Làng Lạc Đạo thuộc tổng Lạc Đạo, trấn Kinh Bắc xưa kia. Đây là làng quê văn vật, có truyền thống khoa bảng của xứ Kinh Bắc, như Phan Huy Chú đã có lời trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí: “Kinh Bắc đó là nơi có mạch núi cao vót, nhiều sông vòng quanh, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, Lạng Giang là đẹp hơn cả. Văn học thì phủ Từ Sơn, Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tốt tụ vào nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là hồn khí trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”.

Làng Lạc Đạo nay thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng yên. Tọa lạc ở nơi giáp ranh 3 vùng đất có bề dày văn hóa là Thăng Long – Kinh Bắc – xứ Đông. Lạc Đạo cũng xứng danh là vùng đất khoa bảng với 11 người đỗ đại khoa từ giữa thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 18.

Làng Lạc Đạo còn có tên khác là làng Đậu, có lẽ là lấy theo tên con sông Đậu chảy qua làng. Xưa làng có nhiều người hay chữ, vì hế mà có câu “Ghênh đẻ, Khe nuôi, Đậu dạy”: “Ghênh” là làng Thổ Lỗi xưa, nay là làng Như Quỳnh quê hương của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, nữ sĩ Ngọc Trong, mẫu thân chúa Trịnh Cương; “Khe” là làng Liễu Ngạn quê hương của nhà thơ tài hoa Nguyễn Gia Thiều; “Đậu” là tên khác của làng Lạc Đạo nhiều người hay chữ.

Xưa kia Lạc Đạo nổi tiếng với nghề nấu rượu, khoa bảng chưa hề có danh tiếng. Phải đến khoa thi năm 1547 thời Mạc Phúc Nguyên, làng mới có người đỗ khai khoa là Dương Phúc Tư, ông đỗ Trạng nguyên. Trước đó vì nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê nên Dương Phúc Tư không muốn đi thi, phải đến năm 1547 ông mới chịu đi thi khi đã 43 tuổi. Bài văn sách của ông được nhà Vua phê là “Điều đối thiết yếu, chân đại thủ bút, sĩ vị chân nho, xuất thế đạo hành” (có nghĩa là: điều đối thật là thiết yếu, đây là cây bút lớn, là vị chân nho, xuất thế đạo hành).

Đỗ Trạng nguyên, Dương Phúc Tư làm quan dần đến chức Binh bộ Thượng thư, được vua phong Tử Khanh Thiếu Bảo, Dương tướng công.

Thời kỳ này xảy ra chiến tranh liên miên giữa các phe phái, rriều thần lũng đoạn, “Vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi”. Vì thế Dương Phúc Tư quyết định từ quan về quê dạy học. Ông được xem là người thầy lỗi lạc, có nhiều trò giỏi đỗ cao trong đó có Phạm Trấn đỗ Trạng nguyên khoa thi năm 1556.

Làng khoa bảng Lạc Đạo cùng dòng họ Dương
Tượng thờ Trạng nguyên Dương Phúc Tư tại Lạc Đạo. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Con cháu họ Dương sau này có nhiều người đỗ đại khoa, tổng cộng họ Dương có 9 người đỗ đại khoa, vang danh cho làng Lạc Đạo. 9 người họ Dương gồm: Dương Phúc Tư, Dương Thuần, Dương Hoàng, Dương Khuông, Dương Hạo, Dương Lệ, Dương Công Thụ, Dương Khiêm, Dương Sử.

Dương Thuần lá cháu của Trạng nguyên Dương Phúc Tư, ông đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1628 thời Lê Trung Hưng, làm quan đến Giám sát cấp sự đô, sau thăng lên chức Tả thị lang bộ Lại, tước Nho Lâm bá.

Dương Hạo là cháu của Dương Thuần, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1640, làm quan trụ cột trong Triều, nhiều lần được cử đi giám sát các kỳ thi.

Dương Quán là cháu 6 đời của Trạng nguyên Dương Phúc Tư, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1718, làm quan đến Giám sát ngự sử.

Dương Công Thụ đỗ tiến sĩ năm 1731, làm đến chức Tả thị lang bộ Lại, khi mất được phong là Phúc thần, gia tặng là Văn ý Đoan chính, Thuận An Lạc Đạo đại vương. Hiện nay trên mộ của Dương Công Thụ vẫn còn tấm bia ghi lại công lao của ông, trong đó có đoạn: “Tiếng tăm tốt đẹp vang dội khắp nơi, là người thân tín trong phủ Chúa, được phân giúp đỡ Thế tử học tập trau dồi. Văn chương đạo đức đứng hàng đầu một thời. Nhà nghèo mà trách nhiệm thì nặng”.

Hai anh em Dương Sử và Dương Khiêm cùng đỗ khoa thi năm 1754. Dương Sử giữ chức Tự khanh Đông các đại học sĩ, là người học rộng văn tài nên đương thời có câu: “Dục tảo khoa danh cử, tất đãi Dương Sử công”

Theo ghi chép của họ Dương, thì dòng họ này có: 2 Quận công, 9 tước Hầu, 2 tước Nam, 9 tước Bá, 3 tước Tử, 3 Đại vương, 5 Thượng thư, 2 Thái phó, 1 Thiếu phó, 2 Thái bảo, 1 Thiếu bảo.

Họ Dương làng Lạc Đạo tôn Dương Phúc Tư là cụ thủy tổ. Nhà thờ của dòng họ có tấm hoành phi “Trạng nguyên từ” cùng nhiều câu đối hay, trong đó có câu đối ca ngợi cụ thủy tổ Dương Phúc Tư:

Tiên tổ Trạng nguyên, thanh thế công danh vang triều Mạc
Hậu sinh Tiến sĩ, lưu truyền khoa bảng hiển Dương gia.

Nhà thờ vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật như: Hoành phi, câu đối, các đồ thờ, các sắc phong, gia phả, bia đá,… đặc biệt là ngôi mộ cụ tổ của Trạng nguyên Dương Phúc Tư được dòng họ trông nom và xây dựng rất khang trang.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: