động viên, an ủi mình lúc đi trên đường xa vạn dặm. Một trong những cách đó là lâu lâu đếm xem mình đã được đi bao nhiêu Km, mình đang ở cột mốc thứ bao nhiêu… Đếm nhiều, đếm lâu đâm… nghiện và quên mất luôn cả việc ban đầu là phải đến đích. Khi đó người ta chỉ quan tâm đến việc đi được bao nhiêu cây số thuần túy mà thôi.
Đích đến của giáo dục nằm ở triết lý, đấy là hình ảnh xã hội tương lai và con người mơ ước.
Khi không suy ngẫm kĩ về nó mà hối hả thì càng dẫn con người ta đi ra xa khỏi mục đích ban đầu của giáo dục.
Khi cảm giác đi mãi chưa đến nơi, người ta sợ cảm giác lạc đường nên phải đếm thành tích và đếm lâu thì đâm nghiện. Cơ quan quản lý nghiện, thầy cô giáo nghiện, phụ huynh nghiện, học sinh nghiện và rốt cuộc là cả xã hội nghiện thi, nghiện điểm, nghiện danh hiệu…
Vậy cai nghiện thế nào?
Sẽ không cai nghiện được nếu như tất cả những ai liên quan đến giáo dục không bình tĩnh ngồi xuống, khêu đèn lên mà nghĩ về mục đích của giáo dục và câu hỏi muôn đời không cũ:
“Vậy thì rốt cuộc những việc mà giáo dục làm sẽ đưa xã hội tương lai đến đâu?”
“Vậy thì cuối cùng, chúng ta muốn học sinh, con em mình thành người thế nào?”
Nếu chúng ta muốn có một xã hội chan hòa thân ái mà lại đẩy con cái, học sinh vào các cuộc đua khốc liệt đầy tính cạnh tranh và học vì điểm số thì chỉ là không tưởng. Con người sinh trưởng trong môi trường chỉ biết có cạnh tranh và chạy theo điểm số sẽ rất thiếu lòng bao dung và tinh thần hợp tác lúc trưởng thành. Mà để sống trong thời đại toàn cầu thì khoan dung, hợp tác là giá trị phổ quát.
Nếu chúng ta muốn có những con người sáng tạo mà lại thúc đẩy giáo dục biến thành khoa cử, trường học biến thành trung tâm luyện thi thì hi vọng đó là huyễn hoặc, là lừa người và tự lừa mình. Khoa cử là khuôn mẫu là đồng phục trong khi sáng tạo là cá biệt, là vượt ra khỏi thường thức, là luôn vươn đến cái mới.
Những học sinh được tập cho quen với việc tìm đáp án trong sách giáo khoa hay cặm cụi giải các đề thi sẽ không có được cảm hứng sáng tạo cháy bỏng và phản xạ giải quyết vấn đề.
Đó là lý do sau học và thi, các nhân tài học giỏi lặn không sủi tăm.
Nước Nhật chỉ 120 triệu dân, diện tích hơn 33 vạn km2, nghĩa là không hơn Việt Nam bao nhiêu nhưng nhờ cải cách giáo dục với triết lý giáo dục được luật hóa trong Luật giáo dục cơ bản, Luật giáo dục trường học một cách bài bản, họ đã vượt qua được bao nhiêu sóng gió của thời cuộc, của sự biến động của chính trị, của sự chao đảo dữ dội giữa Đông và Tây để có nước Nhật hiện đại như ngày nay.
Người Việt hay dùng giải Nobel để so sánh vậy hãy nhìn xem với dân số và diện tích như trên nhưng Nhật Bản đã có 20-25 người được nhận giải Nobel ở đủ mọi lĩnh vực (Ngoại trừ Nobel kinh tế).
Chỉ 15 năm sau cải cách giáo dục tính từ 1945, Nhật bước vào thời kì tăng trưởng cao độ và phổ cập tivi, tủ lạnh, máy giặt trong xã hội.
Giáo dục khi đúng hướng, đúng cách sẽ tạo ra sức mạnh ghê gớm vì nó giải phóng con người, giải phóng tiềm năng trong con người và tạo ra sức mạnh cộng hưởng từ những con người được giải phóng ấy.
Đấy là lý do, không ai được phép bàng quan với giáo dục.
Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa thói xấu người Việt thực trạng giáo dục Việt Nam Nguyễn Quốc Vương